Trong số tất cả những cái tên gắn liền với Cách mạng Pháp năm 1789, Marie Antoinette có lẽ là cái tên quen thuộc nhất. Bà là công chúa nước Áo, gả cho vua Louis XVI của Pháp làm hoàng hậu và bị hành quyết khi mới 37 tuổi. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 10 sự thật về hoàng hậu Pháp Marie Antoinette – một trong những bà hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới nào.
- 1. Con tốt trong tay kẻ thống trị
- 2. Các vấn đề của Pháp đã bắt đầu từ lâu trước khi bà đến
- 3. Mục tiêu của sự bài ngoại
- 4. Trở thành hoàng hậu còn quá trẻ
- 5. Không có quyền lực của hoàng hậu thực sự
- 6. Không tiêu xài hoang phí gây thâm hụt quốc khố
- 7. Đau khổ vì quyết định sai lầm của chồng
- 8. Lòng trung thành với Pháp và chồng
- 9. Chưa bao giờ nói “cho họ ăn bánh”
- 10. Nạn nhân của truyền thông bẩn
1. Con tốt trong tay kẻ thống trị
Marie Antoinette được sinh ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử châu Âu: quan hệ Pháp – Áo hòa hợp chưa từng có. Mẹ bà, hoàng hậu Maria Theresa – đã đưa bà lên xe ngựa sang Pháp ở tuổi 14 và giao cho bà nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Áo trong một triều đình nước ngoài và có nền văn hóa khác biệt.
Marie Antoinette đã đấu tranh một cách tuyệt vọng để tìm ra con đường của mình nhưng cuộc sống của bà gần như hoàn toàn nằm trong tay những người đàn ông quyền lực xung quanh.
2. Các vấn đề của Pháp đã bắt đầu từ lâu trước khi bà đến
Vào thời điểm Marie Antoinette đến Pháp, vương quốc này đã gặp rắc rối nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ.
Louis XV, ông nội chồng của bà lên ngôi từ khi 5 tuổi nhưng cuộc sống của ông chỉ xoay quanh các tình nhân. Điều này làm hoen ố danh tiếng của vương miện trong lòng dân chúng Pháp. Các cơ quan cấp tỉnh được gọi là “nghị viện” cũng có thói quen cản trở chính sách của hoàng gia, bao gồm cả những cải cách tài chính rất cần thiết.
Các phương pháp canh tác không thay đổi trong nhiều thế kỷ khiến nông nghiệp Pháp đặc biệt dễ bị tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt, dẫn đến giá lương thực tăng cao trong khi dân số ngày càng tăng. Tầng lớp quý tộc trốn hầu hết mọi khoản thuế và phản đối mọi hành vi xâm phạm đến đặc quyền của họ, cho dù chúng tốt cho đất nước.
3. Mục tiêu của sự bài ngoại
Châu Âu thế kỷ 18 khá bảo thủ với người nước ngoài nên thân phận dòng dõi hoàng tộc Áo của Marie Antoinette – nhất là khi Áo và Pháp đã xung đột với nhau trong nhiều thế kỷ – khiến bà bị kì thị rất nhiều.
Cuộc hôn nhân giữa Marie Antoinette và Louis XVI nhằm mục đích củng cố tình trạng hữu nghị và hợp tác mới giữa hai quốc gia đối địch. Thật không may cho công chúa khi điều này có nghĩa là bà phải cân bằng giữa lòng trung thành với Áo với việc hoàn thành sứ mệnh trở thành hoàng hậu của Pháp – một gánh nặng lớn trên vai cô bé 14 tuổi.
4. Trở thành hoàng hậu còn quá trẻ
Năm 1774, Louis XV qua đời sau khi bị nhiễm bệnh đậu mùa. Từ thời điểm này, tài chính của Pháp đã ở trong tình trạng tồi tệ khi thâm hụt hơn 20 triệu livres. Bà cũng chưa sinh được con trai, điều khiến bà không được lòng các cố vấn hoàng gia.
Còn quá trẻ để có được nhiều quyền lực như vậy, cả Louis XVI và Marie Antoinette đều bị áp lực và hậu quả là đưa ra những lựa chọn sai lầm vào những thời điểm quan trọng. Marie Antoinette trở thành hoàng hậu khi mới mười tám tuổi và phải mất ít nhất một thập kỷ bà mới bắt đầu trưởng thành một cách nghiêm túc cũng như có thể thành công với vai trò này. Thời gian đầu sau khi lên ngôi, bà chỉ dành thời gian để chơi những trò yêu thích, tiệc tùng và mua sắm – những việc mà tất cả những người ở độ tuổi 20 đều làm nhưng lại gây ảnh hưởng khủng khiếp tới danh tiếng của một vị hoàng hậu.
5. Không có quyền lực của hoàng hậu thực sự
Mặc dù Marie Antoinette từng bị tuyên truyền là người có ảnh hưởng quá lớn với nhà vua nhưng trên thực tế bà không nắm giữ quyền lực hành chính cũng như không tham gia điều hành đất nước. Điều này là do cấp bậc và tước vị của bà xuất phát từ vị trí vua của chồng bà, chính phủ chỉ nhận lệnh của Louis XVI chứ không phải hoàng hậu.
Ở Pháp vào thế kỷ 18, quan điểm cho rằng vợ của nhà vua nắm giữ bất kỳ quyền lực đáng kể nào là điều đáng chê trách. Người Pháp phản đối việc phụ nữ cai trị đến mức cấm họ thừa kế ngai vàng ngay cả khi nhà vua không có con trai. Hơn nữa, Marie Antoinette là công chúa Áo, có nghĩa bà là người nước ngoài đến từ một hoàng gia đối địch.
