Chênh vênh, run rẩy, hồi hộp đến nghẹt thở là những từ ngữ dùng để mô tả cảm giác của rất nhiều người khi vượt những cây cầu nguy hiểm trên thế giới. Dưới đây là 10 cây cầu trong số đó mà bạn nên chuẩn bị “tinh thần thép” để băng qua chúng!
Cầu Danyore, Pakistan
Tọa lạc tại vùng Gilgit-Baltistan, khu vực phía bắc của nước Pakistan, cầu treo Danyore dài hơn 155 mét, nối giữa khu vực Gilgit với Danyore, bắc qua sông Hunza. Được mệnh danh theo tiếng địa phương là “Pul-e-Sirat” (tức là cây cầu ở giữa trời và địa ngục), hiện chính quyền sở tại không cho phép các phương tiện lưu thông trên cầu nữa mà chỉ dành cho người đi bộ vì sự an toàn.
Cầu Capilano, Canada
Với trên 850,000 lượt du khách đến thăm hàng năm, Capilano trở thành một trong những điểm tham quan lâu đời và nổi tiếng nhất British Columbia. Ban đầu cây cầu được xây dựng từ năm 1889 bằng các tấm ván gỗ tuyết tùng và dây gai dầu bởi một kỹ sư người Scotland có tên George Grant Mackay. Vào những năm 1950, nó đã được thay thế lại bằng dây cáp thép để tiếp tục phục vụ cho mục đích du lịch.
Cây cầu này cao 70 mét so với sông Capilano, dài 137 mét. Từ trên cầu, bạn sẽ được ngắm cảnh quan tuyệt vời của dòng Capilano và khu rừng già xanh mướt bên dưới.
Cầu Puente de Ojuela, Mexico
Năm 1898, cầu Puente de Ojuela ở bang Dugango, Mexico được xây dựng trong một hẻm núi sâu, có chiều dài 305 mét, cao khoảng 100 mét so với thung lung bên dưới. Sau khi hoàn thành, trong nhiều năm nó đã là một trong số các cây treo dài nhất thế giới. Vào cuối thế kỷ 19, người ta đã gia cố lại cây cầu bằng dây cáp thép. Cầu Puente de Ojuela hiểm trở bởi chứa nhiều khoảng trống rộng giữa các tấm ván ở sàn gỗ.
Trước đây, công nhân mỏ thường sử dụng cây cầu làm lối đi vận chuyển kim loại quý và quặng khai thác được từ mỏ Ojuela vào thị trấn Ojuela. Hiện nay, Puente de Ojuela trở thành điểm đến phổ biến thu hút khách du lịch.
Cầu dây thừng Carrick-a-Rede, Bắc Ireland
Cầu dây thừng Carrick-a-Rede ở phía bắc bờ biển Antrim của Bắc Ireland dù chỉ dài chừng 20 mét và cao gần 30 mét so với mặt nước biển nhưng để băng qua nó không hề đơn giản chút nào. Ban đầu ngư dân địa phương xây dựng cây cầu giúp họ dễ dàng đến đảo Carrickarede để đánh bắt cá hồi, tuy nhiên từ năm 2002 đến nay nó được đưa vào sử dụng phục vụ du lịch.
Carrick-a-Rede thường xuyên bị đung đưa vì gió nhưng ở trên đó bạn có thể ngắm quang cảnh tuyệt đẹp của bờ biển Causeway và Đại Tây Dương.
Cầu Trift, Thụy Sĩ
Được xây dựng hoàn thành vào năm 2004, sau đó sửa chữa lại vào năm 2009, Trift là cây cầu treo dành cho người đi bộ dài và cao nhất ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ. Với độ cao 100 mét, dài 170 mét, bắc qua sông băng cùng tên, cây cầu luôn là thử thách với những ai ưa thích sự mạo hiểm.
Cầu Royal Gorge, Mỹ
Cầu Royal Gorge gần thành phố Cañon, tiểu bang Colorado, đất nước Hoa Kỳ thực sự một là một điểm du lịch đầy hấp dẫn. Nó được xây dựng hoàn tất vào năm 1929. Royal Gorge bắc qua hẻm núi Hoàng gia. Đây là một trong những công trình nguy hiểm và ngoạn mục nhất ở Hoa Kỳ, đạt độ cao hơn 291 mét so với sông Arkansas chảy bên dưới.
Cầu Siduhe, Trung Quốc
Khánh thành vào ngày 15/11/2009, cầu treo Siduhe được thiết kế theo kiểu cổ điển. Đứng trên cầu nhìn xuống nhiều du khách bị choáng váng bởi độ cao của nó lên đến gần 496 mét so với mặt nước sông. Tuy chỉ giữ danh hiệu “cây cầu cao nhất thế giới” trong 8 năm (từ năm 2009-2016) nhưng Siduhe từng là công trình biểu tượng cho sự phát triển “thần tốc” về hệ thống hạ tầng giao thông của Trung Quốc.
Cầu Aiguille Du Midi, Pháp
Nếu bạn mắc chứng sợ độ cao thì nên từ bỏ ngay ý định băng qua cây cầu này. Mặc dù chỉ là một cây cầu ngắn nhưng chiều cao của nó thực sự làm bạn phải rùng mình khi nhìn xuống dưới, lên đến 3.810 mét so với mực nước biển. Cây cầu xây dựng khoan xuyên qua đỉnh núi Aiguille du Midi trong khối núi Mont Blanc gần Chamonix.
Cầu Hussaini, Pakistan
Cầu treo Hussaini nối giữa làng Zarabad với làng Hussaini. Đây là cây cầu thứ hai được Tổng thống Pakistan Ayub Khan chỉ đạo chính quyền địa phương xây dựng trong một chuyến đến thăm Zarabad. Cây cầu đầu tiên gần như đã bị phá hủy hoàn toàn.
Chỉ nhìn thôi đã thấy độ nguy hiểm của cây cầu này thế nào, nhất là vào thời điểm nước sông Hunza chảy xiết. Do ảnh hưởng của những cơn gió thổi từ ngọn núi của Karakoram khiến cầu Hussaini thường xuyên bị đung đưa, thêm vào đó có nhiều khoảng trống lớn giữa các tấm gỗ ván gây nên trở ngại lớn cho những người muốn vượt qua nó.
Từ tầm nhìn bao quát trên cầu, bạn sẽ thấy phong cảnh bên dưới thật ấn tượng với dòng nước trong, xanh tuyệt đẹp.
Cầu Mondsee, Áo
Được mệnh danh là “cây cầu trên bầu trời”, đi trên cầu Mondsee ở Áo giúp bạn hít thở không khí trong lành của dãy núi Alps. Tuy nhiên, để vượt qua cây cầu này, bạn phải quên đi nỗi sợ hãi rằng dường như mình đang bước trên không trung.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác của BlogAnChoi:
- Điểm qua những cây cầu có một không hai trên thế giới.
- Khám phá bảo tàng điệp viên mới mở cực độc đáo ở New York.
- 15 đỉnh núi linh thiêng nổi tiếng nhất trên thế giới.
Hãy thường xuyên ghé thăm BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều bài viết thú vị khác trong mục Độc & Lạ bạn nhé!