Tương lai phía trước sẽ cho tôi những cơ hội, những ngày tháng dài rộng để thỏa sức bay nhảy, tự do. Nhưng ông bà tôi sẽ chẳng còn có thể đi cùng tôi thật lâu và thật xa nữa. Điều ông bà cần, chỉ có “ở đây”, “bây giờ” chứ không phải ở “sau này” đâu.
Năm qua, năm đến
Thời khắc đầu năm mới là lúc mỗi người nhìn lại quá trình của một năm vừa trôi qua và thầm mong cho 12 tháng kế tiếp sẽ trọn vẹn, đủ đầy. Những điều còn bỏ sót, những điều còn hối tiếc, chúng ta sẽ đặt vào tương lai. Tương lai luôn cho chúng ta những cơ hội, có phải sẽ luôn là như thế không?
Tôi cũng từng mang suy nghĩ đó và cho rằng mình là một người lạc quan. Nhưng đến một ngày tôi nhận ra, tương lai với ngày rộng tháng dài, không phải chỉ đem cho tôi cơ hội, mà sẽ còn “cướp đi” của tôi những điều quý giá nhất.
Giờ đây, tôi biết mình thật may mắn, vì từ nhỏ luôn được sống gần những người yêu thương tôi nhất, yêu thương tôi vô điều kiện. Từ khi chào đời cho đến khi 5 tuổi, tôi được sống cùng ông bà ngoại. Và trong suốt gần 30 năm nay, tôi được sống cùng ông bà nội. Những ngày tháng bình yên, êm ả đến mức quá quen thuộc. Quen thuộc đến nỗi, nó khiến con người ta đôi khi thấy gợn lên một chút nhàm chán, “khó chịu”, bí bách.
Khi mấy chị em tôi còn nhỏ, ông nội là người đưa đón chúng tôi đi học. Nhất là tôi, đứa cháu đầu tiên được ông nâng niu, chiều chuộng. Thậm chí, ông còn tự tay sơn lại tường phòng tôi theo đúng màu tôi muốn, để đón tôi quay về nhà sau vài năm xa gia đình vào Sài Gòn làm việc. Đó là lúc đứa cháu này đã 24 tuổi.
Có lẽ ở gia đình nào cũng vậy, người lớn luôn mãi nhìn con cháu là những đứa trẻ bé bỏng, luôn mãi lo lắng dõi theo từng bước chân, chỉ sợ chúng ta sảy chân vấp ngã. Tôi đã quá quen với hình ảnh ông nội đứng ngoài cửa nhà, lúi húi quét đi quét lại khoảng sân bé xíu, chỉ để chờ tôi đi làm về, chào ông thật to. Dường như chưa thấy tôi về thì ông cũng chẳng yên tâm khóa cửa. Và tôi cũng chỉ yên lòng, thở phào nhẹ nhõm sau một ngày làm việc, nếu về tới cổng nhìn thấy bóng dáng ông đứng đợi.
Hãy lắng nghe điều ông bà cần ở chúng ta
Những điều chúng ta làm, đều xuất phát từ quan tâm và yêu thương. Có yêu thương thì mới có quan tâm, dù có thể là chưa đúng cách. Khi mà quan tâm hay lo lắng vô tình trở thành kiểm soát, trở thành sợi dây vô hình “thít chặt”, trói buộc nhiều hơn là để “gắn kết”. Nhưng khi tháo bỏ nút thắt để “sổ lồng”, tôi nhận ra lòng mình hụt hẫng.
Tôi chỉ chuyển đi xa cách ông bà tôi chưa đến 10km, chỉ cách xa ông bà tôi chưa đến 30 phút đi xe. Thế nhưng với ông nội, quãng đường đó lớn hơn những con số kia nhiều lần. Tôi cũng chỉ nhận ra nó “xa” đến thế nào khi mỗi ngày nhìn ông bà qua camera. Tôi có thể thấy ông, nhưng ông chỉ nghe được giọng tôi. Ông nói, mỗi ngày ông chỉ cần tôi “gọi” về nói chuyện vài câu qua camera, để ông biết tình hình, để ông nghe thấy giọng tôi. Cũng vẫn chỉ là những câu hỏi han tôi đã nghe suốt 30 năm qua, “con ăn cơm chưa?”, “hôm nay có đi đâu chơi không?”, “phải ăn nhiều rau vào đấy”…
Khi ở bên ông, tôi muốn ông thấy tôi đã trưởng thành, nhưng khi ở xa ông thì tôi chỉ muốn được trở lại thành một đứa trẻ con.
Tương lai phía trước sẽ cho tôi những cơ hội, những ngày tháng dài rộng để thỏa sức bay nhảy, tự do. Nhưng ông bà tôi sẽ chẳng còn có thể đi cùng tôi thật lâu và thật xa nữa. Suốt bao năm qua và cả đến bây giờ, điều ông quan tâm nhất mỗi ngày vẫn là tôi ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc và về nhà bình an. Phải chăng vì tôi đã được bao bọc quá lâu trong một gia đình lớn thế nên tôi nhận ra những điều bình dị đó muộn màng?
Tôi chợt nhớ đến ông bà ngoại đã mất. Những năm tháng đầu đời, tôi ở trong vòng tay ông bà ngoại, đến khi đủ tuổi để đi học, tôi rời xa ông bà để khám phá thế giới xung quanh nhưng lại chẳng đủ lớn để nhận ra và thấu hiểu tình yêu thương mà ông bà dành cho tôi trong những cái ôm thật chặt mỗi lần tôi về thăm quê. Những chuyến về quê mỗi năm chỉ đôi lần.
Điều ông bà cần, điều mà những bậc sinh thành cần là những điều họ sẽ chẳng bao giờ nói ra thành lời. Giống như tình yêu thương, nó âm thầm và luôn lặng lẽ. Ta phải “nhìn”, “nghe” bằng trái tim thì mới nhận ra, đằng sau ánh mắt, đằng sau những lời dặn dò “nói đi nói lại”, ông bà cần điều gì ở ta.
Tôi không chắc mình đã đủ “lớn” và “khôn” để hiểu được những gì ông bà tôi mong muốn. Nhưng tôi nhận ra, mình phải hiểu. Phải thật sự “để tâm” để hiểu, vì ở tương lại tôi sẽ không có cơ hội thứ 2, thứ 3… làm lại hay sửa chữa.
Điều ông bà cần, chỉ có “ở đây”, “bây giờ” chứ không phải ở “sau này” đâu.