Trong phim chúng ta thường thấy những kho báu quý giá được cất giấu trong những căn hầm bí mật cực kỳ nghiêm ngặt, không ai có thể đột nhập vào. Nhưng bạn có biết rằng ở ngoài đời thật cũng có những căn hầm như vậy, thậm chí những thứ bên trong còn quý hơn cả tiền vàng! Hãy cùng khám phá những căn hầm bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới nhé!
Nguồn gốc của những căn hầm chứa kho báu
Trước khi có hệ thống ngân hàng giúp người dân giữ tiền, từ thời xa xưa người ta đã có những căn hầm bí mật với chức năng tương tự. Người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên sử dụng hầm bảo mật, trong lăng mộ của vua Ramses II, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một căn hầm bằng gỗ. Cũng có bằng chứng về những căn hầm an ninh tồn tại từ thế kỷ 13.
Người La Mã đã cải tiến thêm bằng cách tạo ra một hệ thống khóa cố định để bảo vệ hàng hóa quan trọng của mình. Đến thời kỳ Phục hưng, hầm được cải tiến hơn nữa với không chỉ hệ thống khóa phức tạp mà có cả chìa khóa. Đến thế kỷ 18, các hệ thống báo động đã được bổ sung dưới dạng chuông kêu, sau đó là những hệ thống báo động hiện đại như ngày nay.
Bây giờ hãy cùng khám phá những căn hầm chứa an toàn nhất trên thế giới. Mặc dù không có thang đo chính xác về mức độ bảo mật của những căn hầm này nhưng tất cả chúng đều được xây dựng vô cùng kiên cố, được trang bị những hệ thống tối tân để đảm bảo “bất khả xâm phạm”. Và điều đặc biệt nhất là: bên trong đó có thứ gì?
Fort Knox
Fort Knox có lẽ là kho tiền ngân hàng an toàn nhất trên thế giới, còn được gọi là Kho lưu ký vàng thỏi của Mỹ, nằm tại bang Kentucky ở phía Bắc của Elizabethtown và phía Nam của Louisville. Nó được đặt tên theo Henry Knox, Bộ trưởng Chiến tranh đầu tiên của Mỹ và là Chỉ huy trưởng Pháo binh trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ.
Fort Knox an toàn đến mức độ nào? Không ai biết chính xác câu trả lời vì các biện pháp cụ thể được thực hiện bên trong và bên ngoài hầm đều được giữ bí mật tuyệt đối. Chỉ có 2 phương pháp bảo mật của Fort Knox đã được xác nhận, đó là một hàng rào thép bao xung quanh và những bức tường được xây dựng giống như thời chiến tranh.
Lý do phải có các biện pháp an toàn nghiêm ngặt để bảo vệ Fort Knox là vì nó chứa tới 147 triệu ounce vàng của nước Mỹ (khoảng 4,2 triệu tấn). Do đó tên chính thức của nơi này là Kho lưu ký vàng thỏi của Mỹ, nhưng nhiều người cũng gọi nó là Kho lưu ký vàng Fort Knox. Ngoài số vàng khổng lồ của nước Mỹ, nó còn lưu giữ những tài liệu quan trọng như bản gốc của Tuyên ngôn Độc lập, hiến pháp Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền trong Chiến tranh Thế giới.
Ngân hàng hạt giống Svalbard
Ngân hàng hạt giống Svalbard, còn được gọi là “Kho hạt giống toàn cầu”, là một kho chứa an toàn nằm trên một hòn đảo nhỏ có tên Spitsbergen ở Na Uy. Một số người cho rằng đây là công trình an toàn nhất trên thế giới. Căn hầm hiện đại này lưu giữ các mẫu hạt giống cây trồng cần thiết để khởi động lại sự sống trên Trái đất nếu chẳng may có một sự kiện tận thế xảy ra. Ngân hàng hạt giống Svalbard có thể lưu trữ 4,5 triệu loại cây khác nhau, và thực tế tính đến năm 2022 đang giữ 1.081.026 mẫu.
Sự ra đời của Ngân hàng Hạt giống Svalbard xuất phát từ việc thiếu nguồn dự trữ cây lương thực trên thế giới. Mặc dù có khoảng 1.700 ngân hàng gene tồn tại ở các quốc gia khác nhưng chúng có thể dễ dàng bị phá hủy vì thiên tai, chiến tranh và các sự cố không lường trước được. Để đảm bảo cho hầu hết các loại cây trồng trên thế giới vẫn có thể tái sinh nếu xảy ra thảm họa, Ngân hàng Hạt giống Toàn cầu được thành lập như một phương án dự phòng với chức năng lưu giữ hạt giống của thế giới.
Vì tầm quan trọng đặc biệt đối với thế giới nên Ngân hàng Hạt giống Svalbard cũng nằm trên một hòn đảo biệt lập trong điều kiện khí hậu Bắc cực khắc nghiệt. Điều này có 3 ưu điểm lớn. Đầu tiên là giúp bảo quản hạt giống trong thời gian dài. Thứ hai, môi trường khí hậu giống như một biện pháp phòng thủ tự nhiên ngăn kẻ xấu tiếp cận. Thứ ba, vị trí này ở độ cao khá lớn trên mực nước biển nên cũng đảm bảo an toàn hơn.
Núi Granite
Núi Granite vừa là một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, vừa là một hầm chứa được bảo vệ nghiêm ngặt không ai có thể bước vào, nằm ở gần thành phố Salt Lake, bang Utah của Mỹ. Có thể bạn chỉ nhìn thấy những kiểu hầm như thế này trong phim hành động, nhưng thực sự là nó có tồn tại ngoài đời thật.
Hầm lưu trữ Hồ sơ Núi Granite được xây dựng vào năm 1965 bởi Nhà thờ Các Thánh hữu Ngày sau, với mục đích bảo vệ các tài liệu của Nhà thờ, trong đó có rất nhiều dữ liệu quan trọng về lịch sử gia đình.
Căn hầm lưu giữ 3,5 tỷ hình ảnh trên những tấm phim và phương tiện kỹ thuật số, liên kết với nhiều thư viện, nhà thờ và kho lưu trữ ở hàng trăm quốc gia trên toàn cầu. Nhà thờ Các Thánh hữu Ngày sau có một trang web miễn phí tên là FamilySearch, lấy hồ sơ từ hầm núi Granite và hoạt động công khai để giúp mọi người tìm kiếm người thân hoặc dữ liệu đã bị thất lạc. Hệ thống này đã giúp đỡ người dân quần đảo Niue bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên vào năm 2004 và bị mất mất gần như toàn bộ hồ sơ dữ liệu của mình.
Vì những hồ sơ cực kỳ quan trọng nên Hầm núi Granite được bảo vệ nghiêm ngặt, nằm sâu khoảng 200 m trong núi và môi trường bên trong được kiểm soát chặt chẽ. Không ai có thể bước qua cửa căn hầm này mà không được cho phép vì mỗi cánh cửa nặng tới 14 tấn, thậm chí đủ sức chịu được các vụ nổ hạt nhân.
Hầm núi Iron
Đây là kho chứa lớn nhất trên thế giới, nằm bên dưới ngọn núi có biệt danh là “The Underground” nằm trong mỏ đá vôi bị bỏ hoang ở Boyers, bang Pennsylvania của Mỹ. Căn hầm có diện tích rộng tới hơn 167.000 m² và nằm ở độ sâu tới 70m.
Giống như hầm núi Granite, hầm núi Iron được kiểm soát nhiệt độ và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các binh lính có vũ trang. Sự khác biệt là các tài liệu bên trong. Hầm núi Iron bảo vệ những văn bản quý giá có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử thế giới bao gồm di chúc của Công nương Diana xứ Wales, các tác phẩm của nhà bác học Charles Darwin và nhà văn Charles Dickens. Ở đây cũng có bộ sưu tập ảnh Corbis của Bill Gates được lưu giữ trong một hang động nhiệt độ lạnh.
Lực lượng bảo vệ có vũ trang liên tục giám sát căn hầm này tương tự như cảnh sát ở Cục Dự trữ Liên bang. Ngoài ra còn có một loạt các hang động được kiểm soát độ ẩm từ mức trung bình đến cao. Đặc biệt là bạn có thể mở kho tiền của riêng mình trong hầm này với một khoản phí. Lối vào duy nhất của hầm là một cánh cổng nặng 3 tấn với các binh lính liên tục canh gác và hệ thống giám sát tối tân.
Núi Cheyenne
Núi Cheyenne giống như núi Granite, là một cấu trúc tự nhiên được sử dụng để làm hầm bảo mật, nằm ở El Paso, bang Colorado của Mỹ. Quần thể Núi Cheyenne trước đây từng là nơi tổ chức một chương trình thám hiểm không gian và có một boongke phòng thủ chịu được các vụ nổ hạt nhân.
Địa điểm này đã được sử dụng như một căn cứ quân sự cho nhiều lực lượng khác nhau của Mỹ, đã từng tham gia giám sát không phận của Mỹ và Canada. Vì lẽ đó nên núi Cheyenne có hệ thống an ninh nghiêm ngặt hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Hai cánh cửa nặng 25 tấn có khả năng chịu được các vụ nổ với cường độ 30 megaton, điều này có nghĩa là phải dùng ít nhất 1000 quả bom nguyên tử đã được ném xuống Nagasaki để phá vỡ cánh cổng. Căn hầm cũng nằm sâu 600 m bên trong núi đá granit tự nhiên có độ cứng rất cao. Vì bên trong núi thiếu không khí nên người ta đã dùng phương pháp lọc thủ công để các nhân viên có thể hít thở không khí sạch nhất thế giới.
Ngân hàng Teikoku – Hiroshima
Tòa nhà được xây dựng kiên cố nhất trên thế giới? Đó là chi nhánh tại Hiroshima của Ngân hàng Teikoku. Một hầm bảo mật bên trong Ngân hàng Teikoku cùng với tòa nhà bên ngoài của nó, là một trong số rất ít công trình còn sót lại sau trận bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù đó là một sự kiện đau buồn nhưng công ty làm ra căn hầm này đã chứng minh được sản phẩm của họ kiên cố bậc nhất trên thế giới.
Ngân hàng Teikoku được thành lập vào năm 1925 với tên gọi ban đầu là Ngân hàng Mitsui. Công ty Két sắt Mosler đã xây 2 hầm cho ngân hàng, chúng hoạt động ổn định cho đến khi quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vào ngày 6/8/1945. Vụ nổ xảy ra chỉ cách vị trí của chi nhánh ngân hàng 360 mét, mặc dù phần lớn thành phố bị xóa sổ nhưng đáng ngạc nhiên là tòa nhà hai tầng bên ngoài của Ngân hàng Teikoku vẫn còn nguyên vẹn cùng với hai căn hầm Mosler.
E.H. Mosler, chủ tịch của Công ty Mosler vào thời điểm đó, đã tận dụng sự kiện này. Một người quản lý Ngân hàng Teikoku đã gửi thư vào năm 1950 nói rằng căn hầm vẫn đứng vững sau vụ nổ và họ chỉ sửa chữa rất ít. Mosler sau đó đã sử dụng những bằng chứng này để thu hút khách hàng trên thế giới mua két sắt của họ trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên Công ty Két sắt Mosler đã phá sản vào năm 2001.
Phòng chứa Vàng Tây Ban Nha
Nhiều quốc gia tuyên bố rằng kho tiền của họ là an toàn nhất trên thế giới, trong số đó có Tây Ban Nha. Ngân hàng quốc gia Tây Ban Nha có một kho tiền được gọi là Phòng chứa Vàng, nơi chứa phần lớn trữ lượng vàng của đất nước có niên đại từ thế kỷ 12. Căn hầm nằm sâu bên trong tòa nhà Ngân hàng Tây Ban Nha ở phía trước Đài phun nước Cibeles.
Phòng chứa Vàng đã được giới thiệu trong loạt phim nổi tiếng Money Heist (Phi vụ triệu đô) của Netflix, thể hiện các biện pháp an ninh hiện đại của nó. Mặc dù có nhiều điều đã được phóng đại trên phim nhưng về cơ bản thì đúng với thực tế. Phòng chứa Vàng có một chức năng đặc biệt liên quan đến Đài phun nước Cibeles. Nếu hệ thống báo động vang lên bên trong Ngân hàng, nước sẽ chảy ra từ phía trên Phòng chứa Vàng, làm ngập toàn bộ căn hầm. Nguồn nước này cũng chính là nguồn nước cung cấp cho Đài phun nước Cibeles.
Không có nhiều thông tin về số lượng vàng được cất bên trong Ngân hàng Tây Ban Nha, chỉ có một vài món được xác nhận là những cổ vật như tiền vàng có từ thời xưa. Để ngăn kẻ trộm đột nhập, căn hầm được trang bị 3 cánh cửa thép (thay vì một cửa như trong phim Money Heist) và hai quan chức cấp cao của Ngân hàng Tây Ban Nha bảo vệ nghiêm ngặt.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ngân hàng New York)
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sở hữu kho tiền an toàn nổi tiếng bao gồm 12 địa điểm trên khắp nước Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là Ngân hàng New York. Đây là chi nhánh hoạt động tích cực nhất của Fed và cũng là đại lý tài chính duy nhất của Bộ Tài chính Mỹ. Ngân hàng New York cũng có kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới với hơn 497.000 thỏi vàng.
Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng New York được thành lập vào năm 1914. Hệ thống an ninh của nó được giữ bí mật nghiêm ngặt nên có rất ít thông tin, nhưng có một lực lượng Cảnh sát Dự trữ Liên bang Mỹ làm nhiệm vụ canh gác những căn hầm này. Ngân hàng New York cũng có hệ thống an ninh nhiều lớp mà không nhiều người biết đến hoặc nhìn thấy. Kho vàng nổi tiếng của nó được cho là nằm ở tầng hầm. Một điều thú vị về Fed là không chỉ cất giữ vàng của Mỹ mà còn của các nước khác và các cá nhân trên khắp thế giới.
Kho vàng Ngân hàng Anh
Đây là ngân hàng trung ương của Vương quốc Anh, được thành lập vào năm 1694 và cũng là ngân hàng lâu đời thứ 8 trên thế giới. Ngân hàng Anh độc quyền phát hành tiền giấy cho Anh và xứ Wales.
Một điều thú vị liên quan đến ngân hàng này là số lượng vàng được cất giữ bên trong nó. Tính đến năm 2016, kho vàng của Ngân hàng Trung ương Anh chứa 400.000 thỏi tương đương với 5.659 tấn vàng hay 3% tổng lượng vàng của thế giới. Điều này làm cho Ngân hàng Trung ương Anh trở thành nơi giữ vàng nhiều thứ hai trên thế giới.
Số vàng này được bảo vệ an toàn và không ai nhìn thấy, việc tiếp cận kho vàng bị nghiêm cấm. Ngân hàng cho phép khách hàng giao dịch vàng thỏi, nhưng thay vì cho người liên tục vào hầm để chuyển vàng thì họ chỉ cần đổi tên chủ sở hữu của các thỏi vàng được lưu trong cơ sở dữ liệu của họ. Hai nhân vật hoàng gia hàng đầu của Vương quốc Anh là Nữ hoàng Elizabeth II và Thái tử Charles đã từng tham quan kho vàng trước đây. Một nhóm phóng viên của BBC cũng đã được nhìn thấy, nhưng họ chỉ được phép quay rất ít hình ảnh để giữ bí mật.
Bahnhof
Đây là một kho tiền mà trước đây không ai biết là có tồn tại. Trong khi các hầm khác được dùng để cất giữ tài sản tiền bạc thì hầm Bahnhof được dùng để bảo vệ dữ liệu của WikiLeaks. Trung tâm Dữ liệu Bahnhof nằm bên trong boongke Pionen, và boongke này nằm sâu bên trong dãy núi White ở Stockholm, Thụy Điển.
Boongke của Thụy Điển có chức năng như hầm trú bom hạt nhân thời chiến tranh lạnh, sau đó trở thành một cơ sở lưu trữ cho WikiLeaks từ ngày 9/12/2010. Jon Karlung, chủ tịch và người sáng lập của Bahnhof, đã cất giữ hai hộp đen mỏng là những máy chủ bí mật của WikiLeaks chứa các tài liệu mật liên quan đến Đại sứ quán Mỹ. Julian Assange, người tạo ra WikiLeaks, đã giấu máy tính của mình trong hầm chứa mặc dù đã bị bắt vì tấn công tình dục.
Trung tâm dữ liệu Bahnhof trên thực tế không thể xuyên thủng nhờ được boongke bảo vệ, nhưng an ninh mạng mới là điều họ tập trung nhiều nhất. Bất chấp những tranh cãi liên quan đến trang web WikiLeaks, Bahnhof đã chấp nhận vị khách hàng đặc biệt này, vì khách hàng không vi phạm luật pháp Thụy Điển và vẫn trả phí cho họ xứng đáng.
Trên đây là những căn hầm bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Bạn ấn tượng nhất với căn hầm nào? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Top 3 chiếc điện thoại siêu bảo mật trứ danh trên thế giới
- 16 loại kem độc lạ trên thế giới khiến bạn ngỡ ngàng ngơ ngác vì quá ngon
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!