Những lúc bạn muốn tách mình khỏi dòng chảy xô bồ của cuộc sống thì một cuốn tản văn sẽ là liều thuốc tinh thần hiệu quả. Không cần suy tư phán đoán, chỉ cần chờ đợi và lắng nghe. Đó chính là cuốn tản văn Gấm Hoa Giữa Đời của An Ni Bảo Bối – nơi bạn có thể tìm thấy sự thanh thản và lắng đọng cho tâm hồn.
Gấm Hoa Giữa Đời: bóng ngày trôi đi trong ký ức
Gấm Hoa Giữa Đời là một tập tùy bút của tác giả An Ni Bảo Bối, tựa gốc tiếng Trung là Tố Niên Cẩm Thời, được xuất bản lần đầu vào tháng 9 năm 2007. Chỉ trong vòng hai năm kể từ khi xuất bản tại Trung Quốc, cuốn sách đã vượt quá 1 triệu bản in. Đọc cuốn sách bạn sẽ có cảm giác như đang đi trong màn sương của ký ức. Nhưng sau khi ra khỏi sương mù, bạn sẽ đến được một thế giới mới – thế giới của sự chiêm nghiệm, từng trải và trưởng thành.
- Tác giả: An Ni Bảo Bối
- Ngôn ngữ: Tiếng Việt
- Thể loại: Tản văn hiện đại
- Ngày xuất bản: 12-2017
- Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Văn Học
- Công ty phát hành: Pavicobooks
- Giá bìa: 95.460 VNĐ/cuốn
- Số trang: 364
- Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
- Loại bìa: Bìa mềm
- Tổng số tập: 1 tập
- Đánh giá trên Goodreads: 4.14/5 (11 đánh giá)
Chân dung tác giả An Ni Bảo Bối
An Ni Bảo Bối, tên thật là Lệ Tiệp, sinh ngày 11 tháng 7 năm 1974 tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, là một nữ nhà văn đương đại nổi tiếng của Trung Quốc. Trong cuộc sống, cô từng kinh qua rất nhiều công việc, có lẽ vì thế mà các tác phẩm của cô luôn thấm đẫm tính triết lý và chiêm nghiệm.
Năm 2014, cô bắt đầu sử dụng bút danh mới là Khánh Sơn, đánh dấu sự trải nghiệm một lối viết khác mang tên linglei. Nhà văn Quách Kính Minh từng nhận xét về An Ni như sau: “Có khi đang đi trên đường, tình cờ nhìn thấy cửa hàng hoa có bán diên vỹ xanh hoặc trong tiệm tranh nhìn thấy bản sao bức Hoa diên vỹ của Vincent Van Gogh, tôi đều nghĩ đến An Ni, người con gái một mình viết văn trong bóng đêm cô độc. Cô viết chữ trên mặt hồ, có cảm giác chỉ như ảo ảnh trong nước, vừa thoáng xuất hiện đã lập tức tan biến.”
Những tác phẩm của An Ni Bảo Bối như Hoa Bên Bờ, Đảo Tường Vy, Thanh Tỉnh Kỷ, Xuân Yến,… đều nhận được phản hồi vô cùng tốt từ các độc giả. Trong đó truyện ngắn Thất Nguyệt Và An Sinh của cô đã được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên.
Nội dung chính của cuốn sách Gấm Hoa Giữa Đời
Bố cục của cuốn tản văn Gấm Hoa Giữa Đời bao gồm 4 phần lớn được đặt tên theo 4 mùa, theo thứ tự là Đông – Thu – Hạ – Xuân. Theo tác giả An Ni Bảo Bối thì trong cuốn sách “rất nhiều đoạn đều chỉ là tự trò chuyện”. Cô dành phần lớn dung lượng cuốn sách để hồi tưởng lại ký ức về thời thơ ấu, so sánh với cuộc sống hiện tại của mình và suy tư, chiêm nghiệm về tự nhiên, xã hội.
Phần đầu tiên – Đông, là bức tranh màu nước rõ nét về tuổi thơ của tác giả tại cả thành phố và làng quê. Cuộc sống tập thể giản đơn mà ấm áp tình người trong căn nhà gỗ phương Nam cũ kỹ được cô tái hiện hết sức chân thực. Đồng thời cô bày tỏ niềm cảm thán về cuộc đời vật đổi sao dời. Bánh xe hiện đại hóa đã dần dần nghiền nát những cảnh vật trong kí ức thành bột mịn, cảnh cũ người xưa đều không thể tìm lại. Cô cũng viết về những người thân của mình lúc sinh thời, qua đó bộc lộ những tâm sự thầm kín về gia đình và thể hiện nỗi trăn trở, xót xa khi những sinh mệnh gắn bó bên mình lần lượt rời xa nhân thế.
Hai phần Thu và Hạ tập trung vào cuộc sống xa nhà của cô tại Bắc Kinh. Cô không ngừng khám phá mối quan hệ giữa nội tại và ngoại vi, suy nghĩ về khoảng cách giữa bản thân với xã hội. Cô quan sát lối sống của những người xung quanh, trải lòng về vấn đề xăm mình, tình ái, về ý nghĩ mạo hiểm và nổi loạn tồn tại trong nội tâm mỗi người.
Phần Xuân có lẽ là phần đặc biệt nhất khi tác giả chuyển từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba để kể chuyện. Đó là một truyện vừa mang tên Nguyệt Đường Ký, kể về hành trình “chớp nhoáng” để đến với hôn nhân của cô gái Trùng Quang. Những nét tâm lý và tính cách tác giả xây dựng cho Trùng Quang mang tính đại diện cho những nhân vật nữ trong tác phẩm của An Ni Bảo Bối.
Cảm nhận của độc giả về cuốn sách Gấm Hoa Giữa Đời
Nhiều độc giả trên trang Goodreads nhận xét Gấm Hoa Giữa Đời là cuốn tản văn giàu chất thơ, mang lại cảm giác yên bình, dễ chịu, nhưng những triết lý trong đó lại thâm sâu khó dò.
Độc giả Bach Tran Quang nhận xét An Ni Bảo Bối là “người đàn bà vẽ nỗi buồn trong bóng tối”, cho rằng cách sử dụng từ ngữ và những điển tích, điển cố của cô thật sự tài hoa.
Độc giả Linhi có ấn tượng sâu sắc với những đoạn văn tả cảnh và dành lời khen cho cách hành văn uyển chuyển của tác giả và người chuyển ngữ.
Một độc giả trên Tiki cho rằng văn phong và nhân vật của An Ni Bảo Bối trong cuốn tản văn này có phần tương đồng với các tác phẩm khác của cô, lời văn an tĩnh điềm nhiên, nhẹ nhàng sâu lắng còn nhân vật lại luôn luôn phiêu bạt, tâm tư hoặc rất bình thản hoặc rất xáo trộn.
Những điều tâm đắc sau khi đọc cuốn sách Gấm Hoa Giữa Đời
Ngôn ngữ
Sau khi gấp lại cuốn tản văn của An Ni thì điều đọng lại chính là lời văn tinh tế và đẹp đẽ như hoa thêu trên gấm của tác giả. Có thể nói khi đọc Gấm Hoa Giữa Đời, chúng ta không thể đọc nhanh, đọc vội mà phải tiếp nhận một cách thong thả, từ tốn để suy ngẫm về những tầng triết lý chìm dưới từng con chữ.
An Ni từng nói trong lời tựa của cuốn sách rằng: “Tôi tin tưởng tất cả những ngôn ngữ chân thực tự nhiên, không vờ vĩnh, không phù phiếm, chỉ có sự lắng đọng dần dần trong cuộc sống và tình cảm”. Tuy nhiên khi đọc sách lại có cảm giác văn phong của cô vừa tự do, phóng khoáng, lại vừa trau chuốt, tỉ mỉ. Có những đoạn văn cực kỳ ngắn như viết một cách ngẫu hứng nhưng vẫn thấy được sự thâm trầm, có những đoạn lời lẽ bay bướm như đã được dày công đẽo gọt. Tất nhiên cảm nhận đó ít nhiều cũng do cách hành văn của dịch giả đem lại.
Nhân vật
Thêm vào đó, nhân vật nữ trong câu chuyện cũng mang lại ấn tượng khá sâu sắc. Có hai nhân vật nữ nổi bật trong cuốn sách là chính bản thân tác giả cùng với sự xuất hiện của cô gái tên Trùng Quang ở phần sau của cuốn tản văn. Hai nhân vật này xét ra đều tỏa ra khí chất trầm mặc, ưu nhã, cô độc giống như nhau, nhiều lúc không thể phân biệt nổi An Ni đang kể về Trùng Quang hay kể về chính mình nữa.
Ở một góc độ nào đấy, các nhân vật nữ mà An Ni tạo dựng đa phần đều ưa thích chủ nghĩa xê dịch, có niềm ham muốn mạnh mẽ với cuộc sống lang bạt kỳ hồ và khát khao được tự do như cơn gió. Họ có ý nghĩ nổi loạn và phá hủy ngấm ngầm, hay phiêu bạt bất định chứ không an phận thủ thường. Lý Vũ Xuân có một bài hát rằng: “Không điên cuồng nữa chúng ta sẽ già mất / Không có hồi ức thì làm sao tôn thờ được”. Xét trên phương diện tâm lý tuổi trẻ thì tính cách nổi loạn ấy có lẽ xuất phát từ sự trân trọng sinh mệnh và mong muốn tồn tại mãnh liệt.
Kết cấu
Chắc không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại mở đầu cuốn sách bằng mùa Đông và kết lại bằng mùa Xuân. Mùa Đông là hồi ký hoa niên bình yên nhưng u hoài và tịch mịch chôn giấu trong đáy lòng cô, còn mùa Xuân lại là một cuộc hôn nhân viên mãn, một gia đình hạnh phúc trong khung cảnh trăm hoa đua nở, sức sống tràn trề. Một kết cấu đầu – cuối có chủ đích đậm chất nhân văn, phần nào thoát ly khỏi lối suy nghĩ và thể hiện phóng túng của thể loại tùy bút.
Mua cuốn sách Gấm Hoa Giữa Đời ở đâu? Giá bao nhiêu?
Bạn có thể mua cuốn tản văn này tại các nhà sách hoặc đặt mua online tại các trang web uy tín theo các đường link dưới đây:
- Bạn có thể mua Gấm Hoa Giữa Đời trên Tiki với giá 95.460 VNĐ (bản thường) tại đây
- Bạn có thể mua Gấm Hoa Giữa Đời trên Shopee với giá 119.200 VNĐ (bản đặc biệt) tại đây
Bạn có cảm nhận như thế nào sau khi đọc xong cuốn sách Gấm Hoa Giữa Đời? Hãy chia sẻ ý kiến và những điều bạn tâm đắc về cuốn sách này với BlogAnChoi nhé! Và ngoài cuốn sách trên, bạn cũng có thể tìm đọc thêm review về một số tựa sách thú vị khác trên BlogAnChoi như:
- Review truyện dài Quán Gò Đi Lên: những mảnh tình con trong quán Đo Đo
- Review hồi ký Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không: Cái chết có thực sự đáng sợ?
- Review sách self-help Mặt Nạ Nam Tính: Bất cứ ai, dù trai hay gái, đều nên đọc
Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật review về các cuốn sách hay bạn nhé!