Việt phục – danh từ dùng để chỉ chung dành cho thời trang mang phong cách, hơi hướm từ lịch sử như áo tứ thân, áo Nhật Bình, áo dài… Và phong trào sử dụng Việt phục, cách tân Việt phục ngày càng phổ biến hơn trong giới trẻ hiện nay. Câu hỏi là nên sử dụng như thế nào, cách tân Việt phục ra sao cho phù hợp nhất?
Áo dài ngũ thân truyền thống, nên hay không nên?
Theo như giám đốc Sở Văn Hóa- Thể Thao của tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Phan Thanh Hải cho rằng, mỗi sáng thứ hai đầu tháng thì nam công chức mặc áo ngũ thân truyền thống đến công sở sẽ góp phần để xây dựng, truyền bá và nối tiếp nét đẹp văn hóa của người Việt, đồng thời truyền cảm hứng tới giới trẻ hiện nay. Người dân sau khi nhìn thấy hình ảnh được lưu truyền quảng bá khắp nơi trên mạng xã hội, các báo đài, TV, … thì đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều cùng nổ ra tranh cãi khắp nơi.
Có người nói rằng, nên mặc như vậy, phải như thế thì đám nhỏ bây giờ mới biết thế nào là nét đẹp của người Việt xưa. Nó giống như việc mà người Nhật đã lưu giữ vẻ đẹp của Kimono hay là người Hàn có thể tự hào về Hanbook của họ, hoặc như người Trung thì sẵn sàng mỉm cười tự tin khi trong bộ quần áo Hán Phục. Thì với người Việt, tự hào về áo dài, áo ngũ thân truyền thống, … là điều hoàn toàn bình thường.
Ông Phan Thanh Hải còn nói thêm rằng, áo dài ngũ thân xuất phát từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, dần được phổ biến vào thời vua Minh Mạng. “Đây từng là thường phục, mặc rất tiện lợi bởi tà ngắn, quần hai ống cắt ngắn ngang mắt cá, cho phép đi giày tây”.
Trước đây thì áo ngũ thân dành cho nam được sử dụng rộng rãi, nhưng trong quá trình phát triển thì dần bị mai một, chỉ còn lại áo dài của nữ. Chính vì thế ông Hải hy vọng, hành động này sẽ giúp truyền bá áo ngũ thân, để không chỉ phụ nữ Việt Nam mặc áo dài truyền thống quảng bá nét đẹp, mà còn có cả cánh mày râu nữa.
“Phụ nữ mặc áo dài được sao đàn ông không mặc được. Nếu trong các dịp lễ, thay vì mặc áo vest, đàn ông mặc áo dài cũng rất ý nghĩa với tư cách là trang phục truyền thống”, ông Hải nói.
Tuy nhiên có người lại cho rằng làm thế này là bất tiện đối với nam, vì vạt áo dài, lòe xòe, … nhưng mà thực lòng thì bộ áo ngũ thân được may với chất liệu vải tốt, dùng trong những buổi lễ trang trọng, những ngày thứ hai chào cờ, … thì chẳng phải rất phù hợp hay sao? Hơn nữa phụ nữ cũng mặc như vậy, nên lý do bất tiện là điều không thể chấp nhận. Đa số các ý kiến phản đối khác đều bị cư dân mạng, những người yêu lịch sử nét đẹp văn hóa Việt chỉ trích gay gắt.
Việt Phục hiện đại, cách tân: Nên hay không?
Việt Phục tính đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều hướng cách tân khác nhau, đa số dành cho nữ với áo Nhật Bình, Giao Lĩnh, Viên Lĩnh, … Nếu bảo có con đường đi đúng đắn, riêng biệt và độc đáo như những nước bạn thì Việt Nam hiện tại vẫn chưa thể làm được tròn trách nhiệm. Tuy nhiên các bạn trẻ, những nhà thiết kế, những con người yêu quý lịch sử, nét đẹp văn hóa Việt vẫn đang ngày ngày không ngừng nghỉ sáng tạo, đưa ra mẫu mới nhằm đạt được hai tiêu chí: đầu tiên phải hợp thị hiếu chung, và thứ hai là giữ được nét truyền thống.
Không ít những bộ ảnh được ra đời trong khoảng thời gian này, bao gồm phối hợp cả quần áo hiện đại và cổ phục, đơn giản hóa những đường may phức tạp mà vẫn giữ được nét cốt yếu nhất của bộ đồ, … Vì vậy để một tương lai Việt Nam có Việt Phục đẹp đẽ, gần gũi hơn với người dân, thì chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa các phong trào này, giống như lãnh đạo của sở Văn Hóa – Thể Thao của tỉnh Thừa Thiên – Huế vậy.
Những bài viết khác cùng chủ đề bạn có thể quan tâm như:
- “Mách nhỏ” bí quyết diện áo dài trắng đẹp hơn cho các cô nàng nữ sinh cấp 3
- Review sách ảnh Dệt Nên Triều Đại: Tinh hoa Cổ phục Việt trong từng thớ vải
- Ngoài team thập cẩm vs đậu xanh, còn muôn vàn vị bánh Trung thu”độc dị” cho bạn quẹo lựa
Và đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị khác nhé!