Ấn Độ là quốc gia bị COVID-19 càn quét dữ dội và để lại nhiều thiệt hại, nhưng giờ đây các cơ quan y tế của nước này lại thêm nỗi lo về virus Nipah – mầm bệnh có tỷ lệ tử vong cao gấp nhiều lần COVID-19.
- Virus Nipah được phát hiện ở Ấn Độ đã gây tử vong cho người
- Virus Nipah là gì và lây lan như thế nào?
- Bệnh Nipah có triệu chứng như thế nào?
- Virus Nipah có phổ biến không?
- Virus Nipah nguy hiểm như thế nào? Có đáng sợ hơn COVID-19 không?
- Bệnh Nipah được chẩn đoán như thế nào, và có cách chữa trị hoặc phòng ngừa không?
Virus Nipah được phát hiện ở Ấn Độ đã gây tử vong cho người
Ngày 5/9 vừa qua, một cậu bé 12 tuổi ở bang Kerala của Ấn Độ đã tử vong sau khi nhiễm virus Nipah. Vụ việc khiến các cơ quan y tế bắt đầu lo ngại căn bệnh nguy hiểm này có thể đe dọa quốc gia vốn đã bị tàn phá nặng nề vì đại dịch COVID-19, với hơn 441.000 ca tử vong tính đến nay.
Sau ca bệnh nói trên, đến nay đã có ít nhất 2 nhân viên y tế được xác nhận xét nghiệm dương tính với virus Nipah. Các cơ quan chức năng địa phương đang tiếp tục theo dõi những người đã tiếp xúc với cậu bé nhằm ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh được cho là gây chết người hơn COVID-19 này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh Nipah có mặt trong danh sách các bệnh cần ưu tiên quan tâm vì có khả năng gây ra dịch. Mức độ nguy hiểm của nó còn đáng lo ngại hơn nhiều lần trong bối cảnh đất nước Ấn Độ vẫn đang tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19. Nước này có tổng số ca nhiễm cao thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ) và hệ thống y tế của họ đã trở nên quá tải khi các biến thể của virus SARS-CoV-2 bùng phát dữ dội suốt thời gian qua.
Phát biểu với truyền thông địa phương, Bộ trưởng Y tế của bang Kerala là bà Veena George cho biết: “Cho đến nay không có gì phải hoảng sợ, nhưng chúng ta cần thận trọng”. Trong khi đó Bộ trưởng Y tế của Ấn Độ, ông Mansukh Mandaviya, cho biết đã điều động một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quốc gia đến địa phương để hỗ trợ.
Virus Nipah là gì và lây lan như thế nào?
Đây không phải lần đầu tiên virus Nipah (viết tắt là NiV) được phát hiện trên thế giới, tuy nhiên so với các bệnh truyền nhiễm khác thì nó vẫn là cái tên khá mới mẻ. Năm 1999, loại virus này đã gây ra một đợt dịch bệnh cho những người chăn nuôi lợn ở Malaysia. Nguồn lây được cho là những con vật bị nhiễm bệnh và dịch cơ thể của chúng có chứa virus.
Theo điều tra của WHO, vật chủ tự nhiên của virus Nipah là loài dơi ăn quả – hay còn gọi là “cáo bay”. Virus từ động vật như dơi hoặc lợn có thể lây cho người, sau đó lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần.
Ở các vùng nông thôn nơi phát hiện bệnh Nipah, dơi ăn quả thường sống trên những cây chà là mọc gần chợ. Virus từ dơi nhiễm vào các loại thực phẩm – chẳng hạn như trái cây và nước ép chà là sống – sau đó lây cho những người ăn phải chúng.
Các vật nuôi trong nhà như ngựa, chó và mèo cũng có thể nhiễm virus và lây cho người, trong đó lợn được cho là loài vật rất dễ lây nếu con người tiếp xúc với dịch tiết hoặc các sản phẩm thịt của chúng.
Căn bệnh truyền nhiễm chết người này cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc gần, chẳng hạn như dịch cơ thể của người bệnh lây cho các thành viên trong gia đình hoặc người chăm sóc họ.
Ấn Độ đã từng đối mặt với một đợt bùng phát virus Nipah năm 2018 với 19 người bị nhiễm, trong đó có tới 17 người đã thiệt mạng. Năm 2019 lại có thêm một ca mắc được ghi nhận tại nước này, nhưng các cơ quan y tế đã hành động nhanh chóng và truy vết rộng rãi giúp ngăn không cho bệnh lây lan thêm.
Bệnh Nipah có triệu chứng như thế nào?
Các triệu chứng của bệnh thay đổi rất đa dạng và còn tùy thuộc vào cơ địa của người bị nhiễm. Trong các trường hợp nhẹ, người bệnh thường bị sốt, đau đầu, đau họng, đau nhức cơ toàn thân, nôn ói. Những ca nặng có thể bị nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm như viêm não và ảnh hưởng đến hô hấp.
Các triệu chứng khác đã được ghi nhận bao gồm co giật có thể dẫn đến hôn mê và thay đổi tính cách. Đặc biệt một số người nhiễm virus hoàn toàn không có biểu hiện bất thường.
Virus Nipah có phổ biến không?
Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên, cho đến nay loại virus này đã gây ra các đợt bùng phát ở Bangladesh, Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore. Theo các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của một số nước châu Á, các ca nhiễm mới của loại virus này được ghi nhận “gần như mỗi năm”.
Virus Nipah nguy hiểm như thế nào? Có đáng sợ hơn COVID-19 không?
Thống kê của WHO cho thấy tỷ lệ tử vong do virus Nipah gây ra là rất cao – từ 40 đến 75%. Con số này lớn gấp nhiều lần so với COVID-19 – tỷ lệ tử vong từ 0,1% đến 19% tùy vào các quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên điều cần lưu ý là: mặc dù nguy cơ tử vong nếu bị nhiễm virus Nipah là rất cao, nhưng khả năng lây truyền của nó lại kém hơn nhiều so với SARS-CoV-2.
Bệnh Nipah được chẩn đoán như thế nào, và có cách chữa trị hoặc phòng ngừa không?
Theo các chuyên gia y tế, vấn đề đáng lo ngại nhất của virus Nipah là mọi người chưa hiểu biết và quan tâm đến nó nhiều như COVID-19, khiến cho việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa trở nên khó khăn hơn. Những bệnh nhân nhiễm virus có triệu chứng đôi khi bị chẩn đoán nhầm thành bệnh khác do biểu hiện giống nhau và ít người nghĩ đến nguyên nhân do Nipah.
Phương pháp hiện nay để xác định virus Nipah là xét nghiệm PCR sử dụng các mẫu dịch của bệnh nhân và các xét nghiệm khác để phát hiện kháng thể chống lại virus.
Hiện chưa có cách điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine giúp ngăn ngừa virus Nipah. Theo WHO và CDC (Mỹ), phương pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc hỗ trợ – tức là giảm nhẹ các triệu chứng, bổ sung nước và dinh dưỡng, cho người bệnh nghỉ ngơi để tự hồi phục.
Để phòng tránh lây nhiễm, các chuyên gia y tế khuyên nên tránh tiếp xúc gần với những người bị nhiễm virus Nipah mà không có trang bị bảo hộ. Những người thăm nom hoặc chăm sóc bệnh nhân phải thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc.
Để ngăn ngừa virus từ động vật lây sang người, hãy tránh xa các thực phẩm bị nhiễm bẩn, đặc biệt là từ loài dơi ăn quả. Rửa sạch và gọt vỏ trái cây trước khi ăn, và tránh tiếp xúc gần với động vật bị nhiễm bệnh như dơi hoặc lợn.
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Virus Marburg – Mầm bệnh nguy hiểm vừa được phát hiện và được WHO gọi là “dễ gây ra dịch”
- COVID-19 có thể gây ra 11 triệu chứng rất kỳ lạ này, bạn đã biết chưa?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!