Airport Express (MTR) là một hệ thống tàu điện ngầm giúp bạn di chuyển nhanh chóng giữa sân bay và thành phố chỉ trong vòng 20 – 30 phút. Tuy nhanh chóng, nhưng giá vé của Airport Express khá cao, khoảng 100 HKD/người (270.000 VNĐ). Hơn nữa, tàu chỉ dừng ở một số trạm tàu điện ngầm, vậy nên bạn sẽ phải đi bộ thêm hoặc bằng các phương tiện khác để đến khách sạn nếu nó nằm xa trạm tàu điện.
Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn taxi hoặc xe bus, vừa có thể thoải mái ngắm cảnh trên đường, vừa có thể dễ dàng đến gần nhất nơi bạn cần mà không phải lo nghĩ việc mang vác cả đống hành lý theo người. Phí xe bus có giá khoảng 40 HKD/người (110.000 VNĐ) và taxi là khoảng 350 HKD/chuyến (960.000 VNĐ), rất phù hợp nếu bạn đi theo nhóm đông.
Một lưu ý cho bạn khi đi taxi là ở Hong Kong có 3 loại taxi hoạt động trong các khu vực riêng, phân biệt bằng 3 màu khác nhau:
· Taxi màu đỏ: chạy trong trung tâm đảo Hong Kong
· Taxi màu xanh lá: chạy trong khu vực Tân Giới
· Taxi màu xanh dương: chạy trong khu vực đảo Lantau
Thẻ Octopus được sử dụng rất phổ biến ở Hong Kong, tương tự như thẻ Oyster ở London hay Metro ở New York. Thẻ Octopus thường được sử dụng chủ yếu cho các phương tiện giao thông công cộng như: xe bus, tàu điện ngầm, phà, taxi… Hiện nay, nhiều cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7-Eleven… hay các chuỗi cửa hàng fast-food như McDonald’s, Starbucks… cũng chấp nhận thanh toán bằng thẻ Octopus.
Bạn có thể mượn thẻ và nạp tiền cho thẻ dễ dàng tại quầy dịch vụ Airport Express ở sân bay, các trạm tàu điện ngầm hay các cửa hàng tiện lợi. Khi lấy thẻ, bạn sẽ phải trả 150 HKD, trong đó có 50 HKD phí đặt cọc và 7 HKD phí mượn thẻ. Sau khi kết thúc chuyến đi, bạn trả thẻ tại các quầy dịch vụ hoặc nơi đã mượn lúc đầu, nhân viên sẽ hoàn lại tiền đặt cọc và tiền chưa sử dụng hết trong thẻ cho bạn.
Xe điện (Hong Kong Tramways) là phương tiện lý tưởng để bạn có thể dạo khắp Hong Kong tham quan với chi phí rẻ. Giá vé cho người lớn là 2,3 HKD/người và 1,2 HKD cho trẻ em. Một chút hoài cổ giữa lòng thành phố hiện đại, đông đúc cũng là một trải nghiệm thú vị đáng để thử phải không!
Với chi phí nhà ở ngày một tăng cao ở Hong Kong, việc tìm được một nơi lưu trú tiện lợi với giá cả phải chăng là một nhiệm vụ quan trọng trước khi chính thức lên đường.
Lãnh thổ Hong Kong được chia làm 3 khu vực chính, bao gồm: đảo Hong Kong, Cửu Long (Kowloon) và đảo Lantau. Ngoài ra còn rất nhiều đảo nhỏ khác. Trong đó, Cửu Long, bao gồm cả bán đảo Cửu Long và Tân Giới, là khu vực có diện tích lớn nhất và nằm ở trung tâm lãnh thổ Hong Kong, cũng là nơi tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ.
So với khu vực đảo Hong Kong và đảo Lantau, giá phòng khách sạn tại Cửu Long có phần “dễ thở” hơn và cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. Một điểm cộng khác là việc di chuyển ra các đảo từ đây cũng rất thuận tiện nhờ vị trí trung tâm của mình. Một số gợi ý nơi đặt phòng khách sạn cho bạn là các quận Yau Ma Tei, Mong Kok hay Chungking Mansion.
Được thành lập vào tháng 4 năm 2003, có trụ sở tại San Francisco (bang California – Mỹ), Couchsurfing là một mạng xã hội mở ra với mục đích trao đổi văn hóa, tinh thần hiếu khách dành cho khách du lịch thông qua việc giao lưu với các thành viên của trang tại nhiều điểm đến trên khắp thế giới. Ở Hong Kong, cộng đồng Couchsurfing hoạt động rất tích cực.
Lợi thế khi bạn tham gia vào cộng đồng Couchsurfing đó là việc nó cho phép bạn xin ở nhờ tại nhà của một thành viên khác tại điểm đến trong thời gian du lịch. Nghe có vẻ giống với dịch vụ homestay, nhưng khác là Couchsurfing hoàn toàn không có liên quan đến bất kì giao dịch tài chính nào, hay nói cách khác là bạn sẽ được ở miễn phí. Thay vào đó, người xin ở nhờ có thể “trả tiền phòng” bằng cách nấu một bữa ăn, tặng chủ nhà một món quà cảm ơn hay dạy lại cho họ một kĩ năng, tài lẻ nào đó của mình.
Với việc chi phí ăn ở chiếm một phần lớn trong ngân sách du lịch và giá phòng cao như ở Hong Kong, thì cộng đồng Couchsurfing chắc chắn là một lợi thế thấy rõ. Đăng kí thành viên, kết nối, giao lưu và tham gia các sự kiện do các thành viên khác tổ chức, bạn sẽ tìm được đúng người đáng tin cậy để cùng đồng hành trong chuyến đi của mình.
Dựa trên mô hình Thiên Đàn tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tượng Phật Thiên Đàn, còn gọi là tượng Phật lớn, là bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng được hoàn thành vào năm 1993. Bức tượng cao 34 mét, nặng 250 tấn, được đặt gần chùa Po Lin tại Ngong Ping, đảo Lantau, Hong Kong. Đây là một trong 5 pho tượng Phật lớn nhất Trung Quốc và là nơi thu hút khách du lịch rất nổi tiếng.
Khi đến đây, nhiều du khách sẽ lựa chọn cáp treo để có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh núi Ngong Ping, tuy nhiên giá không hề rẻ (từ 145 HKD/chiều và 210 HKD cho chuyến khứ hồi) và bạn không thể ngắm pho tượng cận cảnh.
Thay vào đó, hãy lựa chọn phương tiện công cộng, như xe bus tuyến số 23 từ trung tâm thị trấn Tung Chung hay tuyến số 11 từ bến phà Tai O; sau đó chinh phục 268 bậc thang dẫn lên đỉnh núi nơi bức tượng tọa lạc, vừa có thể hòa mình vào thiên nhiên núi rừng Ngong Ping, vừa được ngắm nhìn cận cảnh pho tượng Phật nổi tiếng giữa không gian hùng vĩ.
Khi đến Hong Kong, bạn đừng chỉ nên đến những địa điểm trung tâm sầm uất. Thay vào đó, hãy thử khám phá các địa điểm, không gian ngoài trời tại đây. Dù đất chật người đông, Hong Kong vẫn có những không gian thiên nhiên để thư giãn rất đáng được ghé thăm như Dragon’s Back, Tai Mo Shan hay Công viên địa chất Hong Kong đã được UNESCO công nhận.
Còn nếu muốn một nơi hoàn toàn yên tĩnh, bạn có thể đến điểm ngắm cảnh To Fu Shan ở Tai O; vừa được ngắm cảnh thỏa thích, vừa được tha hồ để cả thể xác lẫn tâm trí được tự do bay bổng, không bị quấy rầy bởi sự ồn ào, đông đúc nơi phố thị.
“Dai Pai Dong” là một thuật ngữ ở Hong Kong dùng để chỉ những quán ăn ngoài trời. Xuất hiện từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, các “Dai Pai Dong” thường nằm bên cạnh các tòa nhà văn phòng, trên phố hay trong các con hẻm nhỏ và được coi là một di sản trong văn hóa của người Hong Kong. Cũng vì tính lịch sử của mình, thuật ngữ “Dai Pai Dong” đã được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford vào tháng 3 năm 2016. Hiện nay, theo thống kê, chỉ còn khoảng 25 “Dai Pai Dong” ở Hong Kong.
Ẩm thực ở “Dai Pai Dong” là ẩm thực đại chúng, phục vụ tầng lớp người dân lao động bình thường. Về giá cả thì được chia ra làm 2 loại: các “Dai Pai Dong” bán vào buổi sáng và trưa (chủ yếu là các món như: cháo, các loại mì, bánh mì, cơm…) thì có giá rẻ hơn, khoảng dưới 60 HKD. Còn buổi tối và đêm, chủ yếu là các loại hải sản, thì giá cao hơn một chút. Nhưng điểm chung là các suất ăn tại “Dai Pai Dong” đều là các suất lớn, vậy nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm thưởng thức một bữa ăn ngon miệng và no căng, sẵn sàng cho chuyến hành trình kế tiếp.
Đi chợ là một cách để bạn khám phá văn hóa và gặp gỡ con người tại điểm đến một cách chân thực nhất. Đối với Hong Kong, các khu chợ đêm không chỉ có chức năng giao lưu văn hóa, mà còn là một “thiên đường mua sắm” chính hiệu với đa dạng các loại mặt hàng, từ đồ gia dụng, thời trang đến quà lưu niệm.
Những khu chợ đêm nổi tiếng nhất Hong Kong có thể kể đến như Yau Ma Tei ở Temple Street hay Mong Kok. Ngoài ra còn có chợ đêm trên phố Fa Yuen, chợ Cá Vàng, Vườn chim Yeun Po hay Ladies Market.
Lan Kwai Fong (tiếng Việt là “Lan Quế Phường”) là một địa danh không thể không nói tới mỗi khi nhắc đến những địa điểm ăn uống, vui chơi ở Hong Kong.
Trước Chiến tranh Thế giới thứ II, Lan Kwai Fong là khu vực dành cho những người bán hàng rong. Ngày nay, ở đây tập trung hơn 100 nhà hàng, quán bar, các câu lạc bộ và các nhà bán lẻ , cung cấp dịch vụ ăn uống, giải trí. Nhiều nghệ sĩ đường phố Hong Kong cũng lựa chọn Lan Kwai Fong làm sân khấu của mình.
Nếu là một người yêu thích cuộc sống về đêm, bạn nhất định phải đến đây và trải nghiệm. Với Lan Kwai Fong, Hong Kong thực sự là một thành phố không bao giờ ngủ!
Trường đua ngựa Happy Valley nằm ở phía Bắc của đảo Hong Kong, là địa điểm vui chơi quen thuộc của người Hong Kong. Được xây dựng từ năm 1845, ban đầu nơi đây chỉ nhằm mục đích phục vụ giải trí cho thực dân Anh. Vào tháng 12 năm 1846, cuộc đua ngựa đầu tiên đã chính thức được tổ chức tại đây.
Các cuộc đua ngựa ở Happy Valley được tổ chức vào tối thứ Tư hàng tuần. Ngoài xem đua ngựa và hòa cùng không khí rực lửa trên các khán đài, bạn còn có thể dạo quanh trường đua, tham quan Bảo tàng Đua ngựa Hong Kong – nơi giới thiệu về các giống ngựa đua phổ biến, lịch sử xây dựng trường đua… Trường đua cũng sở hữu một rạp chiếu phim riêng và các quầy hàng lưu niệm luôn đông khách ra vào.
Bên cạnh đó, trong trường đua còn có các lều bán đồ ăn, nước uống; các chương trình âm nhạc diễn ra vào khoảng giữa các trận đua, hâm nóng bầu không khí.
Chỉ khoảng 33.000 VNĐ/người cho vé vào cửa, bạn đã có thể tận hưởng một đêm tiệc tùng đúng nghĩa tại Happy Valley. Còn nếu ghé thăm trường đua vào những ngày không có trận đua, bạn còn được tham quan miễn phí nữa đó!
Du lịch đến các địa điểm tâm linh, tín ngưỡng là một nét đẹp trong văn hóa Á Đông. Dù là một thành phố hiện đại với tốc độ phát triển nhanh chóng, Hong Kong vẫn lưu giữ được những góc trầm mặc, chậm rãi của thế giới tinh thần.
Để cân bằng lại những ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống đô thị, hãy dành thời gian ghé thăm những tu viện, những ngôi đền cổ để cảm nhận một mặt rất khác của Hong Kong hào nhoáng. Rất nhiều trong số đó cho phép bạn tham quan miễn phí, như: Tu viện Vạn Phật (Ten Thousand Buddhas Monastery), Ni viện Chi Lin (Chi Lin Nunnery), Tu viện Po Lin, đền Tin Hau hay đền Wong Tai Shin…
Ngoài 3 khu vực chính, lãnh thổ Hong Kong còn rất nhiều các đảo nhỏ xung quanh. Đối với những người yêu thiên nhiên và vẻ đẹp hoang sơ, những hòn đảo này chính là thiên đường nhất định phải ghé thăm.
Nổi tiếng nhất trong số đó là các đảo: Cheung Chau, Peng Chau, Lamma, Stanley. Phương tiện thuận tiện nhất là sử dụng phà, xuất phát từ Bến phà Trung tâm. Giá vé vào chủ nhật và các ngày lễ thường cao hơn một chút, vậy nên bạn nên sắp xếp lịch trình hợp lý để tránh phải mua vé giá cao vào khoảng thời gian này nhé.
Cũng như Lan Kwai Fong hay trường đua Happy Valley, The Victoria Peak (hay The Peak) cũng là một địa điểm không thể bỏ qua ở Hong Kong, mang đến cho bạn cái nhìn toàn cảnh cảng Victoria, bán đảo Cửu Long và những đỉnh núi cheo leo bao quanh thành phố. Để đến The Peak, bạn có thể sử dụng xe bus rất tiện lợi từ khu trung tâm.
Có 2 cách để lên đỉnh The Peak ngắm cảnh: một là sử dụng dịch vụ xe điện Peak Tram nối giữa The Peak và Khu trung tâm và ngắm cảnh từ đài quan sát Sky Terrace trong trung tâm thương mại The Peak Tower. Cách thứ hai là đi bộ băng qua đường mòn Peak Circle Walk. Nếu ngại leo núi, bạn có thể chọn cách thứ nhất, nhưng nên chuẩn bị chi phí tốt một chút, vì cả Peak Tram và vé vào cửa Sky Terrace đều khá cao (khoảng 90 HKD), chưa kể thời gian xếp hàng mua vé.
Nếu không, hãy thử trải nghiệm với Peak Circle Walk. Đây là một con đường nhựa dài 3,5km chạy vòng quanh The Peak. Không chỉ cho bạn chiêm ngưỡng toàn cảnh Hong Kong trong khi tản bộ, Peak Circle Walk còn rợp bóng cây xanh, đem lại bầu không khí mát mẻ, trong lành cho khách bộ hành. Con đường cũng đi qua những khu vực có hệ động, thực vật phong phú trên núi, là nơi sinh sống của nhiều loài bướm quý hiếm.
Xem thêm
Mình rất mong muốn biết ý kiến của các bạn về bài viết này, hãy để lại bình luận giúp mình nhé.