Khi một ngôi làng nhỏ và yên bình bỗng chốc bị phá vỡ bởi những cái chết hàng loạt. Người ta phát hiện ra Zsuzsanna Fazekas, thủ lĩnh tự xưng cầm đầu nhóm phụ nữ hạ độc hơn 300 người, nghiễm nhiên trở thành nỗi ác mộng của cánh đàn ông thời bấy giờ.

Ở miền trung Hungary có một ngôi làng tên là Nagyrév. Là một thị trấn nông nghiệp ở phía đông nam Budapest với khoảng 800 dân cư thưa thớt, Nagyrév giống như nhiều ngôi làng nhỏ khác ở Hungary vào đầu những năm 1900, là một nơi yên tĩnh và không phô trương. Người dân nơi đây sống hòa thuận và gắn kết với nhau dù vật chất nơi đây không quá trù phú. Dù vậy, họ vẫn thiếu một bác sĩ nội trú. Đối với những người bị bệnh hoặc đang rất cần được tư vấn y tế, họ hầu như không có quá nhiều lựa chọn về y tế.

Điều đó đã thay đổi vào năm 1911 khi một phụ nữ tên là Zsuzsanna Fazekas đến thị trấn. Trong vòng 15 năm, bà ta trở thành một trong những người phụ nữ khét tiếng nhất châu Âu, thủ lĩnh tự phong của một nhóm phụ nữ khoảng 50 người bị buộc tội giết hại gần ba trăm người bằng cách đầu độc. Họ được biết đến với cái tên The Angel Makers of NagyrévThiên Thần Nhân Tạo của làng Nagyrév, ý chỉ những kẻ sát nhân “tiễn” người sống về với thiên đàng.

Zsuzsanna Fazekas – Ả đàn bà máu lạnh

Zsuzsanna Fazekas, trong một số tài liệu họ gọi ả là Julius Fazekas, thực chất Julius là tên người chồng của ả. Ả đã kết hôn, nhưng Julius đã mất tích trong một hoàn cảnh khó hiểu.

Zsuzsanna Fazekas đến làng Nagyrév vào năm 1911. Ả ta lúc bấy giờ là một nữ hộ sinh với xuất thân không rõ ràng, không ai biết ả từ đâu tới. Mang theo một bức thư giới thiệu từ các bác sĩ, nội dung thư chỉ toàn ca ngợi về phẩm chất tốt đẹp và khả năng điều dưỡng của ả. Câu hỏi về danh tính thực sự cũng như quá khứ của ả vẫn là một bí ẩn cho đến ngày nay.

Chân dung được cho là của Zsuzsanna Fazekas (Ảnh: Internet)
Chân dung được cho là của Zsuzsanna Fazekas. (Ảnh: Internet)

Nagyrév là một làng nông nghiệp ở Hungary, cách Budapest khoảng 60 dặm về phía đông nam. Thị trấn gần nhất là Tiszakurt, trên bờ sông Tiszaltiver. Giống như nhiều ngôi làng khác nằm rải rác trên đồng bằng Danubian, Nagyrév nhỏ và ít người biết đến. Có một quán rượu, một nhà thờ lớn trống trải và một vài con đường sình lầy với những ngôi nhà tranh một tầng.

Không hề có bất kỳ bác sĩ nội trú hoặc bệnh viện nào ở Nagyrév. Fazekas, với kỹ năng y tế cơ bản và chuyên môn hộ sinh, đã trở thành nguồn trợ giúp y tế duy nhất trong làng. Fazekas nhận nhiệm vụ chăm sóc người bệnh và người tàn tật ở vùng sâu vùng xa này. Những người phụ nữ đến Fazekas trước hết vì vấn đề sức khỏe và sau đó là vấn đề gia đình. Thời gian trôi qua, họ ngày càng tin tưởng vào lời khuyên của ả. Fazekas chỉ mới ở trong làng được ba năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, ả đã nổi tiếng với việc trở thành người điều hành các ca phá thai.

Những người phụ nữ ở Nagyrév

Vào đầu những năm 1900 trong xã hội Hungary, các cuộc hôn nhân đều được sắp đặt. Cha mẹ chọn chồng cho những đứa con gái chỉ mới bước vào tuổi dậy thì của họ. Đôi khi, những người chồng già hơn vợ rất nhiều. Phụ nữ không được phép chọn người hôn phối, ngay cả khi người đàn ông nghiện rượu hoặc ngược đãi cô ấy. Ly hôn là điều cấm kỵ.

