Công nghệ thực tế ảo VR được ứng dụng vào mọi mặt của đời sống, đặc biệt là chơi game. Nhưng thay vì ngồi yên một chỗ giống như chơi game truyền thống, game VR buộc chúng ta phải vận động nhiều hơn. Vậy những trò chơi này có thể đốt cháy nhiều calo như các bài tập thể dục hay không? Chúng có đem lại tác dụng cho sức khỏe giống như tập luyện kiểu truyền thống không? Hãy cùng khám phá nhé!

Trò chơi điện tử cũng có thể giúp chúng ta vận động tay chân, và công nghệ thực tế ảo (VR) đang mở ra những cách hoàn toàn mới để tập thể dục. Một số game VR được thiết kế chuyên dành cho mục đích này, ví dụ như mô phỏng lớp học yoga hoặc trận đấu boxing, trong khi một số game khác mang tính giải trí nhf hơn như đấu kiếm hoặc né tia laze cũng khiến người chơi phải đổ mồ hôi một cách nghiêm túc.

Game VR mô phỏng tập thể dục ngày càng phổ biến

Vừa chơi game vừa tập thể dục là có thật với VR (Ảnh: Internet)
Vừa chơi game vừa tập thể dục là có thật với VR (Ảnh: Internet)

Ngày nay chỉ cần sắm một bộ headset VR và chọn một game nào đó là bạn có thể hóa thân thành vận động viên chuyên nghiệp với những bài tập thể dục đa dạng mà không cần bước chân ra khỏi nhà. Theo các chuyên gia, game VR không khác gì các loại bài tập thể dục thông thường bởi vì chúng đều khiến người chơi tăng nhịp tim, hoạt động đổ mồ hôi và đốt cháy calo, nhưng lại hấp dẫn hơn nhiều so với chạy bộ trên máy.

Bài tập thể dục chỉ có tác dụng tốt nếu làm cho mọi người cảm thấy hứng thú và duy trì tập luyện lâu dài, đó chính là ưu điểm của game VR, thậm chí nó còn khiến chúng ta quên mất rằng mình đang vận động rất nhiều.

VR fitness là gì?

Thực tế ảo là một môi trường giả lập trên máy tính và được truyền qua thiết bị phần cứng (headset VR) giúp chúng ta cảm nhận và tương tác với môi trường ảo đó. VR đã được sử dụng cho nhiều mục đích trong đời sống như chăm sóc y tế, nghiên cứu khoa học, dạy học, giải trí, và cả tập thể dục được gọi là VR fitness.

Game boxing VR cho trải nghiệm giống như thật (Ảnh: Internet)
Game boxing VR cho trải nghiệm giống như thật (Ảnh: Internet)

Đối với trò chơi điện tử truyền thống, bạn điều khiển nhân vật của mình trong game bằng chuột, bàn phím hoặc bộ điều khiển cầm tay. Còn trong VR fitness bạn sẽ hóa thân thành chính nhân vật và điều khiển bằng cách vận động cơ thể mình như chạy nhảy để tránh chướng ngại vật và vung tay để chiến đấu.

Chỉ cần vài phút chơi game VR bạn sẽ bắt đầu thấy nóng người và tim đập nhanh hơn. Tùy từng game cụ thể và mức độ vận động của bạn, mức tiêu hao năng lượng có thể tương đương hoặc thậm chí cao hơn các bài tập thể dục truyền thống.

Một số game VR hoàn toàn là để giải trí (nhưng bạn vẫn có thể đốt cháy calo và đổ mồ hôi vì phải vận động để chơi), trong khi có những game được tạo ra với mục đích chủ yếu là rèn luyện sức khỏe, ví dụ như Liteboxer VR được giới thiệu là một game boxing “ưu tiên thể dục”. Các bài tập trong Liteboxer VR được các huấn luyện viên fitness thiết kế và bổ sung hàng ngày, kết hợp với nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng như Machine Gun Kelly và Lady Gaga, đồng thời có huấn luyện viên hướng dẫn người chơi thực hiện đúng tư thế.

Các bài tập trong Liteboxer VR tương tự như chương trình tập luyện thông thường, chỉ khác là bạn phải hóa thân vào môi trường ảo. Thay vì nhìn lên võ đài boxing có các tay đấm chuyên nghiệp thi đấu, giờ đây bạn sẽ có cảm giác như bản thân mình đang ở trong đó.

Liteboxer VR theo dõi thời gian, độ chính xác và vận tốc các cú đấm của người chơi để giúp bạn cải thiện dần kỹ năng của mình. Thậm chí bạn có thể đối đầu trực tiếp với những người chơi khác trong những trận đấu nghiêm túc. Trung bình mỗi người chơi đốt cháy khoảng 300 calo mỗi 30 phút.

Game VR fitness có tác dụng giống như tập thể dục bình thường không?

Nghiên cứu cho biết các game VR có thể khiến chúng ta vận động với cường độ cao giống như các bài tập luyện thể dục thông thường.

Liệu đây sẽ là giải pháp để mọi người tập thể dục thường xuyên hơn? (Ảnh: Internet)
Liệu đây sẽ là giải pháp để mọi người tập thể dục thường xuyên hơn? (Ảnh: Internet)

Trong một bài đăng trên Tạp chí Games for Health vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 3 tựa game VR là Audioshield, Thrill of the FightHolopoint với 41 người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 39. Mỗi người được chơi mỗi game trong 10 phút để các nhà nghiên cứu đo nhịp tim và mức tiêu thụ oxy của họ bằng thiết bị đặc biệt đo chỉ số VO2 max.

Một tác giả của nghiên cứu là tiến sĩ Jimmy Bagley tại Đại học Bang San Francisco (Mỹ) cho biết: hoạt động thể chất trong cả 3 game này đều đạt mức tiêu hao năng lượng giống như các bài tập thể dục cường độ trung bình đến mạnh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến cáo, mỗi người nên dành ít nhất 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần. Đi bộ nhanh là một ví dụ về tập thể dục cường độ trung bình, còn chạy bộ được coi là cường độ mạnh.

Kết quả nghiên cứu trên cho thấy: trong Thrill of the Fight (một game VR boxing có các động tác đấm và né đòn) người chơi đốt cháy trung bình 9,74 đến 15,32 calo mỗi phút, ngang bằng với mức tiêu hao calo khi chèo thuyền. Thậm chí một số người chơi đã đạt mức 80 đến 90% nhịp tim tối đa của mình, đó là vận động rất mạnh.

Trong Holopoint, người chơi đóng vai cung thủ bắn tên vào đối phương đồng thời phải di chuyển liên tục để tránh bị tấn công. Người chơi đã đốt cháy khoảng 7,6 đến 12,69 calo mỗi phút, tương đương với môn tennis ngoài đời thật.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng những người tập thể dục với VR thường không biết rằng mình đã tiêu hao nhiều năng lượng đến thế. Họ đánh giá chạy bộ trên máy là bài tập “vừa phải”, trong khi chơi một game thể dục VR giống như bài tập “nhẹ nhàng” đối với họ. Tiến sĩ Bagley cho rằng đó là do người chơi bị cuốn vào thế giới ảo trong game, tập trung vào việc kiếm điểm hoặc đánh boss để lên level.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Psychology of Sport and Practice năm 2019 đã so sánh 2 nhóm người thực hiện bài tập bắp tay: 40 người tập trong phòng gym và 40 người khác tập thể dục với VR bằng cách xem một phòng tập ảo giống như ngoài đời. Khối lượng bài tập và thời gian tập của 2 nhóm đều được quy định bằng nhau. Kết quả cho thấy nhóm VR cảm nhận cường độ đau ít hơn 10% so với những người tập trong phòng gym thật, đồng thời nhịp tim của họ thấp hơn và có thể tập tiếp thêm 2 phút nữa.

Một bản đánh giá được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng vào năm 2020 đã phân tích các nghiên cứu về VR fitness và kết luận rằng các bài tập thể dục VR giúp cải thiện vóc dáng cơ thể, sức mạnh cơ bắp và thăng bằng.

Kết hợp gym với VR sẽ mang đến tác dụng tốt hơn? (Ảnh: Internet)
Kết hợp gym với VR sẽ mang đến tác dụng tốt hơn? (Ảnh: Internet)

VR fitness không phù hợp với những ai?

Tập thể dục bằng VR là lựa chọn lý tưởng cho bất kỳ ai vừa thích chơi game vừa muốn vận động cơ thể, từ những người ít khi tập luyện vì cảm thấy nhàm chán cho tới những người thường xuyên tập gym nhưng muốn thay đổi cách tập cho thú vị hơn.

Tuy nhiên hãy chú ý đến khả năng vận động và trình độ thể lực của bản thân. Nếu bạn đang mắc các vấn đề sức khỏe hoặc chấn thương làm hạn chế khả năng vận động thì hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ cách tập thể dục mới nào. Tương tự, nếu thể lực của bạn không tốt thì nên bắt đầu chơi ở cấp độ dễ nhất với bất kỳ game nào để không phải gắng sức quá nặng. Bạn vẫn có nguy cơ bị chấn thương do tập quá mức với VR giống như tập thể dục ngoài đời thật.

Bắt đầu chơi từ mức dễ đối với tất cả các game vận động (Ảnh: Internet)
Bắt đầu chơi từ mức dễ đối với tất cả các game vận động (Ảnh: Internet)

Nếu bạn không rành về công nghệ thì hãy nhờ người khác lắp đặt bộ headset và cài game ban đầu.

Và đặc biệt, nếu bạn thường hay bị say tàu xe hoặc hoa mắt chóng mặt thì hãy bắt đầu với những game vận động nhẹ nhàng nhất.

Bắt đầu tập thể dục với VR như thế nào?

Dưới đây là một số điều cần xem xét trước khi bắt đầu làm quen với VR fitness:

Chi phí ban đầu

Hiện nay headset VR đều có giá cao, ví dụ như Meta Quest 2 (trước đây là Oculus Quest 2) có giá 299 USD (khoảng 7 triệu VNĐ) và VIVE Pro có giá 599 USD (khoảng 14 triệu VNĐ).

Oculus Quest 2 là bộ headset phổ biến hiện nay (Ảnh: Internet)
Oculus Quest 2 là bộ headset phổ biến hiện nay (Ảnh: Internet)

Các game được bán riêng và có rất nhiều mức giá khác nhau. Ví dụ như Liteboxer VR có nhiều bài tập miễn phí nhưng bạn cũng có thể đăng ký các bài tập mới với giá 18,99 USD mỗi tháng (khoảng 450.000 VNĐ). Các game khác như Thrill of the FightHolopoint có giá từ 10 đến 15 USD.

Đề phòng say tàu xe

Nếu bạn là người dễ bị say tàu xe thì nên thử các game VR fitness tại cửa hàng bán thiết bị hoặc mượn của người khác chơi thử trước khi quyết định mua. Một số game yêu cầu chuyển động nhiều và có lẽ không phù hợp với những người mới bắt đầu, trong khi một số game nhẹ nhàng như Fruit Ninja có thể giúp người chơi dễ làm quen hơn.

Dưới đây là một số bước giúp bạn bắt đầu làm quen với VR fitness:

Bước đầu tiên là mua headset VR

Bạn có thể sử dụng headset để làm nhiều việc khác ngoài tập thể dục, vì vậy hãy lựa chọn kỹ để dùng lâu dài. Các yếu tố cần xem xét là độ phân giải, số pixel, tầm quan sát và mức giá. Ví dụ nếu bạn muốn dùng headset để xem phim và các chương trình giải trí thì nên chọn độ phân giải cao.

Nhìn chung, các chuyên gia cho biết rằng headset Meta Quest 2 với mức giá dưới 300 USD (7 triệu VNĐ) là đủ tốt để vừa tập thể dục vừa xem Netflix thoải mái. Ngoài ra cũng nên tìm hiểu các game mà bạn định chơi để xem loại headset nào có hỗ trợ chúng, vì không phải tất cả các game đều tương thích với tất cả các hệ thống VR.

Chọn game mà bạn thích nhất

VR fitness về bản chất là chơi game nên không giống với tập thể dục bình thường, do đó hãy chơi thử nhiều game khác nhau và dùng thử miễn phí trước khi mua. Một số game mô phỏng chơi thể thao như tennis, đấu kiếm, boxing, trong khi những game khác theo kiểu phiêu lưu yêu cầu bạn chiến đấu với kẻ thù và né tránh chướng ngại vật.

Khởi đầu từ từ

Bạn rất dễ bị cuốn vào game, nhất là game mô phỏng giống thật như VR, nhưng các chuyên gia khuyên rằng nên tự kiểm soát mức độ vận động của bản thân đặc biệt là trong vài lần chơi đầu tiên. Theo khuyến cáo của CDC là tập thể dục 150 phút mỗi tuần, bạn có thể chơi mỗi ngày 30 phút và 5 ngày trong 1 tuần. Cũng giống như tập thể dục truyền thống, hãy dành ra vài ngày nghỉ xen kẽ với ngày tập, nghỉ nhiều hơn nếu bạn cảm thấy đau nhức cơ sau khi chơi.

7 game VR fỉtness được các chuyên gia gợi ý

Các chuyên gia về VR fitness đã đưa ra một vài tựa game mà họ yêu thích để vừa chơi vui vừa tập thể dục hiệu quả. Những trò chơi này sẽ khiến bạn phải đứng dậy vận động và thực sự “đổ mồ hôi” giống như đến phòng tập nghiêm túc. Dưới đây là tổng hợp các lựa chọn hàng đầu của họ:

1. Supernatural

Game VR Supernatural (Ảnh: Internet)
Game VR Supernatural (Ảnh: Internet)

Supernatural là một nền tảng VR fitness yêu cầu phải đăng ký, hiện có hơn 500 bài tập khác nhau và liên tục bổ sung thêm mỗi ngày. Bạn có thể tập yoga, pilates, boxing, v.v., với sự hướng dẫn của huấn luyện viên ảo và được chọn những địa điểm tập luyện tuyệt đẹp trên khắp thế giới, từ đồng muối ở Bolivia đến núi lửa ở Iceland.

Để tập luyện toàn diện cho cơ thể, bạn có thể thử tựa game tiêu biểu của Supernatural tên là Flow, trong đó bạn phải dùng bộ điều khiển trên tay mình để đập trúng các mục tiêu theo nhịp điệu của nhạc đồng thời phải chạy nhảy để tránh các chướng ngại vật lao tới.

Các bài tập thường kéo dài từ 10 đến 30 phút mà bạn không nhận ra là mình đã toát mồ hôi và hoàn thành chỉ tiêu tập thể dục trong ngày của mình. Supernatural chỉ dành cho headset Meta Quest VR và mức phí 19,99 USD mỗi tháng.

2. Beat Saber

Đây là một game rất “gây nghiện”. Bạn sẽ sử dụng bộ điều khiển như một cặp kiếm ánh sáng màu đỏ và xanh lam trên 2 tay để cắt các vật lao tới theo nhịp điệu của nhạc. Các vật thể có màu đỏ và xanh, bạn phải cắt chúng bằng thanh kiếm có màu tương ứng, cùng lúc đó phải né tránh các chướng ngại vật lao tới.

Beat Saber có sẵn trên nhiều nền tảng bao gồm cả headset Meta Quest và PlayStation VR, với giá khoảng 30 USD.

3. Thrill of the Fight

Nếu bạn yêu thích boxing thì đây là lựa chọn không thể bỏ qua. Như kết quả nghiên cứu nêu trên cho thấy, Thrill of the Fight là một trong những game tốn calo nhất trong số các game được thử nghiệm. Bạn sẽ đốt cháy khoảng 9,74 đến 15,32 calo mỗi phút, ngang bằng với chèo thuyền truyền thống ngoài đời thực.

Trong game bạn sẽ phải liên tục tung ra những cú đấm đồng thời nghiêng người né tránh đối thủ, trận đấu kéo dài khoảng 5 phút nhưng cường độ tập có thể khá cao khiến bạn ướt đẫm mồ hôi và có thể bị đau cơ sau một vài trận đấu. Nhưng ưu điểm lớn nhất khi chơi game là bạn sẽ không cảm thấy đau khi bị trúng đòn của đối phương.

Game có sẵn cho headset Meta Quest VR với giá 9,99 USD.

4. Holoball

Game này giống như phiên bản ảo của môn bóng vợt (racquetball), trong đó người chơi ở trong một căn phòng đầy màu sắc và nhiệm vụ là đánh những quả bóng vào bức tường trước mặt. cách chơi rất trực quan nên bạn sẽ làm quen rất dễ dàng, nhưng mức độ vận động không quá nặng.

Holoball có sẵn trên nhiều nền tảng bao gồm Meta Quest, PlayStation VR, HTC Vive và Steam. Mức giá từ 9,99 đến 14,99 USD tùy mỗi nền tảng.

5. Holopoint

Nếu bạn muốn thử tài bắn cung thì hãy chọn Holopoint để vào vai một cung thủ dùng một cây cung ảo để bắn trúng các mục tiêu màu xanh đang lao về phía mình. Mỗi khi bạn tiêu diệt một mục tiêu, nó sẽ bắn ra chùm tia laser.

Nhiều người chơi thích cách chuyển động đa dạng trong game này, bạn sẽ chạy quanh để bắn tên với các tư thế khác nhau, đồng thời nhảy và nhào lộn để tránh tia laze. Tuy nhiên khi lên level cao bạn sẽ gặp phải các ninja và samurai được trang bị kiếm và tia laze của riêng họ rất khó chơi.

Holopoint có sẵn cho Meta Quest, Steam và PlayStation VR với giá 14,99 USD.

6. FitXR

Nếu bạn muốn tập thể dục theo nhiều cách khác nhau thì hãy thử FitXR. Nền tảng này có boxing, lớp học khiêu vũ và các phòng tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT). Bạn phải đăng ký trả phí hàng tháng, có thư viện các lớp học theo yêu cầu với các bài tập mới được bổ sung hàng ngày, ngoài ra có thể chọn các thể loại âm nhạc và môi trường tập luyện khác nhau.

Điểm hấp dẫn nhất của FitXR có lẽ là boxing, đây là một trong những game khiến bạn vận động nhiều nhất để rèn luyện sức khỏe bằng cách tung ra những cú đấm và tránh đòn liên tục. FitXR chỉ có sẵn cho headset Meta Quest với mức phí đăng ký hàng tháng là 9,99 USD.

7. Goalkeeper VR

Nếu bạn yêu thích bóng đá và muốn thử cảm giác làm thủ môn thì đây là game lý tưởng nhất. Bạn sẽ phải duy trì sự tập trung, khả năng phối hợp và phản xạ nhanh để chặn những quả bóng đang bay tới, có thể ​​nhảy lên, đổ người sang hai bên hoặc thụp xuống để làm chệch hướng quả bóng bằng bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể mình.

Game có sẵn trên Meta Quest, HTC Vive, Steam và PlayStation VR, mức giá để tải xuống là 6,99 USD.

Trên đây là những điều cần biết về VR fitness – xu hướng mới để vừa chơi game vừa tập thể dục với công nghệ thực tế ảo. Bạn có sẵn sàng thử sức trải nghiệm công nghệ này không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

7 tiêu chí để chọn mua máy đọc sách điện tử phù hợp cho bạn

Máy đọc sách điện tử ngày càng phổ biến và được nhiều người yêu thích nhờ những ưu điểm như thời lượng pin tuyệt vời và màn hình E-Ink không làm hại mắt khi nhìn lâu. Nhưng trước khi mua một chiếc máy đọc sách, bạn nên xem xét các yếu tố để chọn được thiết bị phù hợp ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận