Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng khá phổ biến nhưng nhiều người không hề biết mình đang mắc phải. Nếu bạn thường xuyên thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày mặc dù buổi tối đã đi ngủ sớm và ngủ đủ 7 tiếng đồng hồ đúng như khuyến cáo, thì đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo chứng ngưng thở khi ngủ. Hãy cùng tìm hiểu về các dấu hiệu và làm cách nào để khắc phục tình trạng này nhé.
- Ngưng thở khi ngủ là gì?
- Điểm chung của các loại ngưng thở khi ngủ
- Các loại ngưng thở khi ngủ khác nhau
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)
- Ngưng thở khi ngủ do trung ương (não)
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ hỗn hợp
- Các triệu chứng có thể gợi ý bạn đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ
- Ngưng thở khi ngủ gây hại gì cho sức khỏe nếu không được điều trị?
- Những ai nên chú ý nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ?
Ngưng thở khi ngủ là gì?
Đây là một chứng rối loạn giấc ngủ khá phổ biến. Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học Giấc ngủ Lâm sàng tháng 3/2016, gần 30 triệu người Mỹ hiện nay đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ, tương đương khoảng 12% dân số nước này.
Tuy nhiên tình trạng này thường không được chẩn đoán và bản thân mọi người cũng không biết mình mắc phải, vì hầu hết các triệu chứng quan trọng của nó như ngáy, ngừng thở và thở hổn hển đều xảy ra trong lúc ngủ. Nhiều người thậm chí không biết rằng mình đang có những triệu chứng như vậy nên cũng không đi khám và không được điều trị.
Trên thực tế có một số cơ chế và nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng ngưng thở khi ngủ, mỗi loại có triệu chứng và dấu hiệu khác nhau nhưng cũng có điểm tương đồng.
Điểm chung của các loại ngưng thở khi ngủ
Đúng như tên gọi, đặc điểm của chứng rối loạn này là các đợt ngưng thở ngắt quãng xảy ra trong khi ngủ. Theo Sleep Foundation, “ngưng thở” có nghĩa là không thở kéo dài từ 10 giây trở lên. Các đợt như vậy xảy ra lặp đi lặp lại khiến giấc ngủ bị gián đoạn và người đó phải tỉnh giấc (nhưng không hoàn toàn) để cố gắng thở. Những trường hợp nặng có thể gây thức giấc tới hàng trăm lần mỗi đêm.
Các đợt thức giấc phá vỡ chu kỳ giấc ngủ và khiến cho người đó không thể đạt đến giai đoạn ngủ sâu có tác dụng phục hồi cơ thể tốt nhất. Tuy nhiên những lần thức giấc thường diễn ra rất ngắn và không tỉnh hoàn toàn nên nhiều người không hề biết rằng đang có vấn đề xảy ra. Đó là lý do những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể cảm thấy rất mệt mỏi và buồn ngủ vào ngày hôm sau, mặc dù họ vẫn nghĩ là mình đã ngủ một đêm tròn giấc.
Các loại ngưng thở khi ngủ khác nhau
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)
Đây là dạng phổ biến nhất, nguyên nhân là do các cơ vùng cổ họng như vòm miệng mềm, lưỡi gà, amidan và lưỡi trở nên thư giãn trong khi ngủ và xẹp xuống quá mức làm cản trở đường lưu thông của không khí qua họng.
Khi đường thở bị tắc nghẽn một phần có thể gây ra tiếng ngáy, đó là triệu chứng thường gặp của OSA. Nhưng lưu ý rằng không phải tất cả những người ngủ ngáy đều bị ngưng thở khi ngủ. Khi cơ thể bị thiếu oxy do ngưng thở, não phát tín hiệu kích thích tỉnh dậy để cố gắng thở và gây nên hiện tượng thở hổn hển vào ban đêm.
