Chuột là một loài động vật không được nhiều người chào đón cho lắm – cho dù là ở khu vực trên thế giới đi chăng nữa – dù thực tế là chúng cực kì thông minh. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 10 sự thật thú vị về loài gặm nhấm này nào.
10. Sự bùng phát ở Nhật Bản
Nhật Bản nổi tiếng với kiến trúc, truyền thống và hàng thủ công đặc sắc. Nhưng đất nước này còn nổi tiếng về một thứ khác nữa: cứ sau 120 năm, cây tre lùn (Sasa Boralis) lại ra hoa, kết hạt và chết đi trên quy mô lớn. Năm 2022, các nhà nghiên cứu từ đại học Nagoya ở Nhật Bản đã xác nhận rằng tre có ích cho chuột đồng Nhật Bản, cung cấp cho chúng điều kiện sinh sản lý tưởng và cung cấp hàng tấn hạt giống làm thức ăn.
Tuy nhiên, đây lại không phải là thời điểm tuyệt vời cho nông nghiệp và rừng cây, vì thực vật bị tàn phá trên diện rộng và cây chết hàng loạt cũng có liên quan đến sự bùng phát của loài gặm nhấm này.
9. Chuột bán thủy sinh chưa xác định
Khoảng một thế kỷ trước, một con chuột bị bắt ở một con suối ở Ethiopia có bàn chân dài, rộng và bộ lông không thấm nước cho thấy nó thích nghi với việc sống dưới nước. Đó là mẫu vật duy nhất thuộc chi Nilopegamys được tìm thấy và hiện nay nó được coi là đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên, những con chuột khác lại bơi lội khắp các con sông khắp Tây Phi và lưu vực Congo. Trong nhiều năm, loài này đã được nghiên cứu, nhưng phải đến gần đây, các nhà nghiên cứu mới xác nhận một số thông tin về chúng.
Chúng thực sự là những con chuột bán thủy sin có bộ lông chống nước và đôi chân dài giống kangaroo để di chuyển tốt hơn trong môi trường ẩm ướt. Tuy nhiên, đó không phải là một mà là hai loài mới: Colomys luumbai và Colomys gosling .
Xét nghiệm DNA cũng xác nhận chúng có liên quan đến Nilopegamys – mẫu vật bắt được ở Ethiopia. Điều này khiến hai con chuột nước còn sống trở thành một trong những loài động vật quý hiếm nhất trên thế giới.
8. Những con chuột núi bí ẩn
Dãy núi Andes ở Patagonia là quê hương của Abrothrix hirta – loài chuột đáng yêu nổi tiếng với bộ lông mềm mại, bông xù. Nhưng mặc dù cùng một loài nhưng những con chuột này có kích thước khác nhau, phụ thuộc vào nơi chúng sống trên núi.
7. Chuột dọn nhà
Đây là một câu chuyện khá nổi tiếng tại Mỹ. Vài năm trước, Stephen McKears nhận thấy có ai đó đang dọn dẹp bàn làm việc của ông trong nhà kho hàng đêm. Những món đồ kim loại nhỏ mà ông lấy ra khỏi hộp liên tục được cất lại vào hộp một cách bí ẩn. Ông đã lắp đặt camera và thấy được một con chuột nhặt và cắt những thứ như cắt móng tay, ốc vít và dây xích kim loại vào hộp.
Sự thật là chẳng có ma thuật nào ở đây cả, khoa học đã chứng minh loài gặm nhấm này có bản năng mạnh mẽ trong việc tổ chức môi trường, tích trữ và thậm chí dọn dẹp xung quanh.
6. Một số con chuột nhận ra chính mình
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng “thử nghiệm gương” để xác định xem động vật cụ thể có thể thể hiện mức độ suy nghĩ cấp cao bằng cách nhận ra mình trong gương hay không. Phương pháp này rất đơn giản. Đặt một dấu hiệu lên trán sinh vật cần thí nghiệm, nếu nó nhìn vào gương, thấy hình ảnh phản chiếu và chạm vào trán của chính nó thì chứng tỏ rằng con vật nhận thức được rằng nó đang nhìn mình trong gương.
Chỉ có một số loài động vật vượt qua được bài kiểm tra trí thông minh này, bao gồm một số loài linh trưởng, voi và cá heo. Vào năm 2023, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng chuột đã vượt qua bài kiểm tra gương này. Sau khi bôi mực trắng lên trán chuột đen, nó dành nhiều thời gian để ngồi trước gương và xoa đầu, có lẽ là để loại bỏ vết mực.
