Bạn đang tìm việc làm thêm nhưng lại lo lắng về những tin tuyển dụng lừa đảo? Hiện nay, hàng ngàn sinh viên đã bị dụ dỗ bởi những chiêu trò tinh vi dẫn đến lọt vào cái bẫy mất tiền oan hoặc lao động không công. Đừng để mình trở thành nạn nhân! Trong bài viết này, BlogAnChoi sẽ giúp bạn nhận diện 5 dấu hiệu lừa đảo việc làm thêm phổ biến nhất. Hãy đọc ngay để bảo vệ bản thân mình nhé!

1. Đóng phí trước khi làm việc

Đóng phí trước khi nhận việc (Ảnh: Internet)
Đóng phí trước khi nhận việc (Ảnh: Internet)

Đây là một chiêu trò lừa đảo phổ biến và là dấu hiệu “đỏ” dễ nhận biết số một khi đi xin việc. Dù được cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên trong nhiều trường hợp nó vẫn có tác dụng với sinh viên hoặc lao động phổ thông chưa có nhiều kinh nghiệm.

Các khoản phí này thường được ngụy trang dưới nhiều hình thức như phí làm hồ sơ, phí đào tạo, đặt cọc đồng phục hoặc thậm chí là bảo hiểm lao động. Những lời mời gọi hấp dẫn và nghe có vẻ chuyên nghiệp như “Nộp trước 600.000 đồng để nhận đồng phục, sau thời gian thử việc sẽ hoàn trả đúng số tiền đó” thực chất chỉ là cái bẫy để chiếm đoạt tiền của ứng viên. Công ty uy tín sẽ không bao giờ yêu cầu người lao động đóng tiền để được nhận việc.

Điều quan trọng mà mỗi sinh viên cần phải nhớ là các khoản như đồng phục hay thẻ đeo cho nhân viên đều sẽ được công ty tự động khấu trừ vào tiền lương những tháng làm việc đầu tiên. Tức là bạn vẫn sẽ nhận được lương và chỉ bị trừ đi một phần nhỏ, tùy công ty sẽ trừ theo từng phần qua các tháng hoặc trừ một lần trong tháng đầu tiên. Khi nhân viên hoàn thành nhiệm vụ trong khoảng thời gian được quy định trong hợp đồng, công ty sẽ tự hoàn trả số tiền đã trừ này. Tuyệt đối không hề có chuyện yêu cầu ứng viên nộp tiền trước khi nhận việc.

2. Mức lương ảo

Mức lương ảo, công việc không thật (Ảnh: Internet)
Mức lương ảo, công việc không thật (Ảnh: Internet)

Những công việc hứa hẹn mức lương cao nhưng không yêu cầu kinh nghiệm hoặc mô tả công việc nhẹ nhàng, thoải mái là một trong những chiêu trò lừa đảo tuyển dụng phổ biến hiện nay. Kẻ gian thường đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của sinh viên và lao động phổ thông, tung ra các lời mời hấp dẫn với các cụm phổ biến như “nhập dữ liệu tại nhà”, “rảnh làm bận nghỉ, lương xx triệu/tháng”, “đánh văn bản online”, “thu nhập khủng”,… Tuy nhiên, sự thật là không có công việc uy tín nào trả lương cao cho những dạng công việc này.

Những việc làm lừa đảo này thông thường gây ấn tượng cho ứng viên bởi mức lương cao bất thường nhưng thời gian làm việc lại ít. Bạn chắc chắn sẽ sai lầm khi tin chỉ cần vài giờ mỗi ngày đã kiếm được chục triệu mỗi tháng là đúng. Thực chất chỉ là mồi nhử, thường đi kèm yêu cầu đóng phí trước, tham gia làm nhiệm vụ ảo hoặc mô hình đa cấp trá hình. Những công việc hợp pháp luôn có mức lương tương xứng với công sức và chuyên môn bỏ ra, vì vậy hãy cẩn trọng với những lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”.

3. Nick tuyển dụng không rõ ràng

Nick tuyển dụng không rõ ràng (Ảnh: Internet)
Nick tuyển dụng không rõ ràng (Ảnh: Internet)

Trong thời đại công nghệ phát triển, việc tìm kiếm việc làm qua mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, trở nên phổ biến. Tuy nhiên, kẻ gian cũng lợi dụng điều này để thực hiện các chiêu trò lừa đảo. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là các tài khoản tuyển dụng giả mạo, thường spam tin tuyển dụng trên các hội nhóm, bình luận dạo và đặc biệt là tự nhắn tin cho bạn qua tin nhắn cá nhân. Với những bạn sinh viên năm nhất, năm hai chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc hay thông tin gì nổi trội sẽ không có lí do gì để một nhà tuyển dụng phải tự tìm đến bạn mặc dù trước đó bạn không hề đăng kí ứng tuyển.

Trước khi tin tưởng một tài khoản tuyển dụng trên mạng xã hội, hãy kiểm tra kỹ hồ sơ cá nhân của họ. Một số dấu hiệu nhận diện tài khoản giả mạo bao gồm hồ sơ mới lập gần đây, các bài viết, hình ảnh được đăng tải dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn, có rất ít hoặc không có tương tác, bài viết chỉ nhận được phản hồi từ những tài khoản ảo,…

Một dấu hiệu khác là hình ảnh và thông tin cá nhân không rõ ràng, nhiều tài khoản sử dụng ảnh đại diện là hình tải từ internet hoặc lấy ảnh người khác. Hơn nữa, tài khoản tuyển dụng đáng tin cậy thường có thông tin về công ty, địa chỉ và vị trí làm việc rõ ràng, trong khi tài khoản lừa đảo thường bỏ qua phần này. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào như trên, hãy nghi ngờ và kiểm tra thêm trước khi liên hệ. Bạn có thể thử tìm kiếm tên tài khoản hoặc số điện thoại trên Google để xem có ai từng phản ánh về việc lừa đảo hay không.

4. Chiêu trò điều hướng

Chiêu trò điều hướng (Ảnh: Internet)
Chiêu trò điều hướng (Ảnh: Internet)

Một trong những chiêu trò tinh vi của kẻ lừa đảo là điều hướng ứng viên sang các nền tảng nhắn tin riêng tư như Zalo hoặc Telegram để dễ dàng thao túng và tránh bị phát hiện. Ở đó, bạn sẽ được trao đổi với một người khác mang danh nghĩa là quản lí, trưởng phòng, giám đốc hay bất cứ vị trí nào trông có vẻ rất hào nhoáng. Đôi lúc, ứng viên sẽ bị dẫn dắt kết nối với 2-3 người khác nhau. Thực chất, chúng là một tổ tỏ vẻ chuyên nghiệp để thao túng tâm lí bạn.

Ngoài ra, một cách điều hướng khác cần chú ý chính là thông báo với ứng viên vị trí ứng tuyển đã hết và đề xuất một công việc khác với mức lương hấp dẫn hơn. Để tiếp tục quy trình, chúng yêu cầu bạn tải Telegram và tham gia nhóm để nhận hướng dẫn làm việc. Sau khi vào nhóm, bạn sẽ được giao những “nhiệm vụ đơn giản” như thả tim bài viết, tăng tương tác hoặc đặt đơn ảo trên các trang thương mại điện tử để nhận hoa hồng.

Ban đầu, số tiền kiếm được rất nhỏ nhưng dễ dàng nhận được nên tạo cảm giác uy tín. Khi bạn tin tưởng và muốn kiếm nhiều tiền hơn, chúng sẽ yêu cầu bạn nạp tiền trước để thực hiện các nhiệm vụ giá trị cao hơn. Đây chính là bẫy lừa đảo, vì ngay khi bạn chuyển tiền, chúng sẽ viện lý do lỗi hệ thống, tài khoản bị khoá hoặc yêu cầu bạn nạp thêm để rút được tiền. Đến khi bạn nhận ra, toàn bộ số tiền đã mất và kẻ lừa đảo cũng biến mất không dấu vết.

5. Địa chỉ ma

Địa chỉ ma (Ảnh: Internet)
Địa chỉ ma (Ảnh: Internet)

Địa chỉ nơi hẹn phỏng vấn cũng là một điều mà sinh viên hay người đi làm cần hết sức lưu ý. Các công ty lừa đảo tuyển dụng thường xuyên sử dụng “địa chỉ ma”. Khi tra cứu trên Google Maps hoặc các nền tảng khác như TikTok, Facebook, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều bất thường. Địa chỉ này có thể là một tòa nhà cho thuê, một chung cư hoặc thậm chí không tồn tại.

Tất cả các công ty uy tín nào khi hẹn ứng viên phỏng vấn đều sẽ hẹn trực tiếp tại văn phòng của công ty đó (địa chỉ có trên website, fanpage chính thức của họ) hoặc phỏng vấn ngay tại chi nhánh một cửa hàng nào đó của công ty. Nếu địa chỉ văn phòng mà người tuyển dụng cung cấp cho bạn không khớp với tên thương hiệu hoặc không có bất kỳ thông tin xác thực nào trên các nguồn chính thống, đây có thể là dấu hiệu của một đơn vị lừa đảo. Nếu nhận thấy không có bất kỳ thông tin nào chứng minh sự tồn tại của địa điểm làm việc, tốt nhất bạn nên hủy luôn buổi phỏng vấn để tránh sập bẫy.

Trên đây là 5 dấu hiệu nhận biết lừa đảo việc lầm thêm phổ biến nhất hiện nay. Bạn đã từng gặp trường hợp nào chưa? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình dưới phần bình luận để mọi người cùng tránh nhé!

Một số thông tin khác:

Xem thêm

100+ danh ngôn, câu nói hay áp dụng cho viết văn nghị luận xã hội 200 chữ mới nhất

Một đoạn/bài viết Nghị luận xã hội phải có tính mới mẻ, sáng tạo, độc đáo thì mới có thể trinh phục, chạm được đến trái tim được người nghe đọc, giáo viên chấm bài. Một bài viết/ đoạn văn chỉ nói xuông không thôi rất dễ gây nhàn chán. Vậy để làm được điều đó chúng ta phải ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận