Bạn có biết rằng phần mềm chống virus (antivirus) khác với tường lửa (firewall)? Vậy chính xác thì chúng có chức năng và cách hoạt động như thế nào? Có thể giữ an toàn cho máy tính của mình mà thiếu đi một hoặc cả hai “vệ sĩ” này hay không? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!
An ninh trên không gian mạng là thách thức ngày càng lớn, không chỉ do các mối đe dọa ngày càng tăng lên về mức độ phức tạp và tần suất xảy ra, mà các phương pháp bảo vệ cũng ngày càng được chuyên biệt hóa tập trung vào các đối tượng cụ thể.
Đối với người dùng Internet, việc hiểu rõ các biện pháp bảo mật khác nhau mà mỗi công cụ cung cấp là rất quan trọng nhưng cũng không dễ dàng. Và một câu hỏi khác cũng khiến nhiều người băn khoăn: liệu có cần phải sử dụng tất cả chúng hay không?
Hai trong số các công cụ bảo mật phổ biến nhất và cũng dễ bị nhầm lẫn nhiều nhất hiện nay là tường lửa (firewall) và phần mềm chống virus (antivirus). Chúng thường được nhắc đến cùng nhau, nhưng không có nghĩa là chúng giống nhau. Vậy sự khác biệt giữa tường lửa và antivirus là gì?
Phần mềm antivirus là gì?
Đây là các phần mềm có nhiệm vụ quét các file của máy tính để tìm virus. Mặc dù thường được gọi là “antivirus” nhưng thực ra hầu hết trong số chúng là “antimalware”, tức phần mềm chống phần mềm độc hại, vì bản thân virus cũng là một loại phần mềm độc hại.
Dù hoạt động online hay offline thì antivirus cũng có nhiệm vụ phát hiện và “bắt giữ” tất cả các loại phần mềm độc hại như virus, Trojan, worm, adware (phần mềm quảng cáo) và spyware (phần mềm gián điệp) trước khi chúng tấn công thiết bị của bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại phần mềm độc hại khác nhau trong bài viết: Malware, Trojan, virus và worm là gì? Những khái niệm thường gặp mà không phải ai cũng hiểu rõ!
Mỗi khi tin tặc trên không gian mạng tìm cách lẻn vào thiết bị và lấy cắp thông tin của người dùng, phần mềm chống virus sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng chủ yếu hoạt động ở chế độ chạy nền, giúp bạn được an toàn khi duyệt web và tải xuống các file từ bên ngoài.
Nhưng làm thế nào antivirus nhận biết được những file chứa phần mềm độc hại?
Antivirus hoạt động như thế nào?
Hầu hết các phần mềm diệt virus thương mại hiện nay không được hỗ trợ trí tuệ nhân tạo, do đó chúng không thể tự “bắt” các phần mềm độc hại mà cần phải được hướng dẫn từ trước – trong hầu hết các trường hợp là nhờ nhà sản xuất.
Phần mềm antivirus hoạt động bằng cách quét các file, đoạn mã và tập lệnh xâm nhập vào thiết bị của bạn. Quy trình này diễn ra giống nhau cho dù dữ liệu được tải xuống từ web hay thông qua một bộ lưu trữ bên ngoài như USB hay CD.
Trong quá trình quét, antivirus sẽ so sánh nội dung của từng file với cơ sở dữ liệu phong phú về các loại phần mềm độc hại mà nó đã “học” trước đó. Đây là lý do tại sao phần mềm antivirus của bạn luôn phải chạy nền, liên tục quét thiết bị để tìm ra phần mềm độc hại ẩn ở dạng không hoạt động.
Thoạt nhìn thì có vẻ công việc này chỉ cần làm một lần và antivirus chỉ cần quét các file mới đến thay vì toàn bộ ổ cứng, nhưng trên thực tế không có “vệ sĩ” nào hiệu quả 100% cả. Nhà cung cấp phần mềm antivirus phải liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu của mình, bổ sung các loại virus và mã độc mới nhất để bắt kịp xu hướng.
Khi phần mềm antivirus liên tục quét các file của bạn, nó không chỉ gây tiêu hao tài nguyên phần cứng mà còn phải kiểm tra kỹ hoạt động của mình và đảm bảo không bỏ sót bất kỳ loại virus ẩn nào chưa được phát hiện trước đó.
Máy tính của bạn có thể an toàn mà không cần antivirus không?
Mặc dù phần mềm antivirus có mức độ bảo mật cao, nhưng chúng cũng có những nhược điểm như ảnh hưởng đến quyền riêng tư và hầu hết trong số chúng được cho là làm tiêu hao năng lượng của CPU.
Cách duy nhất để giữ an toàn cho máy tính mà không dùng antivirus là tập thói quen dùng Internet lành mạnh: chỉ truy cập các trang web an toàn và chỉ download các file từ những nguồn đáng tin cậy. Bạn cũng nên tránh sử dụng các mạng mở, đặc biệt là khi không có phần mềm VPN đảm bảo an toàn.
Tường lửa là gì?
Đúng như tên gọi của nó, tường lửa là hàng rào bảo vệ ngăn cách giữa thiết bị của bạn và thế giới bên ngoài, bao gồm cả mạng Internet.
Không giống như phần mềm antivirus, tường lửa không vô hiệu hóa các phần mềm độc hại đã lẻn vào được thiết bị, và cũng không quét các file của bạn. Nó chỉ là người bảo vệ giám sát luồng dữ liệu mạng và kiểm tra độ an toàn trước khi dữ liệu tiếp cận với thiết bị của bạn mà thôi.
Có hai loại tường lửa: phần mềm và phần cứng. Tường lửa phần mềm có chức năng bảo vệ bạn khỏi các cuộc tấn công dạng kỹ thuật số, còn phiên bản phần cứng ngăn người khác truy cập vào thiết bị của bạn theo cách vật lý – ví dụ như cắm USB trong khi thiết bị của bạn không hoạt động.
Tương tự như phần mềm antivirus, tường lửa cũng hoạt động ở chế độ chạy nền. Tuy nhiên chúng cũng cho phép bạn thay đổi một số quy tắc để “mở cửa” cho nguồn dữ liệu nào được vào và ra thông qua mạng Internet.
Tường lửa hoạt động như thế nào?
Hiểu đơn giản thì tường lửa là một hệ thống “lọc”, giống như máy dò kim loại mà bạn phải đi qua ở sân bay, nhưng đối tượng cần quét thì khác. Khi nói đến cách thức hoạt động thì tường lửa ít nhiều cũng tương tự như phần mềm chống virus.
Trong lúc dữ liệu mạng được truyền vào thiết bị của bạn, tường lửa sẽ quét nó theo từng phần nhỏ và so sánh với cơ sở dữ liệu về các mối đe dọa đã được xác nhận. Đoạn dữ liệu chỉ được phép vào máy tính nếu vượt qua được tất cả các lần kiểm tra.
Tường lửa cũng cần cập nhật thường xuyên. Nếu cơ sở dữ liệu của chúng không được bổ sung các mối đe dọa mới nhất thì phần mềm độc hại có thể xâm nhập vào thiết bị của bạn. Đến lúc đó, hy vọng duy nhất của bạn là phần mềm antivirus có thể phát hiện ra nó trước khi quá muộn.
Có nhiều cách để firewall có thể quét và kiểm tra luồng dữ liệu mạng khi người dùng duyệt web. Các phương thức này có độ bảo mật và hiệu quả khác nhau, nhưng đều có ưu điểm riêng:
- Dịch vụ proxy: Loại tường lửa này bảo vệ thiết bị của bạn bằng cách thiết lập một phiên bản “sinh đôi” của thiết bị và kết nối nó với web. Dữ liệu mới đến sẽ không tiếp xúc trực tiếp với thiết bị của bạn mà sẽ bị cô lập. Đây là một trong những loại tường lửa an toàn nhất, nhưng nó chạy rất chậm và ngốn nhiều tài nguyên.
- Lọc theo gói: Các tường lửa sử dụng phương pháp này sẽ quét dữ liệu theo từng gói nhỏ. Mỗi gói dữ liệu được đưa qua một loạt các bộ lọc. Các gói dữ liệu được xác định là mối đe dọa sẽ bị đánh dấu và chặn lại, ngăn chúng truy cập vào thiết bị của bạn.
- Cổng cấp độ mạch: Thay vì tự quét dữ liệu, tường lửa cổng cấp độ mạch sẽ giám sát bộ giao thức điều khiển truyền dẫn (Transmission Control Protocol – TCP). Thay vì quét nội dung của các gói dữ liệu đến, tường lửa loại này đảm bảo quá trình giao tiếp diễn ra an toàn và hợp lệ bằng cách xác minh nguồn gốc chứ không phải bản thân dữ liệu. Mặc dù có ưu điểm là nhanh chóng và hiệu quả nhưng loại tường lửa này cần có thêm một công cụ bảo mật khác để ngăn bỏ sót.
Máy tính có thể an toàn khi không dùng tường lửa không?
Tường lửa là một biện pháp bảo vệ hữu hiệu, nếu không dùng chúng thì bạn cần một biện pháp thay thế khác, có thể là cẩn thận hơn khi lướt web. Nếu không có tường lửa, các gói dữ liệu độc hại có thể xâm nhập được vào thiết bị nếu bạn sơ suất bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên đối với tường lửa dạng phần mềm, nếu thiết bị của bạn không kết nối với Internet thì có thể không cần dùng chúng cũng được.
Có cần phải dùng cả phần mềm antivirus và tường lửa không?
Antivirus và tường lửa không thể hoán đổi cho nhau được. Mỗi “vệ sĩ” hoạt động độc lập trong việc bảo mật thiết bị của bạn theo những cách khác nhau, và trong một số trường hợp là hỗ trợ lẫn nhau. Nếu bạn muốn có sự bảo mật ở mức tối đa thì nên sử dụng cả hai và thường xuyên cập nhật để chúng luôn ở trạng thái tốt nhất nhé.
Trên đây là những điều cơ bản mà bất kỳ người dùng máy tính nào cũng cần biết về tường lửa và antivirus – những công cụ bảo vệ cực kỳ hữu ích giúp bạn tránh xa các phần mềm độc hại và hacker nguy hiểm. Bạn có đang sử dụng cả hai “vệ sĩ” này cho máy tính của mình không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Malware, Trojan, virus và worm là gì? Những khái niệm thường gặp mà không phải ai cũng hiểu rõ!
- Ransomware là gì? Đối phó với ransomware ra sao để giảm thiểu thiệt hại?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!