Phim ảnh cũng giống như một đường ống dẫn truyền những suy nghĩ, cảm giác của con người ra khỏi tâm trí, đó là lý do tại sao càng những lúc bận bịu, mệt mỏi, lo lắng… tôi lại càng muốn dành thời gian cho những bộ phim. Khi ánh đèn của rạp phim vụt tắt, điều đó giống như chiếc công tắc bật lên để tâm trí tôi đóng lại, tạm quên đi hết những thường nhật ngoài kia, tôi chỉ cần để mọi giác quan của mình “sống” trong một cuộc đời khác, một thế giới khác.

“Đi xem phim”

Vô tình chạm vào app CGV trên điện thoại, tôi chợt tự hỏi: “Đã bao nhiêu lâu chưa được ra rạp xem phim nhỉ?”

“Đi xem phim”, đó từng là gạch đầu dòng không thể thiếu trong những việc tôi cần làm mỗi tháng. Có tháng là 1 lần, cũng có tháng là vài lần. Không phải tôi có một đời sống cao để chi tiêu thoải mái cho một thói quen vui chơi. Đối với tôi, khoảng thời gian “đi xem phim” là lúc tôi cân bằng lại cảm xúc, gạt đi những cảm giác tiêu cực và để “rỗng” tâm trí. Tôi không quan trọng là có rủ rê được đứa bạn nào đi cùng hay không, tôi hoàn toàn thoải mái tận hưởng 90 phút đó một mình.

Tôi không tự nhận mình là một “mọt phim”, cũng không có gout xem phim đặc biệt, cũng không am hiểu để viết những bài phân tích, bình luận. Điều tôi tìm kiếm trong những bộ phim, đó là sự cân bằng cảm xúc với cuộc sống đời thực, vậy nên tôi không kén chọn các thể loại phim, không kén chọn độ “hot”, tôi coi mỗi bộ phim là một phiên bản của cuộc sống.

Phim được xây nên từ đời (Ảnh: Internet).
Phim được xây nên từ đời (Ảnh: Internet).

Phim ảnh được xây dựng nên từ đời. Phim ảnh phản ánh cuộc đời. Nhưng chắc chắn phim ảnh không được làm ra để con người sống dựa vào thế giới trong đó, phim ảnh không phải là cánh cửa để ta bước vào và đóng sập nó, trốn tránh thế giới thực. Chắc chắn chúng ta đều đã từng “nhìn thấy” bản thân trong một đoạn phim, trong một nhân vật nào đó hoặc mong muốn bản thân “được” giống như một nhân vật trong đó. Trẻ con thì muốn được trở thành những siêu anh hùng, còn người lớn chúng ta thì muốn gì?

Phim phản ánh đời theo những lăng kính khác nhau (Ảnh: Internet).
Phim phản ánh đời theo những lăng kính khác nhau (Ảnh: Internet).

Ở phiên bản thu nhỏ đó, cũng có đủ hỉ, nộ, ái, ố. Mỗi cuộc đời trong đó, có thể là một cuộc đời mà chúng ta tìm kiếm, mong muốn, có thể là một giai đoạn ta đã hoặc đang trải qua, có thể chính là điểm dừng của một sự lưỡng lự, bế tắc, chưa tìm được câu trả lời. Và cái hay của những bộ phim, đó là mỗi bộ phim sẽ đưa cho ta một cách nhìn nhận khác nhau. Ta có thể đồng tình, hoặc không. Năng lượng mà các bộ phim mang lại luôn giúp tôi cân bằng lại cảm xúc bên trong mình.

Những bộ phim bi kịch, khiến cho ta khóc cạn nước mắt, không phải để ta mất niềm tin, hay hằn học với cuộc đời. Khi bạn đang vật vã vì thất tình, xem một bộ phim nói về một tình yêu buồn, kết thúc không có hậu, bạn cảm thấy thế nào? Khóc sưng cả mắt vì nhìn thấy bản thân trong nỗi đau của nhân vật hay cảm thấy được an ủi vì “mình không phải là người duy nhất có tình yêu tan vỡ”?

Theo tôi, dù ở thái cực nào của cảm xúc, điều đó cũng giúp ta giải phóng đi những bức bối trong lòng. Tôi từng biết có những người, khi vừa kết thúc một mối tình, họ giam mình trong phòng và liên tục xem những bộ phim bi kịch, buồn đến “nát lòng”. Nhiều người sẽ cho rằng, đó “tự ngược đãi bản thân”, có thể đúng. Nhưng tôi từng nghe được một lời giải thích rằng, khi hiện thực của họ đang sụp đổ, họ muốn tìm đến những điều có thể khiến họ cảm thấy rằng tình trạng của họ chưa phải là tệ nhất.

Bạn có thấy đó là một lời giải thích khiên cưỡng không?

Những ngày nhớ “rạp phim”

Đối với tôi, không có bộ phim nào là dở tệ. Vì trong những phiên bản cuộc sống trên màn ảnh đó, dù hay hoặc dở, đều mang một thông điệp từ đời thực. Có thể nó được lồng ghép khéo léo, hoặc không, có thể nó được truyền tải tinh tế, hoặc chưa. Nhưng như hiện thực ta đang sống vây, cũng có rất nhiều khoảnh khắc ta phải thốt lên những câu chửi thề chằng hề hay ho. Phim ảnh cũng giống như một đường ống dẫn truyền những suy nghĩ, cảm giác của con người ra khỏi tâm trí, đó là lý do tại sao càng những lúc bận bịu, mệt mỏi, lo lắng… tôi lại càng muốn dành thời gian cho những bộ phim.

Tôi nhớ bóng tối của rạp phim (Ảnh: Internet).
Tôi nhớ bóng tối của rạp phim (Ảnh: Internet).

Đã gần 1 năm, kể từ bộ phim chiếu rạp gần nhất tôi xem. Một thói quen phải tạm dừng thật lâu. Tất nhiên, tôi vẫn có thể thường xuyên xem phim tại nhà với vô vàn lựa chọn. Nhưng tôi vẫn thật nhớ không gian và cả bóng tối của rạp phim. Khi ánh đèn của rạp phim vụt tắt, điều đó giống như chiếc công tắc bật lên để tâm trí tôi đóng lại, tạm quên đi hết những thường nhật ngoài kia, tôi chỉ cần để mọi giác quan của mình “sống” trong một cuộc đời khác, một thế giới khác.

Bạn có nhớ cảm giác đó không?

Xem thêm

80+ bài thơ tình hay nhất, đong đầy cảm xúc cho những ngày nhớ mong

Những bài thơ tình yêu hay, có thể là lời yêu say đắm ngọt ngào, hay lời thở than của kẻ đơn phương, sự đau đớn của kẻ thất tình, đều khiến trái tim ta thổn thức mỗi khi đọc lên.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận