Những kiệt tác của Ghibli không chỉ chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống, mà sức ảnh hưởng của hãng phim huyền thoại đã góp phần quan trọng làm thay đổi cả nền văn hóa – xã hội. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
Nghệ thuật luôn là một phần quan trọng định hình nên văn hóa của đất nước Nhật Bản – từ những bản in trên phiến gỗ cho đến thể loại thơ haiku nổi tiếng khắp thế giới, và ngày nay là phim hoạt hình. Có thể nói đất nước mặt trời mọc luôn là một điểm nhấn nổi bật trên bản đồ nghệ thuật của thế giới.
Phim hoạt hình Nhật Bản, hay còn được biết đến với tên gọi anime, thực sự là một hiện tượng mà người Nhật mang đến cho công chúng thế giới. Kể từ những năm 1990 anime đã trở thành phân khúc chủ đạo của phim ảnh tại nước Nhật, đồng thời cũng là lĩnh vực “xuất khẩu” hàng đầu và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.
Một trong những “ông lớn” trong ngành công nghiệp anime và phim ảnh nói chung của Nhật Bản là hãng phim huyền thoại Ghibli gắn liền với tên tuổi đạo diễn Miyazaki Hayao. Đó là nơi ra đời của những bộ phim như Hàng xóm của tôi là Totoro, Vùng đất linh hồn, và nhiều kiệt tác khác nữa.
Ghibli được biết đến như một tượng đài trung thành với nguyên tắc đặt chất lượng lên trên tất cả trong mỗi bộ phim, và điều đó được thể hiện qua những thành công vang dội của hãng cả về doanh thu lẫn đánh giá của giới phê bình.
Thông qua những tác phẩm được khán giả yêu thích và nhớ mãi, hãng phim Ghibli và đạo diễn Miyazaki Hayao đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với nền văn hóa Nhật Bản và tạo ra một làn sóng ủng hộ trên khắp thế giới chưa từng có trước đây.
Lịch sử của Ghibli
Hồi giữa những năm 1980, ngành công nghiệp phim ảnh của nước Nhật bước vào thời kỳ “hồi sinh” và lĩnh vực được quan tâm nhất là anime. Trào lưu văn hóa liên quan đến truyện tranh và phim hoạt hình – thường được gọi là văn hóa otaku – lúc bấy giờ bị coi là lập dị.
Thực ra bản thân từ otaku có thể mang ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực tùy vào cách người ta nhìn nhận nó như thế nào. Thậm chí đến tận ngày nay văn hóa otaku vẫn là chủ đề được tranh luận rộng rãi, có những người coi nó như một khía cạnh độc đáo của văn hóa đại chúng, trong khi những người khác lại cho rằng otaku là lập dị và xa rời thực tế.
Hãng phim Ghibli được thành lập năm 1985, và chỉ trong vòng 10 năm sau đó đã trở thành ngôi sao sáng trong làng anime của cả nước. Đó là cái tên nổi bật nhất tại các phòng vé và thậm chí đã đưa hình ảnh của anime chinh phục cả thế giới thông qua việc bắt tay hợp tác với Disney sau này.
Ba nhà sáng lập của hãng phim huyền thoại là Hayao Miyazaki, Isao Takahata, và Toshio Suzuki. Cái tên “Ghibli” bắt nguồn từ tên của cơn gió nóng trên sa mạc Sahara trong tiếng Ả Rập, thể hiện hoài bão của những con người muốn thổi một làn gió mới vào ngành công nghiệp anime.
Bộ phim đầu tiên của hãng được trình làng là Laputa: Lâu đài trên mây năm 1986, do chính Miyazaki làm đạo diễn kiêm viết kịch bản. Ở thời điểm đó anime vẫn bị xem là phân khúc “tầm thấp” của phim ảnh và Miyazaki tất nhiên chẳng phải là cái tên đáng chú ý chút nào.
Chỉ hai năm sau đó, Ghibli cho ra mắt thêm hai tác phẩm là Mộ đom đóm và Hàng xóm của tôi là Totoro, nhưng cũng không quá thành công khi mới được trình chiếu. Mãi đến năm 1989 – thời điểm xuất hiện Cô phù thủy nhỏ Kiki – thì hãng phim Ghibli mới bắt đầu tạo ra ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp anime, chủ yếu nhờ vào quảng cáo truyền hình.
Và phải rất lâu sau đó, vào năm 2001 đạo diễn Miyazaki mới gây được tiếng vang trên quy mô toàn cầu với bộ phim Vùng đất linh hồn (Spirited Away) – kiệt tác đã giữ ngôi vị phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Nhật Bản suốt nhiều năm về sau. Thông qua một thỏa thuận với hãng phim Disney của Mỹ, bộ phim đã được phát hành ở thị trường vô cùng “màu mỡ” này.
Với việc “thâm nhập” được vào đất Mỹ, Vùng đất linh hồn càng trở nên nổi tiếng hơn và cuối cùng đem lại cho Miyazaki giải Oscar ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Và đó chỉ là một trong số nhiều cách khác nhau mà Miyazaki và đội ngũ của mình ở Ghibli đã sử dụng để quảng bá các tác phẩm đến đông đảo công chúng yêu phim trên toàn thế giới.
Kể từ thời điểm đó, Ghibli đã trở thành cái tên tiên phong trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình cho đến khi gặp phải bước ngoặt lớn vào năm 2014, thời điểm Hayao Miyazaki nghỉ hưu. Tuy nhiên biến cố này cũng không quá bất ngờ và Toshio Suzuki cùng đội ngũ nhân viên của hãng vẫn có thể tiếp tục chèo lái Ghibli khi không còn vị thuyền trưởng dẫn dắt.
Và rồi đến năm 2017 lại có thông tin rằng Miyazaki quyết định “thôi nghỉ hưu” để trở lại viết kịch bản kiêm đạo diễn cho bộ phim tiếp theo của hãng mà thực ra ông đã âm thầm nghiên cứu trong quãng thời gian nghỉ ngơi trước đó.
Hàng xóm của tôi là Totoro
Cả hai bộ phim của Ghibli ra đời năm 1988 là Mộ đom đóm và Hàng xóm của tôi là Totoro đều thu hút được lượng khán giả nhiều hơn so với Laputa trước đó nhưng vẫn không đạt được như kỳ vọng của hãng. Tuy nhiên thành công ngoài mong đợi tạo ra danh tiếng cho Ghibli lại đến từ độ “phủ sóng” rộng rãi của nhân vật Totoro.
Trong thời gian bộ phim được phát hành, người ta đã đặt những món đồ chơi Totoro nhồi bông trong rạp chiếu phim, và sau khi bộ phim được nhiều người biết đến thì doanh số của mặt hàng này đã tăng vọt. Nắm bắt cơ hội đó, Ghibli bắt đầu sản xuất một lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Những món đồ chơi được bán ra lại càng làm tăng thêm danh tiếng cho bộ phim và giúp bù đắp lại chi phí làm phim ban đầu, nhưng Toshio Suzuki đã từng nói rõ rằng trước tiên phải làm phim, rồi mới tính đến chuyện bán hàng. Thậm chí Ghibli còn hạn chế doanh số bán ra để giữ vững nguyên tắc “làm phim là trên hết”.
Bộ phim kể về một gia đình nhỏ chuyển đến nhà mới, tại đó hai chị em nhân vật chính đã gặp những sinh vật bí ẩn sống trong khu rừng gần nhà mà nổi bật nhất là Totoro. Chỉ một thời gian ngắn sau đó Totoro đã trở thành người bạn gắn bó với hai cô bé và trải qua nhiều kỷ niệm buồn vui.
Chỉ với cốt truyện đơn giản và hình ảnh gia đình bình dị, bộ phim đã mang đến cho khán giả những phút giây thư giãn đẹp mắt và nhiều ý nghĩa. Một trong những cảnh phim đáng nhớ nhất là khi Totoro bất ngờ xuất hiện trong lúc hai cô bé đứng chờ xe buýt dưới trời mưa.
Trong nhiều năm qua, bức hình trên đã được “chế” lại vô số lần để thành những bức meme vui nhộn. Hình ảnh rất đơn giản chỉ gồm hai chị em nhỏ bé và Totoro to lớn đồ sộ nhưng đã lấy lòng được rất nhiều người nhờ sự đối lập giữa các nhân vật và ký ức đẹp về bộ phim năm xưa.
Cảnh phim này thực sự cho thấy Hayao Miyazaki là một nhà làm phim đặc biệt như thế nào. Đầu tiên là cách ông tạo ra nhân vật Totoro với vẻ ngoài to lớn màu xám. Khán giả thường sẽ nghĩ rằng một sinh vật với ngoại hình như vậy sẽ rất dữ tợn, đáng sợ và tiếng gầm khiến ai cũng nổi da gà. Thế nhưng Miyazaki đã thay đổi quan niệm đó bằng một Totoro hiền lành thân thiện và tiếng gầm khá êm tai! Đó là điểm rất khác biệt so với văn hóa phương Tây.
Với một nhân vật hiếm khi phát ra lời nói nào ngoài vài tiếng gầm, các nhà làm phim phải tìm cách thể hiện những suy nghĩ của Totoro thông qua biểu cảm khuôn mặt. Cảnh phim tại trạm xe buýt đã giới thiệu với khán giả một sinh vật bí ẩn với vẻ mặt rất bình thản và có phần thích thú khi thấy trời đổ mưa.
Cách kể chuyện thông qua hình ảnh như vậy là yếu tố then chốt làm nên thành công của anime, bởi nó thể hiện bản chất sáng tạo của loại hình nghệ thuật này cũng như lối tư duy của người làm phim.
Thêm vào đó, nếu xét trên khía cạnh âm thanh thì những tiếng kêu của Totoro và chiếc xe buýt mèo trong phim rất “không tự nhiên”, tạo cho người xem có cảm giác đây là những sinh vật phi thường vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta.
Chỉ với một vài cảnh phim đặc sắc như vậy, Hayao Miyazaki đã thể hiện tài năng và sức sáng tạo đặc biệt của ông giúp làm nên thương hiệu cho hãng phim huyền thoại Ghibli suốt nhiều năm qua.
Cách kể chuyện và nghệ thuật làm phim của Miyazaki đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều bộ phim và chương trình khác có liên quan đến anime. Hoạt hình Nhật Bản sẽ khó có được tiếng tăm như ngày nay nếu thiếu những dấu ấn của vị đạo diễn bậc thầy đứng sau hãng phim Ghibli, và chính sự nổi tiếng đó đã tác động ngược trở lại, tạo ra nhiều thay đổi cho anime cũng như toàn bộ nền văn hóa của xứ sở hoa anh đào.
Đóng góp rất lớn vào thành công của Totoro cũng như lợi nhuận của Ghibli là doanh số các mặt hàng liên quan đến nhân vật này. Chỉ cần bước vào một tiệm bán quà Nhật Bản ở bất cứ nơi nào trên thế giới bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những món đồ “ăn theo” Totoro. Từ văn phòng phẩm và hình dán cho đến quần áo, thú nhồi bông hay balo với đủ mọi kích cỡ và kiểu dáng, Totoro đã trở thành một biểu tượng “quốc dân” của anime nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung.
Thật đáng ngạc nhiên khi những món đồ này đã có mặt ở khắp mọi nơi thế mà vẫn tiếp tục bán chạy từ năm này sang tháng nọ. Điều đó càng chứng tỏ rằng hình ảnh nhân vật Totoro đã thực sự trở thành một phần không thể tách rời trong văn hóa anime Nhật Bản.
Có thể so sánh sức ảnh hưởng về mặt thương hiệu của Totoro cũng giống như Hello Kitty vậy. Hình ảnh cô mèo màu hồng đeo nơ và không có miệng đã quá quen thuộc với mọi người trên khắp thế giới, khiến chúng ta rút hầu bao ra mua vì giá trị thẩm mỹ và chất lượng thực sự chứ không phải chỉ vì “made in Japan”.
Cả Totoro và Hello Kitty đều có điểm chung là không có nhiều lời nói hay hành động ồn ào phô trương, nhưng chỉ riêng tạo hình độc đáo và biểu cảm không lời cũng đủ để chúng trở thành biểu tượng được mọi người yêu thích.
Có thể lý giải sự thành công của hai nhân vật này đến từ các yếu tố: tạo hình dễ thương, mang dáng dấp của các loài động vật quen thuộc nhưng được biến tấu theo một cách độc đáo, và gắn liền với thương hiệu nổi tiếng. Mọi người yêu thích chúng vì những giá trị đặc biệt mà họ không thể tìm thấy ở những món đồ chơi hay thú nhồi bông thông thường khác.
