Những ngày đầu tháng 12, người dân miền Bắc mới thực sự được sống trong cái lạnh thực sự của mùa đông. Đây là khoảng thời gian được nhiều người mong chờ khi được khoác lên mình những chiếc áo ấm, vi vu khắp phố phường và thưởng thức những món ăn vào mùa đông làm nên nét đặc trưng của Hà Nội. Sau đây là những món ăn bạn nên trải nghiệm để tận hưởng mùa đông một cách trọn vẹn nhất.
1. Bánh trôi tàu
Bánh trôi tàu là món ăn đặc trưng của Hà Nội khi thời tiết vào đông. Thử tưởng tượng, trong cái cái rét mùa đông, được cầm trên tay bát bánh trôi tàu ấm nóng, bốc khói nghi ngút cùng mùi gừng nồng ấm, mùi đường hoa mai thoang thoảng ngọt, mùi nước cốt dừa béo ngậy, sánh quyện thì không còn gì sánh bằng.
Bánh trôi tàu là một món ăn đã có từ lâu đời được du nhập từ Trung Quốc. Nói tới nguyên liệu làm ra món bánh tinh tế này, thì kì thực lại đơn giản và dễ chuẩn bị vô cùng, chỉ gồm có: gạo nếp, đỗ xanh, vừng đen, gừng già, đường. Một bát bánh trôi tàu thường có 2 viên, viên bánh tròn là nhân đậu xanh, viên bánh dài là nhân vừng đen; một tròn xoe, một bầu dục, chan lên là nước đường thơm nức mùi gừng, cay cay nồng ấm.
Người ta khi đi ăn bánh trôi tàu không chỉ để tận hưởng được hương vị của bánh, làm thỏa mãn vị giác mà còn để thỏa cái thú vui đường phố. Tấp vào một hàng bán bánh trên vỉa hè, nhìn trực tiếp người bán nặn bánh, nấu nước đường, ngửi mùi hương phảng phất cùng làn khói bốc lên nghi ngút, nhìn dòng người qua lại trên phố dường như làm cho món ăn trở nên trọn vẹn, đầy đủ hương vị hơn.
Nhiều người cho rằng điều làm nên sự đặc trưng của mỗi hàng bánh trôi tàu là hương vị của nước đường. Nước đường được để sôi liu riu, độ sệt vừa phải, có màu nâu của mật ong hoặc sánh vàng, không có vị ngọt sắc, thoang thoảng hơi cay của gừng già. Tùy từng quán mà độ ngọt của nước đường lại khác nhau để phù hợp với khẩu vị người dùng.
Cách ăn bánh trôi tàu cũng nói lên cái tinh tế, thanh thoát của nó, đây là món ăn chơi, vậy nên hãy ăn thật từ tốn để cảm nhận được cái bùi, cái ngọt lành của đỗ xanh, vừng đen, của dừa xào… Bưng bát bánh trên tay, các thực khách nên thưởng thức nước dùng đầu tiên để cảm nhận được hương vị chung làm nên “linh hồn” của bát bánh, nó sẽ làm cay cay đầu lưỡi, khi xuống đến cổ họng nước gừng sẽ làm cổ họng hơi tê, nóng ran, cái nóng, cái ngọt vẫn giữ lại trong miệng, dạ dày cho tới khi thực khách ăn tới miếng bánh tan chảy cuối cùng.
Giá của một bát bánh trôi tàu dao động từ 10000 đến 20000 đồng. Còn gì tuyệt vời hơn khi được quây quần với bạn bè, người thân hay hò hẹn với người mình yêu cùng nhau thưởng thức hương vị của những bát bánh trôi tàu ấm nóng, cay nồng trong tiết trời giá lạnh.
2. Bánh đúc nóng.
Ngoài bánh trôi tàu, bánh đúc cũng là một món ăn truyền thống, có từ lâu đời và thân thuộc với người dân Việt Nam. Trong ẩm thực mỗi vùng miền, bánh đúc lại có đặc trưng riêng. Và đương nhiên trong ẩm thực Hà Nội cũng thế, bánh đúc có những hương vị độc đáo của riêng mình, sự độc đáo đầy thi vị theo phong cách đa dạng của người Hà thành, điển hình như món bánh đúc nóng.
Phần bột bánh được làm tương tự với bánh đúc lạc, nhưng sẽ không có đỗ, lạc bên trong. Bột bánh cũng có phần mềm hơn một chút nhưng vẫn đảm bảo độ sánh mịn, dẻo quánh của món ăn.
Nếu như bánh đúc truyền thống ở khu vực miền Bắc là bánh đúc làm xong để nguội, thưởng thức kèm với cá kho, thịt kho, mắm tôm, canh cua,…thì bánh đúc nóng lại rất khác bởi nó được thưởng thức khi còn nóng hổi có nước chan và rau. Khi bạn gọi một bát bánh đúc nóng, người bán sẽ múc cốt bánh mềm, dẻo vào bát, sau đó chan nước dùng chua ngọt được pha chế khéo léo với bí quyết riêng, kèm theo đó là chút rau thơm, thịt băm, hành phi, mộc nhĩ để làm tăng hương vị của món ăn.
Vào những ngày đông giá rét, bánh đúc nóng đã trở thành một trong những món ăn chơi không thể thiếu của nhiều người khi vừa để thưởng thức được hương vị món ăn, vừa để cảm nhận hương vị xưa, mộc mạc với món bánh truyền thống này. Ôm vào lòng bàn tay bát bánh đúc nóng tỏa khói nghi ngút cùng mùi thơm thoang thoảng của gạo, vị chua, thơm, ngọt, bùi của các nguyên liệu ăn kèm hòa quyện đem lại một cảm giác thật khó tả. Có lẽ bánh đúc nóng cũng đã trở thành một phần làm nên mùa đông Hà Nội gây ấn tượng sâu đậm với du khách và những người dân nơi đây.
3. Cháo sườn.
Cháo sườn cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời cho mọi người trong những ngày đông. Người ta ăn cháo sườn không kể buổi nào trong ngày, cũng chẳng kể mùa nào trong năm, chỉ đơn giản là thèm cái hương vị, ra đầu ngõ ngồi chiếc ghế gỗ thấp bệt hoặc bắt gặp ngay một gánh cháo đi qua, mọi hương vị thơm ngon, giản dị lại ùa về.
Món ăn này được tạo nên từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản. Chỉ cần sườn heo, bột gạo nếp, bột gạo tẻ, chà bông, gia vị bạn đã có một bát cháo sườn thơm ngon, dẻo đặc, giàu dinh dưỡng. Một món ăn kèm với cháo sườn không thể thiếu đó là quẩy. Đối với nhiều người, quẩy là đồ ăn kèm khi ăn với phở, nhưng khi kết hợp với cháo mang lại cảm giác khó quên. Vị cháo sườn thơm, ngọt, đậm đà, hơi tê tê đầu lưỡi nhờ vào tiêu, ớt bột cùng với quẩy giòn, xốp là một sự kết hợp thú vị, làm tăng hương vị món ăn.
Nếu bạn chưa thử món ăn này thì thật đáng tiếc. Đặc biệt khi mùa đông tới, một bát cháo sườn ấm nóng, thơm ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng là một cách tuyệt vời để làm ấm cơ thể.
4. Bánh cuốn nóng.
Nguồn gốc của bánh cuốn vốn dĩ có từ Trung Quốc nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì lại được phổ biến và biến tấu khác nhau phù hợp với từng vùng miền.
Món bánh cuốn vẫn theo cách làm xưa, thủ công và tỉ mẩn. Để làm ra được một mẻ bánh cuống không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm của những người làm lâu năm. Nóng vội hoặc vụng, đĩa bánh cuốn sẽ chỉ là đống bột hấp chín được phủ hành, nhàu nhĩ và vón cục. Bởi vậy, việc ăn bánh cuốn nóng đòi hỏi sự chờ đợi. Khách vắng, đợi ít. Khách đông, phải đợi lâu.
Một trong những điều làm nên đặc trưng, thương hiệu của mỗi hàng bán bánh cuốn đó là nước chấm. Những người sành ăn cho biết, để pha nước chấm ngon nhất định phải có thịt lợn thăn. Thịt xào cháy cạnh với hành tím, mắm, hạt tiêu, khi thơm thì cho nước vào ninh để thịt tiết ra hết chất ngọt, rồi mới pha thêm mắm, đường, dấm. Nước chấm, chua ngọt vừa phải, ngọt sâu của thịt thăn, thơm mùi mắm không bị nồng. Khi ăn vẫn vắt thêm chút chanh, thêm ít hạt tiêu và vài lát ớt. Nhiều hàng pha nước chấm ngon, khách ăn xong miếng bánh cuối cùng vẫn hé môi húp sì soạt.
Trong buổi sáng mùa đông Hà Nội, ngồi vào một hàng bánh cuốn, thưởng thức hương vị mộc mạc, thân thuộc của thức quà quê sẽ làm bạn không thể nào quên được.
5. Xôi trứng, thịt, pate.
Xôi là một trong những món ăn có từ lâu đời với người Việt Nam vì nó vừa ngon, rẻ, lại no lâu đặc biệt đối với người dân lao động. Từ xa xưa, xôi đã là thức quà sáng quen thuộc đi học hay đi lên nương, rẫy, người ta đều mang một gói xôi theo chống đói; đến thời nay, xôi vẫn giữ được vị thế đặc biệt của nó.
Nói về xôi thì vô cùng phong phú, đa dạng ngoài những loại xôi ngọt truyền thống như xôi ngô, xôi xéo, xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi lá cẩm… thì ngày nay người ta thường ưa chuộng xôi mặn hơn. Nói cách khác, ngày nay thường thiên về sở thích ăn xôi với nhiều hương vị hơn như thịt lợn kho, trứng, pate, lạp xưởng, chả lụa…
Một bát xôi mặn đầy đủ thường gồm có xôi trắng và đa dạng các loại topping ăn kèm như thịt lợn kho, trứng ốp, lạp xưởng, chà bông, chả lụa, pate… Bưng một bát xôi trên tay, thưởng thức mùi thơm của gạo nếp, xắn một miếng xôi dẻo, mềm, ấm được chan đẫm nước thịt kho ngọt, mặn hòa quyện cùng với đó là vị béo ngậy của miếng thịt kho nhừ, của pate và các topping khác đã gây thương nhớ cho nhiều người khi thử món ăn này. Dù có thưởng thức cao lương, mỹ vị ở đâu thì một gói xôi mộc mạc của quê hương vẫn mang lại cảm giác thân thuộc, ấm cúng.
6. Mỳ gà tần.
Mỳ gà tần là một trong những món ăn không những thơm ngon mà còn vô cùng bổ dưỡng được nhiều người yêu thích. Ban đầu, gà tần vốn dĩ là món ăn dùng để tẩm bổ cho người ốm, dưỡng bệnh. Nhưng theo thời gian, bằng sự sáng tạo không giới hạn của các thợ làm bếp, mì tôm được cho thêm vào để biến món gà tần vượt khỏi phạm vi bồi bổ, trở thành một trong những lựa chọn ăn chơi hoặc cũng có thể là để ăn no của mọi người.
Điều làm nên một bát mỳ gà tần ngon là nhờ vào nước dùng. Nồi nước dùng là thành quả của một quá trình công phu ninh thịt gà với các loại gia vị thuốc bắc như kỳ tử, đẳng quy, táo tàu, hạt sen… với vị ngọt của thịt gà sẽ hòa quyện và làm dịu đi cái đắng nhẹ của các vị thuốc bắc.
Thịt gà được ninh mềm, nhưng không bị bở nát ăn cùng với rau ngải cứu đăng đắng và mỳ tôm được thả vào bát trực tiếp không nhúng qua nên vẫn giữ được độ dai. Đây là món ăn thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, giúp giữ ấm cơ thể được nhiều người ưa chuộng đặc biệt trong những ngày đông giá rét.
7. Ngô, khoai nướng.
Những cơn gió lạnh đầu mùa mang theo hương thơm khó cưỡng từ ngô, khoai nướng. Năm nào cũng vậy, trời trở lạnh, những bếp than nhỏ vỉa hè nướng ngô, khoai lại bắt đầu đỏ lửa. Những bếp than rực đỏ nướng ngô, khoai vừa cho thu nhập khá, vừa tạo nên nét văn hóa ẩm thực… “dễ gần”.Mặc dù ngô, khoai nướng là thức quà quê chẳng mấy đặc biệt, nhưng cứ tới mùa đông, khi ngoài trời lất phất mưa, mới cảm nhận hết cái thú ăn ngô nướng. Bởi ngay từ lúc nướng ngô, chỉ cần ngồi xoa xoa bàn tay trên bếp than hồng thôi cũng đủ ấm lòng.
Dưới ánh đèn vàng dìu dịu, con phố tĩnh lặng được tô điểm bởi bếp than hồng rực, mùi ngô, khoai nướng thơm phức hấp dẫn. Lách ta lách tách, theo nhịp tay quạt và tiếng than nổ, ngô, khoai, sắn cứ thế chín dần bên những cặp mắt háo hức chờ đợi. Tiếng ngô nướng nổ lép bép, mùi khoai lang nướng ngọt ngào xua tan đi không khí lạnh giá vây quanh. Bẻ củ khoai còn nóng bỏng tay, bóc lớp vỏ thô ráp bên ngoài, mật khoai vàng óng từ từ chảy ra. Cắn một miếng để sưởi ấm dạ dày đang sôi réo, cảm nhận vị ngọt bùi tan trong miệng, chợt nhận thấy có nhiều niềm vui đến từ những điều giản dị.
Cùng người thân, bạn bè, người thương ngồi bên bếp than đỏ hồng rôm rả trò chuyện trong lúc đợi khoai chín, rồi cùng nhau thưởng thức thật không còn gì ấm cúng, hạnh phúc bằng.
8. Cafe trứng.
Cà phê trứng xuất hiện ở Hà Nội vào những năm năm mươi của thế kỷ trước. Câu chuyện về nguồn gốc của loại cà phê này vẫn được truyền miệng cho tới tận ngày nay. Khi các sản phẩm cà phê phương Tây du nhập vào Việt Nam đã sớm chiếm được cảm tình của khách hàng. Với mong muốn tạo ra được thức uống tương tự với nguồn nguyên liệu sẵn có và chi phí thấp hơn. Lúc bây giờ, sữa tươi khan hiếm nên chủ quán cà phê đã dùng lòng đỏ trứng gà như một giải pháp thay thế. Bất ngờ thay, thức uống đó lại được mọi người khen ngợi và trở thành đặc sản.
Cà phê trứng là sự tổng hòa giữa vị đắng nhẹ của cà phê và béo ngậy của trứng gà. Thích hợp cho những người không uống được cà phê nhưng vẫn muốn thưởng thức loại đồ uống này. Chính vị ngọt, béo của trứng gà và sữa sẽ đánh tan đi phần khó uống nhất của cà phê, giữ lại hương thơm ngọt ngào, hấp dẫn.
Không ngoa khi nói rằng cà phê trứng là một nét văn hóa của người Hà thành. Thức uống này đã trở thành biểu tượng cho phong cách uống cà phê của người dân trong nhiều thập kỷ qua. Không khó để bắt gặp những quán cà phê phục vụ loại đồ uống này trên khu phố cổ Hà Nội.
Cafe trứng phải thưởng thức khi còn nóng hổi, vừa pha chế xong bởi lẽ để lâu sẽ bị tanh, mất đi mùi hương và khá khó uống. Nhưng cũng giống như bất kỳ món ăn truyền thống nào, khi uống, người ta phải chầm chậm nguấy đều lớp bọt bồng bềnh, đưa từng thìa nhỏ lên miệng để trứng đánh bông tan ra, lan tỏa hương vị đậm đà.
Cứ mỗi khi gió lạnh tràn về, không chỉ những người có tuổi, mà các bạn trẻ ở Hà Nội cũng thường rủ nhau len lỏi vào những góc quán cafe cũ kỹ, nhâm nhi cốc cafe trứng từng làm mê mẩn lòng người một thời.
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để có thêm thông tin hữu ích về những món ăn ngon nhé!
Bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại đây:
12 món ăn nhất định phải thử khi đến Hà Nội.
Tới Nhật Bản leo núi Phú Sĩ – Cần chuẩn bị những gì để hành trình trọn vẹn?
Bỏ túi vài tip du lịch Quy Nhơn – Bình Định để tận hưởng vùng ven biển xinh đẹp miền Trung