Trong một xã hội mà thời gian được xem là thứ xa xỉ, khái niệm “multitasking” hay còn gọi là làm việc đa nhiệm từng được rất nhiều người tung hô như một “phương pháp làm việc tuyệt vời”. Họ tin rằng nếu càng làm được nhiều việc cùng lúc thì càng hiệu quả, càng chuyên nghiệp, càng đẳng cấp. Nhưng thực tế có chắc là như vậy hay không? Liệu multitasking có đang thực sự giúp ta tiết kiệm thời gian, hay chỉ đang đánh cắp sự tập trung một cách “lặng lẽ”?
Multitasking: “Chiếc mặt nạ” của sự hoàn hảo?

Cứ thử tưởng tượng bạn đang vừa trả lời email công việc trong lúc họp Zoom, đồng thời não lại đang lơ đãng lên kế hoạch cho cuối tuần này. Nghe thì có vẻ “đa năng” lắm, nhưng thực tế, khoa học thần kinh đã chỉ ra rằng não bộ chúng ta không hề hoạt động như một CPU đa nhân. Nó không xử lý các nhiệm vụ song song mà chuyển đổi liên tục giữa từng việc một và quá trình “nhảy số”, “chuyển qua chuyển lại” ấy chính là thủ phạm khiến bạn mất tập trung, sai sót và mệt mỏi hơn trong công việc. Tức là, thay vì tiết kiệm thời gian, bạn đang đốt năng lượng vào những lần chuyển đổi trạng thái não bộ không cần thiết.
Khi multitasking giết chết khả năng sáng tạo

Không chỉ đơn giản là “làm chậm công việc”, đa nhiệm còn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tư duy. Khi não bộ bị phân tán, bạn khó mà “đắm chìm” vào bất kỳ nhiệm vụ nào và chính điều đó bắt đầu bóp nghẹt khả năng sáng tạo của bạn đi từng chút một. Các ý tưởng sâu sắc, đột phá không thể nảy sinh trong một tâm trí đang phải căng mình giữ thăng bằng giữa 5 luồng thông tin khác nhau.
Một nghiên cứu từ Đại học Stanford thậm chí còn chỉ ra rằng những người thường xuyên multitask có khả năng tập trung và ghi nhớ kém hơn những người làm việc đơn nhiệm. Họ dễ bị phân tâm bởi yếu tố ngoại cảnh và đôi khi chính họ cũng không hiểu rõ mình đang thực sự làm gì.
Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục multitasking?

Nghe thì vô lý, nhưng rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang tự dối lòng rằng multitask là một phương pháp tốt trong thời đại ngày nay. Một phần vì cảm giác bận rộn mang lại ảo tưởng rằng mình đang làm việc hiệu quả. Một phần vì môi trường làm việc hiện đại với Zalo nhảy thông báo liên tục, email tới tấp hay deadline dí sát mặt khiến việc làm một việc duy nhất dường như bất khả thi.
Multitasking đã không còn là một lựa chọn mà đây đã trở thành một kiểu “phản xạ sống còn” trong thời đại số. Thế nhưng phản xạ ấy nếu không được kiểm soát tốt, nó có thể biến bạn thành nạn nhân của chính nhịp sống mà bạn ảo tưởng rằng mình đang làm chủ.
Có phải multitasking lúc nào cũng xấu?
Điều đó có lẽ chưa chắc chính xác hoàn toàn, vì vẫn có những tình huống mà việc đa nhiệm lại thực sự hữu ích, ví dụ như khi bạn vừa nghe podcast vừa rửa bát, vừa đi bộ vừa brainstorm ý tưởng hoặc gọi điện cho mẹ trong lúc gấp quần áo. Những nhiệm vụ đơn giản, ít đòi hỏi trí óc khi kết hợp với nhau có thể giúp bạn tối ưu thời gian mà không làm giảm chất lượng.
Nhưng vấn đề của multitasking lại nằm ở chỗ chúng ta thường không phân biệt được đâu là việc “có thể ghép” và đâu là việc “nên tách”. Hệ quả là bạn vừa trả lời email quan trọng, vừa trò chuyện với đối tác trên Zoom, kết quả là chẳng ai hiểu bạn đang nói cái gì.
Làm việc đơn nhiệm: Dù đơn giản nhưng lại đầy hiệu quả
Trái ngược với lối làm việc đa nhiệm, phương pháp làm việc đơn nhiệm (single-tasking) trông có vẻ đơn giản và thậm chí có phần hơi nhạt nhòa, nhưng thực ra đây mới là kiểu làm việc thực sự hiệu quả mà nhiều nhà sáng tạo, lập trình viên hay CEO vô cùng ưa chuộng.
Khi bạn tập trung vào một việc duy nhất, bộ não sẽ được phép tư duy và đào sâu về vấn đề được giao. Và chính chiều sâu đó đã tạo nên sự khác biệt mà bạn có thẻ không bao giờ ngờ tới. Một đoạn văn sâu sắc, một chiến lược rõ ràng hay một cuộc họp hiệu quả, tất cả đều là kết quả của sự tập trung không bị ngắt quãng.
Làm sao để “cai nghiện” multitasking?
Thật lòng mà nói, dù việc này không hề dễ dàng chút nào nhưng lại hoàn toàn khả thi. Hãy cùng mình bắt đầu với những bước đơn giản như:
- Lên kế hoạch theo khung giờ
- Tắt thông báo
- Sử dụng phương pháp Pomodoro
- Tự đặt ra câu hỏi trong đầu rằng: “Liệu việc này có thực sự cần làm ngay bây giờ hay không?”
Lời kết
Multitasking từng được thần thánh hóa như một kỹ năng sống còn trong thời đại công nghệ. Nhưng thực tế, nó giống như chiếc bánh mì kẹp thật nhiều lớp vì trông thì hấp dẫn nhưng ăn vào là nghẹn vì có quá nhiều thứ ở trong đó.
Hiệu quả thật sự không nằm ở số lượng việc bạn làm cùng lúc mà nằm ở chỗ bạn dành thời gian cho từng việc riêng lẻ một cách có “chiều sâu” để mau chóng hoàn thành chúng. Hãy cố gắng trở thành một người biết cách làm việc thông minh, không phải là một người “bận rộn giả”. Bởi cuối cùng, chẳng ai trao huy chương cho người vừa viết báo cáo, vừa lên TikTok và vừa nghĩ tới việc ăn gì tối nay đâu.
Một số nội dung khác tại BlogAnChoi:
Phim Bảy Thanh Tâm Giản của Tống Uy Long và Lưu Hạo Tồn đã chính thức lên sóng
Mình mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ các bạn về bài viết này, hãy để lại bình luận để mình biết với nhé.