5. Chuột có thể sống trong môi trường khắc nghiệt
Trên dãy núi Andes là một nơi được gọi là Puna de Atacama cực kì khắc nghiệt và hoang vắng, hầu như không có oxy và nước, đến nỗi NASA đã sử dụng cao nguyên này để mô phỏng các điều kiện trên Sao Hỏa. Vào những năm 1970 và 1980, các nhà khoa học đã tìm thấy xác ướp của chuột tai lá – điều này càng củng cố thêm nghi ngờ của họ rằng Puna de Atacama là vùng cấm của động vật có vú.
Họ nghi ngờ loài gặm nhấm được người Inca vô tình hoặc cố ý đưa đến khu vực này khi họ lên núi để hiến tế. Nhưng khi các nhà khoa học gần đây xem xét lại thì họ bắt đầu bắt gặp những con chuột tai lá còn sống.
Ý kiến khác cho rằng chuột là cư dân lâu năm trên núi, tuy nhiên vẫn chưa rõ làm thế nào chúng sống sót hoặc tại sao chúng lại thích sống ở đó.
4. Quái vật chuột
Mus musculus là loài chuột nhà phổ biến trên khắp thế giới, nổi tiếng vì tài năng gặm nhấm mọi thứ trong nhà. Một con chuột nhà bình thường nặng 19 gram, nhưng ở đảo Gough, chúng thường có kích thước gấp đôi và có thể nặng tới 51 gram – khiến chúng trở thành loài chuột nặng nhất và lớn nhất từng tồn tại. Chúng không chỉ béo mà cấu trúc xương còn lớn hơn chuột nhà sống ở nơi khác.
Một lý do khiến những con chuột này nặng đến vậy có thể là vì không có kẻ săn mồi hoặc đối thủ cạnh tranh. Chúng thích ăn chim biển con – hành vi khủng khiếp này không chỉ làm tăng kích thước của chuột mà còn đẩy một số loài chim đến bờ vực tuyệt chủng.
3. Chuột hát
Trong những khu rừng mây ở Trung Mỹ có một loài gặm nhấm tên là chuột biết hát Alston. Khi con đực tán tỉnh con cái, nó sẽ hát bằng những giai điệu the thé, thường ở những mức âm thanh mà con người không thể nghe được.
Nhưng điều thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu là những bài hát nói chuyện có thể nghe được giữa những con chuột đực. Cuộc trò chuyện có nhịp độ nhanh và lịch sự một cách kỳ lạ. Trong khi một con chuột “hát” thì con kia sẽ im lặng, khi con này im lặng thì con kia gần như đáp lại ngay lập tức bằng bài hát của nó. Các nhà khoa học cho rằng chuột có thể giao tiếp bằng gần 100 nốt nhạc khác nhau.
2. Chuột biến nọc độc thành thuốc giảm đau
Bọ cạp vỏ cây là loài bọ cạp độc nhất ở Bắc Mỹ. Vết đốt của nó vô cùng đau đớn, gây ra các triệu chứng giống như co giật, tê liệt, các vấn đề hô hấp và thậm chí là tử vong.
Tuy nhiên, một vài con chuột không chỉ miễn dịch với nọc bọ cạp mà còn biến nó thành một loại thuốc giảm đau. Khi chất độc xâm nhập vào cơ thể chúng, một số protein nhất định sẽ gắn vào các phân tử nọc độc, khiến chúng không thể gây đau đớn về thể chất. Phản ứng này làm tê liệt toàn bộ hệ thống truyền cảm giác đau của chuột, giúp chúng tạm thời không cảm nhận được bất kỳ cơn đau nào.
1. Chuột mọc đuôi mới
Một số loài lưỡng cư như kỳ nhông và sa giông có thể mọc lại chi hoặc đuôi. Khả năng tái tạo các bộ phận cơ thể không phải là điều động vật có vú thường có, nhưng loài chuột gai châu Phi lại có khả năng này.
Chúng không chỉ có thể mọc lại đuôi mà còn có thể bịt kín những vết rách trên tai và tạo ra làn da, dây thần kinh, cơ bắp và thậm chí cả đầu ngón chân mới mà không để lại sẹo – nhờ vào các tế bào chưa trưởng thành tương tự như tế bào được tìm thấy ở sa giông và kỳ nhông. Những tế bào này có thể biến thành các mô khác nhau khi cần thiết, sửa chữa phần da, ngón chân bị thiếu hoặc bất cứ nơi nào có vết thương.
Bạn có thể đọc thêm:
Bình luận của các bạn sẽ giúp cho bài viết trở nên đa dạng và phong phú hơn. Hãy để lại ý kiến của mình đi nào.