Bầm tím là một loại tụ máu của mô, xảy ra khi các mạch máu nhỏ dưới da bị vỡ và rò rỉ máu vào các mô xung quanh, khiến vùng da đó đổi sang màu xanh, tím đặc trưng. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng, chủ yếu là gây đau nhẹ hoặc mất thẩm mỹ và sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vết bầm tím cũng có thể trở thành dấu hiệu của một trình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy vết bầm tím có dấu hiệu bất thường, tốt nhất là nên gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời. Dưới đây là 10 lý do khiến cơ thể dễ bị bầm tím mà bạn cần lưu ý.
1. Va chạm, tập luyện thể thao ở cường độ cao
Nếu bạn là người vụng về, thường xuyên bị té ngã, va chạm thì việc cơ thể thường xuất hiện các vết bầm tím là điều dễ hiểu. Ngoài ra, việc luyện tập thể thao hoặc làm việc tay chân ở cường độ cao cũng có thể khiến các mạch máu nhỏ bị tổn thương, gây xuất huyết dưới da và hình thành nên các vết bầm tím.
2. Thiếu vitamin
Một nguyên nhân phổ biến khác khiến làn da dễ bị bầm tím là do thiếu vitamin, tiêu biểu là vitamin C và vitamin K. Nguyên nhân là do vitamin C không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất collagen mà còn giúp cho thành các mạch máu vững chắc hơn. Trong khi đó, vitamin K lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Do đó, việc thiếu hụt vitamin C và vitamin K có thể khiến mạch máu dễ bị tổn thương hoặc làm rối loạn đông máu, khiến da dễ bị bầm tím hơn bình thường.
3. Tuổi tác
Tuổi tác, đúng hơn là quá trình lão hóa, là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể xuất hiện các vết bầm tím. Khi chúng ta già đi, khả năng sản sinh collagen trên da giảm, làn da trở nên mỏng hơn và lớp mỡ dưới da cũng không còn dày như bình thường. Điều này khiến các mạch máu dưới da mất đi lớp bảo vệ vững chắc và dễ tổn thương hơn. Bấy giờ, chỉ một va chạm nhẹ cũng có thể làm xuất hiện vết bầm tím.
4. Tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời
Tắm mình dưới ánh nắng mặt trời có thể mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian quá lâu cũng mang đến nhiều tác hại. Không chỉ gây cháy nắng, thâm, sạm,…tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể khiến da trở nên mỏng và dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến dễ bị bầm tím hơn. Để đảm bảo làn da được bảo vệ toàn diện trước tác hại từ tia cực tím, hãy sử dụng kem chống nắng kết hợp với việc che chắn bằng mũ, kính râm và quần áo chống nắng khi ra ngoài, đặc biệt là trong thời gian dài và ở những nơi có ánh nắng mạnh.
5. Sử dụng steroid
Sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài có thể làm suy yếu da và mạch máu, dẫn đến dễ bị bầm tím. Mặc dù điều này có thể gây khó chịu nhưng đó không phải là lý do để bạn có thể tự ý ngưng sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn.
6. Thuốc làm loãng máu hoặc thuốc giảm đau
Dễ xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể đôi khi là do tác dụng phụ của một số loại thuốc làm loãng máu và thuốc giảm đau. Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen hoặc thuốc chống đông máu, kháng sinh,…có thể làm suy yếu khả năng đông máu, dẫn đến dễ bị bầm tím. Như đã nói trước đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với thói quen dùng thuốc của bạn.
7. Số lượng tiểu cầu trong máu thấp
Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng cho quá trình đông máu và số lượng tiểu cầu thấp có thể dẫn đến bầm tím thường xuyên hoặc chảy máu. Nguyên nhân khiến số lượng tiểu cầu trong máu thấp có thể bao gồm các vấn đề về tủy xương, rối loạn tự miễn dịch, nhiều loại nhiễm trùng, thuốc men và các vấn đề sức khỏe khác.
8. Gan bị tổn thương
Gan bị tổn thương cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng cơ thể dễ bị bầm tím. Nguyên nhân là do gan giữ vai trò là giải phóng các protein cần thiết cho quá trình đông máu. Do đó, khi gan bị tổn thương, lượng protein cần thiết cho quá trình đông máu bị suy giảm, dẫn đến dễ bị bầm tím.
9. Rối loạn chảy máu
Các bệnh lý về máu như bệnh máu khó đông hoặc bệnh von Willebrand có thể gây ra tình trạng đông máu bất thường và tăng khả năng bầm tím. Rối loạn chảy máu di truyền là do đột biến ở các gen kiểm soát quá trình sản xuất protein cần thiết cho quá trình đông máu. Rối loạn chảy máu mắc phải thường do các tình trạng bệnh lý khác gây ra, chẳng hạn như bệnh gan hoặc ung thư.
10. Ung thư
Bị bầm tím bất thường, không rõ nguyên nhân đôi khi là triệu chứng của ung thư máu. Một số loại bệnh bạch cầu hoặc u lympho có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các tế bào máu bình thường, dẫn đến dễ bị bầm tím. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu hoặc các bệnh ung thư khác và lo lắng về nguy cơ của mình, hãy trao đổi với bác sĩ.
Bạn có thể quan tâm:
- Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình (Erotomania) là gì?
- 10 nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị tê, ngứa tay chân
- 9 dấu hiệu thiếu vitamin C thường gặp mà bạn nên biết!
Mình hy vọng các bạn sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình về bài viết này ở phần bình luận.