Trĩ là bệnh phổ biến trong số các bệnh về hậu môn – trực tràng. Do là bệnh lý ở khu vực “nhạy cảm” nên nhiều người có tâm lý e ngại đi khám, chỉ đến cơ sở y tế khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc nhận biết các triệu chứng của bệnh trĩ từ sớm là hết sức cần thiết. Vậy bệnh trĩ là gì? dấu hiệu bệnh trĩ ra sao, điều trị như thế nào cho hiệu quả? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ xuất hiện khi những đám rối tĩnh mạch ở trực tràng giãn ra, máu tĩnh mạch ứ đọng ngày càng nhiều khiến búi trĩ to dần và sa ra ngoài hậu môn. Căn cứ vào vị trí xuất hiện búi trĩ so với hậu môn, trĩ được chia thành hai loại: trĩ nội và trĩ ngoại.

  • Trĩ nội (búi trĩ nằm bên trong hậu môn): Khi đi đại tiện, búi trĩ có thể bị đẩy ra bên ngoài, chảy máu. Trĩ nội thường không đau nhưng những trường hợp búi trĩ bị sa ra ngoài hoàn toàn, khiến người bệnh đau đớn khó chịu.
  • Trĩ ngoại (búi trĩ nằm bên ngoài hậu môn): Búi trĩ xuất hiện ở phía dưới đường hậu môn trực tràng, rìa hậu môn. Trĩ ngoại thường không đau, nhưng với trường hợp trĩ tắc mạch (do hình thành các cục máu đông), sẽ tạo khối cứng chắc và gây cảm giác đau, khi khối vỡ ra làm xuất hiện tình trạng chảy máu ở búi trĩ.
trĩ nội ngoại
Trĩ nội và trĩ ngoại không khác nhau nhiều về biểu hiện bên ngoài (Nguồn: Internet).

Trĩ cũng có nhiều mức độ từ nhẹ tới nặng, dựa vào sự phân loại và tình trạng bệnh để bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý:

  • Độ 1: Búi trĩ vẫn nằm phía trong so với hậu môn.
  • Độ 2: Khi đại tiện, búi trĩ sa ra ngoài, đại tiện xong, búi trĩ tự co lại, thụt vào bên trong hậu môn.
  • Độ 3: Đại tiện hay hoạt động bình thường, búi trĩ vẫn có thể bị sa ra ngoài, phải để một thời gian lâu hoặc dùng tay đẩy nhẹ để búi trĩ thụt vào.
  • Độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn, không thể đẩy lại búi trĩ vào trong.
phân độ trĩ
Bệnh trĩ được chia thành 4 cấp độ bệnh khác nhau (Nguồn: Internet).

2. Dấu hiệu bệnh trĩ

Các triệu chứng của bệnh trĩ rất đặc trưng và dễ nhận biết. Việc lưu ý quan sát và nắm bắt các biểu hiện của bệnh trĩ giai đoạn đầu giúp cho việc điều trị dễ hơn rất nhiều so với giai đoạn nặng. Các triệu chứng bệnh trĩ nội hay trĩ ngoại tuy cũng có sự khác biệt nhưng không đáng kể, chủ yếu đều có các biểu hiện cơ bản sau đây:

  • Đại tiện ra máu: Xuất hiện ngay ở giai đoạn đầu của trĩ, lượng máu và số lần chảy máu tăng dần theo thời gian và độ nặng của bệnh. Bệnh nhân có thể thấy xuất hiện máu qua việc nhìn thấy vết máu dính trên giấy thấm vệ sinh, còn khi bệnh ở giai đoạn nặng hơn, máu có thể tự chảy ngay cả khi bệnh nhân không đi đại tiện.
  • Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn: Ở mức độ nhẹ, sau khi đi đại tiện, búi trĩ có thể tự co lại, nhưng khi bệnh nặng hơn, búi trĩ bị đẩy ra ngoài, dù dùng tay đẩy nhưng búi trĩ không tự thụt vào, gây vướng víu khó chịu, đau rát và rất dễ bị viêm nhiễm.
  • Cảm giác đau rát, khó chịu vùng hậu môn: sưng nhẹ quanh hậu môn, hậu môn xuất hiện dịch nhầy khó chịu, ngứa và kích ứng, đau rát hậu môn khi đi đại tiện và kéo dài suốt nhiều giờ. Ở giai đoạn đầu bệnh trĩ, cảm giác đau kéo dài khoảng vài giờ, và kéo dài hơn khi bệnh nặng thêm.

Khi thấy các dấu hiệu trên, người bệnh nên chủ động tới ở cơ sở y tế để kiểm tra, xác định giai đoạn bệnh của mình để nhanh chóng điều trị dứt điểm.

bệnh trĩ giai đoạn đầu
Dấu hiệu bệnh trĩ giai đầu không quá khó để nhận biết (Nguồn: Internet).

3. Nguyên nhân bệnh trĩ

Bệnh trĩ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, làm tăng áp lực trực tràng, chèn ép hệ tĩnh mạch hậu môn – trực tràng, làm cản trở lưu thông máu tĩnh mạch, khiến máu ứ đọng và dồn lại thành búi trĩ. Theo thời gian, lượng máu đọng nhiều hơn, búi trĩ to dần và sa ra ngoài. Các nguyên nhân gây bệnh trĩ thường gặp bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Ăn ít chất xơ, ăn ít rau củ quả, uống không đủ nước, ăn nhiều thực phẩm khô cứng, cay nóng, dùng nhiều chất kích thích: bia, rượu,…
  • Chế độ sinh hoạt: Chế độ sinh hoạt ngồi lâu một chỗ, ít vận động, phải ngồi nhiều, thói quen hay ngồi xổm,…
  • Phụ nữ mang thai và sau sinh: Thai nhi to lên gây chèn ép tới các cơ quan lân cận, chèn ép trực tràng gây táo bón. Ngoài ra, các mạch máu ở vùng hậu môn trực tràng do áp lực cũng giãn ra. Khi sinh nở người mẹ phải rặn rất mạnh là nguy cơ dẫn đến trĩ.
  • Táo bón mãn tính, mắc các bệnh về đường ruột.
  • Yếu tố di truyền: Bẩm sinh, cơ thể có những bất thường về cấu trúc tĩnh mạch và khả năng lưu thông máu kém,…
  • Tuổi tác: Ở độ tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh trĩ càng lớn. Bệnh thường gặp nhiều nhất ở độ tuổi trên 50, nam giới mắc nhiều hơn nữ giới.
  • Rặn quá mạnh khi đại tiện.
trĩ đi ngoài
Bệnh trĩ mang lại cảm giác khó chịu và bất tiện với người bệnh (Nguồn: Internet).

4. Cách chữa bệnh trĩ hiệu quả, nhanh chóng

Để điều trị dứt điểm bệnh trĩ ngay từ giai đoạn đầu, cần sớm loại bỏ các căn nguyên gây bệnh. Vốn là căn bệnh nhạy cảm và ngại đi thăm khám y tế, nên nhiều người thường tìm cách chữa bệnh trĩ tại nhà. Và một trong những cách thường được áp dụng và cũng đem lại hiệu quả tương đối tốt, nhất là khi bệnh còn nhẹ là điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống.

  • Người bệnh cần bổ sung nhiều chất xơ hơn trong khẩu phần ăn, uống đủ nước ngay cả khi cơ thể không cảm thấy khát, hạn chế các đồ ăn nhanh, chiên rán, cay nóng.
  • Thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi quá lâu một chỗ.

Với những trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát, trĩ có thể thuyên giảm và dần hồi phục thông qua chế độ ăn, sinh hoạt và dùng thuốc tại chỗ. Còn với các trường hợp nặng hơn, khi búi trĩ đã sa ra ngoài, cần có sự can thiệp của ngoại khoa. Cụ thể, có một số phương pháp điều trị như:

  • Dùng vòng để thắt búi trĩ: dùng vòng thắt vào gốc búi trĩ để ngăn cản máu đến búi trĩ, búi trĩ do không còn máu nuôi dưỡng sẽ tự đứt và vết thương sẽ sớm lành trong khoảng 1-2 tuần.
  • Tiêm xơ búi trĩ: thường chỉ áp dụng cho trĩ ở giai đoạn đầu khi búi trĩ chưa sa ra ngoài hậu môn.
  • Phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ: đây là phương pháp áp dụng được cả với trĩ nội và trĩ ngoại, dùng khi phương pháp thắt vòng cao su không đem lại hiệu quả, trĩ tắc mạch do hình thành cục máu đông,…

Sử dụng các can thiệp ngoại khoa cắt búi trĩ không đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể khỏi trĩ hoàn toàn và không bao giờ tái phát. Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh vẫn cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa trĩ xuất hiện trở lại.

phẫu thuật
Phẫu thuật cắt búi trĩ không có nghĩa là bệnh sẽ không tái phát trở lại (Nguồn: Internet).

5. Phòng bệnh trĩ thế nào?

Để hạn chế nguy cơ mắc trĩ, cần duy trì lối sống lành mạnh và chế độ sinh hoạt điều độ, hợp lý:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, ăn nhiều rau xanh, củ, quả, uống nhiều nước.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, hạn chế ngồi một chỗ, ngồi lâu.
  • Không nhịn đại tiện.
  • Không rặn quá mạnh khi đại tiện.
  • Bỏ thói quen ngồi lâu trong nhà vệ sinh, tranh thủ dùng điện thoại, đọc sách báo khi đi vệ sinh.
rau quả
Ăn nhiều rau quả để bổ sung chất xơ cho cơ thể (Nguồn: Internet).

Một số bài viết liên quan bạn có thể tham khảo:

Hi vọng với các bài viết trên, BlogAnChoi có thể cung cấp tới bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về bệnh trĩ cũng như cách nhận biết các triệu chứng của bệnh trĩ giai đoạn đầu để có cách điều trị và phòng tránh bệnh hiệu quả nhất.

Theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nữa nhé!

Xem thêm

Bệnh sùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

Sùi mào gà là một trong số những bệnh da liễu lây truyền qua đường tình dục thường gặp, nếu không điều trị sớm, bệnh tiến triển có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Vậy triệu chứng bệnh sùi mào gà là gì, dấu hiệu nhận biết ra sao và phòng tránh, chữa bệnh sùi mào gà như ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận