Bạn có biết nhóm máu của mình là gì không? Nếu câu trả lời là không thì cũng đừng quá e ngại vì rất nhiều người cũng giống như vậy. Nhưng bạn có biết nhóm máu cũng rất quan trọng đối với sức khỏe ở nhiều khía cạnh khác nhau? Hãy cùng khám phá nhé!

Có lẽ đa số mọi người đều không biết nhóm máu của mình là gì – theo thống kê thực tế thì hơn một nửa số người Mỹ cũng như vậy. Nhưng kể cả khi bạn sợ máu hoặc không hứng thú với nó thì cũng có nhiều lý do để tìm hiểu về nhóm máu, vì sức khỏe của bản thân và giúp đỡ những người khác.

Bạn có biết nhóm máu của mình là gì không? (Ảnh: Internet).
Bạn có biết nhóm máu của mình là gì không? (Ảnh: Internet).

Bác sĩ Danielle Nance chuyên về huyết học tại Trung tâm Ung thư Banner MD Anderson (Mỹ) sẽ giải thích cho chúng ta nhiều vấn đề, từ nguyên nhân tạo ra các nhóm máu khác nhau cho đến tác dụng khi biết nhóm máu của mình.

Tại sao lại có các nhóm máu khác nhau?

Bác sĩ Nance cho biết: “Nhóm máu của bạn được xác định bởi loại đường hoặc kháng nguyên “trang trí” cho bề mặt của tế bào hồng cầu. Các loại đường đó được ghép vào với nhau để tạo ra các nhóm khác nhau.” Các kháng nguyên được quyết định bởi sự kết hợp các gene di truyền từ cha mẹ.

Nhóm máu là A, B, AB hay O phụ thuộc vào loại kháng nguyên A hoặc B có trên bề mặt tế bào hồng cầu:

  • Nếu không có cả A và B thì là nhóm máu O
  • Nhóm máu A chỉ có kháng nguyên A trên hồng cầu
  • Nhóm máu B chỉ có kháng nguyên B trên hồng cầu
  • Nhóm máu AB có cả kháng nguyên A và B trên hồng cầu
Nhóm máu ABO do các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu quy định (Ảnh: Internet).
Nhóm máu ABO do các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu quy định (Ảnh: Internet).

“O là nhóm máu cơ bản và phổ biến nhất, tiếp theo là A, sau đó là B và cuối cùng là AB,” bác sĩ Nance nói.

Ngoài ra còn có yếu tố Rhesus, hay viết tắt là Rh, được chia ra thành âm (-) hoặc dương (+). Hầu hết mọi người có Rh (+), còn những người có nhóm máu O Rh (-) được coi là nhóm máu “chuyên cho”, tức là có thể truyền cho bất kỳ ai khác dù không cùng nhóm máu.

Tại sao bạn nên biết nhóm máu của mình?

Phòng khi cần phải truyền máu

Những ca cấp cứu phải truyền máu không hề hiếm gặp (Ảnh: Internet).
Những ca cấp cứu phải truyền máu không hề hiếm gặp (Ảnh: Internet).

Lý do quan trọng nhất để biết nhóm máu của mình là trong trường hợp cấp cứu. Nếu bạn không may bị tai nạn hoặc bệnh nặng cần truyền máu thì phải tìm được nhóm máu phù hợp càng nhanh càng tốt. Truyền máu không phù hợp có nguy cơ khiến các tế bào máu bị đông lại tạo thành cục huyết khối, có thể gây tử vong.

Tiến sĩ Nance nói: “Biết nhóm máu của mình cũng có thể giúp dự đoán nồng độ của một số protein nhất định trong máu, như trong bệnh von Willebrand.”

Để hiến máu giúp đỡ người khác

Lý do cũng quan trọng không kém để tìm hiểu về nhóm máu của mình là giúp đỡ người khác bằng cách hiến máu. Các cơ sở y tế luôn có nhu cầu nhận thêm máu thuộc tất cả các nhóm khác nhau.

Hiến máu nhân đạo (Ảnh: Internet).
Hiến máu nhân đạo (Ảnh: Internet).

Bác sĩ Nance nói: “Tất cả các nhóm máu đều cần thiết bởi vì tất cả các nhóm người đều cần máu. Theo Tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ thì cứ mỗi 2 giây sẽ có một người nào đó cần được truyền máu.”

Lập kế hoạch chăm sóc khi mang thai

Nhóm máu có thể ảnh hưởng tới một số vấn đề sức khỏe trong thai kỳ, chẳng hạn như sự bất đồng Rh giữa mẹ và con. Bác sĩ Nance nói: “Phụ nữ có nhóm máu Rh (-) có thể mang thai với người cha Rh (+). Khi điều đó xảy ra, người mẹ có thể có phản ứng miễn dịch với thai nhi. Trường hợp này cần được điều trị và theo dõi cẩn thận trong thai kỳ”.

Nhóm máu có liên quan với nguy cơ mắc một số bệnh

Chúng ta có thể thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và tâm trí của mình, nhưng không thể thay đổi được nhóm máu bởi nó được quyết định bởi các gene di truyền từ cha mẹ, tạo ra các phân tử đặc trưng trên bề mặt tế bào hồng cầu. Những chất đó có thể tương tác với hệ miễn dịch của cơ thể và từ đó ảnh hưởng tới nguy cơ mắc một số bệnh thông thường.

Tùy thuộc vào nhóm máu của bạn là A, B, AB hay O, bạn có thể ít nhiều có nguy cơ bị bệnh tim, ung thư và một số bệnh khác. Sau đây là một số vấn đề sức khỏe đã được biết là có liên quan với nhóm máu.

Các vấn đề về trí nhớ

Nhóm máu cũng có liên quan với trí óc? (Ảnh: Internet).
Nhóm máu cũng có liên quan với trí óc? (Ảnh: Internet).

Nhóm máu AB có thể làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, theo một nghiên cứu trên tạp chí Neurology. Cụ thể, những người thuộc nhóm AB dễ gặp vấn đề trong việc học tập hoặc nhớ lại các danh sách hơn so với những người thuộc nhóm máu khác, đó là một dạng bài test tiêu chuẩn để đánh giá khả năng nhận thức của trí não.

Tác giả của nghiên cứu là giáo sư bác sĩ Mary Cushman tại Đại học Vermont (Mỹ) nói: “Chúng tôi biết rằng nhóm máu AB có liên quan đến nồng độ của một số yếu tố đông máu và protein trong máu”, tuy nhiên vẫn chưa rõ cơ chế cụ thể gây giảm năng lực trí óc.

Ung thư dạ dày

Tại sao nhóm máu lại ảnh hưởng tới dạ dày? (Ảnh: Internet).
Tại sao nhóm máu lại ảnh hưởng tới dạ dày? (Ảnh: Internet).

Tin không vui cho những người thuộc nhóm máu AB: nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày sẽ cao hơn khoảng 26% so với nhóm máu B hoặc O, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Mỹ. Nếu bạn thuộc nhóm A thì nguy cơ mắc bệnh này cũng cao hơn 20% so với nhóm B hoặc O.

Nguyên nhân là do một loại vi khuẩn tên là Helicobacter pylori (hay gọi tắt là HP) đã được biết là tác nhân gây ung thư dạ dày. Mặc dù khoảng 2/3 dân số thế giới đều có vi khuẩn này trong đường tiêu hóa, nhưng những người thuộc nhóm máu AB hoặc A có thể có phản ứng miễn dịch mạnh hơn với vi khuẩn làm tăng nguy cơ ung thư, theo tác giả của nghiên cứu là tiến sĩ Gustaf Edgren tại Bệnh viện Đại học Karolinska ở Thụy Điển.

Loét dạ dày

Nghiên cứu nói trên của tiến sĩ Edgren cũng cho thấy vi khuẩn HP có thể làm tăng nguy cơ bị loét dạ dày ở những người thuộc nhóm máu O. Tiến sĩ Edgren nói: “Nhóm máu này bằng cách nào đó điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi khuẩn, nhưng chúng tôi không biết chính xác như thế nào.” Sự thay đổi miễn dịch đó có thể chính là nguyên nhân.

Bệnh tim

Nhóm máu ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh tim như thế nào? (Ảnh: Internet).
Nhóm máu ảnh hưởng tới nguy cơ mắc bệnh tim như thế nào? (Ảnh: Internet).

Nhóm máu O có thể giảm nguy cơ bệnh tim lên đến 23% so với những người thuộc nhóm máu khác, theo nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard. Dữ liệu cho thấy những người thuộc nhóm máu AB và B có nguy cơ mắc bệnh tim cao nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết một số nhóm máu nhất định có liên quan đến tình trạng viêm nhiều hơn, có thể giải thích phần nào mối liên hệ với bệnh tim.

Ung thư tuyến tụy

Lại là nhóm máu O: nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy thấp hơn 37% so với các nhóm máu khác, theo nghiên cứu trên Tạp chí Viện Ung thư Quốc gia của Mỹ. Một lần nữa, các nhà nghiên cứu cho rằng sự hiện diện của vi khuẩn HP có thể là nguyên nhân gây tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở những người không thuộc nhóm máu O.

Mặc dù nhóm máu dường như có ảnh hưởng tới nguy cơ mắc một số bệnh, nhưng không rõ ảnh hưởng nhiều tới đâu. Lời khuyên của các chuyên gia là tốt nhất hãy duy trì lối sống lành mạnh: ăn uống điều độ, tập thể dục và cố gắng kiểm soát những thứ mà chúng ta có thể kiểm soát được. Nếu bạn lo lắng về các vấn đề sức khỏe cụ thể nào đó – dù là bệnh tim hay sa sút trí tuệ – thì hãy đi khám và nói chuyện với bác sĩ.

Làm cách nào để biết được nhóm máu của mình?

Ở một số quốc gia, cách dễ nhất để biết nhóm máu là xem giấy khai sinh. Nhưng nếu không sống ở những nước như vậy hoặc không thể xem giấy khai sinh của mình thì cũng có vài cách khác.

  • Hỏi bác sĩ của mình: Trong hồ sơ sức khỏe của bạn thường sẽ có nhóm máu.
  • Đi hiến máu: Khi hiến máu, bạn sẽ phải làm một số xét nghiệm trong đó có xác định nhóm máu. Nếu trước đây bạn đã từng đi rồi thì có thể gọi điện cho cơ sở y tế đó để hỏi, còn nếu đi hiến máu lần đầu thì hãy xem trong thẻ hiến máu có ghi thông tin này.
Trên thẻ hiến máu có ghi nhóm máu (Ảnh: Internet).
Trên thẻ hiến máu có ghi nhóm máu (Ảnh: Internet).
  • Đi khám sức khỏe, xét nghiệm máu: Khi được lấy máu xét nghiệm, bạn có thể yêu cầu được biết nhóm máu của mình. Nếu đã từng lấy máu ở nơi nào đó trước đây thì hãy gọi điện cho họ để hỏi.
  • Dùng các bộ xét nghiệm tại nhà: Các dụng cụ này có thể xác định nhóm máu thông qua một giọt máu chích từ ngón tay hoặc dùng nước bọt. Tuy nhiên độ chính xác của chúng không đảm bảo và còn tùy vào cách sử dụng có đúng hay không.

Trên đây là những lý do bạn nên tìm hiểu về nhóm máu của mình, không chỉ để “cho biết” mà thực sự rất hữu ích với bản thân và mọi người xung quanh. Giờ thì bạn đã biết nhóm máu của mình là gì chưa? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

Cách hoa có thể cải thiện sức khỏe của bạn

Mọi người thường nghĩ đến hoa khi muốn thể hiện tình yêu của mình với ai đó hoặc tạo ra một vật trang trí đẹp mắt. Mặc dù hoa có thể làm tăng thêm vẻ đẹp cho cuộc sống hàng ngày nhưng chúng cũng có những tác dụng chữa bệnh đáng ngạc nhiên. Hãy đọc bài viết này để ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận