Itaewon là một điểm đến nổi tiếng nằm tại trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là tụ điểm ăn – chơi đầy sôi động, quen thuộc không chỉ với người dân Seoul và người Hàn Quốc mà còn là một địa chỉ phải đến của du khách thập phương nếu như có dịp ghé qua thủ đô của xứ sở Kimchi. Tuy nhiên, giờ đây khi nhắc đến Itaewon, người ta sẽ nhớ đến một câu chuyện buồn mang tầm quốc gia bên cạnh những hoa lệ vốn có. Đến hiện tại, nguyên nhân gây ra sự cố vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng nhiều thông tin bên lề đã được đồn đoán. Bài viết này sẽ cũng bạn nhìn lại sự cố ở Itaewon để rút ra bài học từ thảm kịch.
- Nhìn lại sự kiện Halloween ở Itaewon
- Itaewon – Khu vực sầm uất bậc nhất thủ đô Seoul
- Phân tích sự kiện kinh hoàng tại Itaewon
- Bài học rút ra cho các sự kiện tập trung đông người
- Đối với người tham gia các hoạt động đông người
- Đối với chính quyền địa phương, đơn vị tham gia tổ chức sự kiện
- Đôi lời gửi đến bạn đọc
Nhìn lại sự kiện Halloween ở Itaewon
Vụ việc xảy ra vào khoảng 22h tối ngày 29/10 tại Itaewon – khu phố sầm uất bậc nhất thủ đô Seoul. Thời điểm này hằng năm đều diễn ra lễ hội Halloween và nhận được hưởng ứng nhiệt tình bởi phần đa giới trẻ. Những con đường đông đúc, náo nhiệt có thể coi là “đặc sản” nơi đây vào mỗi mùa lễ hội giờ bỗng trở thành thảm họa khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 150 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương, tổng số người mất tích được báo cáo tính đến 10h sáng ngày 30/10 theo giờ địa phương lên đến 1.401 người, hầu hết đều là thiếu niên và những người trong độ tuổi ngoài 20.
Itaewon – Khu vực sầm uất bậc nhất thủ đô Seoul
Dành cho bạn nào chưa biết thì Itaewon được mệnh danh là “khu phố Tây” hay “thiên đường không ngủ” bởi tại đây tập trung hơn 2.000 cửa hàng với đầy đủ các loại dịch vụ, đa dạng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như nhà hàng; khách sạn; cơ sở giải trí; đại lý du lịch; mua sắm trang sức, mỹ phẩm, quần áo, túi xách,… thậm chí là đồ cổ. Do được du nhập văn hóa ngoại lai từ sớm, Itaewon thường được coi là đại diện cho mong muốn thoát khỏi những định kiến của giới trẻ bởi tư tưởng cởi mở của con người tại đây. Nơi này cũng là “đại bản doanh” của cộng đồng LGBT tại Hàn Quốc khi họ có thể thoải mái, tự do thể hiện bản thân, mặc kệ những định kiến cổ hủ của xã hội.
Càng về khuya, nhịp sống tại nơi đây càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết với hàng loạt các quán bar, pub,… mở xuyên đêm. Sẽ không quá nếu như nói rằng bạn có thể tìm thấy mọi thứ bạn cần khi đến Itaewon. Itaewon là điểm đến được chính quyền Hàn Quốc tích cực quảng bá ra thế giới thông qua hàng loạt các chương trình thực tế, phim ảnh cũng như âm nhạc.
Phân tích sự kiện kinh hoàng tại Itaewon
Một Itaewon sôi động và nhộn nhịp, một điểm đến được “lý tưởng hóa” suốt nhiều năm nay bỗng chìm trong tang tóc đau thương. Hàng loạt sự ra đi đột ngột khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng, đã phần nào làm nhòe đi hình ảnh đẹp đẽ được dày công xây dựng lâu nay của Itaewon. Giờ đây khi nhắc đến khu phố này, người ta sẽ nhớ đến một sự kiện vô cùng đau đớn…
Thảm họa kinh hoàng xảy ra tại một con hẻm dốc dài 41m và rộng 4m chỉ đủ chỗ cho 6 người lớn đứng cạnh nhau, bắc ngang giữa con đường chính của Itaewon và một con hẻm sầm uất khác có tên Itaewon World Food Street ở phía sau khách sạn Hamilton.
Một nhân chứng cho biết thảm kịch xảy ra khi một số người ở giữa đám đông bị vấp và xô ngã những người bên cạnh, gây ra hiệu ứng domino. Một trong những người sống sót khác cũng cho biết anh đột ngột cảm thấy có sức nặng đè lên lưng khi đám đông tràn về phía trước. “Một cú hích nhẹ đã đủ đánh gục một số người, dẫn đến tình trạng vấp ngã”, người này cho biết.
Do đường dốc, đám đông càng đổ về phía trước thì người sau càng ngã chồng chất lên người trước. Áp lực này được ví như cả con voi đè lên người, khiến nhiều người ở dưới khó thở và bất tỉnh. Các nhân chứng nói rằng những người bị dồn ép đã hét lên cho những người ở phía sau “lùi lại!” để cứu những người bên dưới. Nhưng có thể do quá ồn ào nên những người ở phía sau hoàn toàn không nghe thấy bất kì điều gì và tiếp tục đẩy, điều này vô hình chung đã tăng thêm áp lực đè lên những người ở phía dưới.
Thực tế cho thấy nhiều người tử vong ở tư thế đứng do gãy xương sườn hoặc vỡ nội tạng bên trong cơ thể do bị chèn ép. Theo góc nhìn của chuyên gia – ông G. Keith Still (giáo sư tại Đại học Suffolk ở Anh) – thì nguyên nhân tử vong nhìn chung không phải do giẫm đạp mà là do ngạt khí.
Thảm kịch này hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu như nhà chức trách có kế hoạch kiểm soát từ trước, tuy nhiên vấn đề này đã không được quan tâm và không có ai đứng ra chịu trách nhiệm ngay từ đâu. Trên thực tế, khu phố Itaewon luôn đông đúc, đặc biệt vào mỗi dịp lễ hội, mà chưa từng xảy ra vấn đề gì. Nhà chức trách, thậm chí cả những người có mặt ở đó dường như đã không ngờ tới tình huống sẽ có hơn 100.000 người xuất hiện tại khu phố này (một lượng người đông hơn thường lệ) dẫn đến không có phương án ứng phó kịp thời, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Có vẻ như sau một thời gian dài bị kìm chân bởi COVID-19, đây là lần đầu tiên giới trẻ tại Hàn Quốc có cơ hội trải nghiệm các sự kiện như thế này, do đó mà lượng người đổ ra đường mới đông hơn con số bình thường.
Bài học rút ra cho các sự kiện tập trung đông người
Chắc chắn vẫn sẽ cần những cuộc điều tra kỹ hơn về vấn đề này, nhưng trước mắt chúng ta đã có thể rút ra một số bài học để tránh hoặc ít nhất là giảm thiểu rủi ro khi gặp những trường hợp tương tự:
Đối với người tham gia các hoạt động đông người
- Tốt nhất chỉ nên tham gia các sự kiện đông người được cấp phép, có giám sát của chính quyền và có lực lượng bảo an.
- Cần chuẩn bị tinh thần khi tham gia các sự kiện tập trung đông người, không tỏ ra quá khích, chen lấn xô đẩy trong đám đông cũng như xem xét yếu tố sức khỏe của bản thân trước khi quyết định tham gia một sự kiện nào đó.
- Cần xem xét kỹ địa hình của nơi tổ chức sự kiện, nắm rõ các lối thoát hiểm để kịp thời xử lý khi gặp vấn đề, đảm bảo bạn luôn đứng ở nơi an toàn (không trơn trượt, gần mép đường không có rào chắn,…). Bạn cũng cần xác định vị trí của các trạm hỗ trợ, lực lượng chức năng để yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.
- Nên đem theo nước uống, kẹo (để bổ sung đường huyết), bình thở oxi cầm tay, đi giầy bệt, mặc quần áo dài tay hoặc đồ bảo hộ,… Cũng nên đeo túi ở trước bụng để tránh mất mát và tiện cho việc lấy đồ. Đảm bảo điện thoại luôn còn pin (mang theo sạc dự phòng), để duy trì liên lạc với người thân.
- Không nên mang theo vật sắc nhọn khi tham gia các sự kiện đông người bởi nó có thể bảo vệ bạn nhưng cũng khiến cho bạn gặp nguy hiểm khi đám đông chen lấn xô đẩy.