Đằng sau những món quà xinh xắn đó là cả một câu chuyện về nguồn gốc ra đời từ những bộ phim được khán giả hâm mộ. Tính đến nay cả hai nhân vật đều đã có tuổi đời khá cao: Hello Kitty là khoảng 40 năm, còn Totoro khoảng 30 năm. Đó là một quãng đường dài thật đáng nể, và dấu ấn để lại cho nền văn hóa đại chúng sẽ còn in sâu rất lâu nữa.
Ý tưởng “thương mại hóa” các nhân vật trong phim đã trở thành một phần quan trọng của các công ty lớn tại Nhật Bản ngày nay, khởi nguồn từ sự thành công của những cái tên như Totoro và Hello Kitty. Bạn có thể bắt gặp những nhân vật phim ảnh và hoạt hình xuất hiện ở mọi cửa hàng liên quan đến Nhật Bản.
Hãng phim Ghibli đã nắm lấy cơ hội để đưa một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của mình trở thành ngôi sao “vạn người mê” và cùng với đó là cơ hội quảng bá cho nhiều bộ phim tuyệt vời khác của hãng. Họ đã đưa nền văn hóa đại chúng của nước Nhật bước vào thời kỳ thưởng thức nghệ thuật không chỉ qua phim ảnh và truyền hình mà còn được tận tay chạm vào các nhân vật ngoài đời thực, dù chỉ là đồ vật mà thôi.
Nghệ thuật marketing của Ghibli
Sau thành công của Totoro, bộ phim tiếp theo của Ghibli là Cô phù thủy nhỏ Kiki lại thể hiện chiến lược marketing khéo léo của hãng để thu hút nhiều khán giả đến rạp hơn. Ban đầu đã có nhiều nghi ngại về Kiki do doanh thu không được như ý của các phim trước đó, nhưng Ghibli vẫn kiên quyết giữ mục tiêu làm ra những bộ phim thực sự chất lượng.
Để thu hút sự chú ý của khán giả cho bộ phim mới, họ đã chiếu Totoro trên truyền hình lần đầu tiên vào năm 1989, và sau đó tranh thủ giới thiệu về Kiki. Bộ phim được quảng bá rất công phu trên đài NTV thông qua các chương trình phỏng vấn nhiều bé gái có độ tuổi xấp xỉ như cô bé Kiki nhân vật chính trong phim, cùng với đó là những quảng cáo được phát sóng liên tục liên quan tới bộ phim này cũng như các tác phẩm trước đó của Ghibli.
Chiến lược marketing này đã trở thành “tuyệt chiêu” của Ghibli để khiến các đối tác ngày càng sẵn sàng tổ chức nhiều hoạt động thể hiện rằng họ thực sự ủng hộ Ghibli và các bộ phim của hãng, chứ không đơn thuần chỉ là quảng cáo cho sản phẩm của chính họ và sử dụng bộ phim như “gia vị” cho thêm phần hấp dẫn. Đó là một trong những lý do giúp cho Ghibli vẫn đứng vững và phát triển suốt hàng chục năm qua.
Vùng đất linh hồn
Bộ phim ra mắt năm 2001 của Ghibli là câu chuyện xoay quanh cô bé Chihiro vô tình lạc vào thế giới của các linh hồn và bị đẩy vào cuộc chạy đua để cứu lấy bản thân mình cùng với cha mẹ.
Vào thời điểm đó cả Ghibli và đạo diễn Hayao Miyazaki đều đã là những tên tuổi có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ, và cùng với kế hoạch quảng bá bài bản được chỉ đạo bởi Toshio Suzuki đã giúp cho Vùng đất linh hồn trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử phòng vé của Nhật Bản.
Không chỉ dừng lại trong phạm vi nước Nhật, bộ phim còn gây được tiếng vang và thành công về thương mại trên quy mô toàn cầu sau khi được hợp tác phát hành với Disney và đặc biệt là John Lasseter – giám đốc của Pixar đồng thời cũng là “fan bự” của Miyazaki, người được bổ nhiệm làm cố vấn sáng tạo phụ trách việc phát hành bộ phim tại thị trường Mỹ.
Vùng đất linh hồn lấy cảm hứng từ quan niệm truyền thống của tín ngưỡng Thần đạo rất coi trọng thiên nhiên và cho rằng mỗi thực thể trong tự nhiên đều có linh hồn. Phong tục thờ các vị thần và linh hồn của thế giới tự nhiên vẫn còn in dấu trong tư tưởng của người dân Nhật Bản ngày nay.
Miyazaki đã thể hiện chủ đề này ngay ở đầu phim với chi tiết cha mẹ của Chihiro tự ý ăn uống trong một tiệm bỏ hoang và bị biến thành lợn như một sự trừng phạt. Sau đó xuyên suốt bộ phim còn có nhiều ví dụ nói lên sự tàn phá và bất kính của con người đối với thế giới tự nhiên, chẳng hạn như đắp đập ngăn sông hay ô nhiễm môi trường.
Khi nói về sự công nhận của khán giả quốc tế đối với Ghibli và riêng bản thân đạo diễn Miyazaki thì Vùng đất linh hồn chính là bước ngoặt đưa tên tuổi của hãng phim vươn lên tầm thế giới. Sự phổ biến tại Mỹ và nhiều thị trường màu mỡ khác đã giúp những tác phẩm của Ghibli “bơi ra biển lớn” và chinh phục bao thế hệ khán giả ở nhiều quốc gia.
Di sản của Ghobli và Hayao Miyazaki
Vùng đất linh hồn đã cho cả thế giới thấy được trí tưởng tượng và tư duy làm phim tài tình của đạo diễn Miyazaki, thể hiện qua cách nhìn độc đáo đối với tất cả mọi sự vật hiện tượng và chuyển hóa điều đó vào phim một cách khéo léo. Ông có thể biến triết lý tôn trọng thiên nhiên thành một câu chuyện gần gũi với mọi gia đình và chạm đến trái tim của mọi khán giả.
Dưới bàn tay tài hoa của Hayao Miyazaki, anime Nhật Bản đã tiếp cận được với số đông khán giả trên khắp thế giới và đặc biệt là nước Mỹ. Văn hóa otaku ở Mỹ trước đó vẫn là một trường phái “underground” ít người biết, chỉ đến khi Vùng đất linh hồn xuất hiện thì otaku mới thực sự bước ra ánh sáng và trở thành trào lưu thịnh hành toàn cầu.
Hãng phim Ghibli vốn được thành lập từ ý tưởng rằng họ luôn có thể làm ra những bộ phim chất lượng bằng cách nhìn độc đáo riêng biệt của mình. Tưởng như sẽ khó có thể vươn lên sau những trắc trở ban đầu, nhưng bằng chiến lược quảng bá công phu cùng với những tạo hình nhân vật thực sự khác biệt, họ đã đạt được thành công ngoài mong đợi để đem đến cho chúng ta một thế giới anime thật mới mẻ và có chiều sâu.
Hãng phim Ghibli đã thay đổi nền văn hóa đại chúng của Nhật Bản mãi mãi thông qua cách làm phim có một không hai, đặt chất lượng lên hàng đầu tuyệt đối cùng với những khung hình “đẹp không tì vết”. Hayao Miyazaki và các cộng sự đã mang đến một làn gió mới cho ngành công nghiệp anime, đúng như ước nguyện thuở ban đầu khi hãng phim mới thành lập.
Cũng như mọi nền văn hóa khác, văn hóa đại chúng của nước Nhật không ngừng thay đổi, nhưng có một biểu tượng vẫn luôn sống mãi suốt bao năm qua chính là anime. Ghibli đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng anime không chỉ dành cho trẻ con, trong khi phim hoạt hình của phương Tây vẫn đang “đi sau” về khía cạnh này.
Hayao Miyazaki cùng với hãng phim huyền thoại của mình đã để lại một di sản đồ sộ mà tất cả chứng ta đều phải ngả mũ nể phục.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Người Nhật đặt tên con như thế nào? Những cái tên nào được ưa chuộng nhất?
- Dragon Ball 2022 có gì hấp dẫn khiến các fan đứng ngồi không yên?
- Thiên nhiên trong phim của Hayao Miyazaki – Một cách nhìn khiến người xem phải suy ngẫm
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!
Ghilbi đỉnh từ cốt truyện, đồ họa đến nhạc phim