Những cuộc hôn nhân như thế này, tình yêu là một thứ gì đó xa xỉ. Nghèo đói và khó khăn cùng cực trong Chiến tranh thế giới thứ nhất càng làm xói mòn bất cứ thứ tình cảm nào nảy sinh trong quá trình chung sống của các cặp đôi trong những mối quan hệ bị trói buộc này.

Cuộc sống thật khó khăn ở ngôi làng nghèo Nagyrév. Nghèo đói tràn lan đến mức trẻ sơ sinh bị coi là gánh nặng. Các gia đình chỉ đơn giản là không đủ khả năng cho thêm bất kỳ một miệng ăn nào khác. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra, khó khăn chồng chất khó khăn. Những người đàn ông có thân hình cường tráng đã được gửi đi chiến đấu tại mặt trận Áo-Hungary. Chỉ còn lại phụ nữ làm ruộng.

Nagyrév trở thành trại giam giữ tù nhân chiến tranh của quân Đồng minh vì vị trí xa xôi của nó. Các tù nhân chiến tranh của Nga bị bắt làm việc trong các trang trại. Khi địa phương vắng bóng đàn ông, phụ nữ trong làng bắt đầu có những cuộc tình lãng mạn với những chàng trai trẻ này. Phụ nữ lấy ba đến bốn người tình cùng một lúc.

Một số thành viên trong nhóm Angel Makers of Nagyrev (Ảnh: Internet)
Một số thành viên trong nhóm Angel Makers of Nagyrev. (Ảnh: Internet)

Nhiều cuộc ngoại tình này đã dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn. Nhiều người phụ nữ bắt đầu tìm đến Fazekas để được giúp đỡ. Chẳng bao lâu, ngày càng có nhiều đường dây phá thai bí mật ở nhà Fazekas.

Theo ghi chép, Fazekas bị bắt ít nhất 10 lần từ năm 1911 đến năm 1921 vì thực hiện phá thai bất hợp pháp. Nhưng mỗi lần như vậy, ả sẽ được tuyên bố trắng án và được thả ra bởi các thẩm phán thông cảm. Không có gì phải nghi ngờ vì ả ta là người điều dưỡng y tế duy nhất trong làng.

Sự trở lại của những người đàn ông Nagyrév

Khi những người đàn ông mệt mỏi vì chiến tranh trở về Nagyrév từ những chiến trường đẫm máu, đó là một tin tức không mấy vui vẻ cho cả hai vợ chồng.

Những người đàn ông quay trở lại làng, bị thương và tàn tật. Họ bị vợ ghẻ lạnh bởi những năm tháng xa cách và những điều khủng khiếp mà họ đã chứng kiến trên mặt trận.

Mặt khác, những người phụ nữ đã học được cách sống mà không có chồng bên cạnh. Những cuộc tình lãng mạn của họ với các tù binh đã nhắc nhở họ rằng họ là những người phụ nữ có cuộc sống của riêng mình. Họ không phải dành phần đời còn lại của mình để ràng buộc với người chồng say xỉn, bạo lực hoặc tàn tật. Họ phẫn nộ vì bị mất độc lập và tự do tình dục. Từng người một, họ tìm đến Fazekas để trút bỏ sự bất mãn với chồng mình.

Tại sao phải chịu đựng bọn họ?” – Fazekas được cho là đã nói với những người phụ nữ sau khi nghe họ giải bày “Tôi có cách này.

Giải pháp mà ả nghĩ ra chính là asen (thạch tín), được đun sôi từ giấy bẫy ruồi ngâm trong nước.

Sự khởi đầu của những vụ giết người

Cái chết đầu tiên lặng lẽ bắt đầu. Fazekas đã tặng lọ thạch tín đầu tiên của mình cho một phụ nữ trong làng tên là Bà Takacs.

Bà Takacs đã lãnh đủ chuyện với người chồng vũ phu và nghiện rượu của mình. Bà bỏ thạch tín vào bữa ăn của chồng và chờ đợi. Hệt như kế hoạch đã bày ra, chồng bà ta “thuận lợi” qua đời. Mọi người đều cho rằng đó là một cơn đau tim.