Nghiên cứu cho thấy ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ngày càng phổ biến trong khoảng 20 năm gần đây, có thể do 2 nguyên nhân chính là tỷ lệ béo phì tăng (một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của OSA) và nhiều người có ý thức đi khám để phát hiện tình trạng này hơn.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể được điều trị bằng cách dùng một thiết bị để giữ cho đường thở không bị tắc, thường là máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Ngoài ra những trường hợp nặng có thể được phẫu thuật để loại bỏ các mô vùng họng gây tắc nghẽn, hoặc di chuyển hàm để mở rộng đường thở.
Người mắc chứng này nên giảm cân để tránh các mô vùng họng phát triển quá to, đồng thời hạn chế nằm ngửa khi ngủ để các mô không đè xuống làm tắc nghẽn đường thở.
Ngưng thở khi ngủ do trung ương (não)
Dạng này ít gặp hơn OSA và cũng khó chẩn đoán và điều trị hơn. Nguyên nhân là do chức năng kiểm soát hơi thở của não bị rối loạn, các cơ hô hấp hoạt động không bình thường. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc các bệnh khác như nhiễm trùng não hoặc tổn thương vùng thân não. Một số loại thuốc như opioid và benzodiazepine cũng có thể là nguyên nhân gây ức chế hệ thần kinh và làm ngưng thở khi ngủ.
Để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương thường phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ như các bệnh nền hoặc giảm liều lượng thuốc gây ngưng thở. Đôi khi có thể dùng máy thở áp lực dương như CPAP hoặc BiPAP.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ hỗn hợp
Đây là loại thứ 3 và mới được phát hiện gần đây, là sự kết hợp của nguyên nhân do tắc nghẽn và do trung ương. Không giống như OSA, các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ hỗn hợp không thể hết hẳn khi sử dụng máy thở CPAP.
Ở những người mắc chứng này, các vấn đề hô hấp vẫn tồn tại kể cả khi đã điều trị hết tắc nghẽn đường thở, chứng tỏ còn nguyên nhân khác ngoài tắc nghẽn gây ngưng thở. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn chưa thống nhất về cơ chế cũng như các đặc điểm chính của nó, do vậy cũng chưa có phương pháp điều trị phù hợp nhất cho những trường hợp này.
Các triệu chứng có thể gợi ý bạn đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ
Đối với các triệu chứng xảy ra trong lúc ngủ, nếu vợ/chồng hoặc bạn cùng phòng nói rằng bạn có những biểu hiện sau đây thì hãy đi khám để được đánh giá chính xác:
- Thường xuyên ngáy to tới mức có thể nghe được từ bên ngoài phòng. Nhưng lưu ý rằng không phải ai ngủ ngáy cũng bị ngưng thở khi ngủ và không phải ai bị ngưng thở khi ngủ cũng ngáy to.
- Ngừng thở trong 10 giây hoặc hơn, sau đó khịt mũi và thở hổn hển. Trong một số trường hợp, những đợt như vậy có thể tái diễn nhiều lần trong 1 giờ.
Theo Mayo Clinic, các dấu hiệu khác có thể cảnh báo tình trạng ngưng thở khi ngủ là:
- Bị khô miệng vào buổi sáng khi thức dậy
- Nhức đầu buổi sáng
- Buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày
- Tâm trạng dễ cáu gắt
- Thức dậy cảm thấy mệt mỏi mặc dù đã ngủ đủ 7 tiếng đúng như khuyến cáo được Viện Y học Giấc ngủ Mỹ đưa ra
- Trí nhớ kém, giảm khả năng chú ý và tập trung
- Giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn chức năng tình dục
- Trầm cảm
- Tăng động (thường gặp ở trẻ em bị ngưng thở khi ngủ)
Theo MedlinePlus, một số triệu chứng có thể gợi ý ngưng thở khi ngủ trung ương (bên cạnh các triệu chứng khác) bao gồm:
- Khó thở
- Khó nuốt
- Cảm giác yếu cơ hoặc tê bì trên cơ thể
- Giọng nói thay đổi
Ngưng thở khi ngủ gây hại gì cho sức khỏe nếu không được điều trị?
Các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ có thể giống với nhiều bệnh lý khác, hoặc nhiều người không chú ý đến vì cuộc sống bận rộn. Nhưng các chuyên gia khuyên rằng không được coi thường vấn đề này.
Nếu các triệu chứng là do bệnh lý khác thì bác sĩ có thể giúp chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, hoặc đơn giản là giúp bạn tìm cách đối phó với những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống khiến giấc ngủ không được tốt.
Còn nếu triệu chứng là do ngưng thở khi ngủ thì bác sĩ có thể giúp chẩn đoán và điều trị trước khi xảy ra các hậu quả nghiêm trọng hơn. Tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi liên quan đến ngưng thở khi ngủ có thể gây tai nạn trong cuộc sống cho bản thân người đó và cả những người xung quanh.
Theo dữ liệu được đăng trên tạp chí Sleep tháng 3/2015, chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ bị tai nạn xe cộ gấp 2,5 lần, tức là tương đương với việc lái xe khi say rượu. Đặc biệt những người lái xe tải có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ, một phần là do các đặc điểm thường gặp ở những người làm nghề này như tuổi trung niên, nam giới và béo phì, cũng là các yếu tố nguy cơ của chứng ngưng thở khi ngủ.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Sleep tháng 5/2016 cho thấy những người lái xe tải bị ngưng thở khi ngủ nhưng không tuân thủ điều trị có nguy cơ bị tai nạn cao gấp 5 lần so với những người không mắc chứng này. Viện Y học Giấc ngủ Mỹ đề nghị nên sàng lọc những người lái phương tiện giao thông có nguy cơ cao mắc OSA kể cả khi họ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào về giấc ngủ.
Những ai nên chú ý nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ?
Dù bạn có làm công việc đòi hỏi an toàn cao hay không thì các chuyên gia đều khuyên rằng nên đi khám nếu nghi ngờ mình có các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ. Và kể cả khi bạn không cảm thấy dấu hiệu bất thường nào thì cũng nên nói chuyện với bác sĩ để được kiểm tra kỹ hơn nếu bạn có các yếu tố nguy cơ sau đây.
Béo phì
Những người thừa cân có nguy cơ bị OSA cao hơn vì các mô vùng cổ họng dễ làm tắc nghẽn đường thở trong lúc ngủ.
Trong gia đình có người đã mắc
Có bằng chứng cho thấy tiền sử gia đình có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn này. Các nghiên cứu đã phát hiện rằng ngưng thở khi ngủ có thể do di truyền, và những đặc điểm ảnh hưởng đến hoạt động thở khi ngủ như cấu trúc khuôn mặt và xương sọ, hoạt động của não trong khi ngủ hay các gene liên quan với béo phì và viêm nhiễm, đều có thể di truyền trong gia đình.
Các bệnh nền liên quan
Các bệnh như hen suyễn, suy tim sung huyết, huyết áp cao, tiểu đường type 2 và đột quỵ đều làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
Lối sống không lành mạnh
Những thói quen có hại như hút thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh có thể khiến bạn dễ bị ngưng thở khi ngủ hơn. Thuốc lá không chỉ gây bệnh đường hô hấp và ảnh hưởng đến hoạt động thở mà còn gây rối loạn hoạt động của não điều khiển hơi thở. Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể dẫn đến béo phì, là nguy cơ hàng đầu của OSA.
Uống rượu
Rượu có thể làm cho các cơ trong miệng và cổ họng giãn ra nhiều hơn, khiến đường hô hấp bị hẹp hoặc tắc hoàn toàn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động não kiểm soát giấc ngủ hoặc các cơ liên quan đến hô hấp trong khi ngủ.
Sử dụng một số loại thuốc
Các thuốc như benzodiazepinie và opioid có thể ảnh hưởng đến hoạt động não điều hòa hơi thở và làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
Trên đây là những điều cần biết về ngưng thở khi ngủ và những dấu hiệu giúp bạn phát hiện chứng rối loạn này. Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan: