Các phần mềm của Adobe được nhiều người tin dùng cho các công việc sáng tạo, đặc biệt là chỉnh sửa hình ảnh và video. Gói phần mềm Adobe Creative Cloud bao gồm nhiều ứng dụng rất hữu ích và có thể được cung cấp miễn phí thông qua trường học và cơ quan, nhưng trên thực tế cũng có một số vấn đề khiến nhiều người cảm thấy e ngại khi đăng ký dịch vụ này. Hãy cùng khám phá nhé!

Mức giá đăng ký quá đắt

Các phần mềm và dịch vụ của Adobe thường có giá rất cao. Gói phần mềm toàn diện và cao cấp nhất của hãng là Creative Cloud hiện tại có giá 89,99 USD/tháng (tức là 1079,88 USD/năm) nếu thanh toán hàng tháng, và 59,99 USD/tháng (719,88 USD/năm) nếu đăng ký dài hạn 1 năm, hoặc thanh toán hàng năm trả trước là 659,88 USD/ năm (54,99 USD/tháng).

Các tùy chọn gói đăng ký Adobe Creative Cloud (Ảnh: Internet)
Các tùy chọn gói đăng ký Adobe Creative Cloud (Ảnh: Internet)

Đối với những người làm việc chuyên nghiệp đã có thu nhập tốt và ổn định thì đây không phải là một khoản chi phí quá lớn, nhưng ngược lại đối với những người mới bắt đầu làm công việc sáng tạo và chưa kiếm được nhiều tiền thì đây là mức giá quá đắt.

Bên cạnh gói Creative Cloud, Adobe có cung cấp một số phần mềm riêng lẻ và các gói nhỏ hơn với giá thấp hơn, nhưng nhiều người làm việc sáng tạo – đặc biệt là làm video – không thể chỉ sử dụng một phần mềm duy nhất như Premiere Pro, Photoshop hay Lightroom. Ví dụ bạn muốn sử dụng 4 phần mềm của Adobe nhưng phải trả mức giá cho toàn bộ gói Creative Cloud.

Các phần mềm của Adobe đã trở thành tiêu chuẩn hàng đầu trong lĩnh vực sáng tạo chuyên nghiệp khiến nhiều người không thể bỏ qua khi lựa chọn các công cụ làm việc, điều đó cũng tạo thuận lợi để Adobe đặt ra mức giá cao cho các sản phẩm của mình.

Gói đăng ký Adobe Creative Cloud dành cho học sinh sinh viên (Ảnh: Internet)
Gói đăng ký Adobe Creative Cloud dành cho học sinh sinh viên (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp các phần mềm Adobe chỉ thực sự cần thiết đối với những người làm việc chuyên nghiệp. Mặc dù hãng này có đưa ra ưu đãi giảm giá dành cho học sinh sinh viên có thể giảm tới 66% nhưng nhiều người vẫn không hài lòng với chính sách giá của Adobe.

Các điều khoản về giá và phí không rõ ràng

Như đã nêu ở trên, gói Adobe Creative Cloud có giá 59,99 USD/tháng nếu đăng ký 1 năm. Mặc dù Adobe đã ghi rõ chính sách về mức phí hủy đăng ký sớm nhưng trên thực tế hầu hết mọi người thường không đọc kỹ chi tiết để hiểu chính xác ý nghĩa của các điều khoản. Nhiều người đã muốn hủy đăng ký nhưng sau đó quyết định không hủy vì khoản phí bất ngờ.

Theo điều khoản của Adobe, nếu người dùng hủy gói Adobe Creative Cloud có giá 59,99 USD/tháng sau 14 ngày sử dụng hoặc trước thời điểm thanh toán hàng tháng cuối cùng của gói đó, thì sẽ bị tính phí 50% số tiền còn lại theo giá hằng năm của gói đó.

Chính sách hủy đăng ký của Adobe đối với gói đăng ký theo năm (Ảnh: Internet)
Chính sách hủy đăng ký của Adobe đối với gói đăng ký theo năm (Ảnh: Internet)

Ví dụ: gói đăng ký Adobe Creative Cloud theo năm có giá gần 720 USD cho 1 năm, nếu bạn đã sử dụng được 3 tháng và muốn hủy thì mức phí sẽ là 720 USD trừ đi 3 tháng (59,99 USD/tháng) sau đó chia đôi, tóm lại là khoảng 280 USD để hủy đăng ký sau 3 tháng sử dụng. Như vậy mức phí để hủy đăng ký cao hơn khoảng 100 USD so với số tiền bạn đã trả để sử dụng gói phần mềm trong thời gian đó.

Sẽ không có vấn đề gì nếu Adobe công khai rõ ràng về chính sách này, nhưng trên thực tế họ lại khiến cho hầu hết người dùng nghĩ rằng mức giá hàng tháng là ưu đãi hơn, trong khi lại kèm theo các điều khoản phức tạp và đắt đỏ.

Nhiều người muốn sử dụng phần mềm để làm việc và tiết kiệm chi phí có thể chọn gói đăng ký hàng tháng được cho là “rẻ hơn”, nhưng sau đó khi họ muốn hủy thì phát hiện ra rằng phải trả mức phí rất cao. Đây là hành vi không đẹp trong kinh doanh, thậm chí đến mức Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã kiện Adobe về chính sách giá này.

Các điều khoản cho phép Adobe sở hữu nội dung của người dùng

Gần đây Adobe đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích liên quan đến các điều khoản dịch vụ được cập nhật, trong đó cho phép hãng này có thể “xem, truy cập hoặc nghe nội dung của bạn bằng cả phương pháp tự động và thủ công để cải thiện dịch vụ và phần mềm của chúng tôi cũng như trải nghiệm của người dùng”.

Adobe đã làm rõ các điều khoản này và sửa đổi một số từ ngữ trong đó, cho biết rằng nội dung của người dùng sẽ không bị sử dụng để huấn luyện cho Firefly – công cụ AI sáng tạo của hãng. Tuy nhiên trên thực tế họ đã làm điều đó trong một số trường hợp khác. Ví dụ như Adobe Stock là dịch vụ cho phép người dùng tải lên hình ảnh chất lượng cao và được trả tiền khi sử dụng nó, nhưng Adobe cho biết rằng họ đã sử dụng hình ảnh từ Adobe Stock để huấn luyện Firefly.

Trang Blog của Adobe cho biết rằng Firefly được huấn luyện bằng hình ảnh từ Stock (Ảnh: Internet)
Trang Blog của Adobe cho biết rằng Firefly được huấn luyện bằng hình ảnh từ Stock (Ảnh: Internet)

Mặc dù nhiều người dùng được trả tiền để cung cấp hình ảnh cho việc huấn luyện Firefly và có thể họ biết rõ điều đó, nhưng nếu không đọc kỹ các điều khoản dịch vụ của Adobe thì rất khó nhận ra rằng các hình ảnh của họ đã được sử dụng để tạo ra AI có khả năng cạnh tranh với chính họ.

Các tính năng AI có thể giúp nâng cao hiệu quả cho những công việc sáng tạo, nhưng nhiều người không muốn nội dung của mình bị sử dụng để cạnh tranh với chính mình, đặc biệt là khi Điều khoản dịch vụ của Adobe không ghi rõ về vấn đề quyền sở hữu nội dung. Điều đó khiến nhiều người chuyển sang sử dụng các phần mềm đảm bảo quyền lợi của người dùng tốt hơn.

Adobe đang mất vị thế dẫn đầu thị trường

Đối với nhiều công việc trong lĩnh vực sáng tạo, Adobe luôn là lựa chọn hàng đầu vì có rất ít đối thủ cung cấp đầy đủ các tính năng tương đương như các phần mềm của Adobe. Tuy nhiên khi các công việc sáng tạo ngày càng phát triển và xuất hiện nhiều nhu cầu mới thì trên thị trường cũng có nhiều giải pháp thay thế phù hợp với người dùng hơn. Ví dụ như Canva cung cấp các công cụ thiết kế hình ảnh hiệu quả và dễ sử dụng cho những người không chuyên, hay ứng dụng Snapseed giúp chỉnh sửa ảnh miễn phí trên thiết bị di động.

Thậm chí nhiều ứng dụng thay thế cho phần mềm của Adobe với ưu điểm tốt hơn trong một số tác vụ nhất định, ví dụ như ứng dụng DaVinci Resolve cung cấp nhiều tính năng vượt trội hơn Premiere Pro của Adobe, đặc biệt là khả năng điều chỉnh màu sắc. DaVinci Resolve cũng có phiên bản phần mềm hoàn toàn miễn phí mặc dù các tính năng bị hạn chế, ngoài ra phiên bản cao cấp cũng cho phép dùng thử miễn phí trước khi đăng ký chính thức với giá 295 USD.

Ứng dụng DaVinci Resolve có thể thay thế cho Adobe (Ảnh: Internet)
Ứng dụng DaVinci Resolve có thể thay thế cho Adobe (Ảnh: Internet)

Tương tự, cũng có nhiều công cụ miễn phí hoạt động trên trình duyệt web có thể thay thế cho Adobe Illustrator, hay ứng dụng Affinity cung cấp nhiều tính năng giống như Adobe Photoshop, Lightroom và InDesign với cách sử dụng đơn giản và chỉ cần trả tiền mua một lần thay vì thanh toán hàng tháng với giá quá cao.

Thậm chí ứng dụng Affinity – gần đây đã được Canva mua lại – còn cung cấp ưu đãi dùng thử miễn phí 6 tháng rất phù hợp cho những người muốn trải nghiệm phần mềm này trước khi quyết định trả tiền. Và kể từ khi các vấn đề trong điều khoản của Adobe được đưa ra tranh cãi như đã nêu ở trên thì Affinity đã giảm 50% mức giá đăng ký cơ bản áp dụng cho đến ngày 15/8/2024, chỉ cần trả tiền một lần để sử dụng mãi mãi.

Giấy phép sử dụng Affinity đang được giảm giá (Ảnh: Internet)
Giấy phép sử dụng Affinity đang được giảm giá (Ảnh: Internet)

Nếu bạn đang tìm các phần mềm để làm việc chỉnh sửa ảnh và đồ họa thì có thể mua Affinity với giá 82,99 USD (đang giảm giá) và DaVinci Resolve với giá 295 USD để thay thế cho các phần mềm của Adobe như Photoshop, Lightroom và Premiere Pro. Như vậy chỉ cần bỏ ra tổng cộng 377,99 USD để được sử dụng tất cả các tính năng cần thiết cho việc sáng tạo nội dung không giới hạn, trong khi một năm đăng ký gói Adobe Creative Cloud nếu không có giảm giá sẽ tốn 659,88 USD với tùy chọn rẻ nhất.

Đó là chưa kể có nhiều công cụ và phần mềm hoàn toàn miễn phí có thể thực hiện các chức năng tương tự phần mềm của Adobe.

Tóm lại

Vẫn có nhiều người sử dụng các phần mềm của Adobe trong nhiều năm, nhìn chung đây vẫn là lựa chọn tuyệt vời và trong nhiều trường hợp cũng là giải pháp tốt nhất cho các công việc sáng tạo. Tuy nhiên mức giá đăng ký cao ngất ngưởng cùng với các điều khoản không rõ ràng của Adobe cùng với sự xuất hiện các lựa chọn thay thế ngày càng đa dạng khiến cho nhiều người cân nhắc lại việc đăng ký gói Creative Cloud. Người dùng sẵn sàng hy sinh một số tính năng tiện ích của phần mềm để nhận được mức giá phù hợp hơn và đảm bảo quyền lợi chính đáng.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

6 ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên điện thoại cực chất trong năm 2019

Ứng dụng chỉnh sửa ảnh tốt và dễ sử dụng đối với người dùng smartphone là một công cụ không thể thiếu ngày nay. BlogAnChoi trong bài viết chuyên mục công nghệ hôm nay sẽ liệt kê giúp bạn những ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên điện thoại được cho là rất chất trong năm 2019, với những tiêu ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận