Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất insulin cần thiết trong thời gian mang thai. Những người mắc tình trạng này có lượng đường trong máu tăng cao khi mang thai và có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Trong thời kỳ mang thai, một số người có thể mắc tình trạng lượng đường trong máu tăng cao, được gọi là tiểu đường thai kỳ. Bệnh thường xuất hiện từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) ước tính bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra với tỷ lệ 2% đến 14% các trường hợp mang thai ở Mỹ.

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai (Ảnh: Internet)
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai (Ảnh: Internet)

Tiểu đường thai kỳ không có nghĩa là người phụ nữ đã bị tiểu đường trước khi mang thai hoặc sẽ mắc tiểu đường sau khi sinh, nhưng nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 trong tương lai.

Nếu không được kiểm soát, tiểu đường thai kỳ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của em bé sau này, tăng khả năng xảy ra các biến chứng cho mẹ và bé trong quá trình mang thai và sinh nở.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?

Bệnh tiểu đường thai kỳ hiếm khi gây ra triệu chứng rõ. Bác sĩ có thể kiểm tra nếu thai phụ có một số yếu tố nguy cơ.

Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)
Triệu chứng của tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng tiểu đường có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Mờ mắt
  • Khát
  • Đi tiểu nhiều
  • Nhiễm nấm

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ?

Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)

Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể người mẹ không sản xuất insulin cần thiết trong thai kỳ. Trong thời gian mang thai, cơ thể sẽ tạo ra một số hormone với nồng độ cao như lactogen nhau thai người (hPL) và các hormone khác làm tăng kháng insulin.

Những hormone này ảnh hưởng đến nhau thai và giúp duy trì thai kỳ bình thường. Theo thời gian, lượng hormone này tăng lên và có thể làm cho cơ thể người mẹ kháng insulin.

Insulin giúp đưa glucose trong máu vào các tế bào để sử dụng tạo năng lượng. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ trở nên kháng insulin một cách tự nhiên để có nhiều glucose hơn trong máu để truyền cho em bé. Nếu tình trạng kháng insulin trở nên quá mạnh, lượng đường trong máu người mẹ có thể tăng lên bất thường và có thể gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.

Ai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ?

Bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có các yếu tố sau:

  • Bị cao huyết áp
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • Thừa cân trước khi mang thai
  • Ít hoạt động thể chất
  • Tăng cân trong thời kỳ mang thai nhiều hơn mức bình thường
  • Đa thai
  • Trước đó đã sinh em bé nặng hơn 4 kg
  • Đã từng bị tiểu đường thai kỳ
  • Đã bị sẩy thai hoặc thai chết lưu không rõ nguyên nhân
  • Đã sử dụng steroid, như glucocorticoid
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), acanthosis nigricans hoặc các tình trạng khác liên quan đến kháng insulin

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ tăng lên cùng với sự tăng chỉ số khối cơ thể (BMI), nhưng kể cả người có BMI thấp cũng có thể mắc bệnh.

Bệnh tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán như thế nào?

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến cáo các bác sĩ nên kiểm tra định kỳ các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ cho phụ nữ mang thai. Nếu thai phụ không có tiền sử bệnh tiểu đường và duy trì mức đường huyết tối ưu khi bắt đầu mang thai, bác sĩ có thể kiểm tra bệnh tiểu đường thai kỳ khi mang thai được 24 đến 28 tuần.

Nghiệm pháp dung nạp glucose

Một số bác sĩ có thể bắt đầu bằng xét nghiệm thử đường uống. Đầu tiên thai phụ sẽ uống dung dịch glucose, sau 1 giờ sẽ được xét nghiệm máu. Nếu lượng đường trong máu tăng cao, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm dung nạp đường uống trong 3 giờ. Đây được coi là xét nghiệm 2 bước.

Một số bác sĩ chỉ thực hiện kiểm tra dung nạp glucose trong 2 giờ. Đây được coi là xét nghiệm 1 bước.

Xét nghiệm 1 bước

Đầu tiên bác sĩ kiểm tra lượng đường trong máu lúc đói (nhịn ăn) của thai phụ, sau đó cho uống dung dịch chứa 75 gam glucoza và đo lại lượng đường trong máu của thai phụ sau 1 giờ và 2 giờ.

Bác sĩ có thể sẽ chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ nếu có một trong các kết quả sau đây:

  • Đường huyết lúc đói ≥ 92 mg/dL
  • Đường huyết sau 1 giờ ≥ 180 mg/dL
  • Đường huyết sau 2 giờ ≥ 153 mg/dL

Xét nghiệm 2 bước

Thai phụ sẽ không cần phải nhịn ăn và được uống dung dịch chứa 50 g đường và kiểm tra lượng đường trong máu sau 1 giờ. Nếu kết quả dưới 135 mg/dL được coi là bình thường và không cần thực hiện thêm xét nghiệm nào nữa.

Xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)
Xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)

Nếu lượng đường trong máu từ 130 đến 140 mg/dL, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm lần thứ 2 vào một ngày khác, tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ của thai phụ.

Trong lần kiểm tra thứ hai, đầu tiên thai phụ sẽ được kiểm tra mức đường huyết lúc đói, sau đó uống dung dịch chứa 100 g đường và đo lượng đường trong máu sau 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ.

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ nếu có ít nhất 2 trong số các kết quả sau:

  • Đường huyết lúc đói ≥ 95 mg/dL hoặc 105 mg/dL
  • Đường huyết sau 1 giờ ≥ 180 mg/dL hoặc 190 mg/dL
  • Đường huyết sau 2 giờ ≥ 155 mg/dL hoặc 165 mg/dL
  • Đường huyết sau 3 giờ ≥ 140 mg/dL hoặc 145 mg/dL

Thai phụ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 không?

Nhiều người bị tiểu đường thai kỳ sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường type 2 sau khi kết thúc thai kỳ. Có hai dạng bệnh tiểu đường khác nhau:

  • Tiểu đường type 1: tuyến tụy không sản xuất đủ insulin một cách tự nhiên.
  • Tiểu đường type 2: tuyến tụy sản xuất insulin nhưng tế bào không phản ứng hiệu quả với insulin, được gọi là kháng insulin.

ADA cũng khuyến cáo tầm soát bệnh tiểu đường type 2 khi bắt đầu mang thai. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2, bác sĩ có thể kiểm tra trong lần khám tiền sản đầu tiên của bạn.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Thừa cân
  • Ít vận động
  • Huyết áp cao
  • Mức cholesterol HDL (tốt) trong máu thấp
  • Lượng chất béo triglyceride cao trong máu
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ, tiền tiểu đường hoặc các dấu hiệu kháng insulin
  • Trước đó đã sinh một em bé nặng hơn 4 kg

Các phân loại khác nhau của bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ được chia thành hai loại:

  • Loại A1: bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống
  • Loại A2: bệnh tiểu đường thai kỳ cần dùng insulin hoặc thuốc uống để kiểm soát.

Điều trị tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh, kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào mức đường huyết của bạn trong suốt cả ngày.

Thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau bữa ăn, đồng thời kiểm soát tình trạng bệnh bằng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên. Bạn nên thực hiện 30 phút tập thể dục hiếu khí cường độ trung bình từ 5 đến 7 ngày mỗi tuần.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm insulin cho đến khi bạn sinh con, hướng dẫn thời điểm tiêm insulin, cách tiêm và cách tập thể dục để tránh hạ đường huyết. Bác sĩ cũng có thể tư vấn cho bạn những việc cần làm nếu lượng đường trong máu xuống quá thấp hoặc liên tục tăng cao hơn mức bình thường.

Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ, đặc biệt chú ý đến lượng carbohydrate, protein và chất béo, ngoài ra cũng phải kiêng một số loại thực phẩm nhất định.

Chế độ ăn cho bệnh tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)
Chế độ ăn cho bệnh tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)

Carbohydrate – Tinh bột

ADA cùng với Viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn Mỹ khuyến cáo tất cả những người mang thai nên ăn tối thiểu 157 g carbohydrate – tinh bột và 28 g chất xơ mỗi ngày.

Đối với những người bị tiểu đường thai kỳ, Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo nên ăn các loại tinh bột phức hợp thay cho những loại đơn giản. Tinh bột phức hợp được tiêu hóa chậm hơn, ít có khả năng làm tăng đường huyết và có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin.

Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn nên ăn bao nhiêu tinh bột mỗi ngày. Các nguồn carbs lành mạnh gồm:

  • Ngũ cốc
  • Gạo lứt
  • Các loại đậu
  • Các loại rau nhiều tinh bột
  • Trái cây ít đường

Protein

Lượng protein được khuyến cáo trong thai kỳ thay đổi theo 3 tháng và nhu cầu cá nhân của mỗi người. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nhu cầu khoảng 46 g protein mỗi ngày. Trong 3 tháng thứ hai và thứ ba khoảng 71 g mỗi ngày.

Các nguồn protein tốt bao gồm:

  • Thịt nạc
  • Thịt gia cầm
  • Đậu hũ

Tuy nhiên ACOG liệt kê một số loại cá nên tránh do hàm lượng thủy ngân cao, bao gồm cá ngừ và cá kiếm.

Chất béo

Nguồn chất béo lành mạnh có thể cung cấp chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất. Chất béo lành mạnh cho chế độ ăn là:

  • Các loại hạt không tẩm muối
  • Dầu ô liu
  • Trái bơ

Những biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ

Nếu bệnh không được kiểm soát tốt hoặc không được điều trị, lượng đường trong máu có thể tăng cao trong suốt thai kỳ, có thể dẫn tới các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé trước, trong và sau khi sinh.

Các biến chứng cho mẹ bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Tiền sản giật
  • Trầm cảm
  • Sinh non
  • Thai chết lưu
  • Sinh mổ

Các biến chứng cho thai nhi bao gồm:

  • Trọng lượng khi sinh cao
  • Chấn thương khi sinh, như chứng loạn sản vai
  • Các vấn đề về hô hấp, bao gồm cả hội chứng suy hô hấp
  • Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
  • Vàng da
  • Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn khi lớn lên

Để tránh những biến chứng này, bạn có thể thực hiện các bước kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ như khám sức khỏe đều đặn trước khi sinh và tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ.

Triển vọng cho người bị tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Lượng đường trong máu của người mẹ sẽ trở lại mức bình thường sau khi sinh con, nhưng bệnh tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 sau này. Bác sĩ có thể xét nghiệm bệnh tiểu đường cho người mẹ từ 6 đến 12 tuần sau khi sinh con, và tiếp tục cứ sau 1 đến 3 năm.

Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể phòng ngừa được không?

Không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh này, tuy nhiên thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nếu bạn đang mang thai và có một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường thai kỳ, hãy cố gắng áp dụng chế độ ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Kể cả hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ cũng có lợi.

Nếu bạn dự định mang thai trong tương lai gần và đang bị thừa cân hoặc béo phì, hãy hỏi bác sĩ về cách giảm cân an toàn khi chuẩn bị mang thai. Bác sĩ có thể giúp bạn lập kế hoạch giảm cân và duy trì cân nặng vừa phải. Chỉ cần giảm một lượng cân nhỏ cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Hơn nữa, điều quan trọng là bạn phải đi khám thai đều đặn để được sàng lọc và đánh giá cần thiết trong thời kỳ mang thai.

Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để luôn cập nhật thông tin sức khỏe mới nhất nhé!

Một số bài viết mà bạn có thể quan tâm:

Xem thêm

Dấu hiệu bạn đang bị trầm cảm, có thể lâu nay bạn không chú ý

Hầu hết mọi người đều có thể hình dung trầm cảm là như thế nào, nhưng điều đó có thể không đúng với thực tế. Nếu bạn tin rằng những người trầm cảm trông buồn bã, thiếu năng lượng và tiêu cực, thì bạn có thể không nhận ra các dấu hiệu thực sự của tình trạng này.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận