Sở dĩ người Bình Định gọi món bánh cuốn này là “hai sống một chín” vì chiếc bánh được tạo ra từ hai miếng bánh tráng sống nhúng nước kèm với một miếng bánh tráng nướng giòn rụm bên trong. Ngoài ra còn có trứng vịt, chả ram, đậu hủ chiên, rau sống,… Nói chung bánh cuốn là sự hòa quyện của rất nhiều nguyên liệu gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường ngày của người Bình Định.
Phần nhân của món bánh cuốn được chuẩn bị khá công phu. Thịt phải được ướp trước một đêm cho thấm, sau đó nướng trên bếp than cho chín vàng đều. Chỉ nhìn thôi là đã muốn ăn rồi đấy.
Chả ram gói nhỏ bằng ngón tay, bên trong có thịt, đậu xanh, bún khô chiên giòn. Đậu hũ chiên vàng nhẹ để khi ăn, miếng đậu còn mềm và có vị ngọt. Trứng vịt là loại trứng của vịt chạy đồng, lòng đỏ lớn, vàng và béo. Rau cuốn gồm dưa leo, giá đỗ, rau thơm,… Trong đó giá thường được trồng tại nhà, khi trộn rau có vị ngọt, giòn và mát. Ăn một lần nhớ mãi không thôi.
Bấy nhiêu nguyên liệu đó đủ để tạo thành một chiếc bánh cuốn to bằng bắp tay người lớn, ăn một cuốn là no luôn. Tuy nhiên, bánh cuốn mà thiếu nước chấm cái ngon sẽ giảm đi một nửa. Theo người Bình Định, khách có nhớ món ăn và muốn ăn nữa hay không là do nước chấm quyết định. Nước chấm bánh cuốn được làm từ nước mắm ngon nguyên chất và đậu phộng rang xay nhuyễn. Để nước chấm không bị thiu, đậu phộng sau khi xay nhuyễn sẽ được xào lại cho thật chín trước khi cho vào nước mắm pha tỏi ớt. Nhìn chén nước chấm sóng sánh, đậm đà, quả thật muốn chấm ngay một cái bánh cuốn cho đã thèm.
Ngày nay, bánh cuốn Bình Định có mặt ở rất nhiều nơi, nhưng có lẽ không nơi nào ngon bằng nơi đã sản sinh ra nó. Chiếc bánh cuốn là tổng hòa của những nguyên liệu dân dã, tươi ngon, cách chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực. Không nhỏ nhắn, xinh xinh như bánh cuốn ở những vùng khác, bánh cuốn xứ Nẫu to bằng bắp tay, ăn một cuốn là đủ no căn dạ. Nó giống như tấm lòng thật thà chân chất của người dân ở đây. Mộc mạc nhưng tinh tế, giản dị nhưng đậm đà khó phai!