Tỷ lệ người mắc bệnh ung thư trên thế giới ngày càng tăng một cách đáng lo ngại. Vậy bạn đã biết nguyên nhân tại sao lại nhiều người mắc căn bệnh quái ác này đến thế chưa? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nguyên nhân gây ung thư và những biện pháp bạn có thể thực hiện để phòng ngừa qua bài viết dưới đây nhé!
1. Những tác nhân gây ung thư từ bên ngoài môi trường
1.1. Các loại hóa chất
Có thể nói đây là nguồn gây bệnh phổ biến bậc nhất hiện nay, là nguyên nhân dẫn đến vô vàn các căn bệnh khác nhau tàn phá cơ thể con người, trong đó có ung thư. Những hóa chất gây ung thư có ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, từ không khí, đất, nước cho đến thực phẩm ăn vào hằng ngày.
Có thể kể ra những nguồn hóa chất độc hại mà chúng ta dễ dàng phát hiện ngay gần mình như:
- Khói xe cộ
- Khí thải, chất thải từ các nhà máy
- Hóa chất dùng trong công nghiệp
- Bụi công nghiệp (bụi gỗ, bụi kim loại nặng)
- Chất phụ gia trong công nghiệp thực phẩm
- Hóa chất dùng trong nông nghiệp
- Một số dược phẩm
- Khói thuốc lá
Đặc biệt thuốc lá là tác nhân sinh ung thư phổ biến và cực kỳ nguy hiểm:
- Có tới hàng ngàn hóa chất độc hại trong khói thuốc, trong đó có khoảng 70 chất độc hại gây ung thư.
- Nguy cơ ung thư thay đổi theo lượng thuốc tiêu thụ và thời gian hút.
- Các ung thư liên quan trực tiếp với thuốc lá: 80% ung thư phổi, 70% ung thư tai mũi họng, 40% ung thư bàng quang, 30% ung thư tủy.
- Nếu không hút thuốc trong khoảng 40-69 tuổi, tỷ lệ tử vong sẽ giảm 1/3.
- Tăng nguy cơ ung thư thực quản khi hút thuốc kèm với uống rượu.
Bên cạnh thuốc lá, thực phẩm cũng là nơi có thể ẩn chứa nhiều chất độc hại làm tăng nguy cơ mắc ung thư:
- Chế độ ăn giàu chất đạm, béo, ít chất xơ là yếu tố thuận lợi của ung thư đại tràng.
- Thực phẩm chế biến dạng muối mặn, muối chua, mắm, có nguy cơ gây ung thư ống tiêu hóa.
- Ngũ cốc bị hư mốc gây ung thư gan.
- Thói quen nhai trầu tăng nguy cơ ung thư khoang miệng.
Một vài hóa chất sinh ung lại liên quan đến đặc thù công việc của những nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với các vật liệu độc hại như:
- Chất cách nhiệt asbestos: tăng nguy cơ ung thư màng phổi, màng bụng.
- Bụi kim loại : tăng nguy cơ ung thư phổi.
- Nhựa PVC : tăng nguy cơ sarcoma mạch máu ở gan.
- Bụi gỗ: tăng nguy cơ ung thư xoang mũi, xoang hàm.
1.2. Tác nhân vật lý sinh ung
Tuy ít được nhắc tới nhiều như các hóa chất nhưng tác nhân vật lý cũng là nguồn gây ung thư quan trọng, trong đó đáng kể nhất là các tia bức xạ ion hóa và tia cực tím có thể xuất hiện trong môi trường sống và làm việc của chúng ta:
- Phơi nhiễm bức xạ ion hóa từ thiên nhiên, từ công nghiệp, các máy móc y khoa và các nguồn khác có thể gây ung thư như bệnh bạch huyết, ung thư vú, ung thư tuyến giáp,…
- Tia cực tím mặt trời có thể gây một số ung thư da cho những cộng đồng có mức phơi nhiễm cao, nhất là người da trắng.
1.3. Tác nhân sinh học
Các vi khuẩn và virus thường được biết đến là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, tức những căn bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác. Tuy nhiên một vài loại vi sinh vật trong số này có thể tấn công các tế bào và biến tế bào khỏe mạnh bình thường trở thành ung thư (dạng bệnh không lây nhiễm).
- Virus viêm gan (HBV, HCV) gây ung thư gan.
- Human T-lymphotropic Virus (HTLV) gây ung thư bạch cầu lympho T.
- Virus gây bướu gai ở người (HPV) gây ung thư cổ tử cung và một số vùng biểu mô khác.
- Virus gây mụn rộp ở người (HHV-8) gây ung thư Kaposi.
- Virus Epstein-Barr (EBV) gây ung thư máu (bệnh bạch cầu).
- Polyomavirus trên tế bào Merkel gây ung thư da.
2. Ung thư do di truyền hay cơ địa
Mặc dù phần lớn các trường hợp bệnh ung thư có nguyên nhân từ yếu tố môi trường, nhưng nguy cơ mắc phải căn bệnh quái ác này sẽ tăng lên nếu bộ gene của con người xuất hiện các đột biến hoặc được di truyền từ các thế hệ trước. Người sinh ra có một bản sao của gene đã bị đột biến sẽ gia tăng nguy cơ mắc ung thư.
3. Một số biện pháp phòng tránh ung thư
Những tác nhân gây ung thư luôn “rình rập” khắp nơi xung quanh ta, nhưng tin vui là bạn vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này bằng cách thực hiện những biện pháp tuy đơn giản mà cực kỳ hữu ích sau đây.
3.1. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế uống rượu
- Giữ vệ sinh thân thể
- Săn sóc kỹ răng miệng
- Vệ sinh sinh dục và sinh lý, quan hệ tình dục an toàn
- Nên cắt da quy đầu từ nhỏ nếu quy đầu hẹp hoặc dài
- Luyện tập thể dục đều đặn tránh béo phì
3.2. Lựa chọn thực phẩm an toàn
Lời khuyên cho một chế độ ăn uống tối ưu là hãy bổ sung nhiều trái cây và rau tươi, ngũ cốc, nhiều chất xơ; giảm bớt mỡ, chất béo và các thức ăn chứa nhiều năng lượng.
Hãy tránh xa những loại thực phẩm đã được phát hiện là làm tăng nguy cơ ung thư như đồ muối mặn, mắm, mắm chua; thức ăn chiên xào quá nóng, đồ nướng, thực phẩm đã qua chế biến, đóng hộp; thực phẩm đã hư mốc.
Ngoài ra các tác nhân gây ung thư trong môi trường sinh sống và làm việc cũng cần được loại bỏ bằng những biện pháp như:
- Tôn trọng và chấp hành nội quy bảo hộ lao động trong môi trường có chất phóng xạ, tia X, tia UV, các chất hóa học, bụi gỗ, bụi công nghiệp và các nghề nghiệp đặc thù dễ nhiễm vi khuẩn, virus.
- Giảm ô nhiễm môi trường.
- Không nên phơi nắng quá mức.
- Nên chích ngừa viêm gan siêu vi từ sơ sinh và tiêm ngừa virus HPV cho trẻ em gái.
- Tham vấn di truyền, xét nghiệm tìm gene đột biến gây bệnh.
- Cân nhắc các phương pháp điều trị phòng ngừa: thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, phẫu thuật (đoạn nhũ phòng ngừa, cắt đoạn đại tràng phòng ngừa),…
Một số bài viết hữu ích liên quan mà bạn có thể tham khảo:
Hãy cập nhật những thông tin thú vị và hấp dẫn cùng BlogAnChoi mỗi ngày bạn nhé!
Nói thế thôi chứ khó phát hiện dấu hiệu để phòng tránh lắm
ung thư giờ hoành hành ghê lắm