Miyazaki Hayao – cha đẻ của hãng phim huyền thoại Ghibli – được xem là “tượng đài sống” của ngành công nghiệp anime Nhật Bản. Thật khó để bàn hết về những tư tưởng sâu sắc trong phim của ông, nhưng trong phạm vi một bài viết, hãy cùng nhìn lại quan niệm rất độc đáo về thiên nhiên được vị họa sĩ thiên tài gửi gắm qua nét vẽ của mình nhé!
Những tác phẩm hoạt hình của Miyazaki Hayao từ lâu đã được xem là hình mẫu đại diện tiêu biểu cho văn hóa Nhật Bản. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác thì di sản thực sự mà Miyazaki tạo ra cho ngành công nghiệp anime nói riêng và nền văn hóa đại chúng của xứ hoa anh đào nói chung là một cái nhìn sáng tạo, không bị bó hẹp trong lãnh thổ một quốc gia nhưng đồng thời cũng không bị “hòa tan” vào xu hướng toàn cầu đại trà.
Tư tưởng của ông hướng tới xây dựng một thế giới quan về thiên nhiên với đầy đủ tính phức tạp, đa diện và mang đậm tinh thần phương Đông từ sâu trong gốc rễ.
Tại Nhật Bản, có thể nói Miyazaki Hayao được nhiều người xem như một “báu vật quốc gia”, được yêu mến với vai trò là “cha đẻ” của những bộ phim hoạt hình đại diện cho giá trị truyền thống của người Nhật và thể hiện quan niệm của họ về thế giới tự nhiên. Tuy vậy trên thực tế những kiệt tác của Miyazaki lại ít khi mô tả vẻ đẹp của riêng nước Nhật.
Chỉ trừ bộ phim Tonari no totoro (Hàng xóm của tôi là Totoro) được thực hiện vào năm 1988 với bối cảnh làng quê nông thôn đầy hoài niệm, ngoài ra các tác phẩm khác của Miyazaki đều vắng bóng những phong cảnh đồng quê đẹp như tranh vẽ cũng như những yếu tố đặc trưng khác của văn hóa Nhật Bản.
Vậy rốt cuộc bản chất thật sự của thiên nhiên mà Miyazaki Hayao muốn truyền tải thông qua những đứa con tinh thần của mình là gì?
Phải chăng là ý tưởng “chống Disney”?
Miyazaki đã từng phát biểu rằng, mặc dù bị hấp dẫn bởi hoạt hình Walt Disney nhưng ông vẫn không thích cách thể hiện thiên nhiên quá đẹp đẽ đến mức hoàn hảo và “giả tạo” của họ. Đồng thời ông cũng thấy tiếc về cách trình bày “quá lố” và thiếu ý nghĩa mà theo ông đã làm cho anime Nhật Bản ngày nay mất đi sức sống vốn có.
Từ góc nhìn như vậy, Miyazaki Hayao cùng các cộng sự tại hãng phim Ghibli đã cố gắng tạo nên một phong cách mới khác biệt với cả Disney lẫn hoạt hình Nhật Bản đương đại.
Miyazaki cũng khẳng định yếu tố quan trọng nhất làm nên sự khác biệt cho hãng phim Ghibli chính là cách khắc họa thiên nhiên trong các tác phẩm. Ông giải thích rằng: “Chúng tôi không hạ thấp bối cảnh thiên nhiên so với các nhân vật, vì chúng tôi cảm thấy thế giới này thật đẹp. Các mối quan hệ của loài người không phải là điều thú vị duy nhất. Thời tiết, thời gian, những tia sáng, cỏ cây, dòng nước, và cơn gió – tất cả những thành tố tạo nên phong cảnh thiên nhiên đều tuyệt đẹp.” Đó là lý do ông luôn cố gắng đưa tất cả chúng vào tác phẩm của mình càng nhiều càng tốt.
Vậy thì những đặc điểm nào của thiên nhiên được tô đậm trong phim của Miyazaki Hayao? Câu trả lời có lẽ rất phức tạp, bởi cách nhìn của ông về thiên nhiên vốn đã rất đa chiều. Tuy nhiên có thể nêu ra một vài khía cạnh nổi bật nhất sau đây.
1. Sự thuần khiết và thánh thiện
Miyazaki đã nhiều lần đề cập đến những niềm tin tín ngưỡng ăn sâu trong văn hóa và vẫn còn ảnh hưởng đến đất nước Nhật Bản ngày nay. Một trong những niềm tin đó là sự tôn thờ dành cho những nơi linh thiêng nguyên sơ nằm sâu trong rừng rậm, những vùng đất bình yên ẩn dật mà nền văn minh hiện đại của con người không thể vươn tới được.
Hình ảnh thiên nhiên nguyên sơ, tĩnh lặng và biệt lập rất thường xuất hiện trong phim của Miyazaki. Các khán giả trung thành sẽ còn nhớ mãi vương quốc dưới lòng đất bị giam trong quả cầu pha lê màu xanh trong bộ phim năm 1984 Công chúa Nausicaä của Thung lũng Gió, hay thành phố cổ nằm dưới đáy nước trong như pha lê của lâu đài trên mây Laputa.
Cũng không thể không nhắc đến khu rừng đáng yêu vắng vẻ của Totoro, hồ nước lấp lánh huyền bí trong Công chúa Mononoke năm 1997, hay hồ nước biệt lập trong rừng của phim Gió nổi năm 2013, nơi cặp đôi nhân vật chính gặp nhau.
2. Sức mạnh đáng sợ của tự nhiên
Trái ngược với vẻ đẹp bình yên hiền dịu, phim hoạt hình của Miyazaki cũng không ngần ngại khắc họa sức mạnh kinh hoàng của thiên nhiên. Trong phim Nausicaä, thiên nhiên đã bộc lộ cơn giận dữ của nàng công chúa bằng cuộc tấn công khủng khiếp của hàng ngàn con côn trùng đột biến khổng lồ. Hay như trong Cô bé người cá Ponyo năm 2008, những cơn bão kinh hoàng đã nhấn chìm cả một thị trấn ven biển xuống dưới ngọn sóng.
Đặc biệt trong Công chúa Mononoke, sự thịnh nộ của thiên nhiên lên đến cực đỉnh với cảnh phim thần rừng bị mất đầu biến thành một bóng ma khổng lồ đáng sợ phun ra dòng chất cặn bã quét sạch tất cả những gì cản đường đi của mình trong cơn giận dữ điên cuồng.
Những cảnh phim theo kiểu thảm họa như vậy có vẻ không giống lắm với quan niệm về thế giới tự nhiên yên bình như đã nói ở trên. Nhưng thực tế người Nhật cũng rất hiểu sự thịnh nộ của thiên nhiên có thể khủng khiếp đến mức nào, bởi bản thân họ cũng sống ở một trong những khu vực động đất dữ dội nhất trên thế giới.
Trong quan niệm của người Nhật, thiên nhiên không phải là vật sở hữu hay đối tượng để con người kiểm soát, mà trái lại nó có thể lấy đi của chúng ta tất cả tài sản và cả mạng sống chỉ trong chớp mắt mà không hề báo trước. Đó là một khía cạnh rất “trần trụi” được thể hiện trong phim của Miyazaki Hayao.
3. Các hệ sinh thái đa dạng phức tạp, tương tác với nhau và không ngừng tiến hóa
Các tác phẩm của Miyazaki luôn thể hiện thiên nhiên được tạo nên bởi các nguyên tố khác biệt, đa dạng và liên tục tương tác với nhau để tạo nên những sự thay đổi tiếp diễn không ngừng.
Chẳng hạn như khu rừng độc có tên là Biển Thối Rữa trong phim Nausicaä, đó là một thế giới vô cùng kỳ lạ và bí ẩn với đầy những loài động thực vật đấu tranh với nhau và với cả con người. Thế nhưng tất cả vẫn cùng tồn tại trong một hệ sinh thái cân bằng đáng ngạc nhiên.
Theo tiêu chuẩn truyền thống của con người thì Biển Thối Rữa chẳng phải là một nơi đáng yêu hay đáng sống gì cả. Nhưng công chúa Nausicaä trong phim lại nói rằng nó thật đẹp!
Trong cách nhìn của Miyazaki, những kỳ quan của tạo hóa không chỉ có hoa thơm và cỏ đẹp. Biển Thối Rữa vẫn tiếp tục tồn tại và tiến hóa giữa hàng đống chất thải phóng xạ và rác kim loại bị vứt bỏ. Tại đó công chúa Nausicaä đã nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới tự nhiên ở một cấp độ cao hơn, đó là sự sống phi thường không ngừng thay đổi và tiến hóa.
Với cách nhìn như vậy, sẽ không có sự phân biệt rạch ròi giữa tự nhiên hay nhân tạo. Trong phim Laputa, loài người đã biến mất khỏi lâu đài bay trên mây từ 700 năm trước, nhưng suốt thời gian đó những loài động vật, cỏ cây và cả robot lẫn khoáng chất vẫn cùng tồn tại và tiến hóa cùng nhau để tạo nên một hệ sinh thái phức tạp đáng ngạc nhiên.
Trong phim Vùng đất linh hồn, khu vui chơi bỏ hoang lại trở thành một phần trong thế giới của các linh hồn với rất nhiều những vị thần và sinh vật siêu nhiên. Hay trong Totoro, con người được tự do hòa mình với khu rừng và những sinh vật bí ẩn sống trong đó.
Nhưng không giống như loài người, nhân vật Totoro chậm chạp và dường như lúc nào cũng vui vẻ đã sống trên đời hàng nghìn năm rồi. Đối với Totoro và khu rừng bí ẩn, hai chị em cô bé Mei và Satsuki dường như chỉ đến và đi trong một cái chớp mắt mà thôi.
Khi đặt trong bối cảnh thảm họa động đất sóng thần và sự cố hạt nhân tại Fukushima năm 2011, cách nhìn đa chiều của Miyazaki về thế giới tự nhiên lại có một ý nghĩa mới. Các thảm họa thiên nhiên như sóng thần thường xuyên hiện lên rõ nét trong các tác phẩm của ông, cùng với đó là ô nhiễm phóng xạ và nhiều thảm họa khác do con người gây ra. Các bộ phim đã cho chúng ta thấy sự tàn lụi của thiên nhiên như ở Biển Thối Rữa cũng là một phần tất yếu giống như phong cảnh đồng quê thơ mộng trong Totoro vậy.
Thông qua các tác phẩm của mình, Miyazaki buộc chúng ta phải suy nghĩ về bản chất của thiên nhiên và sự sống, cũng như nhìn nhận lại ý nghĩa của mỗi con người trong thế giới rộng lớn này. Thiên nhiên là chốn bình yên, nhưng cũng có thể gây ra thảm họa khủng khiếp. Trên tất cả, đó là một hệ thống vô cùng phức tạp, đa dạng và không ngừng thay đổi, được tạo nên bởi những thành phần liên hệ mật thiết với nhau không thể tách rời.
Câu hỏi lớn dành cho nhân loại ngày nay là liệu chúng ta có thể chung sống hòa bình với tất cả động vật, thực vật và thậm chí là robot trong một thế giới thống nhất hay không?
4. Quan niệm về một châu Á thống nhất về thiên nhiên và văn hóa
Miyazaki Hayao đã từng nói rằng ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ “giả thuyết nền văn minh rừng lá rộng” của nhà thực vật học Nakao Sasuke (1916-1993), người đã viết ra những tác phẩm mà ông đã đọc khi còn trẻ.
Giả thuyết này nói rằng: vào thời xa xưa trong lịch sử loài người, những khu rừng lá rộng bao phủ khắp một vùng rộng lớn của châu Á từ dãy núi Himalaya tới miền Nam Trung Quốc, Đài Loan và Tây Nam Nhật Bản đã nuôi dưỡng một nền văn hóa chung đồng nhất.
Khu vực này được gọi là “vành đai Đông Á”, với trung tâm nằm tại tỉnh Vân Nam của Trung Quốc là cái nôi của nền văn minh và là nơi khởi nguồn của rất nhiều yếu tố xuất hiện trong nền văn hóa Jōmon của miền Tây nước Nhật, bao gồm cả cách chế biến những loại thực phẩm lên men đặc trưng nổi tiếng như miso và natto.
Miyazaki nhận ra rằng người Nhật xưa kia vốn là một phần của nền văn hóa và hệ sinh thái cổ đại rộng lớn. Ông cảm thấy hào hứng khi biết mình không chỉ là một công dân của nước Nhật mà còn thuộc về một thứ gì đó lớn lao và vĩ đại hơn. Cách nhìn sâu rộng và thống nhất đó đã giúp ông được tự do thể hiện thiên nhiên và văn hóa Nhật Bản theo cách riêng của mình.
Nói thêm về nền văn hóa rừng lá rộng, có một khía cạnh thú vị là những món ăn lên men xuất phát từ giả thuyết này dường như rất ăn khớp với quan niệm về tự nhiên được thể hiện trong phim của Miyazaki, khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của các vi sinh vật và chất cặn bã đối với sự sống trên Trái đất.
Biển Thối Rữa trong Nausicaä không chỉ là một vùng đất chết đầy chất độc. Nơi đó vẫn sục sôi sự sống gồm những loài côn trùng và vi khuẩn đang đạt đến một giai đoạn tiến hóa mới. Những chất cặn bã đối với cách nhìn của đa số mọi người chỉ là thứ bỏ đi và vô dụng, thực ra lại đóng vai trò quan trọng ở cấp độ hiển vi.
Biển Thối Rữa đã thể hiện cả hai mặt đối lập nhưng thống nhất này của tự nhiên trong cùng một thực thể. Thông qua mối tương tác phức tạp đó, Miyazaki đã nhấn mạnh một trong những nguyên lý cơ bản của nền văn hóa và tư tưởng Á Đông.
Miyazaki Hayao chưa bao giờ tự gọi mình là một nhà “châu Á học”, nhưng nhiều fan hâm mộ của ông đã rất ấn tượng với phiên bản manga của Nausicaä, trong đó thể hiện mối xung đột giữa tư tưởng thống trị bằng sức mạnh và cai trị bằng đạo đức, vốn là một trong những triết lý của các nền văn hóa châu Á.
Bằng trí tưởng tượng tuyệt vời và sức sáng tạo không ngừng nghỉ, Miyazaki đã tìm được một lối đi mới khác biệt so với cái nhìn bó hẹp trong phạm vi một quốc gia như được thể hiện ở những bộ anime Nhật Bản dành cho tuổi teen thường thấy, và cũng không hề giống với trào lưu đồng nhất văn hóa toàn cầu như được thể hiện trong phim Disney.
Gốc rễ của “trường phái Miyazaki” là quan điểm về tự nhiên trong bối cảnh châu Á thống nhất, hiện lên sống động nhờ tài năng phi thường của ông trong từng nét vẽ.
Tương lai của phim hoạt hình Nhật Bản?
Tháng 9 năm 2013, Miyazaki Hayao thông báo rằng Gió nổi sẽ là phim dài cuối cùng của ông. Cũng trong năm đó, bộ phim Chuyện nàng công chúa Kaguya cũng được xem là lời tạm biệt của đạo diễn Takahata Isao, người bạn đồng hành từ thuở ban đầu với Miyazaki.
Một cộng sự lâu năm khác là Suzuki Toshio cũng rời khỏi vị trí nhà sản xuất và sau đó thông báo rằng hãng phim sẽ tạm dừng làm phim để xem xét lại những bước đi tiếp theo trong tương lai. Có thể nói hãng phim huyền thoại Ghibli đóng vai trò then chốt đối với quá trình phát triển của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản đang đứng trước một ngã rẽ cực kỳ quan trọng.
Trong một bài viết mới đây Suzuki Toshio đã nói rằng: với môi trường kinh tế trong nước và toàn cầu hiện nay, ngành công nghiệp anime Nhật Bản đang đứng trước những thách thức giống như các ngành sản xuất của quốc gia này từng gặp phải hồi những năm 1980.
Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia khác ở khu vực Đông Á đang bắt kịp những công nghệ hiện đại để sản xuất phim hoạt hình chất lượng cao, và dự đoán các hãng phim hoạt hình Nhật Bản trong tương lai sẽ phải sử dụng nguồn nhân lực từ các quốc gia khác ngày càng nhiều – chẳng hạn như Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam – để thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa.
Tuy nhiên Suzuki không hề thể hiện thái độ rút lui bị động trước những thách thức của phim hoạt hình Nhật Bản. Thay vào đó, ông hình dung ra một viễn cảnh rộng lớn hơn, khi các chuyên gia hoạt hình trên toàn châu Á sẽ hợp tác với nhau để làm ra những kiệt tác gây tiếng vang với thế giới.
Tương lai đó có vẻ sẽ rất phù hợp với quan niệm của Miyazaki Hayao về thế giới tự nhiên. Phim của ông chưa bao giờ chỉ tập trung duy nhất vào vẻ đẹp của thiên nhiên Nhật Bản, thay vào đó các tác phẩm luôn tìm cách thể hiện thiên nhiên như một bức tranh toàn cảnh sống động, không ngừng tiến hóa và tương tác giữa những yếu tố đa dạng khác nhau, cũng giống như chính châu Á vậy.
Với cách nhìn như thế, sự thay đổi trong tương lai của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản có thể lại là cơ hội để mở ra những chân trời mới và giúp chúng ta tìm lại những nét đặc sắc của các nền văn hóa châu Á nói chung. Biết đâu xu hướng “toàn cầu hóa lao động” sẽ dẫn đến sự ra đời của một phong cách hoạt hình hoàn toàn mới mà chúng ta chưa từng biết tới trước đây!
Mời bạn đọc tiếp những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Những địa điểm có thật trong phim hoạt hình của Ghibli, từ Nhật Bản đến hòn đảo Bắc Âu!
- Công viên Ghibli tại Nhật Bản – Thiên đường tuổi thơ sắp trở thành hiện thực!
Hãy ghé thăm BlogAnChoi để cập nhật những thông tin thú vị mỗi ngày bạn nhé!