Viêm túi thừa là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng túi thừa. Đây là những túi phình nhỏ có thể phát triển trong niêm mạc hệ tiêu hóa. Những túi này thường được tìm thấy ở ruột già, đặc biệt là đại tràng sigma. Mặc dù nhiều người bị túi thừa không có triệu chứng nhưng khi những túi này bị viêm hoặc nhiễm trùng, nó có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng khó chịu, thậm chí là nghiêm trọng. Nắm được các triệu chứng và biết nguyên nhân, các lựa chọn điều trị và các biện pháp khắc phục tiềm năng là rất quan trọng để kiểm soát hiệu quả tình trạng viêm túi thừa và cải thiện sức khỏe tiêu hóa nói chung.
7 triệu chứng của viêm túi thừa
Khi túi thừa không bị viêm, hầu hết mọi người thực sự không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi chúng bị nhiễm trùng thì mọi chuyện lại khác. Lúc đó sẽ có một loạt các triệu chứng, tất cả đều gây khó chịu và đau đớn. Tệ hơn nữa là tình trạng viêm túi thừa không được điều trị có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn, đe dọa đến sức khỏe và tinh thần của bạn. Cũng như hầu hết các tình trạng khác, bạn được khám và điều trị càng sớm thì kết quả sẽ càng tốt. Dưới đây là 7 triệu chứng phổ biến hàng đầu của viêm túi thừa. Nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
1. Đau bụng
Đau ở phía dưới bên trái bụng là triệu chứng đặc trưng của viêm túi thừa. Cảm giác khó chịu này có thể từ nhẹ đến nặng và có thể trở nên tồi tệ hơn khi cử động, ho hoặc đè lên vùng bị ảnh hưởng. Cơn đau có thể kéo dài trong nhiều ngày và có thể kèm theo đau khi chạm vào.
2. Thay đổi thói quen đại tiện
Những người bị viêm túi thừa có thể gặp phải những thay đổi về thói quen đại tiện, bao gồm táo bón, tiêu chảy hoặc liên tục thay đổi độ đặc của phân. Những thay đổi này có thể kèm theo cảm giác buồn đi đại tiện gấp và một số người có thể cảm thấy không đi hết phân sau khi đi đại tiện.
3. Đầy hơi và chướng bụng
Chướng bụng và tăng sản xuất khí là những triệu chứng phổ biến của viêm túi thừa. Những người bị viêm túi thừa có thể cảm thấy đầy bụng và khó chịu trong thời gian dài. Đặc biệt, tình trạng đầy hơi thường trở nên tồi tệ hơn sau bữa ăn.
4. Buồn nôn và nôn mửa
Khi tình trạng viêm trở nên tồi tệ hơn, buồn nôn và việc thỉnh thoảng nôn mửa có thể xảy ra. Điều này có thể dẫn đến chán ăn và cảm giác không khỏe nói chung.
5. Sốt
Tình trạng viêm và nhiễm trùng liên quan đến viêm túi thừa có thể dẫn đến sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt có thể kèm theo ớn lạnh khi cơ thể cố gắng điều chỉnh nhiệt độ để phản ứng với tình trạng nhiễm trùng.
6. Chảy máu trực tràng
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, mọi người có thể thấy máu đỏ tươi hoặc màu hạt dẻ trong phân, điều này rất đáng để lo ngại. Chảy máu trực tràng có thể chỉ ra một biến chứng như thủng thành đại tràng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
7. Khó chịu ở vùng chậu
Một số người bị viêm túi thừa có thể bị đau hoặc khó chịu ở vùng chậu, thường cảm thấy cùng với đau bụng. Triệu chứng này có thể đặc biệt đau đớn và có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Nguyên nhân gây viêm túi thừa
Một số yếu tố góp phần vào sự phát triển của viêm túi thừa gồm chế độ ăn ít chất xơ, lão hóa, béo phì, thiếu hoạt động thể chất và do cơ địa. Chế độ ăn ít chất xơ có thể dẫn đến táo bón, tăng áp lực lên đại tràng và góp phần hình thành túi thừa. Sự suy yếu của thành ruột do lão hóa khiến chúng dễ bị phát triển các túi thừa này hơn. Béo phì và ít vận động cũng làm tăng nguy cơ viêm túi thừa. Ngoài ra, có bằng chứng còn cho thấy mối liên hệ giữa di truyền với viêm túi thừa, nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh thì bạn cũng sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn.
Phương pháp điều trị
Việc điều trị viêm túi thừa thường kết hợp giữa thuốc và việc thay đổi lối sống. Thuốc kháng sinh sẽ được kê đơn để giải quyết tình trạng nhiễm trùng trong khi thuốc giảm đau có thể được khuyến nghị để kiểm soát tình trạng khó chịu. Trong một số trường hợp, đặc biệt là đối với viêm túi thừa tái phát hoặc nghiêm trọng, có thể cần can thiệp phẫu thuật như cắt bỏ ruột để loại bỏ các phần bị ảnh hưởng của đại tràng.
Các biện pháp khắc phục mà bạn có thể sử dụng tại nhà
Điều quan trọng cần lưu ý là chúng tôi không hề khuyến khích bạn nên cố gắng tự điều trị tại nhà khi bạn nghĩ mình mắc viêm túi thừa. Lý do là nếu không được bác sĩ chuyên khoa khám đúng cách, bạn không thể chắc chắn rằng viêm túi thừa là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của mình. Có thể có một số nguyên nhân khác, ví như ung thư ruột kết, nếu không được điều trị ngay lập tức có thể đe dọa đến tính mạng. Hơn nữa, việc tự điều trị tại nhà có thể chỉ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, cuối cùng sẽ cần các biện pháp can thiệp xâm lấn, chẳng hạn như phẫu thuật. Những gì chúng tôi gợi ý ở đây là những điều bạn có thể làm tại nhà ngoài việc điều trị y tế. Một số biện pháp khắc phục tại nhà và thói quen sinh hoạt có thể giúp làm giảm các triệu chứng, bổ sung thêm cho các biện pháp can thiệp do bác sĩ chuyên khoa kê đơn cho bạn và hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa.
6 thói quen sinh hoạt nên thử tại nhà:
- Chế độ ăn nhiều chất xơ: Dần dần đưa các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu vào chế độ ăn có thể hỗ trợ nhu động ruột đều đặn và giảm nguy cơ tái phát các đợt viêm túi thừa.
- Probiotics: Kết hợp thực phẩm hoặc chất bổ sung giàu probiotic có thể giúp duy trì hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hỗ trợ tiêu hóa.
- Uống đủ nước: Uống đủ nước là điều cần thiết cho sức khỏe tiêu hóa nói chung và có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm táo bón.
- Tập thể dục thường xuyên: Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên có thể thúc đẩy chức năng ruột khỏe mạnh và góp phần vào sức khỏe tổng thể.
- Kiểm soát căng thẳng: Thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga hoặc các bài tập thở sâu có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và hỗ trợ phục hồi.
- Tránh hút thuốc: Hút thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh túi thừa, vì vậy không hút thuốc hoặc bỏ thuốc nếu bạn đã hút thuốc sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn.
Kết luận
Nhận biết các triệu chứng của bệnh viêm túi thừa, hiểu nguyên nhân gây bệnh và biết các phương pháp điều trị có sẵn và các biện pháp khắc phục tiềm năng là rất quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Với sự kết hợp của chăm sóc y tế, điều chỉnh chế độ ăn uống và các thay đổi về lối sống, mọi người có thể chủ động để làm giảm các triệu chứng cũng như duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và nhanh phục hồi. Việc chăm sóc y tế kịp thời, thực hiện những thay đổi cần thiết về lối sống và kết hợp các biện pháp khắc phục hỗ trợ có thể có tác động tích cực đến việc kiểm soát viêm túi thừa và sức khỏe tổng thể.
Nguồn dịch: 7 Symptoms of Diverticulitis (+ Causes, Treatment, and Remedies) của tác giả Julie Hambleton trên The Hearty Soul
Bạn có thể quan tâm:
- Các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh Parkinson
- 10 dấu hiệu sớm của bệnh đa xơ cứng: Phát hiện và điều trị sớm để kiểm soát bệnh tốt hơn
Mình muốn biết suy nghĩ của các bạn về bài viết này, hãy để lại bình luận và mình sẽ trả lời và phản hồi các bạn sớm nhất có thể.