Ung thư cổ tử cung ngày càng trở thành mối đe dọa tiềm tàng của nữ giới. BlogAnChoi hi vọng những thông tin hiệu quả về việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung dưới đây sẽ bảo vệ bạn khỏi căn bệnh quái ác này.
Theo thống kê, hằng năm trên thế giới có khoảng 490.000 người bị ung thư cổ tử cung và riêng tại Việt Nam có hơn 5.000 người mắc bệnh mỗi năm. Trong đó, mỗi ngày có khoảng 7 phụ nữ chết và tới 14 người phát hiện mắc bệnh ở Việt Nam.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới mắc ung thư cổ tử cung là do bị nhiễm một loại vi-rút có tên gọi HPV. Theo Kế hoạch dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế thì 80% phụ nữ sẽ có nguy cơ nhiễm vi-rút HPV một lần trong đời, xác suất nhiễm HPV cao nhất ở độ tuổi 20-30.
Bạn hãy tham khảo thêm các nguyên nhân khác tại đây: 7 nguyên nhân ung thư cổ tử cung gây chết người
HPV là gì? Tại sao lại bị nhiễm HPV?
Human Papilloma Virus (HPV) là một loài vi-rút gây bệnh trên biểu mô da và màng nhầy ở người. Trên thực tế, có hơn 100 loại HPV và đa số là vô hại, vì vậy phần lớn mọi người đều sẽ nhiễm HPV ở một giai đoạn nào đó trong đời nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên trong số đó tồn tại 13 loại gây ung thư, đặc biệt hai chủng HPV 16 và HPV 18 chiếm tới 70% các trường hợp nhiễm ung thư cổ tử cung và đáng quan ngại là những người mắc ung thư cổ tử cung đang trong giai đoạn đầu sẽ không có bất kì triệu chứng nhận biết nào.
Ngoài nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục, chúng ta còn có thể bị nhiễm HPV khi có sự tiếp xúc da. Bên cạnh đó, những phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh, người bị thừa cân hoặc thường xuyên hút thuốc cũng có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung rất cao.
Làm cách nào để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung?
Xét nghiệm PAP hay còn gọi là xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung là một một phương pháp tìm kiếm sự thay đổi bất thường trong các tế bào cổ tử cung bằng cách lấy một mẫu nhỏ các tế bào từ bề mặt của cổ tử cung nhằm chẩn đoán liệu có đang mắc bệnh ung thư cổ tử cung hay không và phương pháp này có độ chính xác lên đến 96%.
Việc làm xét nghiệm PAP hiển nhiên là bắt buộc đối với những phụ nữ đã có các dấu hiệu mắc bệnh ung thư cổ tử cung như âm đạo chảy máu bất thường, cơ thể mệt mỏi, đau bụng dưới cũng như các dấu hiệu khác được đề cập trong hình ảnh dưới đây.
Tuy nhiên, ngay cả khi không phát hiện dấu hiệu mắc bệnh, các chị em cũng nên làm xét nghiệm PAP ít nhất một lần để dễ dàng kiểm soát tình trạng hiện tại của cơ thể, đồng thời việc điều trị cũng sẽ đơn giản và khả thi hơn khi phát hiện bệnh sớm.
Chủ động tiêm vắc xin phòng ngừa HPV là phương pháp tối ưu nhất và vô cùng cần thiết đối với phụ nữ. Quá trình tiêm phòng loại vắc xin này thường theo trình tự ba mũi tiêm:
- Mũi thứ nhất: ngày bắt đầu tiêm
- Mũi thứ hai: sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tháng
- Mũi thứ ba: sau mũi thứ nhất 6 tháng
Bạn có thể xem thêm bài viết “6 cách phòng bệnh ung thư cổ tử cung để bảo vệ chính mình” tại đây.
Hiệu quả của vắc xin sẽ cao nhất đối với những ai chưa từng quan hệ tình dục và vẫn sẽ bảo vệ tốt những chị em đã và đang có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, đối với trường hợp phụ nữ đã bị lây nhiễm HPV hoặc đã bị ung thư cổ tử cung thì việc tiêm vắc xin sẽ không còn tác dụng nữa.
Hiện nay, giá trên thị trường của một mũi tiêm vắc xin dao động từ khoảng 1.000.000 đến 2.000.000 VND (tổng chi phí nhân ba cho cả liệu trình ba mũi tiêm), một số tiền không phải nhỏ nhưng cũng không hề lớn đối với sự an toàn và khỏe mạnh của cơ thể.
BlogAnChoi còn rất nhiều bài viết hữu ích về chủ đề sức khỏe mà có thể bạn đọc quan tâm:
- 5 dấu hiệu ung thư tuyến giáp nhiều người không ngờ tới
- 9 dấu hiệu suy thận cần chú ý để phát hiện bệnh sớm
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh vô cùng nguy hiểm nhưng thực tế không phải ai cũng biết đến việc tiêm vắc xin phòng ngừa căn bệnh hiểm nghèo này. Vì vậy, hãy chia sẻ thông tin trên đến với người thân và bạn bè, đặc biệt là phái nữ để ung thư cổ tử cung không còn là mối đe dọa đến cuộc sống của phái đẹp.