Một bà chị gái có thể không biết cách “hiểu” một đứa em trai theo đúng cách nó muốn, nhưng chị vẫn sẽ cố gắng, đơn giản vì chúng ta là một gia đình.
Đây có lẽ là bức thư khó khăn nhất chị từng viết
Mọi người thường nhận xét rằng chị rất giỏi truyền tải cảm xúc khi trò chuyện. Vậy mà chị lại không thể “mở khóa” để bước vào một cuộc trò chuyện cùng em, đứa em trai duy nhất của chị.
Em luôn coi những lời của mẹ và chị là “ủy mị”, “sướt mướt”, vậy nên mỗi khi mẹ hay chị muốn tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ của em, em đều đóng chặt cánh cửa lòng mình lại. Chị rất giỏi khơi gợi để người khác giãi bày, nhưng chị lại bất lực với em. Và em biết điều gì khiến chị buồn nhất không? Là nhìn em, chị thấy lại chính mình.
Chị em mình cách nhau 12 tuổi. Ngày nhỏ chị luôn được chiều chuộng nhất nhà, từ bố mẹ, đến ông bà, đến cả chú Sơn. Thế nhưng khi biết mình sẽ có em trai, chị nhớ rằng chị đã rất rất rất thích. Những lời trêu đùa của mọi người rằng “sắp bị ra rìa” chẳng khiến chị tủi thân. Em ra đời vào một ngày hè tháng 7, bé xíu. Chị tranh phần đặt tên cho em, cũng là người đặt cho em “biệt danh” Pikachu. Đến giờ chị vẫn nhớ cái mùi ngai ngái của những quả mướp đắng được xay ra để mẹ tắm cho em mỗi ngày, cả vị của những nồi bột nồi cháo mà ngày đó chị rất thích “vét cháy” ăn.
Chắc em chẳng biết đâu, mà đúng hơn, ngày đấy em còn quá nhỏ để có thể hiểu được, chị rất thích đưa đón em đi học, đặc biệt là đón em về. Chị thường đến sớm, đi lên lớp em, đứng ở ngoài cửa nhìn vào. Chị làm vậy thường xuyên đến mức các bạn cùng lớp em nhìn thấy chị là xì xào: “Chị của Duy kìa”. Đó cũng là điều chị nhớ nhất khi phải xa nhà chuyển vào Sài Gòn.
Em còn nhớ không? Dù dự định vào Sài Gòn không phải điều bất ngờ hay đột ngột, nhưng càng gần đến ngày đi, chị càng không dám ở nhà, vì cứ nhìn thấy em là chị sẽ khóc. Gần 1 năm sau đó là những ngày tháng thật sự khó khăn với chị. Mỗi ngày chị đều chờ đến 5 rưỡi chiều, khi em đã đi học về, để gọi điện về nhà. Ngày nào cũng chỉ có 3 câu:
- “Hôm nay em ăn cơm trưa món gì?”
- “Tối có nhiều bài tập không?”
“Ừ, thôi nhé.”
Bởi vì chị cũng không thể nén lại nước mắt lâu hơn.
Chị em mình, từ nhỏ đã kiệm lời với nhau quá, phải không em trai?
Chẳng nhận ra, em đã trưởng thành từ bao giờ, nhỉ? Em chẳng còn chịu cho chị chụp ảnh, sờ má, ôm khi ngủ nữa. Chị và mẹ thì lúc nào cũng nhìn em như “con Pikachu” nhỏ xíu ngày nào. Phải chăng chính điều đó đã khiến cho chị và mẹ không hiểu được những tâm tư, suy nghĩ của em?
Nhìn em, chị thấy chị. Khi chị ở tuổi em, chị cũng đầy bất ổn. Chị cũng từng khó gần, gắt gỏng, khó chiều, khó chịu. Lẽ nào, nó đã ảnh hưởng đến tuổi dậy thì của em? Thật sự nhiều lúc chị tự hỏi có phải đã yêu thương em chưa đúng cách. Chị yêu thương, bao bọc em, luôn coi em bé xíu, chị không nhìn ra tâm hồn của em cũng đã lớn lên từng ngày. Và chị đã hiểu mình từng khiến mẹ buồn nhiều đến đâu.
Chị đã từng phải rất vất vả để vượt qua những bất ổn tâm sinh lý ở cái tuổi dở dở ương ương, và chị ước rằng em sẽ không phải trải qua những khó khăn đó, một mình. Mỗi ngày chị đều suy nghĩ rất nhiều về những cách có thể khiến em mở lòng tâm sự những điều em đang cảm thấy. Chị biết em vẫn đọc những bài viết của chị, dù em nói rằng nó “ủy mị”, vậy nên hôm nay chị đành mượn những dòng chữ này để “nói” với em.
Một bà chị gái có thể không biết cách “hiểu” một đứa em trai theo đúng cách nó muốn, nhưng chị vẫn sẽ cố gắng, đơn giản vì chúng ta là một gia đình. Một gia đình luôn luôn yêu thương nhau, em đừng quên nhé!
Chị của em.