Có lẽ bạn đã từng nghe qua lời khuyên này rồi: “Cứ giả vờ cho đến khi bạn thực sự làm được” (“Fake it till you make it”). Điều này thường được áp dụng trong kinh doanh hoặc khi nói về sự tự tin. Lời khuyên văn vẻ nổi tiếng này cũng được áp dụng cho các hoạt động tạo niềm vui, xả stress như cố gắng mỉm cười, ép bản thân ra ngoài hoặc lặp lại những lời khẳng định tích cực. Nhưng liệu giả vờ tích cực có thực sự hiệu quả không hay nó sẽ gây phản tác dụng? Sau đây là một vài tình huống cho thấy việc giả vờ có hiệu quả và cả những trường hợp nó gây hại nhiều hơn lợi.

1. Giả vờ mỉm cười?

Hẳn là bạn đã từng nghe qua những lời khuyên theo cả hai chiều hướng thế này: Cố gắng cười khi mà bạn đang không vui chỉ khiến bạn cảm thấy tệ hơn thôi, hoặc biết đâu vờ vịt cười lại có thể biến giả thành thật thì sao. Và có lẽ bạn cũng đã từng nghe về những nghiên cứu ủng hộ cho cả hai. Vậy thì cái nào mới là đúng?

Theo một cách nào đó thì thực sự cả hai chiều hướng này đều đúng cả, và có hơi chút phức tạp thế này. Khi bạn mỉm cười để kìm nén những cảm xúc thất vọng của mình, bạn sẽ cảm thấy khó chịu hơn. Tất cả chúng ta đôi lần đều làm như thế khi cần sự chấp nhận của xã hội. Và một vài nghiên cứu chỉ ra rằng cố ép mình cười có thể giúp những người đang buồn bã suy sụp cảm thấy tốt hơn. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng đối diện với nỗi buồn bằng việc gượng cười và vờ như mình không hề thất vọng thì nó có thể sẽ gây ra những vấn đề khác. Điều này tạo cảm giác không thật và có thể dẫn đến một vấn đề khác lớn hơn – không chịu đối diện với cảm xúc của bản thân.

Nếu bạn cứ giả vờ cười thì những người gần gũi với bạn, những người có thể giúp đỡ bạn sẽ không thể biết liệu bạn có đang gặp vấn đề gì không, điều này sẽ ngăn trở bạn nhận được sự hỗ trợ của mọi người, những điều mà đáng ra có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn.

Hãy cười khi cần thiết, nhưng cũng hãy để bản thân chân thật khi có thể, và đối mặt với những cảm xúc của chính bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn đang trong trạng thái trung lập và cảm thấy có chút tụt cảm xúc, việc mỉm cười sẽ có ích. Một nghiên cứu đã yêu cầu các đối tượng tham gia giả vờ cười và kiểm tra họ cảm thấy thế nào vài phút sau đó. Kết quả cho thấy một cảm xúc tích cực tăng mạnh như là kết quả của việc mỉm cười; trong những trường hợp này, những nụ cười gượng có xu hướng sẽ trở thành những nụ cười thật lòng.

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng điều này xảy ra bởi lý trí và cơ thể con người có sự liên kết với nhau. Về mặt tâm lý, chúng ta tự suy diễn thái độ của bản thân bằng cách quan sát hành động của chính mình như một bên thứ ba. Do đó, bạn có thể làm tăng một cảm xúc bằng cách thể hiện nó về mặt vật lý. (Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện rằng việc đứng thẳng hơn sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin hơn.)

Giả vờ mỉm cười (Ảnh: Internet)
Giả vờ mỉm cười (Ảnh: Internet)

Một nghiên cứu khác yêu cầu những người tham gia cắn giữ bút chì để kích hoạt các cơ được dùng để mỉm cười, nhằm quan sát xem liệu hành động mỉm cười có thể tạo ra những cảm xúc tích cực không, hoặc khi con người ta cố gắng mỉm cười thì có nghĩ đến những điều khiến họ vui và liệu những suy nghĩ đó có khiến họ nở một nụ cười chân thật không. (Điều này cũng đồng nghĩa rằng lý do những cảm xúc tích cực tăng mạnh là bởi những suy nghĩ hạnh phúc chứ không phải do hành động mỉm cười.) Thật thú vị là, ngay cả những người mỉm cười vì đang ngậm bút chì trong miệng cũng nhận ra rằng họ đang cảm thấy tích cực hơn.

Phức tạp hơn nữa, một vài nghiên cứu đã phát hiện rằng niềm tin của chúng ta về những nụ cười cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Một nghiên cứu của Đại học Northwestern đã phát hiện những người nào nghĩ rằng nụ cười là một cách phản ánh tâm trạng của họ thường cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ mỉm cười thường xuyên hơn. Song, với những ai coi nụ cười như một nguyên nhân tạo nên sự hạnh phúc thay vì là kết quả của nó thì việc mỉm cười thường xuyên hơn lại đem đến kết quả trái ngược. Cái chính ở đây là nếu bạn cho rằng bạn cười khi bạn vui thì việc cười thường xuyên sẽ khiến tâm trạng bạn tốt hơn. Nếu bạn nghĩ rằng bạn cười để có thể vui hơn thì có lẽ sẽ không đem lại hiệu quả tích cực gì.

Nếu điều này đúng với bạn thì hãy dành một hai phút tập trung suy nghĩ về những điều tích cực trong đời bạn, nhớ lại khoảnh khắc thực sự thú vị mà bạn gặp gần đây, hoặc tập trung vào những điều có thể khiến bạn mỉm cười một cách tự nhiên.

Một điều quan trọng cần nhớ là những nụ cười chân thật cần được ưu ái hơn, dù cả hai kiểu cười đều có lợi cả. Tốt nhất là nghĩ về những điều có thể khiến bạn thực sự hạnh phúc như một phương thức để thay đổi quan điểm của bản thân và khiến mình cười. Nhưng nếu bạn không thể khiến mình vui vẻ theo cách đó ngay được thì giả vờ cười cũng là một con đường tắt đơn giản mà khá hiệu quả đấy.

Bên cạnh những ích lợi về mặt sức khỏe và cảm xúc của việc mỉm cười thì cũng có cả những lợi ích về mặt kiểm soát áp lực. Một trong những điều quan trọng ở đây là, khi bạn tỏ ra tích cực thì nó có thể dễ lan truyền đến xung quanh. Ai đó đã từng nói thế này, hãy cứ cười đi và thế giới cũng sẽ mỉm cười lại với bạn. Tiếp xúc với những người tích cực cũng có thể khiến bạn cười thật lòng nhiều hơn đấy.

Kết luận: Cứ giả vờ – nhưng cũng tùy vào từng trường hợp thôi! Nếu giả vờ cười để khiến bạn tích cực hơn, vậy thì nhìn chung là nó sẽ có hiệu quả nếu bạn xem nụ cười như một sự phản chiếu của tâm trạng vui vẻ. Nếu bạn giả vờ cười để không phải đối mặt với cảm xúc của mình hoặc những điều khiến bạn buồn, hoặc nếu bạn xem việc gượng cười như một thủ thuật để khiến mình vui thì về lâu về dài nó chỉ khiến bạn khó chịu hơn thôi. Nhưng tốt nhất vẫn là bạn có thể nở một nụ cười thật lòng đó!

2. Giả vờ khẳng định?

Những lời khẳng định tích cực thường được đề cập phổ biến trong những vấn đề liên quan đến sự tự lực. Theo một cách nào đó thì chúng là một phương pháp gây dựng niềm tin “giả tạo” về bản thân và cuộc sống để bạn có thể biến giả thành thật.

Một trong những cuốn sách bán chạy nhất những năm đầu 2000, Bí mật (The Secret), một phần dựa trên sự hiệu nghiệm của những khẳng định mang tính tích cực. Nhưng những khẳng định cũng được đề xuất bởi những cuốn sách self-help bán chạy khác và đã có một lượng lớn người theo dõi trong những năm gần đây.

Những khẳng định được ví như những câu thần chú cá nhân, và được đề xuất lặp đi lặp lại như một cách tái thiết lập tiềm thức của một người để thay thế những niềm tin tiêu cực bằng những thứ được chứng thực, đặc biệt khi chúng là những niềm tin về bản thân một người nào đó.

Nhưng liệu chúng có hiệu quả không? Vài người cho rằng những ai liên tục lặp đi lặp lại những khẳng định chỉ đơn giản là đang tự huyễn hoặc bản thân mình và về lâu dài thì chúng chẳng có hiệu quả gì, hoặc thậm chí có thể gây hại vì đó chỉ là những ảo tưởng của bản thân. Liệu họ có đúng không?

Thú vị là, khi có chuyện liên quan đến những khẳng định thì những người phản đối cũng có cái lý của họ. Thực tế một nghiên cứu đã cho thấy rằng những khẳng định tích cực có thể phản tác dụng trong vài trường hợp. Nói rõ ràng hơn thì, khi con người ta cứ lặp lại những lời khẳng định mà họ không thực sự tin tưởng hoặc thậm chí là trái ngược với điều họ thực sự tin, thì tiềm thức sẽ từ chối những khẳng định này và thực tế là sẽ trở nên miễn nhiễm luôn với những ý tưởng đó và cuối cùng là càng căng thẳng hơn! Vậy trong trường hợp này thì những khẳng định sai lầm thực sự hại nhiều hơn lợi.

Cái cốt lõi ở đây là những khẳng định sẽ gây hại nếu người ta cứ lặp lại những điều trái với suy nghĩ thực của họ – hoặc ít nhất thì khác xa với những niềm tin của bản thân họ. Điều này không áp dụng với những khẳng định nói về điều người ta đã sẵn tin, hoặc điều mà người ta tin rằng có thể đúng. Đây là điểm khác biệt quan trọng bởi những khẳng định khớp với niềm tin sẵn có của một người thì sẽ thực sự có hiệu quả giúp cho những niềm tin này của họ trở nên mạnh mẽ hơn và vượt xa hơn nữa. Những khẳng định tích cực mà khớp với suy nghĩ thực của bạn có thể sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực mạnh mẽ đấy.

Giả vờ khẳng định (Ảnh: Internet)
Giả vờ khẳng định (Ảnh: Internet)

Ví dụ về một khẳng định gây phản tác dụng đối với ai đó đang ghét bỏ ngoại hình của mình: “Tôi là người phụ nữ xinh đẹp nhất thế giới”. Bởi vì nó quá xa vời so với cảm nhận thực tế của người phụ nữ đó về bản thân mình, tiềm thức của cô sẽ dậy lên một trận chiến, và điều khẳng định kia sẽ chỉ đem đến căng thẳng chứ không phải những thay đổi tích cực.

Một giải pháp hay hơn là thế này: “Mình đẹp thế này là vừa đủ rồi”, hoặc “Mình đẹp cả về thể xác lẫn tâm hồn”. Nếu một người phụ nữ đang cố gắng ăn uống lành mạnh hơn và tập thể dục điều độ, cô ấy có thể tạo vài khẳng định như này để hỗ trợ, chẳng hạn như “Mình đang làm thế này để có sức khỏe tốt hơn và đẹp hơn mỗi ngày”, hoặc “Mình đang dần khỏe khoắn hơn”, “Mình đang trở nên khỏe mạnh hơn”, “Mình khỏe khoắn”, “Mình khỏe mạnh”, “Mình xinh đẹp”.

Đây là vài ví dụ nữa:

Không thực tế: “Mình hoàn toàn cảm thấy sự yên bình từ bên trong.”

Thực tế hơn: “Mình đang cố gắng để cảm thấy yên bình”, hoặc “Mình đang dần bình tâm hơn”.

Không thực tế: “Mình khỏe khoắn và không gì có thể làm hại mình được.”

Thực tế hơn: “Mình đang dần khỏe khoắn hơn và có thể vượt qua thử thách này”, hoặc “Mình sẽ vượt qua những thử thách này.”

Không thực tế: “Đời mình vẫn luôn hoàn hảo về mọi mặt.”

Thực tế hơn: “Cuộc sống của mình đang dần trở nên tốt đẹp hơn”, hoặc “Mình đang cố gắng để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”. (Thậm chí tốt hơn nữa thì sẽ liệt kê ra những cách cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, như những lời khẳng định riêng cho bản thân.)

Những điều này trông thì có vẻ chẳng khác nhau là bao, nhưng nó thực sự quan trọng đối với tiềm thức của bạn đấy. Và quan trọng là đây chỉ là những ví dụ thôi nhé. Nếu những ví dụ được cho là “thiếu thực tế” nhưng thực sự giống với những điều bạn nghĩ thì hãy cứ dùng nó thôi. Tuy nhiên, nếu chúng quá xa vời hoặc trái ngược với niềm tin thực sự của bạn thì tốt nhất là hãy giảm nhẹ một chút để phù hợp với niềm tin của bạn về bản thân và tình huống của bạn.

Kết luận: Hãy sử dụng chúng một cách cẩn thận! Những khẳng định khác xa với niềm tin của bạn có thể sẽ gây phản tác dụng. Quan trọng vẫn là những khẳng định giống với điều bạn đã sẵn tin hoặc điều mà bạn đã xây dựng dựa trên nó, hoặc điều dẫn bạn vào đúng lối.

3. Giả vờ mình là người hướng ngoại?

Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên thực tế những người hướng ngoại vui vẻ hơn những người hướng nội. Họ cũng thành công trong cuộc sống hơn. Đây có vẻ là một tin xấu với những người hướng nội, bởi lẽ hướng nội hay hướng ngoại là thứ đã được định sẵn từ khi sinh ra. Tuy nhiên, tin tốt là chúng ta có thể thay đổi những xu hướng này một cách có chủ đích bằng cách cố ý giả vờ hướng ngoại trong một số tình huống nhất định, và nghiên cứu cũng đưa ra những luận điểm ủng hộ.

Giả vờ hướng ngoại (Ảnh: Internet)
Giả vờ hướng ngoại (Ảnh: Internet)

Trong một nghiên cứu, những người hướng nội và hướng ngoại đều được yêu cầu giả vờ hướng ngoại và kết quả là cả hai nhóm đều có sự gia tăng về cảm giác hạnh phúc. Trong bối cảnh của nghiên cứu này, “giả vờ hướng ngoại” có nghĩa là giả vờ tự tin và hướng ngoại trong một tình huống xã hội trong vòng một giờ đồng hồ. Đây là điểm khác biệt so với việc bắt ép bản thân thay đổi bản tính tự nhiên của mình, ví dụ như người hướng nội cần nhiều thời gian thư giãn hơn sau những giao tiếp xã hội, và nếu không được làm như thế thì họ sẽ cảm thấy rất kiệt quệ. Tuy nhiên, nếu bạn là người hướng nội thì sẽ có ích khi giả vờ tự tin và hướng ngoại trong một số tình huống xã giao nhất định, không chỉ vì bạn sẽ có khả năng kết nối với nhiều người hơn và mở rộng mạng lưới xã giao của mình, mà còn vì bạn sẽ có một khoảng thời gian vui vẻ, gia tăng cảm giác hạnh phúc và đồng thời giảm thiểu mức độ căng thẳng.

Nếu bạn cảm thấy điều này không thực tế thì có một nghiên cứu thú vị khác, cho thấy bạn không hề cô độc. Nghiên cứu này đã yêu cầu những người hướng nội dự đoán mức độ vui vẻ của bản thân khi giả vờ hướng ngoại, và kết quả là họ liên tục đánh giá thấp mức độ vui vẻ khi vờ hướng ngoại của mình hơn so với cảm nhận thực tế. Điều này có thể phần nào lý giải tại sao phần lớn những người hướng nội quanh chúng ta cảm thấy khó khăn để tự tin thể hiện mình – bởi không chỉ cần sự nỗ lực mà còn vì họ không chắc rằng liệu kết quả đạt được có xứng với nỗ lực họ bỏ ra không. Cứ yên tâm là nếu bạn cố gắng thì nhất định bạn sẽ cảm thấy hài lòng. Đây chỉ là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng nếu bạn là người hướng nội thôi.

Kết luận: Cứ giả vờ đi! Cư xử như thể bạn là một người hướng ngoại trong các tình huống xã giao nhất định có thể giúp cả người hướng nội và hướng ngoại vui vẻ hơn đấy.

4. Lời kết

Thường thì câu nói “Cứ giả vờ cho đến khi bạn làm được” có thể áp dụng vào việc làm cho tâm trạng tốt lên. Có một số trường hợp nhất định mà tiềm thức bạn sẽ nhận ra bạn đang vờ vịt và nó sẽ không bị lừa. Song, nếu một nụ cười có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn và bớt căng thẳng, một sự lặp lại về suy nghĩ tích cực mà bạn thực sự tin tưởng, hoặc một sự thúc đẩy từ bên trong có thể giúp bạn cư xử thân thiện hơn thì hãy cứ làm đi! Nếu bạn thấy điều này quá giả tạo và thấy khó chịu thì hãy thử một hoạt động tăng cường tích cực khác nhé.

Có thể bạn quan tâm:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

300+ câu châm ngôn cuộc sống hay nhất sẽ khiến bạn "sáng mắt ra"!

Những câu châm ngôn cuộc sống, câu nói về cuộc sống hay, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn hiểu ra nhiều sự thật và chân lý, có thêm động lực để cố gắng phát triển bản thân hoặc đơn giản là bạn sẽ "sáng mắt ra" vì cuộc đời vốn không phải ngôn tình.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận