Có thể bạn đã nhìn thấy điều này rất nhiều lần: những chú mèo liếm lông cho nhau, một cảnh tượng thật dễ chịu phải không? Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mèo hay chải lông cho nhau? Tại sao loài mèo thích sống độc lập nhưng lại quan tâm chăm sóc cho nhau như vậy?

Lý do đằng sau hành động chải lông của mèo phức tạp hơn bạn tưởng và có thể khiến bạn ngạc nhiên. Hãy cùng khám phá câu trả lời dựa trên cơ sở khoa học.

Mèo chải lông cho nhau để làm gì?

Thoạt nhìn, lý do mèo chải lông cho nhau dường như là để vệ sinh, gắn kết xã hội và đáng ngạc nhiên là cả sự thù địch. Mèo liếm lông để chải và làm sạch lông, mèo có thể thực hiện hành vi này cho một con vật khác, có thể là mèo, chó hoặc thậm chí là con người. Việc chải lông cho nhau có thể mang tính tương hỗ, tức là cả hai bên đều chải lông cho nhau.

Mèo chải lông cho nhau (Ảnh: Internet)
Mèo chải lông cho nhau (Ảnh: Internet)

Mèo không phải là loài duy nhất có hoạt động xã hội này. Ong, chim, ngựa, dơi, khỉ và thậm chí cả con người cũng có hành vi chải lông cho nhau, đó là tính chất phổ quát đối với các loài động vật.

Khi chải lông, mèo thường liếm bất cứ đối tượng nào ở cạnh nó, thường là một con mèo khác nhưng cũng có thể là chó hoặc động vật khác hoặc con người. Mèo lớn hay nhỏ đều có thói quen sạch sẽ và chú ý đến vệ sinh cá nhân. Chải lông cho nhau là một thói quen phổ biến của chúng để giao tiếp với nhau. Điều thú vị là ngay cả những con mèo lớn sống đơn độc cũng thực hiện việc này nếu có cơ hội tiếp xúc với những con vật khác.

Bạn có thể thắc mắc: “Vậy nếu mèo của tôi không chải lông cho nhau thì chúng có vấn đề gì à?” Thực ra không phải tất cả những con mèo sống cùng nhau đều chải lông cho nhau.

Chải lông là bản năng tự nhiên của mèo

Mèo mẹ chải lông cho mèo con (Ảnh: Internet)
Mèo mẹ chải lông cho mèo con (Ảnh: Internet)

Hành động chải lông của mèo có thể bắt nguồn từ bản năng chải lông của mèo mẹ cho mèo con. Nếu bạn từng chứng kiến mèo sinh con, bạn sẽ thấy mèo mẹ liếm những chú mèo con mới sinh một cách chăm chỉ.

Quá trình này bắt đầu ngay khi một mèo con được sinh ra và tiếp tục kể cả khi những con khác ra đời. Mèo mẹ liếm máu, nhau thai và các chất tiết khác trên cơ thể mèo con. Điều đó nghe có vẻ kỳ lạ đối với con người chúng ta nhưng lại khá bình thường trong tự nhiên và nhiều loài động vật khác cũng làm như vậy.

Tại sao chúng lại làm thế? Việc liếm những chất tiết mang lại cho mèo mẹ những chất dinh dưỡng quan trọng, điều này rất quan trọng vì nó có thể sẽ không đi săn mồi trong vài ngày sau khi sinh con. Ngoài ra hành động này cũng giúp làm sạch cho mèo con, vì các chất còn sót lại có thể bị thối rữa và nhiễm vi khuẩn, bốc mùi hôi, làm cho mèo con bị những kẻ săn mồi phát hiện.

Hành động liếm sẽ kích thích mèo con bài tiết chất thải sau khi ra đời, nếu không có sự kích thích này mèo con có thể bị táo bón. Đó là lý do những người chăm sóc mèo con mồ côi phải xoa bóp cơ thể chúng một cách nhẹ nhàng.

Một lý do quan trọng nữa: đây là cách mèo mẹ hình thành mối liên kết với mèo con, mèo con cảm nhận được tiếng của mẹ và trở nên bình tĩnh hơn.

3 lý do khiến mèo chải lông cho nhau

1. Hỗ trợ làm vệ sinh cho nhau

Mèo chải lông để vệ sinh cho nhau (Ảnh: Internet)
Mèo chải lông để vệ sinh cho nhau (Ảnh: Internet)

Tự chải lông rõ ràng là hành vi vệ sinh nhưng vẫn chưa rõ đó có phải là nguyên nhân để mèo chải lông cho nhau hay không. Xét cho cùng, những con mèo sống một mình vẫn có thể tự chải lông. Đầu và cổ là những khu vực khó tiếp cận, mèo không thể tự liếm những vị trí này nhưng chúng có cách khác, đó là liếm bàn chân của mình rồi lau lên đầu và cổ.

Như vậy có thể mèo rất thích việc có một con mèo khác giúp đỡ chải lông cho chúng.

2. Giao tiếp và gắn kết xã hội

Mèo chải lông để xây dựng mối quan hệ với nhau (Ảnh: Internet)
Mèo chải lông để xây dựng mối quan hệ với nhau (Ảnh: Internet)

Năm 2004, Tạp chí Y học và Phẫu thuật Mèo đã công bố một bài báo nghiên cứu về tổ chức xã hội ở mèo. Mặc dù chúng được cho là thích sống đơn độc nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng: trong những hoàn cảnh thích hợp, mèo nhà lại thích tụ tập thành nhóm hơn. Ví dụ như những con mèo hoang tụ tập với nhau khi có nguồn thức ăn dồi dào trên đường phố, khi nguồn thức ăn hạn chế hơn chúng có xu hướng tản ra và kiếm ăn một mình.

Khi nuôi nhiều mèo trong nhà, điều tương tự cũng có thể xảy ra, mèo có thể phát triển các mối quan hệ xã hội. Theo nghiên cứu, mèo sẽ chủ động tìm kiếm hành động chải lông từ những con mèo khác mà chúng muốn kết giao chặt chẽ hơn. Nếu một con mèo muốn được con mèo khác chải lông, nó sẽ tiếp cận đối tượng và nghiêng cổ của mình để mời con mèo kia chải lông cho nó.

Những con mèo được chải lông mà không chủ động tìm kiếm điều đó thì vẫn hợp tác bằng cách di chuyển đầu và cằm để con mèo kia có thể tiếp cận dễ hơn, đồng thời cũng thể hiện phản ứng thích thú như kêu gừ gừ khi được chải lông.

Năm 2013, một nghiên cứu khác đã ủng hộ giả thuyết này. Các nhà khoa học đã quan sát những con sư tử bị nuôi nhốt và kết luận rằng việc xoa và liếm đầu – tức là chải lông cho nhau – giúp củng cố mối liên kết xã hội giữa các thành viên trong đàn.

3. Thể hiện quyền lực và sự thù địch

Mèo chải lông để thể hiện quyền lực (Ảnh: Internet)
Mèo chải lông để thể hiện quyền lực (Ảnh: Internet)

Chúng ta không thấy sự gây hấn trực tiếp rõ ràng, nhưng hãy quan sát kỹ quá trình chải lông của mèo, bạn có thể cảm nhận được sự căng thẳng mặc dù chúng có vẻ thoải mái và hạnh phúc.

Năm 1998, nhà khoa học Ruud van den Bos đã thực hiện một nghiên cứu về hành vi của loài mèo, tập trung vào việc chải lông cho nhau. Điều đáng ngạc nhiên là ông đã phát hiện ra mối liên hệ giữa hành vi này và sự hung hăng.

Khi quan sát việc chải lông cho nhau, ông nhận thấy rằng những con mèo thống trị thường chải lông cho những con mèo phục tùng. Ông ấy cũng nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể của mèo và phát hiện ra rằng con mèo chải lông sẽ có tư thế thống trị hơn trong quá trình thực hiện việc đó, chẳng hạn như đứng hoặc ngồi, trong khi con mèo được chải lông sẽ nằm xuống hoặc cúi xuống. Điều này dường như tạo ra sự khác biệt về quyền lực.

Ngoài ra, việc chải lông có thể trở thành một hình thức gây hấn và hành vi hung hăng này được kích động bởi con mèo chiếm ưu thế hơn. Nhà khoa học đi đến kết luận rằng chải lông là một cách để thiết lập sự thống trị trong mối quan hệ của loài mèo. Nói một cách nhẹ nhàng hơn, việc chải lông có thể là một cách để bày tỏ tình cảm với cấp dưới.

Dù thế nào đi nữa, hành vi này dường như giúp củng cố quan hệ trên dưới của chúng và giảm bớt sự căng thẳng giữa chúng.

Chúng ta có thể rút ra điều gì?

Khi đã hiểu lý do tại sao mèo chải lông cho nhau, chúng ta có thể:

  • Hiểu được mối quan hệ giữa những con mèo trong nhà
  • Tìm hiểu xem mèo cảm thấy thế nào khi chúng ta vuốt ve chúng
Có nhiều lý do khiến mèo chải lông cho nhau (Ảnh: Internet)
Có nhiều lý do khiến mèo chải lông cho nhau (Ảnh: Internet)

Nếu bạn nuôi nhiều mèo, hãy chấp nhận rằng chúng có hệ thống thứ bậc riêng, bạn không thể kiểm soát và cũng không nên cố gắng thay đổi điều đó. Khi bạn nhìn thấy những con mèo của mình chải lông cho nhau, hãy chấp nhận sự căng thẳng có thể xảy ra.

Khi bạn vuốt ve mèo của mình, dù chúng thích được vuốt ve thì chúng cũng có thể coi hành động này là gây hấn gián tiếp. Hãy chú ý ngôn ngữ cơ thể của mèo, nếu mèo của bạn ngừng kêu gừ gừ, có vẻ căng thẳng hoặc bắt đầu vẫy đuôi thì hãy ngừng vuốt ve.

Mèo của bạn có chải lông cho nhau không? Theo bạn nguyên nhân là gì? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn trong phần bình luận bên dưới.

Mời bạn xem thêm các bài liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Các giống chó săn mạnh mẽ và thông minh được nhiều người ưa chuộng trên thế giới

Trong lịch sử của nghệ thuật săn mồi, các giống chó săn được nhiều người ưa chuộng bởi sự đa dạng và tài năng đặc biệt. Hãy cùng khám phá những giống chó săn xuất sắc nhất hiện nay, đem đến sự liên kết đặc biệt với con người.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận