Cá thì phải biết bơi, nhưng “bơi ngửa” chỉ được dùng để mô tả những con cá “không còn bơi được nữa”. Vậy mà cũng có loài cá dù đang sống khỏe mạnh bình thường nhưng vẫn bơi ngửa. Bạn đã biết đến những chú cá kỳ lạ đó chưa? Hãy cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Cá bơi được dưới nước là nhờ đâu?

Cá là những vận động viên bơi lội cừ khôi trong tự nhiên, và khả năng này xuất phát từ cấu tạo cơ thể đặc biệt của chúng. Thân hình mảnh mai có thể uốn cong qua lại để xuyên qua nước, cùng với những chiếc vây giúp chúng di chuyển, xoay người, dừng lại,…

Cơ thể cá rất đặc biệt giúp chúng bơi được trong nước (Nguồn: Internet)
Cơ thể cá rất đặc biệt giúp chúng bơi được trong nước (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, hầu hết các loài cá đều có một túi khí bên trong bụng gọi là bong bóng cho phép chúng kiểm soát sức nổi và hướng di chuyển mà không cần phải bơi liên tục tốn sức. Khi muốn nổi lên mặt nước, chúng sẽ nuốt không khí vào làm phồng bong bóng lên, còn khi muốn lặn xuống thì cá sẽ nhả hơi ra làm cho bong bóng xẹp xuống.

Bong bóng giúp cá nổi lên và chìm xuống (Nguồn: Internet)
Bong bóng giúp cá nổi lên và chìm xuống (Nguồn: Internet)

Bong bóng nằm trong bụng và ở gần trọng tâm của cơ thể nên dễ khiến cho cá bị mất thăng bằng, do đó cá phải quạt vây liên tục để giữ thăng bằng. Nhưng khi cá chết, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái tự do, những phần có trọng lượng nhẹ hơn sẽ nổi lên mặt nước. Đó là lý do cá chết hoặc bị thương sẽ có dấu hiệu bơi nghiêng hoặc ngửa bụng nổi lên.

Tuy nhiên đối với một số loài cá đặc biệt, việc ngửa bụng lại là hoàn toàn bình thường trong cuộc sống của chúng, thậm chí còn giúp ích rất nhiều.

Loài cá bơi ngửa “như một thói quen”

Loài cá có kiểu bơi ngược đời (Nguồn: Internet)
Loài cá có kiểu bơi ngược đời (Nguồn: Internet)

Một số loài cá da trơn thuộc chi Synodontis có nguồn gốc từ lưu vực sông Congo ở châu Phi có tư thế bơi ngược. Điều này là hoàn toàn bình thường đối với chúng nhưng lại là bất thường đối với con người và đã khiến người từ thời xưa cho đến nay cảm thấy tò mò, thích thú. Trên tường của các lăng mộ Ai Cập được xây dựng từ 4.000 năm trước cũng có chạm khắc hình ảnh những con cá lộn ngược này. Mặt dây chuyền có hình cá bơi ngửa là một loại bùa phổ biến thời Ai Cập cổ đại, người xưa tin rằng nó có tác dụng phòng ngừa chết đuối.

Món đồ trang sức thời Ai Cập cổ đại có hình cá bơi ngửa (Nguồn: Internet)
Món đồ trang sức thời Ai Cập cổ đại có hình cá bơi ngửa (Nguồn: Internet)

Ngày nay, cá bơi ngửa chủ yếu được nuôi trong hồ cá cảnh của những người đam mê chơi cá. Chúng có thể sống đến 15 năm và tùy theo loài có thể phát triển dài tới mức tối đa là khoảng 50 cm.

Tại sao cá lại bơi ngửa?

Một giả thuyết cho rằng cá bơi ngửa để sinh tồn, vì trong tự nhiên chúng thường ăn rêu bám ở mặt dưới của những cành cây bị ngập nước, tư thế này giúp chúng dễ kiếm ăn hơn. Bơi ngửa cũng giúp chúng dễ bắt được những côn trùng thường đậu trên mặt nước, cũng như dễ lấy oxy từ mặt nước hơn. Điều này có thể rất quan trọng đối với sự sống còn của chúng bởi tình trạng thiếu oxy thường xảy ra tự nhiên ở một số vùng sông, đặc biệt là ở những vùng đầm lầy thiếu ánh sáng và nhiều cây cối rậm rạp.

Bơi ngửa giúp cá dễ kiếm ăn và hít thở oxy? (Nguồn: Internet)
Bơi ngửa giúp cá dễ kiếm ăn và hít thở oxy? (Nguồn: Internet)

Giáo sư sinh học Lauren Chapman tại Đại học McGill đã dành hơn 20 năm nghiên cứu về cách phản ứng của cá với tình trạng thiếu oxy ở châu Phi cho biết: “Loài cá lộn ngược dường như có cả một bộ những sự thích nghi giúp cuộc sống ở bề mặt nước dễ dàng hơn.

Trong một thí nghiệm, giáo sư Chapman đã so sánh cách thức hoạt động của cá bơi ngửa và cá bị nghiêng một bên trong điều kiện thiếu oxy trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy tư thế bơi đặc biệt cho phép những con cá bơi ngửa thở trên mặt nước dễ dàng hơn, trong khi những con bơi nghiêng gặp khó khăn hơn.

Mặc dù giáo sư Chapman nói rằng không thể chắc chắn kiểu bơi lộn ngược có thực sự là để đáp ứng với tình trạng thiếu oxy hay là do một nguyên nhân khác, nhưng nồng độ oxy trong nước thực sự là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhiều loài cá trong tự nhiên, ví dụ như làm tăng kích thước của mang cá và đẻ ít trứng hơn, từ đó có thể dẫn đến hình thành các loài khác nhau.

Bên cạnh kiểu thở và kiếm ăn đặc biệt, cá lộn ngược ở lưu vực sông Congo (Synodontis nigriventris, còn được gọi là cá lộn ngược đốm đen) cũng đã tiến hóa để có phần bụng sẫm màu hơn và phần lưng nhạt màu hơn, do đó khi bơi ngửa sẽ khó bị các loài vật ở phía trên mặt nước phát hiện. Kiểu màu sắc như vậy trái ngược với hầu hết các loài cá khác vì chúng thường có phần lưng đậm màu và phần bụng nhạt màu.

Và điều cuối cùng: những con cá lộn ngược này hoàn toàn có thể bơi sấp như bình thường, nhưng đơn giản là chúng thích bơi ngửa hơn. Chúng thường chuyển sang kiểu bơi “bình thường” khi kiếm ăn ở tầng đáy chứ không phải ở mặt nước.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Nara, Nhật Bản, đã phát hiện ra rằng những con cá này có thói quen lộn ngược xung quanh các vật thể ở dưới đáy hồ. Khi đến gần một vật thể, chúng sẽ xoay ngược thân mình lại, có thể là để ăn rêu bám ở mặt dưới của vật đó. Chúng hiếm khi bơi ở tầng giữa mà chỉ thích kiếm ăn ở dưới đáy hoặc trên bề mặt nước.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin thú vị nhé!

Xem thêm

Muốn "đu" CBIZ trơn tru, hãy thuộc nằm lòng cẩm nang 100 thuật ngữ dưới đây

Những thuật ngữ Cbiz như tiểu thịt tươi, bạo hồng, khống bình, sao tác... có thể sẽ khá lạ tai đối với một số bạn. Tuy nhiên nếu là một người thích đọc tin bát quái và "hít" drama thì bạn rất nên "bỏ túi" cẩm nang 100 thuật ngữ Cbiz thường gặp dưới đây để tránh bỡ ngỡ ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận