Môi trường sống ô nhiễm, các vấn đề về thực phẩm, không khí, nước, thói quen sinh hoạt không lành mạnh,… là nguyên nhân khiến tỉ lệ các bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam, trong đó có ung thư thanh quản. Hãy đọc bài viết sau đây để hiểu thật rõ về căn bệnh tử thần này nhé!
Ung thư thanh quản là bệnh lý rất hay gặp trong chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, tỉ lệ chỉ xếp sau ung thư vòm họng. Phần lớn bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn. Nếu phát hiện sớm ung thư thanh quản thì có thể bảo tồn được chức năng nói của thanh quản, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nguyên nhân gây ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản không có nguyên nhân rõ ràng, việc tiến triển bệnh phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ mà người bệnh gặp phải. Các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên căn bệnh này là:
- Hút thuốc lá nhiều
- Uống rượu nhiều
- Tiếp xúc thường xuyên với tia xạ hay các hóa chất nguy hại
- Phải lao động trong môi trường của một số ngành nghề nguy hiểm như thợ máy, thợ gỗ, thợ hóa chất,…
- Tiền sử có mắc các bệnh được coi là tiền ung thư thanh quản như: Polyp dây thanh ở người già, u nhú thanh quản (u nhú được coi là lành tính), bệnh bạch sản thanh quản,…
Dấu hiệu ung thư thanh quản hàng đầu cần chú ý để phát hiện sớm
- Khàn tiếng: Dấu hiệu khàn tiếng không xuất hiện đột ngột, rầm rộ mà phát triển một cách từ từ, tăng dần. Nếu khối u xâm lấn gây liệt dây thanh bệnh nhân có thể không nói được.
- Khó thở: Khó thở xuất hiện do khối u chiếm chỗ gây bít tắc, cùng sự ứ đọng các chất xuất tiết và tổ chức hoại tử.
- Đau họng: Ở giai đoạn muộn mức độ đau họng có thể từ nhẹ đến nặng. Đôi khi cảm giác đau lan lên tai theo đường dẫn truyền của dây thần kinh mười và dây thần kinh tai.
- Nuốt vướng, nuốt khó.
- Ho ra máu
- Giảm cân, gầy sút: Ở giai đoạn muộn, khối u to lên làm tắc nghẽn đường ăn, bệnh nhân cảm thấy nuốt rất đau do ảnh hưởng của khối u,… bệnh nhân không ăn uống được nên giảm cân, gầy sút.
- Sưng ở vùng cổ: Khám phát hiện có hạch to ở vùng đó.
- Bác sĩ sẽ thực hiện soi thanh quản, chụp XQuang, chụp cắt lớp vi tính, sinh thiết hạch hoặc khối u để xác định chẩn đoán bệnh.
Làm gì để phòng tránh ung thư thanh quản?
Ung thư là bệnh lý nguyên nhân chủ yếu từ lối sống, môi trường sống của con người, vì thế việc ghi nhớ các lưu ý sau để chú ý hơn trong cuộc sống thường nhật là vô cùng cần thiết.
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá có rất nhiều chất độc hại, là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư trên thế giới. Khói thuốc lá không chỉ làm tổn thương bản thân người dùng mà còn ảnh hưởng rất lớn tới những người xung quanh.
- Lựa chọn sống và làm việc trong môi trường trong sạch nhất có thể, tránh xa các hóa chất độc hại.
- Nếu thấy khàn tiếng kéo dài hơn 3 tuần cần đi khám để loại trừ hoặc phát hiện sớm ung thư.
- Cần đi khám lại đúng hẹn, đúng quy trình để phòng bệnh tái phát.
- Người dân nói chung có tâm lý sợ ung thư và coi đây như một bản án tử hình nên có thể lẩn tránh không đi khám hoặc không tham gia bất kì liệu pháp điều trị nào.
Ung thư thanh quản hiện nay có nhiều biện pháp điều trị như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất hay phối hợp các phương pháp trên với nhau. Tuy nhiên dù phương pháp nào cũng sẽ có phần trăm rủi do nhất định và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế, tốt nhất là hãy chủ động phòng tránh, thay đổi thói quen sống hàng ngày, không chủ quan trước các biểu hiện bất thường của cơ thể.
Một số bài viết liên quan bạn đọc có thể tham khảo:
- Ung thư vòm họng có triệu chứng gì và phòng tránh như thế nào là tốt nhất?
- Hình ảnh ung thư vòm họng giúp bạn dễ dàng nhận biết tình trạng bệnh
- 11 nguyên tắc để phòng tránh ung thư ngay từ bây giờ
Với bài viết trên đây, bloganchoi hi vọng đã mang tới đọc giả những thông tin hữu ích về căn bệnh ung thư thanh quản. Hãy chú ý tới tình trạng của bản thân mỗi ngày bạn nhé!