- Cảm nhận bầu không khí chung của sự kiện, cảnh hỗn loạn thường có dấu hiệu trước. Nếu bạn cảm thấy nguy hiểm hoặc không thoải mái, nên xem xét rời khỏi đó.
- Nếu lỡ phải di chuyển trong đám đông, cần chú ý di chuyển ngang để lực ép của đám đông dồn lên cạnh bên cơ thể bạn. Nếu có thể, nên ưu tiên di chuyển trên những khu vực bằng phẳng, bám sát mép đường để tìm cách thoát ra. Liên tục di chuyển cùng dòng người (không nên cắt ngang hay đi ngược chiều, dừng lại hoặc ngồi xuống trong đám đông bởi bạn sẽ dễ bị đẩy ngã), để tay trước ngực để bảo vệ vùng ngực và dễ dàng di chuyển hơn, chú ý ngẩng cao đầu để hít thở không khí. Đồng thời cố gắng quan sát để tìm lối ra thích hợp.
- Cố gắng kiểm soát nỗi sợ, điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo, nhanh chóng tìm ra cách giải quyết. Nếu được hãy trấn an mọi người xung quanh, đám đông càng hoảng loạn, nguy cơ thương vong càng lớn.
Đối với chính quyền địa phương, đơn vị tham gia tổ chức sự kiện
Cần sát sao và có trách nhiệm hơn nữa đối với những sự kiện tập thể quy tụ đông người tham gia. Trước khi tổ chức những sự kiện lớn, quy tụ hơn 1.000 người, cần chuẩn bị các khâu đảm bảo an toàn sinh mạng con người một các nghiêm túc và chuyên nghiệp để tránh những vấn đề không hay xảy ra.
Đôi lời gửi đến bạn đọc
Việc đẩy người đi theo làn sóng cũng là một trong những nét “truyền thống” tại Itaewon. Có vẻ như nhiều người đã quá phấn khích và không lường trước được hành động nhỏ của mình có thể mang lại hậu quả to lớn đến mức nào. Một người ham vui, đặc biệt là một người trẻ ham vui, với tôi đó là chuyện bình thường và đó không phải vấn đề đáng bị người khác lôi ra chê trách hay sỉ vả. Lỗi ở đây là do thiếu ý thức hoặc nhận thức, không kiềm chế bản thân để xảy ra vấn để lớn. Nhưng hơn hết, tôi chắc rằng không phải tất cả hơn 100.000 người tham gia lễ hội Halloween ở Itaewon hay những người đã mất hoặc bị thương tại sự kiện này đều là những người vô ý thức. Đừng vì hành động của thiểu số mà đánh giá đa số, đừng vì những thứ chưa có kết luận mà buông lời cay độc. Tôi hy vọng mình sẽ không còn nhìn thấy những bình luận như “lũ đú đởn, chết là đáng”, “ngu thì chết chứ bệnh tật gì”… bởi sự ra đi của họ đã đủ bàng hoàng rồi.
Đây chắc chắn là một sự kiện đáng tiếc, nhưng không phải vì thế mà những sự kiện đông người không nên được tổ chức. Lễ hội là một phần của cuộc sống, khiến cuộc đời đỡ nhàm chán và tẻ nhạt. Những sự kiện đông người cũng là thời điểm vàng giúp tạo ra nguồn thu nhập lớn cho nhiều người và giúp kích cầu kinh tế. Tôi mong rằng các nhà chức trách sẽ có trách nhiệm hơn nữa, và bản thân mỗi người dân cũng nên có ý thức hơn trong việc đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho chính bản thân mình.
Cả đất nước Hàn Quốc đang chia sẻ với nhau nỗi buồn này thông qua Quốc tang kéo dài một tuần. Các sự kiện, chương trình giải trí diễn ra vào thời gian này đều tuyên bố hủy bỏ hoặc tạm hoãn. Bên cạnh đó, công tác điều tra nguyên nhân cũng như giải quyết hậu quả vẫn đang được chính phủ Hàn Quốc tích cực thực hiện. Sau cùng, hãy tiếp tục theo dõi các cập nhật tiếp theo về thảm kịch cũng như cùng nhau chân thành chia buồn với gia đình người đã khuất nói riêng cũng như người dân Hàn Quốc nói chung.