6. Không tiêu xài hoang phí gây thâm hụt quốc khố
Chắc chắn Versailles đã trở nên sang trọng hơn nhờ – một phần – Marie Antoinette. Bà được nuôi dưỡng trong sự xa hoa và suốt đời chỉ sống trong các dinh thự hoàng gia khác nhau. Chỉ riêng Versailles đã tốn một khoản tiền lớn để duy trì nhưng ngay trước khi cách mạng tư sản Pháp nổ ra, chi tiêu của hoàng gia chỉ chiếm 7% tổng ngân sách, trong khi hơn 40% là nợ quốc gia.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi Marie Antoinette chưa từng tiêu một xu nào trong suốt 23 năm ở Pháp thì điều đó cũng không thể giải quyết được các vấn đề của đất nước cũng như không ngăn cản được cuộc cách mạng.
7. Đau khổ vì quyết định sai lầm của chồng
Louis XVI hoàn toàn không phù hợp với ngôi vua, ông chỉ kế vị ông nội ở tuổi 19 vì cha và anh trai đều đã qua đời trước đó. Ngay cả khi vương quốc đang nợ nần chồng chất, ông vẫn đồng ý giúp đỡ chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ.
Trong suốt triều đại của họ, hoàng hậu hầu như luôn bị loại khỏi việc hoạch định chính sách. Thật đáng tiếc vì trong những năm trước khi họ bị hành quyết, bà đã chứng tỏ mình có năng lực, sắc sảo và phản ứng nhanh hơn chồng mình – người lúc đó đã rơi vào tình trạng trầm cảm nghiêm trọng. Louis XVI thường xuyên bị cản trở bởi sự thiếu quyết đoán và không đủ khả năng đối mặt với những tai họa đang nhấn chìm gia đình ông. Cuối cùng, Marie Antoinette sẽ phải trả giá cho cuộc hôn nhân này bằng mạng sống của chính mình.
8. Lòng trung thành với Pháp và chồng
Khi đến Versailles, Marie Antoinette vẫn bị gọi là “người Áo”, một minh chứng cho thấy triều đình Pháp coi thường liên minh mới này. Nhưng vào thời điểm cách mạng, hoàng hậu đã dành gần 2/3 cuộc đời mình ở Pháp.
Trong một lần trao đổi, bà nói rõ ràng với đại sứ của anh trai mình – hoàng đế Áo lúc đó – rằng Vienna không có quyền can thiệp vào việc bổ nhiệm các bộ trưởng của Pháp, khiến Áo coi bà là một kẻ phản bội. Khi cách mạng nổ ra, các cố vấn hoàng gia liên tục hối thúc hoàng hậu cùng các con bỏ trốn nhưng bà kiên quyết ở lại bên chồng. Trong nỗ lực cuối cùng, bà phụ trách kế hoạch trốn thoát khỏi Paris, nhưng gia đình hoàng gia đã bị nhận ra trên đường đi và buộc phải quay trở lại Paris.
9. Chưa bao giờ nói “cho họ ăn bánh”
Lời cáo buộc “sao không cho họ ăn bánh” gắn chặt với tên của Marie Antoinette nhưng không có bằng chứng xác thực nào cho thấy bà đã làm như vậy và nó cũng không phù hợp với tính cách của bà.
Vào thời điểm chế độ quân chủ sụp đổ, Marie Antoinette đã bị phỉ báng theo mọi cách có thể tưởng tượng được. Nếu đúng là nhận xét nhẫn tâm này đã góp phần khiến người dân phẫn nộ thì nó đã được nhắc đến trong các tài liệu đương thời, chẳng hạn như báo chí hoặc các tờ rơi cách mạng. Trên thực tế, lần sớm nhất câu nói này gắn với tên bà chỉ xuất hiện nhiều thập kỷ sau cuộc cách mạng và dưới hình thức phản bác!
10. Nạn nhân của truyền thông bẩn
Marie Antoinette là một trong những nạn nhân sớm nhất của một chiến dịch bôi bẩn kéo dài không ngừng. Vào thời điểm chồng bà trở thành vua, chế độ quân chủ đã mất đi phần nào ánh hào quang. Những gì diễn ra trong hai thập kỷ tiếp theo chỉ có thể được mô tả như một cơn mưa truyền thông bẩn và những tuyên truyền bôi nhọ lan rộng nhằm làm mất uy tín của hoàng gia và đặc biệt nhất là hoàng hậu.
Hầu hết những lời buộc tội bà đều mang tính chất tình dục khi hoàng hậu thường xuyên bị miêu tả là một điệp viên, một kẻ ngoại tình và một kẻ cuồng dâm dâm đãng. Trong hành động tàn ác nhất, con trai út của Marie Antoinette bị buộc phải làm chứng tại phiên tòa xét xử bà rằng mẹ cậu đã lạm dụng tình dục cậu.
Bạn có thể đọc thêm:
- 10 lầm tưởng lớn nhất về Rasputin: phù thủy của hoàng gia Nga
- 10 bí quyết làm đẹp quái đản của những mỹ nhân đẹp nhất lịch sử
- 10 quan niệm sai lầm về thế giới cổ đại mà phần lớn thế giới vẫn còn tin tưởng
Mình rất cảm kích nếu các bạn để lại những ý kiến của mình về bài viết này, hãy cho mình biết nhé.