Hoạt động hằng ngày của chúng ta gắn liền với chiếc điện thoại, vì vậy giữ an toàn bảo mật cho nó là vô cùng quan trọng. Làm thế nào để biết điện thoại của bạn đã bị hack? Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo điện thoại có thể đã bị hacker tấn công và những việc bạn cần làm để bảo vệ dữ liệu của mình. Hãy cùng khám phá nhé.

Điện thoại nào có thể bị hack?

Trên thực tế, bất kỳ chiếc điện thoại nào cũng có thể bị hack dù là Android hay iPhone. Tuy nhiên điện thoại Android có nguy cơ bị tấn công nhiều hơn vì Apple có các tính năng bảo mật hiệu quả giúp iPhone khó bị hack hơn.

Bất kỳ điện thoại nào cũng có thể bị hack (Ảnh: Internet)
Bất kỳ điện thoại nào cũng có thể bị hack (Ảnh: Internet)

Thông tin và dữ liệu trong điện thoại là miếng mồi rất hấp dẫn đối với tội phạm mạng và thậm chí cả những người bình thường. Có rất nhiều lý do khiến người khác muốn hack điện thoại của bạn, ví dụ như xem trộm hình ảnh và dữ liệu riêng tư, đọc trộm tin nhắn, lấy cắp tiền, v.v.

Dấu hiệu nghi ngờ điện thoại đã bị hack

Bạn nghi rằng điện thoại của mình đã bị hack? Điều này có thể xảy ra bằng nhiều cách khác nhau mà bạn không hề ngờ tới, ví dụ như khi tải và cài đặt ứng dụng có chứa phần mềm độc hại, nhấp vào link lạ hoặc sử dụng Wi-Fi công cộng không được bảo mật. Dưới đây là 5 dấu hiệu quan trọng cần chú ý để phát hiện điện thoại bị hack.

1. Tăng sử dụng dữ liệu mạng

Có nhiều lý do khiến điện thoại tăng mức sử dụng dữ liệu mạng, ví dụ như xem video chất lượng cao trên Netflix, upload ảnh có độ phân giải cao, tự động cập nhật ứng dụng, hoặc tốc độ mạng nhanh. Nhưng nếu mức sử dụng dữ liệu mạng tăng bất thường mà không có nguyên nhân rõ ràng thì có khả năng điện thoại của bạn đã bị hack.

Để kiểm tra xem iPhone đã sử dụng bao nhiêu dữ liệu mạng, hãy vào Cài đặt > Dữ liệu di động. Đối với điện thoại Android, hãy vào Cài đặt > Kết nối > Sử dụng dữ liệu > Sử dụng dữ liệu di động. Hãy kiểm tra xem có sự tăng đột biến mức sử dụng dữ liệu một cách bất thường hay không. Nếu bạn phát hiện một số ứng dụng lạ tiêu tốn nhiều dữ liệu thì có thể đó chính là thủ phạm, khi đó nên gỡ cài đặt ứng dụng.

Kiểm tra mức sử dụng dữ liệu mạng của điện thoại (Ảnh: Internet)
Kiểm tra mức sử dụng dữ liệu mạng của điện thoại (Ảnh: Internet)

2. Điện thoại có biểu hiện kỳ lạ

Điện thoại thông minh thường có biểu hiện bất thường khi bị nhiễm virus nhưng nhiều người lại bỏ qua những dấu hiệu đó. Nếu bạn đã dùng một chiếc điện thoại trong thời gian lâu thì hãy chú ý phát hiện những điều bất thường như ứng dụng tự mở mà bạn không làm gì cả, điện thoại chạy cực kỳ chậm hoặc tự khởi động lại không rõ lý do. Những dấu hiệu này gợi ý có khả năng phần mềm độc hại đang chạy trong nền.

3. Giảm hiệu suất

Hiệu suất điện thoại không tốt có thể là do phiên bản hệ điều hành không được cập nhật, điện thoại đời cũ hoặc có quá nhiều ứng dụng và file đang chạy cùng lúc. Nhưng nếu không phải do các nguyên nhân này mà điện thoại vẫn hoạt động không tốt như tải ứng dụng quá lâu, nhiệt độ quá nóng hoặc pin nhanh hết thì đó có thể là dấu hiệu đã bị hack.

Trong trường hợp này, bạn hãy kiểm tra mức sử dụng pin của các ứng dụng để xem có ứng dụng nào làm hao pin quá nhiều hay không. Cách làm với điện thoại Android là vào Cài đặt > Chăm sóc pin và thiết bị > Pin > Xem chi tiết. Đối với iPhone, kiểm tra bằng cách vào Cài đặt > Pin.

Kiểm tra mức sử dụng pin của các ứng dụng (Ảnh: Internet)
Kiểm tra mức sử dụng pin của các ứng dụng (Ảnh: Internet)

4. Chi tiêu thẻ tín dụng ngoài ý muốn

Hãy theo dõi chặt chẽ bảng sao kê thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của bạn, nếu phát hiện có giao dịch mua bất thường mà bạn không thực hiện thì chắc chắn đã có vấn đề. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng là do điện thoại bị hack mà có thể đó là một hình thức tấn công thẻ tín dụng khác.

Trước tiên hãy kiểm tra xem có người thân nào có quyền truy cập vào thẻ của bạn đã thực hiện giao dịch hay không. Đó có thể là giao dịch đang chờ xử lý mà số tiền thanh toán được tự động trừ vào thẻ của bạn. Nếu nguyên nhân không phải như vậy thì có thể điện thoại của bạn đã bị hack.

Để tránh điều này xảy ra, hãy luôn xem xét kỹ trang web khi bạn muốn mua hàng bằng thẻ tín dụng, bao gồm kiểm tra chứng nhận SSL của trang đó bằng cách xem URL của trang có bắt đầu bằng “HTTPS” hay không, nếu có HTTPS thì đó là trang web an toàn.

Nếu trang web có vẻ đáng ngờ với nhiều cửa sổ bật lên và quảng cáo kỳ lạ thì hãy tránh tiết lộ thông tin cá nhân cũng như thực hiện thanh toán bằng thẻ trên trang đó.

5. Có tin nhắn đáng ngờ

Điện thoại của bạn tự động gửi tin nhắn lạ đến các số ngẫu nhiên? Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy điện thoại đã bị hack. Những hoạt động ngoài ý muốn của người dùng dưới bất kỳ hình thức nào cũng là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng.

Hãy kiểm tra xem có ứng dụng đáng ngờ nào có quyền truy cập vào tin nhắn của bạn, nếu có thì hãy tắt quyền truy cập ngay lập tức và xóa ứng dụng đó. Cách kiểm tra trên iPhone là vào Cài đặt > Quyền riêng tư. Đối với Android, hãy vào Cài đặt > Quyền riêng tư > Quản lý quyền.

Kiểm tra quyền truy cập của các ứng dụng (Ảnh: Internet)
Kiểm tra quyền truy cập của các ứng dụng (Ảnh: Internet)

Phải làm gì khi điện thoại đã bị hack?

Sau khi bạn đã xác định có phần mềm độc hại trong điện thoại của mình thì việc tiếp theo là tiêu diệt thủ phạm. Sau đây là những việc cần làm nếu bạn cho rằng điện thoại đã bị tấn công.

Tìm ứng dụng lạ trong điện thoại

Việc đầu tiên cần làm là tìm những ứng dụng lạ được tải và cài đặt trong điện thoại. Nếu bạn đang dùng iPhone, hãy vào Cài đặt và cuộn xuống để xem tất cả ứng dụng hiện có trong điện thoại. Phải tìm đến cuối cùng để phòng trường hợp ứng dụng ẩn trong một thư mục khác.

Nếu điện thoại của bạn là Android, hãy vào Cài đặt > Ứng dụng > Quản lý ứng dụng, sau đó xem kỹ danh sách ứng dụng đang có trong điện thoại. Nếu bạn tìm thấy ứng dụng đáng ngờ, hãy nhấn vào nó và chọn Gỡ cài đặt.

Tìm các ứng dụng đáng ngờ (Ảnh: Internet)
Tìm các ứng dụng đáng ngờ (Ảnh: Internet)

Quét mã độc

Bạn có thể cài phần mềm chống virus trên điện thoại, có rất nhiều công cụ hiệu quả trên Google Play dành cho người dùng Android, ví dụ như Sophos Intercept X. Ứng dụng này hoàn toàn miễn phí và có nhiều tính năng hữu ích như quét ứng dụng để tìm mã độc, lọc trang web, kiểm tra link, bảo mật Wi-Fi , v.v.

Đối với iPhone, mặc dù Apple đã trang bị khả năng bảo mật mạnh mẽ nhưng nguy cơ bị hack sẽ cao hơn nếu iPhone của bạn đã bị bẻ khóa.

Sau khi xóa các ứng dụng đáng ngờ, hãy dùng các công cụ bảo mật nêu trên để quét toàn bộ điện thoại và tìm xem có phần mềm độc hại còn sót lại hay không.

Khôi phục cài đặt gốc

Một phương pháp mạnh tay để khắc phục khi điện thoại bị hack là khôi phục cài đặt gốc hoàn toàn. Trước khi quyết định dùng cách này phải lưu ý rằng nó sẽ xóa sạch mọi thứ khỏi điện thoại của bạn bao gồm danh bạ liên lạc, hình ảnh, ứng dụng và các file khác. Tuy nhiên khi sử dụng các gói sao lưu phù hợp, bạn có thể khôi phục một số dữ liệu sau khi reset điện thoại.

Nhưng vì điện thoại đã bị tấn công và mất quyền riêng tư nên tốt nhất là không nên làm cách này, vì bạn có thể vô tình sao lưu phần mềm độc hại cùng với các file bảo mật trong điện thoại. Nếu bạn muốn khôi phục cài đặt gốc, hãy thực hiện từ trước khi mã độc được cài vào máy để tránh vô tình tải xuống lại mã độc đó trong quá trình khôi phục dữ liệu của điện thoại sau khi reset.

Dù làm cách nào thì khôi phục cài đặt gốc vẫn có thể gây mất dữ liệu, tùy theo bản sao lưu của bạn có đầy đủ hay không. Vì lý do này, hãy nhớ sao lưu dữ liệu điện thoại thường xuyên nếu có thể.

Để khôi phục cài đặt gốc cho điện thoại Android, hãy làm như sau:

  • Cắm điện thoại với bộ sạc.
  • Vào Cài đặt > Quản lý chung > Đặt lại
  • Nhấn vào Đặt lại về dữ liệu ban đầu rồi nhấn Đặt lại một lần nữa.

Đối với iPhone, cách làm như sau:

  • Cắm điện thoại với bộ sạc.
  • Vào Cài đặt > Chung.
  • Cuộn xuống tới cuối menu và nhấn Chuyển hoặc Đặt lại iPhone.
  • Chọn Xóa tất cả nội dung và cài đặt.
  • Nếu bạn đã có Bản sao lưu iCloud, sẽ có lời nhắc hỏi bạn muốn cập nhật bản sao lưu hay xóa nó ngay lập tức, khi đó hãy cân nhắc có nên xóa các dữ liệu quan trọng của bạn như hình ảnh và tin nhắn hay không.

Tóm lại

Bất kể bạn đang dùng điện thoại Android hay iPhone thì hãy thận trọng và kiểm tra kỹ trước khi quyết định tải ứng dụng có nguồn gốc ngoài các cửa hàng ứng dụng chính thống, vì chúng có thể chứa mã độc nguy hiểm. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến điện thoại bị hack, mà có thể do vô tình tải phần mềm độc hại khi sử dụng Wi-Fi công cộng. Do đó hãy thường xuyên chú ý các dấu hiệu bất thường của điện thoại và xử lý đúng cách khi điện thoại đã bị tấn công.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Làm cách nào để bảo mật thông tin cá nhân trong thời đại AI bùng nổ?

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã thâm nhập vào hầu hết mọi hoạt động trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trên không gian mạng. Điều đó mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng kéo theo mối lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư cá nhân. Vậy làm cách nào bạn có thể bảo vệ ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận