Sự thay đổi của không gian không chỉ được cảm nhận bằng đôi mắt. Đó là khi ta chẳng cầm được lòng mà gửi đi một tin nhắn cho người đang nơi xa, mượn khoảnh khắc giao mùa dường như chỉ là vu vơ nhưng lại là cố tình nhiều lắm:
“Mau về đi thôi, tháng 4 đến rồi.”
Chào tạm biệt tháng 3
Tờ lịch cuối cùng của tháng 3 đã được xé xuống, đã bước sang tháng 4.
Tôi tự hỏi lòng mình: “Vì sao trong những khoảnh khắc chuyển giao, lòng mình lại luôn dâng lên một cảm xúc bâng khuâng, thổn thức?”
Và hôm nay là một ngày như thế. Một ngày chuyển giao giữa tháng mới, tháng cũ. Một ngày ngân lên khúc giao mùa.
Không cần phải sống chậm lại mới nhận ra không gian xung quanh ta đang thay áo mới. Không cần trồng cả một vườn cây để nhận ra những mầm xanh đang thức dậy sau quãng thời gian ngủ vùi trong mùa đông lạnh giá. Thiên nhiên cứ bừng sáng lên mạnh mẽ như thế, như thể đánh thức mọi giác quan của con người.
Sự thay đổi của không gian không chỉ được cảm nhận bằng đôi mắt. Đó là khi ta chẳng cầm được lòng mà gửi đi một tin nhắn cho người đang nơi xa, mượn khoảnh khắc giao mùa dường như chỉ là vu vơ nhưng lại là cố tình nhiều lắm:
“Mau về đi thôi, tháng 4 đến rồi.”
Bâng khuâng trong khắc giao mùa
Mùa nào thức nấy, đó cũng là một món quà kì diệu của thiên nhiên. Khi khúc giao mùa tháng 4 được ngân lên, cũng là lúc những trái hồng xiêm vào độ thơm ngọt nồng nàn nhất. Dù chẳng phải người con gốc Xuân Đỉnh, nhưng những trái hồng xiêm ngọt lịm, thơm nồng đã in sâu vào kí ức tuổi thơ tôi. Tuổi thơ tôi không có kí ức của những buổi học mẫu giáo như chúng bạn, tôi chỉ có những tháng ngày chạy chơi bêu nắng từ sáng đến chiều ở khoảng sân nhà nơi quê ngoại.
Tôi nhớ, ngày đó tôi thích nhất là được cùng bà đi chợ sáng. Tối nào trước khi đi ngủ tôi cũng dặn bà sáng hôm sau phải gọi tôi dậy để đi chợ cùng bà. Thứ cuốn hút tôi trong mỗi buổi chợ sáng chính là những sạp hoa quả. Trong mắt đứa trẻ con là tôi, những sạp hoa quả đầy màu sắc bắt mắt là một trong những bài học đầu tiên tôi được học. Bà dạy tôi về tên các loại quả, bà dạy tôi phân biệt các màu sắc cũng chính từ những quả xoài vàng ươm, quả nhót đỏ au hay những quả bưởi, quả cam mọng nước. Và những trái hồng xiêm mang màu nâu của đất đai, vườn tược được bà gọi là “quả quê”.
Bà kể rằng, ngày xưa ở vườn cây sau nhà, cụ ngoại tôi có trồng một cây hồng xiêm to lắm. Cứ mỗi độ vào mùa, những cành cây lại trĩu nặng quả. Dù không phải là giống hồng xiêm Xuân Đỉnh nức tiếng, nhưng trái hồng xiêm nhà tôi cũng thơm ngọt đậm đà. Ngay từ ngày nhỏ, bà ngoại tôi cũng đã theo cụ tôi vác mẹt hồng xiêm ra chợ bán. Có thể nói, cây hồng xiêm sau nhà đã cùng bà tôi lớn dần theo năm tháng. Nhưng tiếc rằng, vì bom đạn chiến tranh, cây hồng xiêm trĩu quả năm nào nay chỉ còn trong kí ức của bà ngoại.
Cứ mỗi lần đến mùa hồng xiêm, bà hay kể cho tôi nghe về những kỉ niệm xưa ấy. Khi dần lớn lên, tôi hiểu rằng đó có lẽ là một phần quãng đời đẹp nhất của bà. Cũng như tôi bây giờ, mỗi khi thấy những trái hồng xiêm, trong tôi lại dâng lên nỗi nhớ bà và những tháng ngày tuổi thơ được quấn quýt theo chân bà mỗi buổi chợ sáng.
Nếu hỏi tôi, mùa nào Hà Nội đẹp nhất? Tôi sẽ chẳng trả lời là mùa thu. Đối với tôi, khoảnh khắc đẹp nhất, khoảng thời gian đẹp nhất chính là khắc giao mùa. Bởi trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, vẻ đẹp của đất trời chỉ có thể được cảm nhận rõ nhất từ những rung cảm từ con tim.
Hà Nội, khúc giao mùa tháng 4.