Hắc lào là bệnh ngoài da phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ lây lan sang vùng da lành và cả cho người khác. Nhanh chóng đọc kỹ cách chữa hắc lào của BlogAnChoi để mau hồi phục nhé!
Trước khi tìm hiểu về cách chữa hắc lào, chúng ta cần hiểu được bệnh hắc lào là gì, nhận biết ra sao và vì sao chúng ta lại bị nhiễm căn bệnh này.
Về mặt khoa học, hắc lào là bệnh ngoài ra do vi nấm gây nên. Đó là vi sinh vật thuộc nhóm dermatophytes với 2 dòng điển hình trychophyton và epidermophyton. Bệnh lây lan mạnh vào mùa hè do thời tiết nóng nực, cơ thể ra nhiều mồ hôi chính là điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển.
Bệnh lây từ người qua người ngay cả khi tiếp xúc thông thường như tiếp xúc da – da, mặc chung quần áo hay quan hệ tình dục với người bệnh. Ngoài ra cũng có trường hợp nhiễm bệnh từ gia súc.
Dấu hiệu mắc bệnh hắc lào không khó để nhận biết. Ban đầu, bằng mắt thường thấy được đám da đỏ hình tròn tựa đồng xu, có mụn nước nhỏ, ở giữa là đám vảy bong nhẹ, về sau vết đỏ to dần lên, lan ra xung quanh, nhiều đám liên kết với nhau thành mảng lớn. Vị trí tổn thương là những nơi có nếp gấp lớn như kẽ bẹn 2 bên, quanh thắt lưng, kẽ mông, nếp vú phụ nữ hay vùng kín.
Hắc lào không phải bệnh nguy hiểm, tuy nhiên ngứa ngáy gây nhiều khó chịu cho người bệnh và có thể để lại sẹo ảnh hưởng tới thẩm mĩ. Vì thế để chữa hắc lào hiệu quả cần tuân theo quy tắc điều trị.
Cách chữa hắc lào nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao
Điều trị hắc lào có nhiều cách và rất nhiều loại thuốc, chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể nhé.
Cách chữa bệnh hắc lào dân gian
Trong dân gian, người ta thường dùng lá ô môi, củ riềng, cây mồng trầu hay lá mướp đắng để chữa bệnh hắc lào.
- Lá ô môi: Lấy là ô môi tươi, đem rửa sạch, giã nát rồi sát vào vùng da bị tổn thương, hoặc có thể ngâm rượu trắng với lá ô môi để bôi trực tiếp.
- Củ riềng: Trong riềng có thành phần giúp chống viêm, kháng khuẩn. Bạn dùng vài củ riềng già, giã nát, ngâm với rượu nguyên chất rồi bôi lên vùng da tổn thương để điều trị.
- Cây mồng trầu: Bạn sử dụng khoảng 100g lá mồng trầu, thêm vào 1 muỗng muối, trộn đều lên rồi đắp trực tiếp vào vùng da tổn thương sẽ thấy dễ chịu hơn.
- Lá mướp đắng: Lá mướp đắng khá dễ kiếm. Bạn rửa sách, trộn với muối và đắp lên da tương tự như với cây mồng trầu.
Đây là những cách làm đơn giản dựa theo kinh nghiệm cha ông để lại, tuy nhiên hiệu quả bao nhiêu và mức độ an toàn vẫn chưa được chứng minh với bằng chứng cụ thể. Khi sử dụng các phương pháp này, nếu lây sang vùng da non hay bìu rất dễ khiến hắc lào lan ra vị trí đó.
Cách điều trị hắc lào hiệu quả bằng thuốc tây
Thuốc cổ điển để điều trị bệnh hắc lào hay dùng nhất là dung dịch cồn BSI ( acid salicylic, iod và acid bezoic), dung dịch ASA, atimycose. Những thuốc này có tác dụng tốt, tuy nhiên tác dụng không mong muốn là gây đau rát, lột da nhiều, dễ để lại sẹo lớn.
Để khắc phục nhược điểm này, hiện nay các bác sĩ dược sĩ thường sử dụng thuốc dùng tại chỗ (dạng kem bôi) cho người bệnh. Đa số trong đó là dẫn xuất của imidazole, điển hình như Ketoconazole (Nizoral), Miconazol, Econazol.
Các thuốc này không màu, mùi thơm, không gây lột da nhiều và tránh để lại sẹo làm mất thẩm mĩ. Tuy nhiên, trên một số đối tượng cụ thể, thuốc gây dị ứng nhẹ nhưng sẽ khỏi hẳn khi ngừng sử dụng thuốc.
Điều trị trong trường hợp hắc lào tái phát nhiều lần
Trong trường hợp bệnh hắc lào tái phát nhiều lần hay tổn thương trên diện rộng, nhiều vị trí. Ngoài thuốc bôi thông thường kể trên, bác sĩ cần kê thêm các loại thuốc điều trị toàn thân dùng đường uống như Ketoconazole (Nizoral), Itraconazole (Sporal), Fluconazole, Griseofulvin.
Với những thuốc chống nấm toàn thân, người bệnh cần đặc biệt chú ý vì thuốc có nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Khi sử dụng kết hợp thuốc với loại thuốc khác có thể gây biến chứng. Thuốc hạn chế sử dụng với người bị bệnh mãn tính như suy gan, suy thận.
Cách phòng tránh bệnh hắc lào
Nguyên nhân việc tái phát lại của bệnh hắc lào là do dùng thuốc không đúng chỉ định hoặc chưa diệt hoàn toàn nguồn lây nhiễm. Người bệnh cần chú ý các quy tắc sau trong quá trình trước, trong và sau khi lây nhiễm hắc lào.
- Tuân thủ quy tắc điều trị: Điều trị liên tục, ngày bôi 2-3 lần tới khi lành hẳn, tiếp tục bôi 2-3 tuần nữa để phòng nguy cơ tái phát. Nếu quá 4 tuần không khỏi cần tái khám.
- Diệt nấm ở các dụng cụ cá nhân sau khi khỏi: Chỉ cần luộc đồ dùng (quần áo, chăn màn) khoảng 15 phút với nước sôi 100 độ C, rắc bột chống nấm hoặc iod 2% là được.
- Với người chưa mắc bệnh: Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh. Sử dụng bao cao su khi quan hệ với người có nguy cơ. Giữ cơ thể khô ráo, sạch sẽ. Bạn có thể tìm mua bao cao su chất lượng, an toàn tại đây.
Một số bài viết về các bệnh lây nhiễm thường gặp bạn nên chú ý:
- Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ nhỏ và cách điều trị hiệu quả
- Triệu chứng quai bị cần nhận biết sớm để tránh biến chứng khôn lường
- 7 cách phòng tránh mắc bệnh mùa mưa cực kỳ hiệu quả
Trên đây là các cách chữa bệnh hắc lào nhanh chóng, hiệu quả và phương pháp phòng bệnh. BlogAnChoi hi vọng bài viết sẽ hữu ích để giúp độc giả chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Đứng quên thường xuyên ghé chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé!