Thiên nhiên luôn chứa đựng những điều kỳ thú và độc đáo, vì vậy đâu đó trên thế giới bạn sẽ bắt gặp những cảnh quan tự nhiên kỳ lạ không giống như những cảnh quan điển hình khác. Đó là những nơi đó có đặc điểm khác biệt gây ngạc nhiên và thu hút trí tò mò của con người, và đôi khi còn đem đến những mối nguy hiểm chết người nữa. Dưới đây là 10 địa danh nơi mẹ thiên nhiên đã đùa nghịch và tạo ra những cảnh vật gây bối rối cho con người.
Thor’s Well – Hoa Kỳ
Thor’s Well là một kiến trúc tự nhiên nằm ngoài khơi bang Oregon và thường được nhắc đến như là “cánh cổng xuống địa ngục” vì nó có hình dạng như một cái giếng sâu hút nuốt chửng tất cả những gì đến gần. Mặc dù đây là địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhưng người dân địa phương thường cảnh báo du khách không được đến quá gần.
Sự hung dữ của dòng nước chảy xuống miệng hố sẽ có thể khiến bạn mất mạng do lực nước đổ xuống quá lớn, làm bật nảy lại dòng nước lên đến 10m. Nếu bạn bị hất văng lên và đáp xuống những mỏm đá cứng lởm chởm xung quanh, cơ hội được cấp cứu của bạn rất mong manh.
Hồ khí Metan – Canada
Mắc kẹt dưới đáy sâu của hồ Abraham ở Alberta, Canada là hàng ngàn bóng khí Metan bị đóng băng tạo ra một cảnh tượng đẹp đến choáng ngợp. Sự hình thành những bóng khí này là do những cơ thể hữu cơ đã chết rơi xuống hồ như lá cây, động vật bị vi khuẩn dưới đáy hồ phân hủy.
Quá trình này tạo ra những bóng khí Metan khổng lồ nổi lên trên mặt hồ nhưng lại bị kẹt lại trong lớp băng trên đó. Vẻ đẹp kì diệu bên ngoài của chúng giấu đi sự nguy hiểm chết người bên trong bởi vì khí Metan rất dễ cháy và gây ra lực sát thương rất lớn nếu một ngày nào đó những bóng khí này bị vỡ.
Thác máu – Nam cực
Thoạt nhìn trông cảnh tượng của địa danh này như phim trường của một bộ phim kinh dị Hollywood nhưng đây hoàn toàn là một hiện tượng tự nhiên cực kỳ thú vị. Khoảng hai triệu năm về trước, sự chuyển động của những tảng băng lớn giữ lại một lượng nước nhất định, lượng nước đó cũng thu giữ các loài vi sinh vật cổ đại sinh sống trong đó mà không có ánh sáng, khí Oxy và rất ít nhiệt.
Qua thời gian nồng độ muối và sắt cao đã biến lượng nước chứa vi khuẩn này có màu đỏ như máu, hiện giờ chúng đang rò rỉ ở ngoài rìa của tảng băng và trông như nó đang bị chảy máu từ bên trong vậy. Thác máu cho chúng ta biết thêm sự thật thú vị rằng dù với bất kì điều kiện nào, dù khắc nghiệt đến đâu, sự sống vẫn có thể tìm được con đường tồn tại.
Hồ Champagne – New Zealand
Hình thành vào khoảng 900 năm trước sau một vụ phun trào thủy nhiệt, hồ Champagne ở Waiotapu, New Zealand hình thành một lớp khí Carbon Diocide nổi bong bóng lên trên mặt hồ, giống như ly rượu vang đang nổi bọt vậy. Hồ Champagne có đặc điểm đặc trưng là lớp váng màu cam bám xung quanh rìa hồ, đó là do sự pha trộn giữa các khoáng vật Thư hoàng màu vàng và khoáng vật Hùng hoàng màu đỏ.
Mặc dù rất đẹp và hấp dẫn, người ta không thể tắm ở hồ này vì độ nguy hiểm của nó. Với nhiệt độ lòng hồ lên đến 75 độ C và những khí thải độc hại liên tục bốc hơi, điều này dễ dàng lấy đi sinh mạng của con người khi chúng ta đứng gần nó.
Con mắt của Sahara – Sahara
Sâu bên trong trung tâm của sa mạc Sahara tồn tại một cảnh quan được gọi là “Kiến trúc Kichat” hoặc “Con mắt của Sahara”. Cảnh quan hùng vĩ có hình dáng cuộn tròn này có đường kính ấn tượng lên đến 48km và có thể nhìn thấy được từ vũ trụ. Thực tế các phi hành gia thường sử dụng cảnh quan này làm điểm mốc định hướng trên không gian.
Kiến trúc này được tin rằng nó được tạo ra bởi một vụ va chạm thiên thạch, nhưng hiện nay có giả thuyết cho rằng đây là địa điểm khảo cổ của một dạng kiến trúc địa chất kiểu mái vòm đã bị xói mòn và đổ sụp.
Hồ Hillier – Australia
Ở phía Tây Bắc của Australia tồn tại một kì quan thiên nhiên kỳ lạ và ấn tượng là hồ Hillier, dễ nhận thấy bởi màu hồng bất thường của nước hồ. Hồ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1802 bởi các nhà thám hiểm châu Âu và có chiều dài khoảng 600m. Nếu lấy nước hồ và đem chứa ở chỗ khác, nó vẫn giữ nguyên màu sắc kì lạ, chứng tỏ màu sắc của nước hồ không do các nguyên nhân ô nhiễm từ bên ngoài. Các nhà khoa học chứng minh có sự tồn tại của một loài tảo ưu muối gọi là Dunaliella và một vi sinh vật màu hồng gọi là Halobacterium, cả hai đều góp phần tạo nên tông màu nổi bật của hồ.
Great Blue Hole – Belize
Được xem là địa điểm tốt nhất để thám hiểm đại dương trên Trái Đất, Great Blue Hole là một hố dưới mặt nước sụp độc đáo và có hình dạng gần như tròn hoàn hảo. Nằm ngoài khơi Belize khoảng 70km, Great Blue Hole là hố sụp lớn nhất trong các địa điểm cùng loại từng được phát hiện. Hố có chiều rộng 300m và chiều sâu 124m, gấp 3 lần chiều sâu trung bình hoạt động lặn du lịch được phép thực hiện. Các thợ lặn du lịch bị địa điểm này thu hút bởi làn nước trong vắt như pha lê và hệ sinh thái đa dạng với các loài động vật thú vị.
Đảo Vaadhoo – Maldives
Đảo Vaadhoo của Maldives nổi tiếng vì một hiện tượng thiên nhiên kỳ bí rất ấn tượng “Sea of star” xuất hiện khi cơn sóng vỗ vào bờ biển vào ban đêm dưới ánh trăng. Chúng trông như đang lấp lánh và tỏa sáng lung linh như hàng trăm ánh sao dưới mặt nước. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Hardvard đã xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do sự hiện diện của một loài sinh vật biển siêu vi gọi là Dinoflagellates. Chúng chứa trong mình những kênh đặc biệt phản ứng với những tín hiệu điện từ, khiến chúng tự phát sáng.
Hierve El Agua – Mexico
Hierve El Agua là một cảnh quan ấn tượng của một dạng đá trông như thác gỗ hóa đá, tuôn chảy bên sườn một vách núi cao 50m. Cảnh quan này ở vùng Oaxaca, Mexico được hình thành bởi những dòng chảy nhỏ giọt của nước làm xói mòn để lại những chất khoáng vật dần dần bồi đắp thành một “cái thác” hùng vĩ qua hàng ngàn năm.
Quá trình này cũng tương tự như sự hình thành thạch nhũ trong các hang động. Hiện tại Hierve El Agua là một trong những địa danh thu hút khách du lịch nhất ở Mexico và họ thường tập trung tắm ở các hồ nước tự nhiên xung quanh sườn núi đá.
“Cánh cổng địa ngục” – Turkmenistan
“Cánh cổng địa ngục” còn được biết đến với tên gọi “Hố lửa” là một hố ga tự nhiên nằm ở vùng Derweze, Turkmenistan đã hoạt động liên tục không nghỉ đến khó tin trong 45 năm. Có đường kính 69m và chiều sâu 30m, miệng hố này xuất hiện vào năm 1971 khi các kĩ sư người Nga khoan xuống để tìm dầu mỏ và đã vô tình làm mặt đất sụp xuống.
Để ngăn ngừa các khí thải độc hại có thể rò rỉ, các nhà khoa học Nga quyết định đốt miệng hố ga, hy vọng nó sẽ cháy hết trong 7 ngày. Tuy nhiên, điều này vô tình làm cái hố luôn trong tình trạng cháy âm ỉ suốt thời gian qua và không ai biết khi nào nó sẽ kết thúc.