Với những người bị thiếu vitamin trong chế độ ăn hoặc muốn bồi bổ sức khỏe thì uống vitamin bổ sung là giải pháp tiện lợi nhất. Có người uống vitamin vào buổi sáng khi bụng đói, có người lại uống trong bữa ăn hoặc không có giờ giấc cố định. Vậy thực sự thời điểm tốt nhất để uống vitamin là lúc nào?
Đáp án cho câu hỏi trên tùy thuộc vào từng loại vitamin mà bạn sử dụng. Một số loại nên uống tốt nhất vào buổi sáng khi bụng đói, trong khi những loại khác được hấp thu tốt hơn nếu có thức ăn.
Các loại vitamin tan trong nước
Nhóm này bao gồm vitamin C và các vitamin nhóm B bao gồm B1 (thiamine), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (axit pantothenic), B6 (pyridoxine), B7 (biotin), B9 (folate), và B12 (cobalamin). Các vitamin này tan trong nước và được cơ thể hấp thu dễ dàng mà không cần thức ăn đi kèm, do đó có thể uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày đều được.
Một điều quan trọng cần lưu ý là các loại vitamin này không thể dự trữ trong cơ thể, tức là lượng vitamin dư thừa sẽ được bài tiết qua nước tiểu. Vì vậy chỉ cần dùng đúng liều như hướng dẫn, nếu uống nhiều hơn cũng không có tác dụng tốt hơn.
Đặc biệt vitamin C có thể gây ra các triệu chứng về tiêu hóa do làm tăng axit trong dạ dày. Bạn có thể uống vitamin C vào bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng nghiên cứu cho thấy khi uống cùng với thức ăn có thể tránh tác dụng phụ về tiêu hóa.
Các vitamin tan trong chất béo
Nhóm này bao gồm vitamin A, D, E và K, không tan trong nước như nhóm trên mà tan trong chất béo, tức là cần có dầu mỡ để cơ thể hấp thu được.
Vitamin A
Ngày nay rất hiếm người bị thiếu vitamin A, nhưng nếu bạn đang dùng bổ sung chất này thì hãy uống trong bữa ăn có chất béo để cơ thể hấp thu tốt hơn.
Vitamin D
Vitamin D rất hiếm có trong thực phẩm tự nhiên mà phần lớn do cơ thể tự tổng hợp khi tiếp xúc với ánh nắng, do đó nhiều người hiện nay phải bổ sung vitamin này vì ít dành thời gian ngoài trời. Vitamin D rất quan trọng đối với xương và hệ miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy khi uống trong bữa ăn có chất béo sẽ làm tăng sự hấp thu vitamin D cao hơn khoảng 30%.
Vitamin E
Có nhiều thực phẩm chứa vitamin E tự nhiên, nhưng một số nhóm người dễ bị thiếu loại vitamin này như người bị bệnh Crohn và hội chứng ruột ngắn, khi đó có thể cần dùng sản phẩm bổ sung.
Thông thường các sản phẩm này được hướng dẫn là uống trong bữa ăn, nhưng một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ cho thấy không nhất thiết phải uống vitamin E trong bữa ăn, mà chỉ cần các bữa ăn sau đó có đủ chất béo là được.
Vitamin K
Loại vitamin này cũng có nhiều trong các thực phẩm tự nhiên, nếu dùng bổ sung thì bạn nên uống trong bữa ăn có chất béo.
Một điều cần lưu ý đối với vitamin tan trong chất béo là chúng có thể được dự trữ trong cơ thể, nếu tích tụ quá nhiều có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, do đó bắt buộc phải dùng đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi thường xuyên trong quá trình sử dụng.
Vitamin hỗn hợp
Đây là loại sản phẩm phổ biến hiện nay vì chứa hỗn hợp nhiều loại vitamin và khoáng chất, sử dụng tiện lợi và có thể tiết kiệm hơn. Vì sản phẩm chứa cả vitamin tan trong nước và vitamin tan trong chất béo nên hãy uống trong bữa ăn có chất béo để cơ thể hấp thu tốt nhất.
Bổ sung vitamin cho phụ nữ mang thai
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ cần được cung cấp đủ các chất quan trọng là sắt, canxi, vitamin D, choline, axit béo omega-3, vitamin B và vitamin C. Do đó phụ nữ mang thai thường được khuyến cáo bổ sung vitamin để đáp ứng nhu cầu cho mẹ và bé.
Đa số các chất này có thể dùng vào thời điểm bất kỳ trong ngày đều được, nhưng đặc biệt chất sắt được hấp thu tốt nhất khi bụng đói, vì vậy nên uống viên sắt vào buổi sáng lúc mới thức dậy.
Sắt cũng bị ảnh hưởng bởi thức ăn, ví dụ các thực phẩm chứa canxi như sữa cản trở hấp thu sắt nhưng vitamin C giúp hấp thu tốt hơn. Vì vậy có thể uống sắt cùng với thực phẩm có chứa vitamin C như nước cam vào buổi sáng.
Canxi và chất xơ
Canxi là chất khoáng có vai trò thiết yếu đối với xương và được dùng bổ sung khá phổ biến, nhất là đối với những người ít uống sữa và ăn các sản phẩm từ sữa. Như đã nói, canxi có thể cản trở hấp thu sắt, ngoài ra cũng ảnh hưởng tới hấp thu kẽm và magiê. Nếu bạn đang dùng các sản phẩm bổ sung chứa các chất này thì hãy uống cách xa nhau.
Một số sản phẩm bổ sung chất xơ được dùng để cải thiện tiêu hóa. Chất xơ cũng có thể cản trở hấp thu các chất dinh dưỡng khác, do đó bạn nên dùng các sản phẩm này cách xa nhau, và có thể bổ sung chất xơ trước khi đi ngủ nếu lúc đó không dùng các sản phẩm khác.
Tổng kết
Thời điểm tốt nhất để bổ sung vitamin tùy thuộc vào từng loại vitamin khác nhau. Đối với vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K thì nên uống trong bữa ăn có chất béo. Đối với các sản phẩm bổ sung khác thì có thể uống vào buổi sáng khi chưa ăn gì.
Cũng giống như với bất kỳ sản phẩm bổ sung nào khác, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo phù hợp với cơ thể mình và dùng đúng liều lượng.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Người bệnh COPD nên ăn uống thế nào? Loại thực phẩm nào giúp giảm nhẹ triệu chứng, ngăn bệnh trở nặng?
- Tăng cường lợi khuẩn đường ruột bằng 5 loại thực phẩm dễ kiếm và thơm ngon này
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!