Tháng 7 âm lịch – tháng cô hồn được dân gian quan niệm là tháng của ma quỷ, âm khí xung thiên. Nhân tháng cô hồn 2020, cùng BlogAnChoi tìm hiểu những nghề nghiệp liên quan đến xác chết, kiếm tiền bằng xác chết nhé!

Người Việt ta thường nói: “Chết là hết!”. Nhưng hết, là hết với người đã qua đời, nhắm mắt xuôi tay, hồn về Tây Thiên cực lạc. Còn với người sống, sẽ còn rất nhiều công việc liên quan phải hoàn thành như tổ chức ma chay, chôn cất, sang cát bốc mộ hay xây lăng sửa mộ, cúng giỗ hàng năm…

Riêng công việc liên quan tới người chết cũng có muôn hình vạn trạng. Có những nghề chúng ta đều nghe mỗi ngày như nhân viên nhà tang lễ, nhân viên gác nghĩa trang/nhà xác hay nghề đóng quan tài, nghề tổ chức đám ma…, nhưng có những nghề lại vô cùng kỳ lạ, thậm chí còn mang màu sắc huyền bí, rùng rợn. Nhân tháng cô hồn 2020 này, cùng BlogAnChoi timfhieeur xem bạn đã biết được bao nhiêu trong những nghề kiếm tiền từ xác chết nhé.

1. Nghề vớt xác trên sông

Đối với những người dân quanh năm bám sông để sống thì không chỉ chèo thuyền đánh cá, đưa đò, mà vớt xác cũng là một nghề được biết đến khá nhiều. Nhưng không phải ai cũng dám làm cái nghề quanh năm mò mẫm tìm xác chết này.

Nghề vớt xác trên sông Hoàng Hà vốn rất nổi tiếng và ở Sài Gòn, Việt Nam cũng có. (Ảnh: Internet)
Nghề vớt xác trên sông Hoàng Hà vốn rất nổi tiếng và ở Sài Gòn, Việt Nam cũng có. (Ảnh: Internet)

Có thể nói nghề vớt xác trên sông một trong những công việc, nghề nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với xác chết rùng rợn nhất. Bởi vì đôi khi thứ họ vớt được chỉ là một vài bộ phận thi thể người, hoặc một cái xác đã trương phình, xanh đen hoặc thối rữa. Bên cạnh đó, những người hành nghề vớt xác trên sông đôi lúc cũng đóng vai người cứu hộ, phóng ghe tới thật nhanh để mong cứu được người đuối nước. Hành trang của người vớt xác trên sông chỉ có chiếc ghe mộc, một sợi dây thừng và sự gan dạ của bản thân.

Còn vì sao gọi vớt xác trên sống là một nghề kiếm tiền từ xác chết, thì phải kể câu chuyện nổi tiếng về việc vớt xác trên sông Hoàng Hà (Trung Quốc) để đăng taobao…rao vặt. Người vớt xác khi tìm được xác chết trên sông sẽ đăng tin thông báo để các gia đình có người mất tích liên hệ và nhận lại thi hài. Mỗi năm người vớt xác trên sông có thể vớt được đến…500 xác chết, số tiền “bán tử thi” này cũng là một khoản không nhỏ.

Người đàn ông chuyên làm nghề vớt xác trên sông ở Sài Gòn đã nhiều năm. (Ảnh: Internet)
Người đàn ông chuyên làm nghề vớt xác trên sông ở Sài Gòn đã nhiều năm. (Ảnh: Internet)

Quan điểm của người Á Đông luôn là “nhập thổ vi an”, người chết phải được chôn cất nơi quê cha đất tổ thì mới là trọn vẹn một kiếp người. Vậy nên gia đình người mất có thể chi rất nhiều tiền để tìm kiếm thi hài của người thân. Hoặc cảnh sát cũng muốn tìm kiếm những tử thi bị mất tích để phục vụ phá án…Tất cả đều cần đến người làm nghề vớt xác trên sông.

Bởi vì liên quan đến xác chết nên có rất nhiều câu chuyện ly kỳ, rùng rợn liên quan tới nghề vớt xác được kể lại mà đến bản thân người làm nghề còn phải sợ hãi, đặc biệt là vớt xác trẻ con hoặc thai phụ một xác hai mạng. Và tới nay nó vẫn là nguồn cảm hứng vô tận để các tác gia văn học của thể loại linh dị, phiêu lưu thám hiểm chắp bút sáng tác.

2. Thợ trang điểm xác chết

Trang điểm dường như đã trở thành việc làm không thể thiếu mỗi ngày của mọi người hiện nay. Nhưng còn trang điểm cho xác chết thì không phải ai cũng có duyên để trở thành một “chuyên gia trang điểm” được, bởi so với trang điểm cho người sống, trang điểm cho người chết còn khó hơn nhiều.

Người trang điểm cho xác chết thường làm việc ở nhà xác, nhà tang lễ. (Ảnh: Internet)
Người trang điểm cho xác chết thường làm việc ở nhà xác, nhà tang lễ. (Ảnh: Internet)

Người chết, lớn bé già trẻ mỗi người một kiểu khác nhau và các thợ trang điểm phải sử dụng son phấn, mỹ phẩm chuyên dụng để giúp họ trở nên tươi tắn, hồng hào, có hồn như đang sống. Để khi gia quyến, con cháu họ hàng nhìn mặt người mất lần cuối, sẽ không sợ hãi mà cảm tưởng họ chỉ như đang ngủ quên mà thôi.

Nhưng trang điểm xác chết về kỹ thuật và đồ trang điểm thì không cầu kỳ, chủ yếu là phấn trắng, phấn má và son môi, nhưng cái khó là người sau khi chết thường cứng lại nhanh, khó trang điểm. Hoặc nếu gia đình không có điều kiện bảo quản, thi thể còn có thể bị chuyển màu xanh đen… Hoặc thậm chí nhiều trường hợp thợ trang điểm xác chết còn phải lắp lại, khâu những những phần thi thể không còn nguyên vẹn, thậm chí là thiếu hụt vì tai nạn.

Có những cô gái, chàng trai trẻ nhưng lại lựa chọn công việc kỳ lạ và có phần đáng sợ này. (Ảnh: Internet)
Có những cô gái, chàng trai trẻ nhưng lại lựa chọn công việc kỳ lạ và có phần đáng sợ này. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh tiêu chí sự gan dạ, thần kinh thép để hàng ngày tiếp xúc với các thi thể lạnh ngắt, hơn tất thảy thợ trang điểm tử thi phải có tâm, phải chí thú với cái nghề nghe đã thấy rùng rợn này. Ngay cả người thân ngồi bên trông quan tài còn thấy lạnh gáy, thì thợ trang điểm phải tiếp xúc gần, ngắm nhìn từng đường nét gương mặt, cơ thể người chết, chạm vào và cả trang điểm đánh phấn to son, thực sự phải nể phục họ.

3. Thợ xây lăng mộ

Lăng mộ là một trong những sản phẩm thờ cúng không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của con người, đặc biệt là người Á Đông. Nó được coi là không gian dành cho việc nghỉ ngơi của người đã khuất, nơi lưu giữ lại một phần thể xác và linh hồn của người quá cố ở lại với dương gian. Đồng thời, nó còn là nơi kết nối giữa người sống với người chết, là nơi để người sống tưởng nhớ người đã khuất.

"Thành phố lăng mộ" tại Huế nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên báo quốc tế. (Ảnh: Internet)
“Thành phố lăng mộ” tại Huế nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên báo quốc tế. (Ảnh: Internet)

Và dù là Kim tự tháp Ai Cập, tới Taj Mahal Ấn Độ, từ Nhà Mồ Tây Nguyên tới Hoàng lăng rộng lớn, đầy rẫy kỳ bí của các bậc Hoàng đế Trung Hoa, không một lăng mộ nào thiếu được bàn tay của những người thợ xây mộ. Đây là một trong những nghề được truyền thừa lâu đời nhất, mang lại nhiều giá trị khảo cổ nhất cho tới hiện nay.

Hiện nay, nghề thợ xây lăng mộ có lẽ là nghề kiếm tiền từ xác chết…an toàn và phát triển nhất. Phú quý sinh lễ nghĩa, khi con người càng phát triển và giàu sang hơn, họ cũng muốn đầu tư chăm chút cho ngôi mộ của dòng họ, tổ tiên khang trang, bền vững hơn. Thế nên thợ xây mộ chẳng sợ thất nghiệp. Có những “ngôi nhà cho người chết” có giá cả tỷ đồng hoặc chục tỷ đồng, nguy nga tráng lệ như cung điện. Hoặc như ở Thừa Thiên – Huế còn có cả một “thành phố lăng mộ” nổi tiếng trên báo chí quốc tế, đủ để thấy nghề xây nhà cho người chết này hưng thịnh cỡ nào.

Nghề xây lăng mộ có vẻ là nghề liên quan đến người chết mà an toàn nhất thì phải. (Ảnh: Internet)
Nghề xây lăng mộ có vẻ là nghề liên quan đến người chết mà an toàn nhất thì phải. (Ảnh: Internet)

4. Thầy dời mộ (bốc mộ)

Nghề bốc mộ là nghề cực kỳ đặc biệt và cần nhiều hơn kỹ năng và kiến thức, kinh nghiệm và còn dựa vào “căn quả” của mỗi người. Không phải ai muốn cũng có thể trở thành thầy dời mộ, nếu không đủ trình độ, làm việc sai dễ gây tai họa lớn cho khách hàng và cả bản thân mình.

Việc dời mộ (bốc mộ) là một tập tục của người Việt và mang nhiều yếu tố tâm linh. (Ảnh: Internet)
Việc dời mộ (bốc mộ) là một tập tục của người Việt và mang nhiều yếu tố tâm linh. (Ảnh: Internet)

Nghi thức bốc mộ tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Nghi thức cúng khi bốc mộ đòi hỏi nhiều yếu tố tâm linh kín kẽ, cần xem ngày giờ và thường thực hiện vào ban đêm, trước khi mặt trời mọc. Tuy xem bói, bốc quẻ hay thầy dời mộ có tính toán cụ thể chi li đến đâu thì thực tế không phải lần bốc mộ nào cũng giống lần bốc mộ nào. Có những ngôi mộ khi đào lên, người trong quan vẫn chưa tiêu hết thịt, thầy bốc mộ phải róc để lấy từng mẩu xương. Chuyện này chỉ nghe thôi cũng đã thấy cực kỳ rùng rợn rồi!

Không phải lần bốc mộ nào cũng xuôn xẻ như nhau dù thầy có giỏi đến đâu. (Ảnh: Internet)
Không phải lần bốc mộ nào cũng suôn sẻ như nhau dù thầy có giỏi đến đâu. (Ảnh: Internet)

5. Nghề pháp y

Trên thế giới, pháp y được coi là một môn khoa học và được nghiên cứu, đào tạo bài bản. Pháp y hiểu đơn giản là việc khám nghiệm, kiểm tra, tìm kiếm dấu vết trên các thi thể để kết luận cái chết là tai nạn tự nhiên hay là mưu sát, để cảnh sát có thêm bằng chứng, chứng cứ điều tra, luận tội.

Nghề pháp y là một ngành nghề khoa học thực tiễn. (Ảnh: Internet)
Nghề pháp y là một ngành nghề khoa học thực tiễn. (Ảnh: Internet)

Hoạt động đặc trưng của giám định pháp y là khám nghiệm tử thi. Nhưng ngoài mổ xẻ, nghiên cứu người chết ăn gì, làm gì trước khi chết, vì sao mà chết… thì giám định pháp y có nhiều chuyên ngành liên quan đến người sống như giám định thương tích, giám định sức khỏe…

Bác sĩ pháp y hàng ngày "trò chuyện" cùng thi thể. (Ảnh: Internet)
Bác sĩ pháp y hàng ngày “trò chuyện” cùng thi thể. (Ảnh: Internet)

Tuy là một ngành nghề khoa học, cống hiến rất nhiều cho điều tra phá án cũng như các nghiên cứu chuyên sâu nhưng vì đặc thù tiếp xúc với tử thi hàng ngày, còn mổ xẻ nghiên cứu nên các pháp y không khỏi bị người ngoài…e dè khi tiếp xúc hoặc nghe tới nghề nghiệp của họ. Có nhiều bác sĩ pháp y ngoại hình ưa nhìn, gia cảnh tốt nhưng vẫn mãi độc thân bởi nghe giới thiệu nghề nghiệp đã khiến các cô gái/chàng trai muốn làm quen phải lùi vài bước chân.

6. Nghề ăn đồ cúng trên quan tài (sin-eater)

Ngành nghề nghe tên kỳ lạ nhưng lại khá nhàn hạ này bắt nguồn từ thế kỷ thứ 19, phổ biến tại châu Âu. Thời kỳ đó, khi có một người qua đời, gia đình họ sẽ bỏ tiền thuê một người chuyên ăn đồ cúng tế đặt trên quan tài. Tùy từng vùng, từng gia đình có sự khác biệt nhưng nhìn chung món đồ cúng tế để trên quan tài thường là bánh mì.

Nghề ăn đồ cúng tế trên nắp quan tài ở châu Âu đã không còn tồn tại, chỉ được ghi lại trong sách tranh lịch sử. (Ảnh: Internet)
Nghề ăn đồ cúng tế trên nắp quan tài ở châu Âu đã không còn tồn tại, chỉ được ghi lại trong sách tranh lịch sử. (Ảnh: Internet)

Theo quan niệm của người châu Âu thời đó, món đồ cúng tế trên quan tài sẽ chứa đựng mọi tội lỗi của người đã khuất nằm phía dưới. Và kẻ ăn đồ tế sẽ ăn chiếc bánh mì đó, để gánh tội cho người chết. Từ đây, người chết sẽ trở nên trong sạch và có thể lên Thiên đường mà không phải chịu sự trừng phạt ở Địa ngục. Người làm nghề này còn được gọi là “sin-eater” (người ăn tội lỗi).

Kẻ ăn tội lỗi (sin-eater) sẽ gánh những tội lỗi thay người chết. (Ảnh: Internet)
Kẻ ăn tội lỗi (sin-eater) sẽ gánh những tội lỗi thay người chết. (Ảnh: Internet)

Vậy những người ăn tội lỗi kia không lo sợ sao? Đương nhiên có, vì họ phải gánh những tội lỗi không phải của mình, mà của hàng trăm người khác. Nhưng vì sao họ vẫn làm? Vì công việc, vì kiếm tiền, vì mưu sinh và vì đó là 1 nghề! Và đương nhiên, khi họ chết đi sẽ tiếp tục thuê một kẻ ăn tội lỗi khác gánh những tội lỗi đó thay mình, và họ lại trở thành người trong sạch.

7. Nghề ngủ trong quan tài

Nếu bạn đã nghe đến công việc “thử giường” – chỉ cần ngủ trên giường rồi đưa ra vài nhận xét là có thể kiếm cả ngàn đô thì công việc ngủ trong quan tài này cũng có điểm tương đồng. Công việc kỳ lạ và nghe có vẻ rùng rợn này rất phổ biến ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam chứ không phải nơi nào xa xôi.

Nằm trong quan tài tầm 1 tiếng được trả công 500 ngàn đồng. (Ảnh: Internet)
Nằm trong quan tài tầm 1 tiếng được trả công 500 ngàn đồng, bạn có dám làm không? (Ảnh: Internet)

Nhiệm vụ của người ngủ trong quan tài khá đơn giản, chỉ cần chui vào chiếc quan tài gỗ, nằm im trong đó 1 tuần nhang (khoảng 45 – 60 phút). Không ngủ cũng được, chỉ cần nằm trong quan tài đóng kín, sau đó sẽ được các chủ cửa hàng quan tài trả từ 400.000VNĐ đến 500.000VNĐ tùy theo. Đương nhiên những chiếc quan tài này đều là quan tài mới đóng, chưa bán và chưa qua sử dụng.

Các chủ buôn bán quan tài cho rằng khi buôn bán không tốt, các quan tài không có “chủ nhân” thì chỉ cần có người chịu vào đó nằm giả chết một lúc thì sau đó sẽ tìm được chủ nhân thực sự, tức sẽ bán được quan tài. Nói nôm na, thuê người về ngủ trong quan tài là để mang lại may mắn làm ăn, buôn bán cho chủ cửa hàng.

Cửa hàng quan tài buôn bán ế ẩm sẽ thuê người nằm trong quan tài "giả chết" để thu hút khách. (Ảnh: Internet)
Cửa hàng quan tài buôn bán ế ẩm sẽ thuê người nằm trong quan tài “giả chết” để thu hút khách. (Ảnh: Internet)

Có lẽ người bình thường sẽ không thích điều này chút nào, vì quan tài buôn may bán đắt khác nào “trù” người khác chết sớm, chết nhiều. Nhưng chung quy lại, nghề nào cũng là nghề và ai làm nghề cũng đều mong phát đạt cả.

8. Nghề ăn trộm thi thể

Ở thời đại Victoria (khoảng thế kỷ 19) là thời kỳ ngành y học tại châu Âu phát triển vượt bậc, các sinh viên theo học ngành Y ngày càng nhiều. Từ đó khiến cho nhu cầu cần có mẫu vật thực tế (người thật) để nghiên cứu, khám nghiệm hoặc thực hành đã tăng cao đột biến. Nhưng vì liên quan đến con người nên chính phủ chỉ cho phép sử dụng xác của các tử tù. Còn những người chết, hiếm có gia đình nào đành lòng mang người thân đi “làm vật thí nghiệm” cả.

Trường Y cần thi thể cho sinh viên thực hành nhưng lại quá thiếu...(Ảnh: Internet)
Trường Y cần thi thể cho sinh viên thực hành nhưng lại quá thiếu…(Ảnh: Internet)

Nhưng tử tù nào có nhiều đến thế, mỗi ngày cùng lắm cả nước Anh cũng xử tử vài trăm người, trong khi sinh viên trường Y thực hành cần đến cả nghìn “mẫu vật”. Có cung ắt có cầu, một công việc vô cùng kinh dị được ra đời – nghề trộm xác chết. Những kẻ gan cùng mình này sẽ đào những thi thể mới được chôn cất (vì càng tươi thì càng có giá, thi thể để lâu bị phân hủy sẽ không còn tác dụng) và bán lại cho các trường Y để làm mẫu thực hành.

Và thế là nghề trộm xác chết ra đời (tiếng Anh gọi là Resurrection Men). (Ảnh: Internet)
Và thế là nghề trộm xác chết ra đời (tiếng Anh gọi là Resurrection Men). (Ảnh: Internet)

Những vụ trộm xác thường diễn ra ở nghĩa trang, trong đêm tối và bọn trộm sẽ theo dõi từ trước để đào bới những ngôi mộ vừa chôn để cướp xác, sau đó nếu có tâm sẽ lấp ngôi mộ lại cẩn thận, còn không thì người thân của thi thể sẽ thấy 1 cái hố bị đào nham nhở cùng chiếc quan tài bị cạy bung nắp. Cũng vì nạn ăn trộm xác chết này mà sau đó các nghĩa trang phải có cổng rào và có người gác đêm.

9. Nghề ướp xác

Nói đến ướp xác, bạn sẽ nghĩ ngay tới thời kỳ Ai Cập cổ đải với những thi thể quấn băng trắng toát nằm trong quan tài. Tuy nhiên không chỉ ở Ai Cập mà cả những cộng đồng sống ở vùng lạnh và ướt tại Bắc Âu trong thời kỳ Đồ Đồng cũng có tục ướp xác. Mỗi nơi sẽ có những kỹ thuật ướp xác khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích chung là để giữ thi thể trường tồn cùng năm tháng.

Ướp xác là 1 tập tục và người ướp xác cũng là một nghề kiếm tiền. (Ảnh: Internet)
Ướp xác là 1 tập tục và người ướp xác cũng là một nghề kiếm tiền. (Ảnh: Internet)

Ngày nay, tục ướp xác vẫn cùng được lưu giữ và tiếp tục thực hiện, dù chỉ là một bộ phận nhỏ. Ở Khánh Hòa, Việt Nam cũng có nghề cho thuê quan tài ướp xác. Nhưng sự khác biệt là nghề ướp xác ở Việt Nam (và một số nước châu Á) không nhằm mục đích bảo quản vĩnh viễn thi thể, mà chỉ bảo quản đông lạnh trong một thời gian ngắn. Bởi vì thời tiết nóng ẩm của Việt Nam nên thi thể phân hủy khá nhanh, mà nhiều gia đình họ hàng thân thích ở xa, không kịp về nhìn mặt lần cuối thì vô cùng áy náy. Chính bởi vậy mới có nghề ướp xác/bảo quản xác chết để phục vụ tang lễ của gia đình khách hàng.

10. Nghề trộm mộ

Trộm mộ (đạo mộ) là một nghề khá nổi tiếng và có lịch sử lâu đời đến hàng nghìn năm tại Trung Quốc, đặc biệt là thời cổ đại. Trộm mộ được cho rằng khởi nguyên từ thời Tam Quốc và Tào Tháo chính là tổ sư gia của nghề này.

Tào Tháo được cho là ông tổ của nghề trộm mộ tại Trung Quốc. (Ảnh: Internet)
Nghề trộm mộ bắt nguồn từ Trung Quốc và Tào Tháo được cho là tổ sư gia, trộm 1 ngôi cổ mộ đủ nuôi quân 3 năm. (Ảnh: Internet)

Theo một vài ghi chép cũ, Tào Tháo vì muốn nuôi quân cũng như tích lũy bổng lộc cho binh tướng, liền nghĩ đến việc đào cổ mộ để lấy vàng bạc, châu báu sung công quỹ, làm phần thưởng. Tào Tháo đã đặc biệt thành lập thêm hai nhóm tướng lĩnh trong quân đội để phụ trách tìm kiếm cũng như khai quật những ngôi mộ cổ đời trước, hoặc những ngôi mộ của người giàu có. Có ghi chép kể lại rằng Tào Tháo trộm 1 ngôi mộ cổ mà đủ để nuôi quân 3 năm, chẳng trách sau đó nghề trộm mộ (đạo mộ) lại phát triển đến thế.

Mặc dù trộm mộ là công việc không tốt, là thất đức vì người chết cũng không để yên, còn quật mồ đào mả của họ lên. Nhưng điều đó không ngăn được dân gian lưu truyền và kể lại rất nhiều truyền thuyết thú vị về nó, thậm chí còn có rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khai thác đề tài này, hình thành một dòng tiểu thuyết đạo mộ (trộm mộ) như Đạo Mộ Bút Ký, Ma Thổi Đèn, Tặc Miêu…

7 cuốn truyện trộm mộ hay, ly kỳ và hấp dẫn bạn đừng bỏ qua

11. Nghề thầy cúng

Tập tục cúng cho người chết rất phổ biến trên thế giới và vẫn lưu giữ đến hiện nay. Tuy nhiên, nghề thầy cúng rùng rợn nhất chính là thầy cúng tục thiên táng ở Tây Tạng.

Nghề thầy cúng rùng rợn nhất là ở tục thiên táng tại Tây Tạng. (Ảnh: Internet)
Nghề thầy cúng rùng rợn nhất là ở tục thiên táng tại Tây Tạng. (Ảnh: Internet)

“Thiên táng thường được cử hành vào sáng sớm, vào lúc kền kền (kền kền được coi là chim thần trong tín ngưỡng của người Tây Tạng) còn chưa bắt đầu ăn, trong bụng trống rỗng, chắc chắn bảo đảm có thể ăn sạch xác chết.

Nơi cử hành thiên táng rất đơn giản, ở một sườn núi bình thường, xây một đài đá, mấy người khiêng một xác người không mặc quần áo, bọc thảm trắng, nằm gập người lại, một lần nữa quay về tư thế bào thai, tư thế thuở ban đầu. Thầy cử hành thiên táng sẽ chính thức bắt đầu nghi thức.

Thầy làm lễ lấy dao rạch lưng xác chết ra, cắt xác thành những mảnh nhỏ, cắt ra từng dải thịt, ném cho kền kền, đập vụn phần xương, trộn với bột mì, cũng ném hết cho lũ kền kền. Trong thời gian khoảng mười mấy phút, đám kền kền đã ngốn sạch một con người, cả đài thiên táng trống trơn, sạch sẽ vô cùng, đến một vết máu cũng không rớt lại.

Thầy cúng phải cắt nhỏ thi thể, đập vụn xương, đảm bảo đám kền kền ăn sạch thi thể không còn một vụn thịt. (Ảnh: Internet)
Thầy cúng phải cắt nhỏ thi thể, đập vụn xương, đảm bảo đám kền kền ăn sạch thi thể không còn một vụn thịt. (Ảnh: Internet)

Thầy cử hành thiên táng cất dao, lấy bột mì xoa sạch những vết máu trên tay, uống hết trà bơ đã nấu kĩ, quá trình thiên táng coi như kết thúc.” (Trích: “Quỷ giấu người” – Tác giả: Truyền Thuyết Một Con Cá)

12. Nghề đuổi xác (cản thi)

Đuổi xác (hay còn gọi là cản thi) là cổ thuật thần bí, mang đầy màu sắc tâm linh kinh dị ở Trung Quốc. Đuổi xác là một loại cổ thuật của tộc Miêu, thuộc vào văn hóa thầy mo, cũng có chút liên quan với Mao Sơn thuật. Từ thời nhà Thanh đã có những truyền thuyết li kỳ, thần bí về “người đuổi xác” ở Tương Tây. Những người này còn được gọi là “thầy cản thi”, dùng “bí thuật” để tìm kiếm và dẫn thi thể người tha hương trở về quê cũ, cho bọn họ yên nghỉ tại mộ phần tổ tiên hoặc vùng đất quê nhà, không phải làm cô hồn dã quỷ.

Nghề cản thi đầy kỳ bí được lưu truyền tại Trung Quốc. (Ảnh: Internet)
Nghề cản thi đầy kỳ bí được lưu truyền tại Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Người đuổi xác là một pháp sư mặc đạo bào vừa phải gõ chiêng, vừa dẫn đám thi thể đi, trong tay còn phe phẩy một lá cờ nhiếp hồn để cảnh báo người sống chớ lại gần mà sinh rắc rối. Nếu có từ hai thi thể trở lên, thầy cản thi sẽ dùng dây cỏ buộc chân các thi thể lại với nhau, mỗi người cách nhau khoảng 2m. Trên đầu thi thể dán tấm bùa vàng để đề phòng các trường hợp thi biến.

Nghe có vẻ rất quen đúng không? Đây chính là hình mẫu của “cương thi” sau này hai tay giơ thẳng trước mặt, chân chụm lại nhảy từng bước từng bước mà trong phim Trung Quốc rất hay xuất hiện. Thực hư của nghề đuổi xác, cản thi này không ai có thể khẳng định và càng về sau càng nhuốm màu sắc huyền bí của phim ảnh.

Hình mẫu đạo sĩ cản thi và các cương thi trong phim Trung Quốc. (Ảnh: Internet)
Hình mẫu đạo sĩ cản thi và các cương thi trong phim Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Một số thông tin thú vị khác có thể bạn quan tâm:

Bạn đừng quên theo dõi BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật các tin tức độc lạ, thú vị khác nhé!

Nguồn dịch: Cáo Nhỏ

Xem thêm

Khám phá một số loài cá xinh đẹp của đại dương

Không chỉ chứa vô vàn những bí ẩn chưa được khám phá, đại dương còn rất nhiều điều thú vị là đẹp đẽ. Hôm nay, cùng BlogAnChoi điểm qua một vài loài cá xinh đẹp của đại dương nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận