Không ai muốn chiến tranh, đặc biệt là khi nó kéo dài đủ lâu để được gọi là Chiến tranh Trăm năm (cuộc xung đột giữa Pháp và Anh bắt đầu từ thế kỷ 14 và kết thúc vào thế kỷ 15 – trên thực tế kéo dài 116 năm). Nhưng nếu chiến tranh là không thể tránh khỏi thì tốt nhất là kết thúc nó càng nhanh càng tốt. Hãy cùng BlogAnChoi xem 6 cuộc chiến tranh ngắn nhất trong lịch sử cận – hiện đại nào.
1. Chiến tranh Anh – Zanzibar (38 đến 45 phút)
Năm 1896, Zanzibar bị Đế quốc Anh tấn công nhằm buộc quần đảo này hoàn toàn thuần phục dưới sự cai trị của Anh. Hành động vội vàng này là do vị quốc vương tương đối mềm yếu Hamad bin Thuwaini vừa qua đời (một số người nghi ngờ rằng ông đã bị đầu độc) và Sayyid Khalid bin Barghash Al-Busaid cứng rắn hơn trở thành vị vua tiếp theo.
Khi quốc vương Khalid từ chối cúi đầu, người Anh đã tấn công. Cuộc chiến diễn ra rất dễ dàng: Zanzibar nằm gần bờ biển nên quân đội Anh chỉ cần điều động chiến hạm để bắn phá những đối thủ không có sức chống trả. Toàn bộ “cuộc xung đột” gây ra khoảng 500 thương vong cho phía Zanzibar và kết thúc trong khoảng từ 38 đến 45 phút, khiến nó trở thành cuộc chiến ngắn nhất được ghi nhận trong lịch sử nhân loại. Thời gian chính xác không thể xác định được vì một trong những thứ đầu tiên mà người Anh bắn hạ là tháp đồng hồ.
2. Cuộc xâm lược Anjouan (1 ngày)
Vào năm 2008, quân đội từ Comoros, một quần đảo ở Ấn Độ Dương, đã chiếm đảo Anjouan trong vòng chưa đầy một ngày – một sự kiện được các nhà quan sát quốc tế mô tả là “bắt nạt kẻ yếu”. Với sự hỗ trợ từ các lực lượng trong Liên minh châu Phi (một hội đồng gồm 55 thành viên là các quốc gia trên lục địa châu Phi), Comoros đã buộc Mohamed Bacar – người đứng đầu đảo được bầu chọn bất hợp pháp phải chạy trốn khỏi hòn đảo, nơi sinh sống của khoảng 300.000 người. Những người chỉ trích cuộc chiến này cho rằng đây là cách Liên minh châu Phi củng cố vị thế quốc tế của mình và vì nó vốn chỉ diễn ra một chiều nên không có báo cáo về thương vong.
3. Cuộc chiến 100 giờ (100 giờ)
Cuộc xung đột năm 1969 này giữa El Salvador và Honduras bùng nổ sau một trận bóng đá nên nó còn có biệt danh khác là “cuộc chiến bóng đá”.
Hai đội bóng đến từ hai quốc gia Trung Mỹ này đã tham gia vào trận bóng mà El Salvador giành chiến thắng 3-2. Đồng thời, hai quốc gia cũng có mối thù về việc công dân của El Salvador chuyển đến Honduras để sử dụng diện tích đất nông nghiệp lớn hơn, một hành động khiến những người di cư sau này buộc phải quay trở lại El Salvador. Điều này leo thang và trở thành El Salvador cố gắng xâm lược Honduras và khiến khoảng 3000 người thương vong trước khi các cố gắng ngoại giao đến từ quốc tế giảm bớt căng thẳng giữa hai bên và El Salvador miễn cưỡng rút quân.
Cuộc chiến này kéo dài khoảng bốn ngày và vẫn được cho là kết quả của một cuộc so tài thể thao.
4. Chiến tranh Nga – Gruzia (5 ngày)
Rất lâu trước khi đưa quân vào Ukraine, Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh với Gruzia, tập trung vào các tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia, nơi đã bày tỏ mong muốn độc lập khỏi Gruzia vào khoảng thời gian Liên Xô sụp đổ.
Sau nhiều năm căng thẳng gia tăng, vào tháng 4 năm 2008, Gruzia đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công bằng máy bay không người lái trên bầu trời Abkhazia. Nga đã gửi nhiều binh sĩ tới khu vực giao tranh với lí do sửa chữa đường sắt. Căng thẳng và giao tranh gia tăng đến mức vào tháng 8, tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili đã phản ứng bằng cách điều quân tới Nam Ossetia, nơi có sức mạnh quân sự được Nga hậu thuẫn. Điều này khiến căng thẳng nhanh chóng leo thang và dẫn đến các cuộc không kích của Nga, trên mặt đất, quân đội của Nga cũng đã tiến sát tới tận thủ đô Tbilisi của Gruzia.
Trong khoảng một tuần, hai bên đã đi đến thỏa thuận ngừng bắn. Gruzia có gần 400 người chết, Nam Ossetia có 365 người và binh lính Nga chỉ có 67 người, hàng trăm người khác bị thương ở cả hai bên. Phía Gruzia tuyên bố Nga vẫn đang chiếm đóng lãnh thổ bất chấp lệnh ngừng bắn, trong khi Nga công nhận các tỉnh này là khu vực độc lập. Cả Nam Ossetia và Abkhazia hiện được hầu hết các quốc gia coi là khu vực ly khai, ngăn cách với phần còn lại của Gruzia bằng các trạm kiểm soát và hàng rào dây thép gai.
5. Cuộc chiến 6 ngày (6 ngày)
Trong khi các cuộc chiến tranh trong thời gian ngắn thường ít gây ra đổ máu thì cuộc xung đột nổ ra giữa Israel và lực lượng liên hợp giữa Ai Cập, Syria và Jordan vào năm 1967 là một ngoại lệ.
Israel và các quốc gia Ả Rập có tranh chấp biên giới trong những năm 1960, từ đó gây ra bất ổn về mặt chính trị, sau đó căng thẳng gia tăng dẫn tới các trận không chiến giữa quân đội Israel và Syria. Khi có thông tin cho rằng Israel đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược vào Syria, tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser đã bố trí quân đội tiến vào Israel trước. Lực lượng Phòng vệ Israel đã đáp trả cuộc xâm lược bằng cách bắn máy bay Ai Cập trước khi làm điều tương tự với Jordan, Syria và Iraq.
Vào thời điểm Liên Hợp Quốc can thiệp và yêu cầu hai bên ngừng bắn trong vòng một tuần, hơn 20.000 binh sĩ và công dân Ả Rập đã thiệt mạng. Trong khi đó, Israel đã tăng gấp ba diện tích các khu vực được coi là một phần lãnh thổ của mình.
6. Chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ – Síp (1 tháng 1 ngày)
Đảo Síp ở Địa Trung Hải từ lâu đã phải vật lộn dưới sự nhăm nhe của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1960, nước này tuyên bố chủ quyền, nhưng điều đó không làm giảm căng thẳng khi hai phe thân Hy Lạp và thân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục có xung đột.
Năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược hòn đảo, buộc cư dân Hy Lạp phải di dời. Mặc dù cuộc xung đột kết thúc tương đối nhanh chóng, nhưng nó đã dẫn đến việc chính phủ đảo Síp bị chia rẽ kéo dài cho đến tận ngày nay.
Bạn có thể đọc thêm:
- Di sản vĩnh hằng của Elizabeth Stuart – “Vương hậu mùa đông” xứ Bohemia (Phần 1)
- 10 sự thật thú vị về James VI và I – vị vua săn phù thủy (Phần 1)
- 7 sự thật về Scone – “viên đá Định Mệnh” của Hoàng gia Anh
Những bình luận của các bạn sẽ giúp cho bài viết trở nên đặc sắc hơn, hãy để lại ý kiến của mình nhé.