HIV/AIDS được mệnh danh là căn bệnh thế kỷ, nhưng không phải ai cũng có kiến thức đầy đủ về HIV và có rất nhiều hiểu nhầm về căn bệnh này. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về HIV/AIDS qua 10 câu hỏi sau nhé!

1. HIV là gì?

HIV (Human Immuno – Deficiency Virus) là loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người. HIV gồm 1 tuýp là HIV-1 và HIV-2. AIDS (Acquired Immuno – Deficiency Syndrome) là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải gây ra bởi HIV.

HIV/AIDS là căn bệnh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1981 bằng hội chứng viêm phổi do nấm Pneumocytis carrinii hoặc u hạch ở nam giới đồng tính luyến ái. Ở Việt Nam, lần đầu tiên phát hiện trường hợp nhiễm HIV vào năm 1990, từ đó đến nay, số người nhiễm và tử vong do HIV đã tăng lên nhanh chóng.

HIV tấn công tế bào của hệ miễn dịch, làm suy giảm số lượng T-CD4 và rối loạn chức năng của tế bào này, dẫn đến một loạt các rối loạn khác của hệ miễn dịch, gây ra suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, tạo điều kiện cho nhiễm trùng cơ hội phát triển, cuối cùng dẫn tới tử vong.

Virus HIV
Virus HIV là nguyên nhân gây hội chứng HIV/ AIDS (Nguồn: Internet).

2. Những giai đoạn của HIV

  • Giai đoạn nhiễm trùng khởi phát: Kéo dài 3-8 tuần, đây là giai đoạn cửa sổ, nếu lấy máu để truyền trong giai đoạn này sẽ dễ lây nhiễm HIV, mặc dù đã lấy máu sàng lọc do các kỹ thuật hiện nay có thể không đủ độ nhạy để phát hiện.
  • Giai đoạn nhiễm trùng tiềm tàng: Kéo dài 3 tháng đến 10 năm hoặc dài hơn, và không có triệu chứng lâm sàng.
  • Giai đoạn biến thành hội chứng AIDS: Biểu hiện hội chứng AIDS trên lâm sàng như nhiễm trùng, nhiễm trùng cơ hội; Ung thư hóa: ung thư hóa hệ lympho; Biểu hiện trực tiếp của nhiễm HIV: bệnh não do HIV, bệnh tủy do HIV.

3. Dấu hiệu nhiễm HIV

Dấu hiệu nhiễm HIV hay gặp nhất

  • Sụt trên 10% cân nặng
  • Sốt kéo dài trên 1 tháng
  • Tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng

Dấu hiệu nhiễm HIV có thể gặp

  • Ban đỏ, ngứa toàn thân
  • Nổi mụn rộp toàn thân
  • Ho dai dẳng kéo dài trên 1 tháng
  • Nhiễm nấm ở hầu, họng kéo dài hay tái phát
  • Nổi hạch ít nhất 2 nơi trên cơ thể (không kể hạch bẹn) kéo dài hơn 3 tháng
  • Bệnh Zona tái đi tái lại

Chẩn đoán AIDS khi có ít nhất 2 triệu chứng chính và 1 triệu chứng phụ mà không có các nguyên nhân ngoài HIV như: ung thư, thuốc ức chế miễn dịch…

4. Các xét nghiệm chẩn đoán HIV cần làm

  • Xét nghiệm kháng thể: Rất phổ biến hiện nay, thông qua phát hiện kháng thể HIV gián tiếp chỉ ra sự có mặt của HIV.
  • Xét nghiệm trực tiếp: Trực tiếp phát hiện ra virus HIV, gồm các xét nghiệm: nuôi cấy HIV, xét nghiệm kháng nguyên, phản ứng chuỗi polymerase.
  • Các xét nghiệm máu hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá suy giảm miễn dịch.
  • Xét nghiệm phát hiện bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh lây qua đường tình dục: giang mai, lao, viêm gan B…
hiv test
Người nghi ngờ nhiễm HIV cần làm xétt nghiệm để chẩn đoán xác định (Nguồn: Internet).

5. HIV lây nhiễm qua những con đường nào?

HIV có thể lây nhiễm từ người sang người qua những con đường sau:

  • Đường máu: Do truyền máu hoặc chế phẩm từ máu nhiễm HIV, dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo, dùng chung bơm kim tiêm, các dụng cụ xã hội ( dùng chung dao cạo râu, đồ sửa móng…). Ngoài ra có thể nhiễm HIV do cấy ghép phủ tạng hoặc thụ tinh nhân tạo từ người nhiễm HIV.
  • Đường tình dục: Tình dục đồng giới, khác giới do HIV có nhiều trong dịch âm đạo, tinh dịch.
  • Đường truyền từ mẹ sang con: HIV truyền từ mẹ sang con qua nhau thai và qua quá trình chuyển dạ.
con đường lây nhiễm HIV
Các con đường lây nhiễm HIV  (Nguồn: Internet).

6. HIV có lây qua nước bọt hay qua da lành không?

Một vài nghiên cứu cho thấy, HIV được tìm thấy trong nước bọt, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có cơ sở để kết luận HIV có thể lây qua đường ăn uống, và sự thật là người bị nhiễm HIV có thể ăn uống bình thường với gia đình mà không cần cách ly.

Khi chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS, tiếp xúc với dịch sinh học của người bệnh, cần đảm bảo không bị xây xát vì HIV không lây qua da lành. Những tiếp xúc hàng ngày như bắt tay, ôm,… cũng không làm lây nhiễm HIV.

HIV lây qua đường máu nhưng mọi người hoàn toàn có thể yên tâm vì muỗi đốt không làm lây nhiễm HIV do cấu tạo đặc biệt ở vòi muỗi.

7. HIV có thuốc chữa chưa?

Hiện nay, HIV chưa có thuốc chữa và vaccin đặc hiệu, tuy nhiên, đây là căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với HIV hàng thập kỷ nếu uống thuốc điều trị nhằm bảo đảm mức độ virus ở mức nhất định và duy trì hệ thống miễn dịch ổn định.

Các thuốc dùng cho người bị nhiễm HIV có tác dụng kìm hãm sự phát triển của virus, kéo dài thời gian nhiễm, làm chậm thời điểm xuất hiện AIDS. Các thuốc điều trị HIV thường được phối hợp với nhau để tăng hiệu quả và phòng ngừa tình trạng kháng thuốc. Thuốc HIV phải được sử dụng hàng ngày và việc dùng hay phối hợp thuốc như thế nào phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

8. Người bệnh HIV có thể sống được bao lâu?

Thực tế, như đã nhắc tới, HIV là căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được. Đi khám bác sĩ thường xuyên và uống thuốc kháng HIV đúng theo chỉ dẫn, người bệnh có thể kéo dài thời gian diễn biến thành AIDS hàng chục năm và có tuổi thọ bình thường hoặc gần như bình thường.

9. Làm sao để phòng tránh nhiễm HIV/AIDS?

Hạn chế nhiễm HIV bằng cách cắt đứt các đường gây lây truyền HIV

  • Tình dục an toàn (sử dụng bao cao su), duy trì chế độ một vợ một chồng. Bạn có thể tìm mua bao cao su chất lượng tại đây.
  • Không tiêm chích ma túy.
  • Các dụng cụ y tế phải được tiệt trùng đúng quy định.
  • Sử dụng các dịch vụ mang tính cộng đồng như thẩm mỹ viện, châm cứu… tại cơ sở uy tín, vệ sinh dụng cụ đảm bảo.
  • Kiểm tra sàng lọc HIV các sản phẩm máu trước khi truyền.
  • Mẹ bị nhiễm HIV không nên sinh con nhưng nếu đã mang thai muốn sinh con cần dự phòng bằng zidovudine hoặc nevirapine.
  • Hiện nay chưa có vaccin đặc hiệu do HIV thường xuyên thay đổi cấu trúc vỏ, có khả năng biến dị và che đậy cấu trúc kháng nguyên.

Các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao cần được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV, kết hợp 2-3 thuốc trong 4 tuần.

10. Xử trí khi giẫm phải kim tiêm nghi nhiễm HIV

Hiện nay, càng ngày càng có nhiều trường hợp bị phơi nhiễm HIV do vô ý giẫm phải bơm kim tiêm đã qua sử dụng. Khi bạn không may va chạm với đầu kim sắc nhọn, bạn cần lưu ý:

  • Tuyệt đối không được nặn máu
  • Rửa dưới vòi nước chảy
  • Dùng xà phòng để sát trùng và rửa sạch
Bơm kim tiêm
Bơm kim tiêm bị vứt bừa bãi (Nguồn: Internet).
  • Trong vòng 24h cần đến các cơ sở y tế để được xử lý vết thương và nghe tư vấn từ bác sĩ. Không được tự ý xử lý vết thương ở nhà, sử dụng các loại lá thuốc không rõ nguồn gốc và tác dụng. Uống thuốc phơi nhiễm nếu nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV trong vòng 72h đầu sau tai nạn, liên tục uống trong 4 tuần. Sau 6 tháng, kiểm tra lại vẫn âm tính với HIV, bạn có thể hoàn toàn yên tâm mình không bị bệnh.

Theo chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), số ca tử vong do HIV là 770.000 người trong năm 2018 và hiện có 37,9 triệu người mắc căn bệnh này trên toàn cầu. Đây vẫn là vấn đề nan giải, thách thức khó khăn mà con người phải đối mặt trong thế kỷ này.

Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:

Hy vọng qua 10 câu hỏi trên, BlogAnChoi đã đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích, cần thiết về căn bệnh HIV. Đừng quên theo dõi chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích mới bạn nhé!

 

Xem thêm

Tai biến mạch máu não thường gặp ở những đối tượng nào?

Tai biến mạch máu não đã gây nên cái chết của 6,5 triệu người và khiến 113 triệu người tàn tật chỉ trong năm 2013. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tai biến mạch máu não sau đây cần có thái độ phòng tránh tích cực.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận