Bánh ngào mật mía Nghệ An là món bánh không quá cầu kỳ trong khâu thực hiện nhưng thành phẩm thì chắc chắn sẽ chinh phục được bạn ngay từ lần thưởng thức đầu tiên. Bánh ngào được làm từ bột nếp và mật mía nên có độ dẻo, vị ngọt thanh vô cùng ngon. Nếu chưa có dịp đến xứ Nghệ thì bạn vẫn có thể thưởng thức món bánh ngon bằng việc tự thực hiện tại nhà với các bước đơn giản được BlogAnChoi chia sẻ dưới đây. Hãy xắn tay áo vào làm món bánh thơm ngon này thôi nào!

Sponsor

Bánh ngào mật mía Nghệ An

Bánh ngào hay còn được gọi là bánh mật, là món đặc sản truyền thống thơm ngon của Nghệ An. “Bánh ngào” – cái tên này có lẽ xuất phát từ cách làm bánh. Bởi thay vì nhồi nhân thì mật mía lại được phủ xung quanh bánh tạo nên một màu vàng óng, ngọt ngào. Cũng có người cho rằng chữ “ngào“ bắt nguồn từ hương thơm “ngào ngạt” của gừng làm ấm lòng người miền Trung những ngày se lạnh.

Bánh ngào mật mía Nghệ An
Bánh ngào mật mía Nghệ An. (Nguồn: Cook Béo)

Nhìn chung, bánh ngào Nghệ An khá giống với bánh trôi miền Bắc. Nhưng khác bánh trôi, món bánh đặc sản Nghệ An này lại được làm từ bột nếp và mật mía. Bánh có hình cái kén hoặc hình bầu dục, không có nhân, được nấu với mật mía thay đường. Bánh ngào Nghệ An có vị ngọt đậm, dai, thơm mùi nếp xen lẫn mùi gừng hấp dẫn.

Nguyên liệu làm món bánh ngào mật mía Nghệ An

  • 200g bột nếp
  • 1 củ gừng tươi
  • Mật mía

    Nguyên liệu làm món bánh ngào mật mía
    Nguyên liệu làm món bánh ngào mật mía. (Nguồn: Cook Béo)

  • Vừng trắng hoặc vừng đen (nếu thích)
  • Gia vị: muối hạt, dầu ăn.

Sơ chế nguyên liệu

  • Cho bột nếp ra thau hoặc tô lớn, sau đó cho 1 muỗng canh dầu ăn và ¼ muỗng cà phê muối vào, trộn đều. Tiếp đến, rưới 120-125ml nước nóng già vào để nhồi bột.
  • Rưới nước vào từ từ để có thể căn chỉnh cho bột không bị nhão.
Nhào bột
Nhào bột. (Nguồn: Cook Béo)
  • Tiếp tục nhào đến khi thấy khối bột dẻo mịn nhưng không bị dính vào tay là được.
  • Sau khi nhào bột xong, để bột nghỉ trong khoảng 5-10 phút rồi dùng màng bọc thực phẩm hoặc túi bóng bọc kín khối bột không bị khô.
  • Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi cắt thành sợi.

Các bước làm bánh ngào mật mía Nghệ An

Bước 1: Nặn bánh ngào

  • Trước khi nặn bánh thì nên nhồi lại 1 lần nữa.
Tạo hình bánh
Tạo hình bánh. (Nguồn: Cook Béo)
  • Sau đó, véo 1 nhúm bột nhỏ, vo thành viên hình tròn, hoặc hình tròn rồi ấn dẹt xuống, hay là hình viên kén.

Bước 2: Nấu bánh ngào

  • Bắc lên bếp 1 nồi nước và nấu sôi. Khi nước sôi gà thì thả bánh vào luộc ở lửa vừa.
  • Khi chín, bánh sẽ nổi lên trên.
Luộc bánh
Luộc bánh. (Nguồn: Cook Béo)
  • Tiếp tục luộc thêm khoảng 1-2 phút rồi vớt bánh ra ngâm vào 1 bát nước để bánh ngào không bị dính vào nhau.

Bước 3: Nấu nước mật ngào bánh

  • Cho vào nồi 550ml nước lọc, 200ml mật mía và gừng tươi cắt sợi vào nồi, khuấy đều và nấu ở lửa vừa.
  • Khi mật sôi, nấu thêm khoảng hơn 1 phút để mật có độ sánh rồi thả bánh vào để ngào trong 2-3 phút.

    Ngào đường
    Ngào đường. (Nguồn: Cook Béo)

  • Cuối cùng tắt bếp và múc bánh ngào ra bát. Nếu dùng vừng rang thì rắc lên trên.

Thành phẩm món bánh ngào mật mía Nghệ An

Món bánh ngào dẻo dẻo, nước mật mía thì ngọt thanh, có thêm mùi thơm của gừng và mè trắng khiến ai ăn cũng mê. Bánh ngào là món bánh thích hợp để thưởng thức vào những ngày đông lạnh và thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm cúng năm mới hay rằm của người miền Trung, với ý nghĩa tượng trưng cho sự ngọt ngào, ấm áp, đủ đầy. Hãy thử làm ngay các bạn nhé!

Thành phẩm món bánh ngào mật mía
Thành phẩm món bánh ngào mật mía. (Nguồn: Cook Béo)

Một số lưu ý khi làm món bánh ngào mật mía Nghệ An

  1. Để làm bánh ngào Nghệ An, bạn cần phải có bột nếp, mật mía và gừng. Đây là những nguyên liệu làm nên ‘linh hồn’ của món bánh ngọt ngào, ấm nồng này.
  2. Nếu không ăn được vị cay, sau khi thái bạn ngâm sợi gừng trong bát nước muối loãng khoảng 5-10 phút sau đó vớt ra rửa sạch lại. Hoặc bạn cũng có thể chần qua để gừng tiết bớt vị cay đi.
  3. Để bánh ngào không bị dính vào đáy nồi, khi thả bánh vào nồi luộc, bạn dùng đũa khuấy nhẹ để bánh chuyển động và lưu ý không nên luộc bánh ở lửa quá lớn.
  4. Tránh cho quá nhiều nước khiến cho bột bị nhão, đặc biệt bột nếp rất dễ bị nhão nếu quá ướt. Tốt nhất, bạn cho ít một để dễ điều chỉnh được độ ướt của bột.
  5. Nếu dùng vừng, bạn nhặt bỏ những tạp chất lẫn vào vừng, sau đó rang vàng dậy mùi thơm rồi cho ra bát riêng.

Sponsor
Xem thêm

Bí quyết nấu cháo trai chuẩn vị bồi bổ gia đình ngày chuyển mùa !

Thời tiết đang dần trở lạnh rồi, hôm nay BlogAnChoi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món cháo trai để ăn vào những ngày se lạnh nhé! Cách nấu cháo trai dưới đây ngon, kiểu Hà Nội ăn với quẩy giòn để đổi vị cho cả nhà. Cháo trai có độ sánh dẻo nhờ sự kết hợp của ...
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Đánh giá bài viết
Bạn thấy bài này hay không?
Có 20 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

3 BÌNH LUẬN

  1. Mình rất mong muốn được nghe suy nghĩ của các bạn về chủ đề này, hãy để lại comment nhé.

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(