Tin đồn về vụ giết người bí mật lan truyền giữa những người vợ khác. Phụ nữ bắt đầu tìm đến Fazekas để lấy chất arsen giúp họ thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Fazekas bắt đầu bán những chai chất độc để kiếm tiền.

Giá khác nhau tùy người. Fazekas đã bán asen với bất kỳ giá nào mà người mua có thể trả. Ả ta không bao giờ nói cho ai biết nơi nấu thuốc độc ở đâu. Ả đảm bảo với người mua rằng asen không thể khám nghiệm được.

Chẳng bao lâu, những người đàn ông khỏe mạnh quanh làng bắt đầu chết như ruồi. Tỷ lệ tử vong cao đến mức những người mê tín bắt đầu rỉ tai nhau một cách bất an về thuật phù thủy và linh hồn ma quỷ. Có thời điểm, có tới năm mươi phụ nữ đầu độc chồng mình cùng một lúc.

Những người phụ nữ này tự gọi mình là “Thiên thần nhân tạo của làng Nagyrév”.

Tuy nhiên, cái chết bí ẩn đầu tiên làm rúng động ngôi làng yên bình là của một người phụ nữ khác, một bà đỡ trong làng, cũng là một người mà Fazekas xem như đối thủ của mình. Câu chuyện kể rằng khi Fazekas trở thành người yêu của anh trai bà đỡ đó, thì bỗng nhiên một ngày sau, bà đỡ này qua đời. Con trai của bà đỡ khăng khăng khẳng định rằng Fazekas chính là hung thủ. Tuy nhiên, vì không có bằng chứng nên anh ta đã cố gắng bắn chết Fazekas nhưng bị trượt, anh phải nhận bản án tù dài hạn.

Thiên Thần Nhân Tạo của làng Nagyrév

Có những quy tắc bất thành văn giữa các “Angel Makers of Nagyrév” trong những ngày sáng lập của họ: Chỉ những phụ nữ đã kết hôn mới có thể tham gia vào hàng ngũ của họ.

Nhóm Thiên thần nhân tạo sẽ không giúp những người phụ nữ chưa chồng đầu độc người yêu của họ. Họ cũng sẽ không giúp những người đàn ông muốn giết vợ. Ở đây, việc đầu độc trẻ em và phụ nữ hoàn toàn bị cấm. Những người phụ nữ chưa chồng hoặc phụ nữ đã kết hôn nhưng cuộc hôn nhân hạnh phúc cũng không được tìm đến dịch vụ giết chồng, không được kể về các hoạt động tàn nhẫn của tổ chức này.

Chân dung một hung thủ (Ảnh: Internet)
Chân dung một hung thủ. (Ảnh: Internet)

Số người chết ngày càng nhiều khi nhiều người vợ tìm đến các dịch vụ của Fazekas. Sau một thời gian, số lượng các cuộc hôn nhân ở vùng lân cận giảm mạnh. Đàn ông trở nên sợ hãi hôn nhân. Có vẻ như hôn nhân giống như một bản án tử hình.

Để tránh bị nhà chức trách nghi ngờ, Fazekas đã móc nối với một đồng phạm, một phụ nữ tên là Susi Oláh. Oláh đã đầu độc người chồng lớn hơn nhiều tuổi của mình khi cô ta chỉ mới 18 tuổi (theo nhiều nguồn tin, ả cũng giết cả người chồng thứ hai của mình).

Con rể của Oláh là nhân viên điều tra duy nhất của làng. Tất cả các giấy chứng tử đều do anh ta ký. Những cái chết bí ẩn được viết tắt là đau tim, chết đuối (nạn nhân bị tẩm độc ném xuống sông), bệnh tật và nghiện rượu. Không có bác sĩ y khoa chứng thực, các bác sĩ ở vùng lân cận được trả lương quá ít nên họ cũng không mấy để tâm. Không ai biết tội ác ngầm thực sự của Nagyrév, hoặc là biết nhưng chỉ có thể làm ngơ.

Khi tội ác vượt tầm kiểm soát

Đầu độc đã trở thành một thứ mốt nhất thời.

Các góa phụ bắt đầu giết người bừa bãi vì lòng tham, sự tiện lợi và buồn chán, phớt lờ tôn chỉ ban đầu của Angel Makers. Chán người yêu, mệt mỏi vì chờ cái chết của cha mẹ già để hưởng tài sản, người họ hàng phiền phức, con cái trở thành gánh nặng, người tàn tật trong gia đình,… Tất cả những lý do tưởng chừng vô hại nhưng đều có thể trở thành cái đích để giết người.

Như ả Palinka, ban đầu ả chỉ muốn giết người chồng của mình. Nhưng chất độc và sự tham lam trong chính con người ả biến ả trở thành một tên sát nhân không gớm tay, khi ả liên tục ra tay tàn sát bố mẹ, hai anh trai, chị dâu và người dì ruột của ả. Chỉ có làm như vậy, thì ngôi nhà và hai mẫu đất mới có thể thuộc về ả một cách trọn vẹn.

Palinka thực hiện các vụ giết người một cách tinh tế. Ả ta sẽ cho nạn nhân một liều thuốc độc nhỏ vừa đủ để khiến nạn nhân bị chuột rút. Để chữa trị căn bệnh “chuột rút”, Palinka sẽ chạy ra thị trấn và trở về với một lọ thuốc đắt tiền. Ả ta sẽ chia nhỏ từng liều thuốc cho nạn nhân mỗi ngày đến khi họ “thăng thiên”. Đương nhiên, thứ trong lọ thuốc đó đã được tráo bằng thứ thuốc “đặc trị chồng” của Fazekas.

Một trại giam được cho là nơi giam giữ nhóm phụ nữ này (Ảnh: Internet)
Một trại giam được cho là nơi giam giữ nhóm phụ nữ này. (Ảnh: Internet)

Hổ dữ còn không ăn thịt con, nhưng ả đàn bà ngoan độc Marie Kardos đã giết chồng, người tình và cậu con trai 23 tuổi ốm yếu của mình. Như một cử chỉ cuối cùng của người mẹ dành cho con trai mình, bà ta dọn giường của cậu ra ngoài ngôi nhà vào một ngày mùa thu ấm áp và tự tay cho cậu ăn món súp tẩm độc.

Bà ta kể lại trước tòa: “Tôi cho con mình thêm một ít thuốc độc. Đột nhiên tôi nhớ đến khoảnh khắc đứa con bé bỏng của tôi đã từng cất lên tiếng hát tuyệt vời thế nào trong nhà nguyện, vì vậy tôi đã nói với nó ‘Hát đi con trai của mẹ! Hát lên bài ca mà mẹ thích nhất!’ Thằng bé cất lên tiếng hát trong trẻo đáng yêu của mình, rồi đột nhiên thằng bé hét lên, ôm chặt bụng, thở hổn hển rồi tắt thở.

Maria Varga, 41 tuổi, đã sát hại chồng mình, một anh hùng chiến tranh bị mù khi ông ta nổi khùng về việc cô quan hệ tình dục với người tình trẻ nhiều lần tại nhà. Ông ta chết trong đau đớn trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi tiêu thụ chất độc. Bà ta không dừng lại ở đó. Năm năm sau, khi cảm thấy mệt mỏi với người tình trẻ tuổi của mình, bà ta cũng ra tay đầu độc hắn.

Lydia Csery đã đầu độc cả cha mẹ già của mình. Những người hàng xóm sau đó đã làm chứng rằng họ đã nghe thấy cha cô ta kêu khóc với người vợ sắp chết của mình: “Cầu trời khấn phật, quỷ tha ma bắt lấy con Lydia! Nó đã pha cho chúng ta ly trà độc.

Juliane Lipka đã giết tổng cộng bảy người trong đó có cả các thành viên trong gia đình cô ta bao gồm mẹ kế, dì của cô ta, anh trai và chị dâu. Cô ta đã hạ độc vào rượu rum và trà của chồng mình vào đêm Giáng sinh. Với tinh thần “thân ái”, cô ta cũng giúp đỡ người phụ nữ sống cạnh mình. Cô ta nói: “Tôi thấy thương hại người phụ nữ khốn khổ. Tôi đưa cho cô ấy một lọ thuốc độc và nói với cô ấy rằng nếu không còn cách nào khác giúp cuộc hôn nhân của cô, hãy thử cái này.

Balint Czordas, tên đầu sỏ thứ hai của tổ chức Angel Maker đã hạ độc một vài đứa con của mình vì gia đình đã có quá nhiều miệng ăn. Rosalie Sebestyen và Rose Hoyba đã giết chồng của họ vì những tên đàn ông đã “chán” các ả. Maria Szendi, đã đầu độc chồng mình vì “hắn ta có mọi thứ mà hắn muốn. Thật kinh khủng khi đàn ông có tất cả quyền lực.”

Những cái chết không thể giải thích được đã tăng lên ở mức báo động, lan sang thị trấn Tiszakurt lân cận. Tổng số người chết trong khu vực ước tính lên tới 300 người. Đến năm 1929, Nagyrév được biết đến với cái tên “Quận Sát Nhân“.

Nghi án trả thù

Các vụ giết người ở Nagyrév và Tiszakurt gần đó vẫn tiếp tục và không có dấu hiệu suy giảm trong hơn một thập kỷ bất chấp sự nghi ngờ của cảnh sát.

Dân làng hoảng sợ đã gửi thư nặc danh đến chính quyền tố cáo người phụ nữ đầu độc người nhà của họ. Nhưng không có bằng chứng nào ngoài tin đồn rằng có liên quan đến việc trả thù cá nhân. Bởi lẽ, tất cả các giấy chứng tử đều có liệt kê các nguyên nhân tự nhiên gây ra cái chết.

Sau khi điều tra, các thám tử đã phát hiện ra rằng người dân địa phương bị ám ảnh bởi cái gọi là quyền lực nham hiểm của Fazekas. Một bài báo trên tờ Oakland Tribune vào năm 1937 đã trích lời tường thuật của một giáo sĩ địa phương nói với các thám tử:

Những người nông dân mê tín đều khiếp sợ bà ta. Họ tin rằng bà ấy có sức mạnh siêu nhiên và với tư cách là y tá kiêm hộ sinh chính thức giúp bà tiếp cận với mọi gia đình, thống trị toàn bộ khu vực. Những ngôi làng này, các quý ông, hoàn toàn do phụ nữ thống trị. Và những người đàn ông đều sợ hãi vì mạng sống của họ!

Một cuộc điều tra

Bước ngoặt xảy ra vào năm 1929 khi Hungary kết thúc cuộc điều tra dân số kéo dài 10 năm. Các quan chức, nghiên cứu các số liệu thống kê, nhận thấy rằng tỷ lệ tử vong ở làng Nagyrév cao bất thường. Một cuộc điều tra lớn diễn ra sau đó.

Một phụ nữ, bà Szabó, thừa nhận đã đầu độc chồng và anh trai mình. Bà ta đã chạm mặt Fazekas và Oláh, những tên đầu sỏ của tổ chức Thiên Thần Nhân Tạo của làng Nagyrév.

Một số thành viên trong nhóm Angel Makers of Nagyrev (Ảnh: Internet)
Một số thành viên trong nhóm Angel Makers of Nagyrev. (Ảnh: Internet)

Fazekas và Oláh bị đưa ra thẩm vấn, nhưng cả hai đều kiên định tuyên bố mình vô tội. Bà Szabó đã rút lại lời thú tội của mình, cho rằng bà đã bị cảnh sát ép cung khi đưa ra lời khai. Không còn cách nào khác, cảnh sát chỉ đành thả Fazekas và Oláh. Trong mắt dân làng lúc bây giờ, bọn họ là những “hung thần” không thể dây vào.

Trò chơi kết thúc

Fazekas bắt đầu xóa dấu vết. Ả ta đi đến từng nhà khách hàng cũ của mình để cảnh báo họ “án binh bất động”, không nên hé môi về bất kỳ thứ gì liên quan đến tổ chức. Người thám tử theo dõi ả đã ghi lại những ngôi nhà mà ả đã đến thăm. Cảnh sát sẽ tiến hành bắt giữ những người cư ngụ trong các ngôi nhà sau đó.

Trong khi đó, Balint Czordas, một trong những thủ lĩnh của tổ chức này, đã đến thủ đô để thăm một nhà hóa học. Bà ta muốn biết liệu có thể tìm thấy dấu vết của thạch tín trong cơ thể của một người đã chết vì tiêu thụ nó hay không. Nhà hóa học xác nhận rằng hóa chất vẫn có thể được tìm thấy trong xác chết, ngay cả khi phần thịt đã bị phân hủy qua nhiều năm, dấu vết của thạch tín vẫn có thể được tìm thấy trong móng tay và tóc.

Balint Czordas mặt mũi trắng bệch, hoảng sợ tột cùng trước tin sốc này, vội vã trở về làng để thông báo cho nhóm của mình. Fazekas và Oláh nhận được hung tin như thể sét đánh ngang tai. Những thi thể chất đầy thạch tín nằm trong nghĩa trang của làng sẽ là bằng chứng cho những việc làm bẩn thỉu của họ. Những gì còn sót lại của nạn nhân chính là án tử ngay trước mắt.

Họ vội vàng quyết định đưa ra một kế hoạch hành động để xóa bằng chứng.

Nghĩa trang Nagyrév

Đêm đó, mười ba góa phụ của tổ chức giết người tập trung tại nghĩa trang Nagyrév.

Họ lên kế hoạch xáo trộn các bia mộ xung quanh để đánh lừa chính quyền. Họ loại bỏ những tấm bia trên mộ của những người đã chết bị nhiễm độc và thay chúng bằng những tấm bia của những người không bị đầu độc. Bằng cách này, khi thi thể của những người bị nghi nhiễm độc được khai quật, cảnh sát sẽ không thể phát hiện bất kỳ dấu vết nào của thạch tín trong xác chết.

Tuy nhiên, kế hoạch của họ đã thất bại khi cảnh sát đến. Các góa phụ chạy tán loạn, chỉ di chuyển được một vài tấm bia.

Cảnh sát quyết định khai quật các thi thể trong nghĩa trang ngay lập tức. Chỉ trong một đêm, nghĩa trang biến thành nhà xác khi các bác sĩ kiểm tra các bộ phận của thi thể để tìm dấu vết của asen. Một vài góa phụ mong muốn được chứng minh sự vô tội của mình, đã hết lòng ủng hộ việc đào bới. Họ sợ rằng người chồng hiện tại của họ sẽ bỏ rơi họ. Họ muốn có cơ hội này để chứng minh rằng họ không phải là một phần của tổ chức giết người.

Cảnh sát khai quật các thi thể trong nghĩa trang (Ảnh: Internet)
Cảnh sát khai quật các thi thể trong nghĩa trang. (Ảnh: Internet)

Kết quả khai quật rất ảm đạm.

Trong số 50 thi thể, 46 thi thể được phát hiện có chứa thạch tín. Những xác chết có kết quả xét nghiệm dương tính với asen không chỉ bao gồm đàn ông mà cả phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả trẻ sơ sinh. Trong quan tài cũng tìm thấy những chai chứa trầm tích thạch tín khô cạn, cũng như bánh mì, bánh ngọt. Sở dĩ hung thủ để lại chai thuốc có chứa thạch tín có lẽ là do không bao giờ nghĩ đến việc ngôi mộ sẽ bị khai quật.

Bắt giữ

Dựa vào bằng chứng, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 100 góa phụ, bao gồm cả Oláh.

Fazekas đã tự kết liễu đời mình trước khi cảnh sát ập tới. Giống như nhiều người dân trong làng, ả sống trong một ngôi nhà một tầng khiêm tốn gần đường phố, có tầm nhìn ra toàn bộ chiều dài của con đường. Khi nhìn thấy các hiến binh xuống phố, ả ta ngay lập tức đã uống thuốc độc tự tử. Cảnh sát phát hiện ả đã chết, xung quanh là những chiếc chậu chứa đầy nước và những tờ giấy bẫy ruồi.

Balint Czordas thú nhận đã giúp đầu độc khoảng 20 người chồng và một vài người con riêng. Bà ta đã tự sát vào đêm đó trong tù, treo cổ mình bằng một sợi dây làm từ chăn ga gối đệm. Ba góa phụ khác ở cùng phòng giam đã tận mắt nhìn thấy bà ta treo cổ tự vẫn nhưng vẫn không can ngăn.

Phiên tòa xét xử

26 phụ nữ đã bị đưa ra xét xử. Các bị cáo thể hiện thái độ thù địch công khai tại tòa. Chủ tọa phiên tòa hỏi một trong những góa phụ, Rose Glyba, liệu ả có biết về Mười Điều Răn hay không.

Không!” ả hét lên ngay tại phiên tòa.

Thẩm phán vẫn tiếp tục. “Cô có biết điều răn ‘Ngươi chớ giết người’ không?

Tôi chưa bao giờ nghe nói về nó!” Glyba hét lên và giận dữ ngồi xuống.

Những người phụ nữ được gọi để làm chứng chống lại Oláh đều tỏ ra sợ sệt. Họ nói với bồi thẩm đoàn rằng đôi mắt của ả “sáng như màu đỏ Ruby vào ban đêm” và ả nuôi những con rắn độc cùng với thằn lằn đã được huấn luyện để sát hại những người phản bội ả.

Phiên tòa xét xử (Ảnh: Internet)
Phiên tòa xét xử. (Ảnh: Internet)

Juliane Lipka đã đầu độc cả gia đình mình vì quyền thừa kế đất đai, tỏ ra không quan tâm đến phiên tòa. “Khi nào tôi có thể về nhà?” ả đã hỏi luật sư của mình. “Họ sẽ bán đấu giá tất cả tài sản của tôi khi tôi ở đây.” Ả còn nghĩ mình sẽ được thả và còn có thể sống những ngày còn lại của mình với một người tình trẻ.

Kẻ tiếp tay cho vụ sát nhân hàng loạt này đã mua được một lượng lớn giấy bẫy ruồi từ một nhà cung cấp. Một người bán tạp hóa từ thị trấn gần đó đã làm chứng rằng giấy bẫy ruồi được bán ở Nagyrév nhiều hơn các vùng còn lại của Hungary.

Tám người bị kết án tử hình, trong số đó có Susi Oláh và em gái của ả, Lydia Oláh. Lydia Oláh không thành khẩn trong phiên tòa. Theo một nhật báo của Nga, ả đã khóc rống lên rằng: “Chúng tôi không phải là sát thủ! Chúng tôi không đâm chồng. Chúng tôi cũng không treo cổ hay nhấn chìm họ! Họ chết vì thuốc độc, đây là một cái chết dễ chịu đối với họ!”

Mười hai phụ nữ bị kết án tù, trong số đó có bảy người nhận án chung thân.

Hậu quả

Với những vụ bắt bớ những góa phụ và cái chết của những kẻ cầm đầu tổ chức, đám mây sợ hãi bao trùm ngôi làng Nagyrév bấy lâu nay đã được vén màn.

Tuy nhiên, nhiều điều bí ẩn vẫn xoay quanh trường hợp kỳ lạ của Angel Makers of Nagyrév. Các thi thể được khai quật ở thị trấn Tiszakurt gần đó cũng được phát hiện có dấu vết của asen, nhưng không ai trong thị trấn bị kết tội. Không ai biết có bao nhiêu người tham gia vào tổ chức này và chính xác có bao nhiêu góa phụ vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Về phần Fazekas, không ai biết ả đến từ đâu hay động cơ ban đầu của ả là gì.

Các nhà sử học khó hiểu tại sao những người phụ nữ ở Nagyrév lại trở thành những kẻ giết người hàng loạt. Nghèo đói, khó khăn, buồn chán và tham lam chỉ là một vài trong số những lý do được suy đoán. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ thực sự biết tại sao.

Giờ đây, gần một thế kỷ sau, nỗi sợ hãi mà Angel Makers of Nagyrév gây ra trong dân làng đã phai mờ dần. Những câu chuyện của họ đã trở thành một phần truyền thuyết lịch sử của ngôi làng cho những du khách tò mò.

Maria Gunya, một cư dân 86 tuổi của làng Nagyrév, vốn chỉ là một cô bé khi các góa phụ bị đưa ra xét xử. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với BBC, bà buồn bã nhớ lại rằng cách cư xử của đàn ông đối với vợ của họ “đã được cải thiện rõ rệt” sau hàng loạt vụ đầu độc.

Tiến sĩ Geza Cseh, phụ trách kho lưu trữ của làng Nagyrév, thì đưa ra lời nhận xét bí ẩn hơn. “Tôi chắc chắn rằng vẫn còn những bí mật cần được khai quật, ở đây hay ở nơi khác”.

Bạn nghĩ sao về họ? Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để xem thêm những tin tức thú vị nhé!

Xem thêm những bài viết khác:

Xem thêm

Na Jae Min (NCT): "Minh Kon Tum" và những lần lên "hot search" dở khóc dở cười tại Việt Nam

Minh Kon Tum là cái tên thuần Việt đầy hài hước theo chân anh chàng điển trai Jae Min nhà SM trong chuyến hành trình thiện nguyện của mình tại Việt Nam vào năm 2018. Cùng BlogAnChoi điểm qua những lần trở thành xu hướng tại Việt Nam của chàng trai này nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận