Bộ phim tài liệu Công binh, đêm dài Đông Dương của đạo diễn Việt kiều Lê Lâm được sản xuất vào năm 2012, nhưng mãi đến bốn năm sau đó bộ phim mới được công chiếu lần đầu tiên tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội). Buổi công chiếu năm đó đã tái hiện một giai đoạn lịch sử khổ đau của những người lính thợ Việt Nam trên đất Pháp.
Quá khứ khổ cực của những lính thợ còn sống
Tại thời điểm bùng nổ Thế chiến thứ 2, 20.000 người Việt Nam đã bị “vận động cưỡng bức” sang Pháp để làm việc trong các xưởng sản xuất vũ khí. Thông tin về họ vô cùng hiếm hoi; công chúng chỉ biết đến sự tồn tại của những người lính thợ này khi nhà báo Pháp Pierre Daum ra mắt cuốn sách về họ vào năm 2009. Trong quá trình nghiên cứu, đạo diễn Lê Lâm cho biết ông phát hiện cuốn sách được viết dựa trên luận án thạc sĩ của nhà sử học Việt kiều Trần Nữ Liêm Khê. Mặc dù vậy, nhà sản xuất vẫn “mua đứt” cuốn sách của tác giả Pierre Daum để đạo diễn Lê Lâm thực hiện bộ phim.
Vị đạo diễn này cho rằng những người lính thợ là nạn nhân của một hoàn cảnh đặc biệt. Sáu tháng sau khi 20.000 người Việt Nam sang Pháp, nước Pháp thua trận và bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Trong suốt thời kỳ 1940 – 1945, những người lính thợ Việt Nam lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”, vừa bị quân đội Hitler hành hạ vì bị hiểu lầm là lính đánh thuê, vừa bị các ông chủ bù nhìn Pháp bóc lột thậm tệ. Cuộc sống của họ chẳng khác gì cu li, nô lệ.
Vào năm 1945, phe Đồng minh chiến thắng, nước Pháp được giải phóng, Việt Nam bắt đầu cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Phần đông các lính thợ ủng hộ Bác Hồ nên bị chính phủ Pháp giữ lại, cấm không cho về nước. Bởi vậy, những người ở quê nhà không biết số phận các lính thợ ra sao. Họ bị lãng quên ở cả hai bên, Pháp và Việt Nam. Đạo diễn Lê Lâm cho biết việc thu thập các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh và văn bản hành chính về người lính thợ thời đó vô cùng khó khăn do hoàn cảnh lịch sử phức tạp và đặc biệt như thế. Trong hoàn cảnh đó, lời nói của các nhân chứng sống được coi là chất liệu chủ yếu cho bộ phim. Nếu họ mất đi thì một “mảng” lịch sử sẽ biến mất.
Do bộ phim đề cập đến trang sử đau thương xảy ra trên chính đất Pháp nên nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà, nguồn tài chính tài trợ cho phim rất eo hẹp. Trong khi việc đi tìm nhân chứng phải thực hiện cấp bách vì nếu còn sống thì những người lính thợ năm xưa hầu hết đã ở tuổi 90. Vì vậy, cùng với việc chờ đợi nguồn kinh phí, đạo diễn Lê Lâm đã trở về Việt Nam khảo sát, tìm hiểu thực tế để tìm nhân chứng còn sống.
Những lính thợ may mắn được về quê hương
Hầu hết các lính thợ đều mong thoát khỏi cuộc sống bị hành hạ tàn ác. Họ đoàn kết tranh đấu. Do chỉ có ít người biết tiếng Pháp, còn số đông lại mù chữ (gần 90% là nông dân nghèo), bời vậy họ dạy chữ cho nhau và truyền tai nhau về Bác Hồ, người lãnh đạo đất nước đấu tranh giành độc lập ở quê nhà. Khi Hồ Chủ tịch sang Pháp vào năm 1946 để dự Hội nghị Fontainebleau, họ đã ùa ra đón ở phi trường Le Bourget, Paris. Các lính thợ theo lời dặn của Bác đi học nghề để về giúp xây dựng đất nước. Phong trào đó phát triển cho đến khi chính phủ Pháp cho phép họ hồi hương vào năm 1952.
Bộ phim “Công binh, đêm dài Đông Dương” được công chiếu rộng rãi tại Pháp vào năm 2013. Nhờ vậy, giới sử học Pháp mới được biết đến những người lính thợ này. Đạo diễn Lê Lâm cho hay ông được Thượng nghị viện Pháp mời phát biểu trong buổi thảo luận cuối năm 2013. Mười đại biểu đặt câu hỏi lên chính quyền nhà nước để tìm hiểu tại sao chính phủ không trả lương bổng và hưu trí cho những người lính thợ khi họ đã phục vụ cho chính quyền Pháp trong 14 năm.