Bạn nghĩ bạn là người đang điều khiển não của bạn sao? Bạn nên nghĩ lại đi nhé vì bộ não của chúng ta thật sự thông minh và đáng sợ hơn nhiều lắm đấy! Bây giờ hãy cùng điểm qua những khả năng của não mà bạn thậm chí còn không biết nó có nữa nhé!
10. Sàng lọc thông tin
Hằng ngày, chúng ta được tiếp xúc với vô số nguồn thông tin khác nhau và bạn có chắc bạn luôn nhớ mọi thông tin mà bạn đã tiếp nhận không? Ví dụ như, nếu không nhìn, bạn có nhớ hôm nay mình mang đôi vớ màu gì không? Hay là bạn còn nhớ người đầu tiên mà bạn gặp trong ngày mang chiếc cặp màu gì chứ? Nếu không nhớ nổi thì cũng đừng lo lắng nhé, vì đơn giản não đã lọc những thông tin đó vào… thùng rác mất rồi!
Não của chúng ta luôn luôn làm việc không ngừng nghỉ để sàng lọc ra những thông tin quan trọng và giữ lại tạo thành ký ức. Nếu những thứ mà chúng ta nhìn thấy được cho là không quan trọng, não sẽ lập tức xóa ký ức về thứ đó trong bộ nhớ và bạn sẽ không thể… tự phục hồi lại được ký ức này. Đây được gọi là khả năng “Tập trung có chọn lọc” của não nhằm ghi lại những ký ức quan trọng, xóa đi những ký ức bên lề và điều đặc biệt là, bạn sẽ không hề ý thức được rằng não của bạn đang làm điều này. Nhờ có cơ chế này của não mà bạn sẽ không bao giờ bị “phát rồ” vì lượng thông tin quá mức chịu đựng đâu!
9. Nháy mắt
Nháy mắt cũng như thở vậy, đều là những việc giúp cơ thể sống nhưng chúng ta hầu như không hề để ý gì đến những hành động này. (Bây giờ có thể bạn sẽ tiếp tục đọc bài viết này trong khi nghĩ đến việc nháy mắt của bạn đấy!) Nhưng làm thế nào mà não của chúng ta có thể điều khiển mắt nhắm mở liên tục trong khi chúng ta lại không hề ý thức được điều đó?
Nháy mắt được xem là một phản xạ tự động của mắt được điều khiển bởi não nhằm bảo vệ và giữ ẩm liên tục cho mắt. Góc ngoài của mắt bạn chính là nơi liên tục sản xuất ra nước mắt để làm dung dịch rửa mắt liên tục, đó là lý do vì sao khi mắt bị dính bụi bạn sẽ thấy nước mắt ra “ào ạt” hơn và hạt bụi thường sẽ bị trôi đến một khóe mắt nào đó. Hệ thống mi mắt “tự động” nhắm, mở của chúng ta cũng giúp chúng ta nhắm mắt lại khi sắp có một vật gì đó bay vào mặt chúng ta.
8. Di chuyển vị trí lưỡi để phát âm
Bạn có bao giờ ý thức được lưỡi bạn đang di chuyển như thế nào khi bạn nói chuyện không? Nếu bạn là một người học ngôn ngữ và đang phải luyện tập phát âm thì chắc chắn bạn rất ý thức về điều này. Tuy nhiên, nếu chỉ là một người bình thường, bạn sẽ chẳng hề biết lưỡi đang di chuyển thế nào để tạo ra âm thanh khi bạn đang nói chuyện đâu vì lúc đó bạn đang bận nói những thứ bạn nghĩ rồi!
Việc học ngôn ngữ của chúng ta đơn giản là do sự bắt chước mà ra. Việc phát âm cũng vậy, chúng ta “nhại” lại âm thanh mà người khác nói và xem đó là cách phát âm. Từ từ các cơ trong lưỡi và hàm quen với việc phát âm một loại ngôn ngữ nào đó và chúng ta không chủ động ý thức được việc lưỡi di chuyển thế nào khi nói chuyện vì não đã làm chúng ta quen với điều này. Thay vào đó, chúng ta sẽ tập trung vào việc phải nghĩ gì và nói gì nhiều hơn.
7. “Lừa gạt” chúng ta rằng chúng ta rất tài giỏi!
Hãy tưởng tượng đứa con của bạn đem đến cho bạn xem một bức vẽ không được đẹp lắm của nó và hỏi cảm nhận của bạn, bạn sẽ phản ứng thế nào đây? Đa số các bậc phụ huynh sẽ khen bức vẽ để tránh làm đau lòng con mình mặc dù chính họ không tin vậy. Tuy nhiên, sau này đứa trẻ lớn lên và nhìn lại bức vẽ mà bố mẹ đã khen khi xưa và nghĩ: “Nó xấu tệ!”
Điều quan trọng ở đây là, một khi có ai đó cho chúng ta một phản hồi tích cực, não có xu hướng sẽ làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta thật sự tốt đẹp như những lời khen của người khác. Điều này làm thay đổi cách chúng ta nhìn thấy bản thân mình và thường sẽ dẫn đến việc nhiều người bị “ảo tưởng sức mạnh” khi nghĩ mình tài giỏi hơn bản chất thật của mình. Tuy nhiên điều này cũng là một cách hiệu quả để gợi lên sự tự tin cho con trẻ nhưng hãy nhớ khen chê có chừng mực nhé!
6. Điều chỉnh nhiệt độ cơ thể
Bộ não không chỉ thay đổi những thứ thuộc về ý thức của chúng ta mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến những thứ liên quan đến cơ thể như nhiệt độ. Hẳn bạn đã biết cơ thể con người có nhiệt độ trung bình là 37 độ C vì khi ở nhiệt độ này, cơ thể mới vận hành một cách hiệu quả và bình thường được. Thế thì, bạn có ý thức được vì sao ngay cả khi đi vào nơi nắng nóng hay quá lạnh nhưng cơ thể vẫn giữ được nhiệt độ 37 độ C không?
Trên da của chúng ta có các cơ quan thụ cảm và đây chính là “công cụ” giúp não nhận biết được cơ thể đang ở trong loại môi trường có nhiệt độ như thế nào. Sau đó, thông tin về môi trường sẽ được chuyển qua các dây thần kinh và đến với một bộ phận ở não gọi là “Hypothalamus”, ở đây não sẽ trực tiếp “truyền lệnh” phản xạ đến các cơ quan để cơ thể giữ được nhiệt độ ổn định nhất. Đây chính là lý do vì sao khi cảm thấy lạnh, lông trên cơ thể sẽ dựng đứng lên để “nhốt” nhiệt lại trong cơ thể, còn khi cảm thấy nóng nực, cơ thể sẽ làm bạn thoát nước qua việc đổ mồ hôi để làm nhiệt trong cơ thể được thoát ra ngoài qua đường bốc hơi.
5. Thay đổi ký ức
Chúng ta thường cho rằng những sự việc gì đã được “mắt thấy tai nghe” thì chắc chắn đó là ký ức đúng nhất. Tuy nhiên, bộ não hoàn toàn có thể “đánh lừa” bạn và tạo ra những ký ức sai lệch đấy nhé!
Trong một thí nghiệm của Elizabeth Loftus và John Palmer vào năm 1974, có hai nhóm người đã được cho xem một video về một vụ tai nạn giao thông và sau đó được hỏi những câu hỏi có nội dung giống nhau nhưng cách dùng từ để hỏi thì lại khác nhau. Đối với nhóm 1, họ được hỏi về việc va chạm của những chiếc xe còn nhóm 2 được hỏi về tai nạn thảm khốc của những chiếc xe. Đặc biệt, nhóm 1 không được hỏi bất kỳ điều gì về tốc độ của những chiếc xe.
Sau đó một vài tuần, những người tham gia thí nghiệm được hỏi một câu hỏi hoàn toàn khác biệt: “Bạn có nhìn thấy chiếc kính vỡ nào trong video không?” thì ở nhóm 2, những người được hỏi về tai nạn thảm khốc và tốc độ của những chiếc xe đã nói rằng họ có nhìn thấy những mảnh vỡ của kính xe, còn ở nhóm 1, họ nói rằng họ không thấy kính vỡ gì cả. Và sự thật là… không có chiếc kính vỡ nào cả! Điều này chứng minh rằng trí nhớ của chúng ta hoàn toàn có thể “bị lừa” bởi những kết luận của não. Trong trường hợp này, não kết luận rằng vì đó là một tai nạn thảm khốc và tốc độ của xe rất cao, thế nên, chắc chắn phải có kính vỡ, trong khi sự thật thì không như vậy!
4. Giữ thăng bằng
Khi chúng ta đi bộ, chúng ta thường sẽ không để ý cơ thể chúng ta đang thật sự làm gì để có được thăng bằng như vậy. Bộ não đã phải tổng hợp thông tin từ các cơ quan thụ cảm của mắt, cơ, xương và tiền đình để giúp chúng ta giữ thăng bằng khi di chuyển.
Mắt chúng ta sẽ tiếp nhận ánh sáng và cảnh vật xung quanh để xác định được chúng ta đang ở vị trí và có mối liên hệ như thế nào với những vật xung quanh. Còn xương và các cơ truyền đến các tín hiệu về áp lực và độ căng khi di chuyển của cơ thể. Ví dụ như khi cơ thể bạn bước về phía trước, áp lực sẽ dồn nhiều vào phần các ngón chân và tín hiệu này cũng được truyền đến não để nó “đánh giá” tư thế của chúng ta đang như thế nào để mà giữ thăng bằng.
3. Làm chúng ta “hắt xì”
Chúng ta thường nghĩ hắt hơi là “chuyện của giời” vì gần như ta không đoán được khi nào mình muốn hắt hơi. Khi có một yếu tố gây kích thích nào đó tác động lên những thụ quan trên màng nhầy và đe dọa đến cơ thể, ngay lập tức, chúng được báo lên “trung tâm hắt hơi” nằm ở cuống não. Sau đó, trung tâm này gửi ngay một “thông điệp” đến tất cả các cơ có liên quan để tạo ra một quá trình vô cùng phức tạp là hắt hơi. Những cơ nhận được mệnh lệnh là cơ bụng, cơ ngực, cơ hoành cách, cơ chỉ huy dây thanh đới, cơ họng, cơ mặt và cơ mi mắt (để “đóng” mắt lại cho khỏi bị tác động của luồng hơi “nguy hiểm” bật ra). Các cơ này phối hợp hành động một cách chuẩn xác và “ăn ý lạ thường” để loại bỏ “kẻ lạ mặt” ra khỏi cơ thể.
Trong cả quá trình phức tạp trên, não đóng vai trò điều khiển tất cả mọi quá trình khi nó sẽ là nơi nhận thông tin về “sinh vật lạ” và cũng là nơi điều lệnh đi các cơ quan trong cơ thể để tạo ra hiện tượng hắt hơi.
2. Điều khiển việc run của cơ thể
“Run cầm cập” là hiện tượng xảy ra đối với cơ thể khi chúng ta gặp lạnh và bạn sẽ có cảm giác như không thể ngừng việc run lại được, tại sao lại như thế?
Khi gặp thời tiết lạnh, thân nhiệt của chúng ta sẽ bị giảm và buộc não phải làm một điều gì đó để giữ cho nhiệt độ cơ thể ổn định. Quá trình này cũng có liên quan đến bộ phận Hypothalamus ở trong não vì nó đóng vai trò điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Việc run lên cầm cập sẽ giúp làm tăng nhiệt độ cơ thể và đây được xem là một phản ứng “tự vệ” mà não bắt cơ thể phải làm để bảo vệ sự ổn định của thân nhiệt. Thế nên, dù có cố gắng giữ cho mình không run, bạn vẫn khó mà làm được vì đó đã là một phản ứng tự động rồi.
1. Làm ta cười
Bạn đã từng ở trong trường hợp mà việc cười là không hề “đúng lúc” chút nào nhưng bạn vẫn không thể ngăn cản bản thân nhịn cười? Ví dụ như trong cuộc thi xem ai để mặt “tỉnh” được lâu nhất chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu có rơi vào trường hợp trớ trêu như vậy, cứ việc đổ lỗi cho não của bạn nhé!
Một bài báo được xuất bản vào năm 1998 đã đưa ra một số lời giải thích như thế về việc liên quan giữa não và việc chúng ta cười. Một cô gái được đặt “mật danh” là A.K. đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật để kiểm soát chứng động kinh của mình. Tuy nhiên sau đó, các bác sĩ phát hiện ra rằng trong não của cô có một vùng não ở phần trước có khả năng kích thích “sự cười” ở cô gái này. Khi A.K. giải thích tại sao cô ấy đã cười, cô nói mình đã nghĩ về một chuyện gì đó sau khi cười và lại tiếp tục cười. Điều này khác với nhiều người khác ở chỗ người ta phải thấy cái gì đó buồn cười trước rồi mới cười.
Tác giả của bài báo cho rằng việc cười của chúng ta được kích hoạt bởi các nhiều khu vực khác nhau của não, chịu trách nhiệm đối với các yếu tố khác nhau. Có những phản ứng là do yếu tố cảm xúc, cũng có thể là do quá trình nhận thức giúp chúng ta hiểu tại sao cái gì là buồn cười và cuối cùng là một phần phản ứng không thể kiểm soát được, trong đó bao gồm các chuyển động của cơ mặt để tạo ra một nụ cười.