Đời người, ai cũng có thú vui của mình, cũng buồn nỗi buồn của mình… Nhưng không phải sự gì cũng nhất thiết nói ra miệng cho bằng hết mới thôi. Những lúc như vậy hãy thử trò chuyện cùng một cuốn sách hay. Kì thật không tồi chút nào! Thương nhớ mười hai đã làm sống động tâm tình tôi những lúc đó…

Sponsor

Thương nhớ mười hai: Tình yêu vụt hóa thành nỗi nhớ và không gian văn hóa

Tập hồi kí Thương nhớ mười hai là kết quả của việc lưu giữ và tái hiện nhiều kỉ niệm, tình yêu dành cho Bắc Việt và người vợ Nguyễn Thị Quỳ của Vũ Bằng khi ông phải xa quê hương trong nhiều năm. Cuộc sống ở Nam Việt dù an ổn nhưng không thể làm ông quên Hà Nội của ngày xưa.

Vũ Bằng diễn tả nỗi nhớ đến nao lòng về Hà Nội và người vợ, hoàn toàn không nhắc đến một sự việc cụ thể nào cho nên không có cốt truyện, tản văn chủ yếu bộc lộ cảm xúc của một con người tha hương. Được viết vào năm 1960, tính đến nay đã qua hơn nửa thế kỉ, Thương nhớ mười hai vẫn giữ nguyên vẻ đẹp như thuở ban đầu.

Thông tin chung về cuốn sách Thương nhớ mười hai

  • Tác giả: Vũ Bằng
  • Ngôn ngữ: Tiếng Việt
  • Thể loại: Hồi kí, Tản văn
  • Năm xuất bản: 2022
  • Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
  • Công ty phát hành: Nhã Nam
  • Giá bìa: 240.000 VNĐ/cuốn
  • Số trang: 344
  • Kích thước: 14.5 x20.5 cm
  • Loại bìa: Bìa cứng
  • Tổng số tập: 1 tập
  • Sách bán chạy: 555 cuốn bản giới hạn Việt Nam Danh Tác
  • Đánh giá: 4,8/5 (5 lượt đánh giá)
Đánh giá của bạn đọc trên trang bán hàng onlibe của Tiki. (Ảnh: BlogAnChoi)
Đánh giá của bạn đọc trên trang bán hàng onlibe của Tiki. (Ảnh: BlogAnChoi)

Vài nét về tác giả Vũ Bằng

Vũ Bằng tên thật là Vũ Đăng Bằng, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nổi tiếng ở Hải Dương nhưng về sau ông chuyển lên Hà Nội sống. Cha ông mất sớm, ông được người mẹ thương con, giỏi buôn bán, nuôi ăn học thành tài.

Ông rất thông minh và đam mê văn chương từ nhỏ. Điều đặc biệt, ông chơi thân với Vũ Trọng Phụng như một cái duyên tiền định. Ấy thế, trong lời nhận xét về ba gương mặt văn chương tiêu biểu vào khoảng năm 1935, Lê Tràng Kiều, nhà phê bình văn học đương nổi danh lúc bấy giờ, đã dành tặng cho đôi bạn ấy một danh xưng rất thân mật: “Bình dân” (để cái lòng lo nghĩ, xót thương cho tầng lớp bình dân).

Ông đã cưới người vợ hơn mình tận bảy tuổi nhưng nhờ mối chân tình này, ông đã cho thiên hạ thấu mối cảm hoài mặn nồng, chung thủy mà ông dành cho vợ mình. Và, ta có thể nói điều này mà không phải đắn đo: ông quả thực đã hoạt động văn chương và báo chí vô cùng sôi nổi cũng bởi ông có những điểm tựa vững chắc: xuất thân trong một gia đình khá giả, tấm lòng của người vợ thương chồng truyền hứng và cái khiếu nghệ thuật sẵn có.

Các sáng tác của ông vô cùng đa dạng và phong phú. Nhưng theo nhà thơ có tiếng trong giai đoạn đầu của phong trào Thơ Mới, Nguyễn Vỹ, bút pháp tả chân trào phúng của ông đặc sắc hơn cả. Nhà phê bình văn học, Lê Tràng Kiều, cũng nhận định rằng, cái tài viết phóng sự của ông có thể sánh với Vũ Trọng Phụng và rất đáng để ghi nhận, vinh danh đối với công cuộc mở đầu cho nghề viết phóng sự ở nước ta. Điều này, đóng vai trò như một điểm chứng quan trọng, phần nào phản ánh rõ nét hoạt động giao tiếp rộng rãi trong lĩnh vực báo chí, xuất bản của ông.

Việt Nam danh tác: Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng. (Ảnh: Internet)
Việt Nam danh tác: Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng. (Ảnh: Internet)

Cảm nhận của độc giả về Thương nhớ mười hai

Chẳng có nỗi buồn nào vô tận, sâu thẳm như nỗi buồn của người sống ở nơi đất khách quê người hướng về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn. Vũ Bằng nói cho đến cùng vẫn là một con người bình thường. Vì đi công tác ở Sài Gòn nên ông phải xa rời Hà Nội, chính cảnh sắc và con người nơi Sài Gòn làm ông dấy lên niềm thương, nỗi nhớ về vẻ đẹp riêng của quê hương mình.

Thương nhớ mười hai được ghi chép theo mốc thời gian mười hai tháng của một năm. Với cái nhìn tinh tế, Vũ Bằng đã giới thiệu cảnh vật, món ăn và tâm tình của con người trong mối tương quan với thời tiết của mười hai tháng. Trong mắt ông mười hai tháng, tháng nào cũng đẹp đẽ, đáng yêu. Từ đó, không gian văn hóa Bắc Việt được vẽ nên bằng ngòi bút dạt dào tình cảm của Vũ Bằng.

Trên Google đã có rất nhiều bài viết chia sẻ cảm nhận sau khi đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Nhiều bài viết rất hay rất ấn tượng. Tôi xin trích ra đây một số đoạn nhận xét tiêu biểu của một số độc giả.

Bài dự thi văn hóa đọc 2022. (Ảnh: Internet)
Bài dự thi văn hóa đọc 2022. (Ảnh: BlogAnChoi)
Bạn Thanh Thảo đã có một bài viết trên trang Revelogue chia sẻ cảm nhận về Thương nhớ mười hai. (Ảnh: BlogAnChoi)
Bạn Thanh Thảo đã có một bài viết trên trang Revelogue chia sẻ cảm nhận về Thương nhớ mười hai. (Ảnh: BlogAnChoi)
Lê Công Sơn viết một bài tường thuật sự kiện ra mắt Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật Đông A. (Ảnh: BlogAnChoi)
Lê Công Sơn viết một bài tường thuật sự kiện ra mắt Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật Đông A. (Ảnh: BlogAnChoi)

Ngoài ra, trên trang bán hàng online của Tiki bạn đọc cũng dành những nhận xét tích cực, ngắn gọn về chất lượng và nội dung của Thương nhớ mười hai. Số điểm đánh giá khá cao đạt 4,8/5.

Những điều tâm đắc sau khi đọc Thương nhớ mười hai

Tôi vốn rất thích bộ “Việt Nam danh tác” do Nhã Nam phát hành cho nên đã sưu tầm kha khá. Nhờ đó, tôi đọc được tựa sách Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng và lấy làm ấn tượng vì cảm nhận được chất trữ tình trong cuốn hồi ký này. Dù có đọc bao nhiêu lần tôi vẫn thấy bị mê hoặc, chắc có lẽ tôi vốn ưa kiểu văn chương giàu chất thơ cho nên đồng cảm và bắt được tần sóng lòng với chính tác giả.

Nhân một ngày mưa rơi, không đi ra ngoài chơi được nên tôi dành vài tiếng đồng hồ để ghi chép lại những cảm nhận, rất riêng, về Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Tôi rất mong bạn đọc BlogAnChoi đón nhận bài điểm sách và cho ý kiến về chính tác phẩm tôi viết và về chính nội dung bài viết của tôi. Tôi lấy làm vui và biết ơn vì cảm tình của bạn đọc.

Sponsor

Ở đây, tôi tiến hành tìm hiểu Thương nhớ mười hai theo trình tự từ thông tin tóm lược của đầu sách cho đến việc phân tích giá trị của tác phẩm để bạn đọc nắm bắt ý tưởng và tiện cho việc theo dõi bài viết.

Hoàn cảnh ra đời tác phẩm

Năm 1954, ông bí mật vượt tuyến, hoạt động tình báo tại miền Nam, để lại người vợ và người con trai mà ông hằng yêu thương ở Hà Nội. Chính thế, vào năm 1960, ông đã cầm bút và bắt đầu viết “Thương nhớ mười hai”. Ngòi bút nhờ sự điều khiển của nỗi niềm: tình nhớ, đã viết nên một tác phẩm tiêu biểu cho cả văn nghiệp của Vũ Bằng.

Mười một năm sống trong những trang sách “tương tư cố lý”, ông được cái vọng tưởng trực cảm soi rọi ý niệm sáng tác, hễ thể hiện ra con chữ thì dù thời gian có trôi qua nhanh, người ta cũng khó mà quên nếu đã một lần đọc.

Đọc tác phẩm theo lối phê bình của cảm xúc

Tôi đặt tựa đề như vậy thực chất là một cách nói có phần hơi hoa mĩ về việc dùng việc trải nghiệm tình cảm và kinh nghiệm sống để đọc “Thương nhớ mười hai”. Bạn đọc có thể xem đây như một góc nhìn cá nhân mang tính chất tâm sự của một người vừa bước chân vào con đường tìm hiểu văn chương một cách nghiêm túc.

Thực chất, lối phê bình trực cảm này đã có từ lâu đời ở Pháp (nơi nó được gọi là phê bình ánh sáng) và một công trình tiêu biểu ở Việt Nam vận dụng lối phê bình này là “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân. Lối thâm nhập vào thế giới nghệ thuật này yêu cầu người viết phải có những rung cảm tinh tế và am hiểu tác giả cần nghiên cứu mới có thể cho ra đời những bài viết / cuốn sách có giá trị về chính tác giả đó và tác phẩm của họ.

Trở lại vấn đề, tôi mời bạn đọc vào cuộc trò chuyện không biên giới của những tâm hồn yêu thích sách và tưởng tượng được trong đầu cuộc du hành của chính mình và những nhân vật trong quyển sách mình đang đọc. Vậy, bạn có kỉ niệm gì với mười hai tháng của một năm bên người thân yêu như chính Vũ Bằng nhớ về Hà Nội và người vợ tào khang của mình?

Sponsor
Vũ Bằng và người vợ thân yêu của ông, bà Nguyễn Thị Quỳ. (Ảnh: Internet)
Vũ Bằng và người vợ thân yêu của ông, bà Nguyễn Thị Quỳ. (Ảnh: Internet)

Bước một chân vào thế giới nghệ thuật của Thương nhớ mười hai

Kết cấu, một trong những phương tiện cơ bản để tác phẩm “có vẻ duyên dáng của sự trật tự” (Horax). Kết cấu, bao hàm cả sự nối kết và tương tác giữa hình thức và nội dung trong việc triển khai tư tưởng tác phẩm một cách có hệ thống, có sự thống nhất. Thương nhớ mười hai đã dùng kết cấu nghệ thuật dựa trên quan hệ liên kết ấy để tổ chức hình tượng và lựa chọn chi tiết nghệ thuật.

Hiện diện trong tác phẩm, nổi bật là kết cấu lắp dựng. Thông qua đó, Vũ Bằng xây dựng những mảng văn hóa (thiên nhiên và cách ứng xử, thích nghi của con người) tưởng như tùy hứng nhưng chúng đã hòa hợp với nhau để làm toát lên hồn vía của quê hương Bắc Việt (rộng ra là cà nước Việt ta). Điều này, góp phần vào việc nâng cao vẻ đẹp phong phú, đa diện của không gian nghệ thuật và gợi nên cảm hứng lãng mạn – tư duy hoài cổ, cảm hứng chân thực, lý tưởng của đời sống văn hóa.

Những “liên tưởng bề mặt” này có sự “vô can” đối với chủ đích nhưng lại nhất nhất xoay quanh một trục “liên tưởng trung tâm”: mùa và nỗi nhớ, để đạt được sự “đồng thanh”, “đồng khí” mà “tương ứng”, “tương cầu” trong việc nối chuỗi mọi sự liên tưởng vào lăng kính của sự suy tư: tâm trạng nhân vật hồi kí (đối với sự vận động nội tại: nỗi nhớ và sự biến động của ngoại tại: mùa).

Kết cấu dòng hồi ức chính là điểm gây xúc động mạnh cho những ai đã đọc Thương nhớ mười hai. Vũ Bằng sống Nam nhớ Bắc (hiện tại – quá khứ đan xen trong thế tương quan đối sánh – đối lập). Vì cảm tình chủ quan chi phối tư duy, tác giả nhìn thực tại bằng con mắt hoài niệm nên hiện tại – quá khứ trở nên đồng điệu với sự gián cách thời – không. Tất cả những điều vừa nói, cộng hưởng và đan cài với nhau trong việc xây dựng “hiệu ứng tắt lửa” (mở đầu và kết thúc tác phẩm: tâm trạng nguội lạnh). Khi ăn một tô hủ tiếu, nhân vật hồi ức tự dưng nhớ đến tô phở Bắc “chính cống” của những ngày rét căm. Nhìn con cua bể mà nhớ bát canh “cua đồng nấu với rau rút và khoai sọ”. Giữa ngày “bão rớt” lòng buồn rười rượi, mong ngóng “con gió thu may”, “hoa vàng”.

Ngày tháng ba, không khí hội hè náo nhiệt phong vị Bắc Việt cuốn hút người ta. Lúc tháng bảy tuôn mưa ngâu thì thẫn thờ một nỗi “khuê phụ nhớ chồng”. Trăng tròn tháng Tám vì cái lẽ lung linh “ánh đèn rước cộ”, lãng mạn cái hẹn yêu gái trai, thi vị treo ông trăng “Cổ Ngư” và cái “khí nhộn đến tưng lòng” ở “Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Mã”,… Tháng chạp xua cơn gió rét để làm se lạnh cái nhung nhớ, mặn nồng nhất của một đêm “hai vợ chồng lên Đông Hưng Yên ăn một bát “tam xà đại hội” khói bốc lên nghi ngút”. Và vì “Cái đã đi là cái đã mất. Đành vậy. Lấy hiện tại so sánh với quá khứ, e bị chủ quan mà có sự bất công” nhưng “Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc Việt nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý nghĩa đi. Có lẽ đó là một sự bất công to lớn, nhưng yêu, bao giờ mà lại chẳng bất công như thế?” nên dù Sài Gòn di dưỡng tâm thức cho một lẽ sống Bắc Việt đẹp đẽ, ông vẫn thấy thường mà vẫn quý Sài Gòn.

Sponsor

Ôi càng nói lại càng mâu thuẫn nhưng có cớ gì phải bắt tình cảm phải rạch ròi, càng chồng chất, ngổn ngang càng nặng, càng sâu. Chính thế, dù có được cái thú vui giữa chốn phồn hoa, tâm trạng nhân vật hồi kí vẫn hướng về “Bắc Việt nghèo như thế, buồn như thế và chịu đựng đau khổ nhiều như thế” hay vì cái nắng “tan vàng rã đá” , “hoa mắt xát tai” và những cơn mưa như “chọc thủng trời” bất chợt lạ kì mà cơn mưa tháng giêng “liêu riêu – lành lạnh – bay nhè nhẹ như hôn vào môi vào má – sao mà đĩ” chiếm lấy hồn và lấy làm khao khát, thư thái mỗi khi nghĩ đến.

Chỉ cách Hà Nội hai giờ máy bay, nhưng Vũ Bằng cảm thấy đất quê như xa vời vợi. (Ảnh: Internet)
Chỉ cách Hà Nội hai giờ máy bay, nhưng Vũ Bằng cảm thấy đất quê như xa vời vợi. (Ảnh: Internet)

Tiếng lòng khép lại

Thương nhớ mười hai luôn là quyển sách xoa dịu tâm hồn tôi mỗi khi tấc lòng dậy sóng. Tôi rất thích thả hồn mình theo ngòi bút của Vũ Bằng để phiêu lưu, cảm khái và xúc động. Một Hà Nội lấp lánh, xa xôi của những ngày xưa cũ nay đã chìm vào màn sương lặng lẽ của năm tháng. Nhân vật hồi ức cứ nồng nàn vẫy gọi một con người đất Bắc luôn mong ngày trở về quê hương đến mức héo hon.

Mùa và nỗi nhớ… Lòng yêu đã cũ và những kỉ niệm… Cứ vì chủ quan mà bày ra trước mắt và khiến ta vẩn vơ buồn. Thời gian cứ chuyển động… Tại sao ta cứ mãi chìm đắm vào quá khứ rồi day dứt buồn! Ấy thế, còn để ra bên ngoài vẻ thích nghi tốt trong khi bên trong mối mọt đã lên bụi vàng, khẽ chạm một cái cũng thấy rưng rức đau.

Dù đã đọc qua nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa thôi lưu luyến Thương nhớ mười hai. Vì mỗi lần lướt nhẹ những ngón tay trên những trang giấy, cái rét ngọt của tháng giêng Bắc Bộ cứ dâng lên thương nhớ, còn đêm trăng non tươi tiếng nhạn kêu và cái rét nàng Bân cứ làm ửng hồng muôn chuyện tuổi thơ…

Mua Thương nhớ mười hai ở đâu? Giá bao nhiêu?

Bạn có thể mua cuốn sách Thương nhớ mười hai (bản bìa cứng) tại các nhà sách trên toàn quốc với giá bìa 240.000 VNĐ hoặc đặt mua online tại các trang web uy tín theo các đường link dưới đây:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

Bạn có thể tham khảo thêm một số đầu sách hay trên BlogAnChoi sau đây:

Bạn hãy chia sẻ với BlogAnChoi về cảm nhận của bạn sau khi đọc xong cuốn sách Thương nhớ mười hai và đừng quên theo dõi BlogAnChoi để đón đọc những bài review mới nhất về các tựa sách hay bạn nhé!

Sponsor
Xem thêm

20+ truyện tranh mạt thế hay, hot nhất 2023 đã được review full trọn bộ

Truyện mạt thế hay truyện tranh mạt thế nói về thế giới hậu tận thế, các nhân vật chính phải sinh tồn trong thế giới biến dị khắc nghiệt này. Thể loại truyện tranh mạt thế với cốt truyện hay, kịch tính đang rất được độc giả yêu thích, cùng BlogAnChoi điểm qua 20+ tựa truyện mạt thế hay, ...
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Đánh giá bài viết
Bài này có hay không bạn?
Có 7 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

1 BÌNH LUẬN

  1. Các bạn có thể giúp mình đánh giá chất lượng bài viết bằng cách để lại nhận xét của các bạn ở phần dưới được không?

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(