Dân ghiền phở ở miền Bắc, miền Nam vốn chỉ quen với phở Hà Nội, Nam Định. Nhưng ở phố núi Gia Lai, món đặc sản lại là phở “khô”. Đặc biệt hơn, mỗi lần gọi phở, bạn sẽ nhận được những 2 tô…
Phở khô Gia Lai là sự kết hợp độc đáo giữa hủ tiếu Nam vang và… phở bò. Nói như vậy vì món ăn bao gồm một tô phở riêng và một tô nước lèo với thịt bò tái hoặc bò viên riêng. Cách trình bày món ăn vào hai tô khác nhau khiến phở khô còn được gọi dưới cái tên rất hình tượng và dân dã là phở “hai tô”.
Bánh phở Gia Lai được làm từ bột gạo xay, nhưng không mềm và dẹp như bánh phở thông thường mà tròn, mảnh và khá dai. Nhờ vậy mà khi trộn lên, phở dễ ngấm gia vị và không bị nát ra. Sợi phở khi ăn sẽ được trụng qua nước sôi cùng với giá, cho vào tô. Bên trên mặt là hành phi, tóp mỡ và một ít thịt heo bằm. Độc đáo ở chỗ, món ăn này kết hợp nhuần nhuyễn giữa vị của thịt heo bằm nhuyễn trên sợi phở cũng với vị thịt bò tái thơm ngon trong nước lèo, khiến phở trở nên ngon lạ lùng.
Ăn phở khô Gia Lai không nên vội vàng. Đầu tiên là gia giảm rau thơm, gia vị như một chút tương, một chút ngò tàu, vài lá húng quế, dùng đũa trộn thật kĩ, thật đều đến khi phở từ màu trắng chuyển sang màu nâu của tương là được. Đừng quên phở có ngon hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tô nước dùng đấy nhé. Bạn vắt một xíu chanh, cho thêm vài lá rau thơm, vái lát ớt, khuấy đều lên để hoà tan gia vị. Đến lúc này, hãy từ thưởng thức món phở của mình nhé. Ăn một miếng phở kèm với rau sống, thêm một ngụm nước lèo chua ngọt mới thấy hết cái tình ý trong món ăn phố núi. Đừng vì sợ mất thời gian mà trộn hai tô thành một nhé, vì bạn sẽ đánh mất hoàn toàn vị ngon đặc trưng của phở khô Gia Lai đấy!
Nói về tương để trộn phở cũng rất độc đáo. Đây không phải loại tương đen thông thường. Tương để trộn phở hai tô là loại tương hột giã nhuyễn, có vị bùi bùi, mằn mặn. Bên cạnh vị mặn còn có chút ngọt thanh pha với hương vị hoang dã của cao nguyên. Dù chỉ là gia vị ăn kèm nhưng nếu thiếu đi nước tương, hoặc thay tương bằng nước mắm sẽ làm mất đi quá nửa hương vị của món ăn đặc sản phố núi này.
Ở Gia Lai, bạn rất dễ dàng tìm thấy nhiều quá phở khô từ lớn đến nhỏ. Mỗi quán có một công thức gia truyền nấu phở khác nhau. Trong đó, những quán phở khô nổi tiếng là Ngọc Sơn trên đường Ngọc Sơn, thành phố Pleiku, quán Tàu Lí trên đường Trần Phú hay quán cô Hồng trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Đặc biệt là con đường phở khô Nguyễn Du với rất nhiều các quán phở sát nhau, cho bạn tha hồ chọn lựa.
Phở khô Gia Lai đã làm một hành trình “xuyên Việt”, xuất hiện các tỉnh thành trong nước, trong đó có Đà Nẵng và thành phố Hố Chí Minh là hai đô thị sầm uất của Việt Nam. Hiện nay, tại Sài Gòn đã có chi nhánh phở cô Hồng ở địa chỉ 71 Cửu Long (Cư xá Bắc Hải) – P15 – Q10, mang hương vị phở của phố núi đến thành phố nhộn nhịp, xa hoa.
Nếu miến lươn là đặc sản của Nghệ An, xứ Huế nổi tiếng với bún bò thì phở hai tô Gia Lai đã khẳng định thương hiệu của phố núi. Trong danh sách 15 món ngon được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử lập kỉ lục châu Á năm 2012, phở khô Gia Lai hiện diện như để vinh danh cho nền ấm thực độc đáo, để lại ấn tượng khó quên trong lòng thực khách phương xa. Vậy thì ngại gì mà bạn không tìm đến và nếm thử một lần?