Cá bảy màu là loại cá cảnh bình dân quen thuộc với mọi người, từ học sinh sinh viên đến bậc lão làng trong nghề chơi cá. Vậy theo bạn những chú cá “tạp nham” này trị giá bao nhiêu? Cùng BlogAnChoi khám phá nhé!

Cá bảy màu là cá gì?

Cá bảy màu có tên khoa học là Poecilia reticulata, trong tiếng Anh được gọi là guppy. Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, những chú cá bảy màu tổ tiên trông rất “tầm thường” như hình dưới đây:

Cá bảy màu hoang dã trong tự nhiên trông rất bình thường (Ảnh: Internet).
Cá bảy màu hoang dã trong tự nhiên trông rất bình thường (Ảnh: Internet).

Nhưng trải qua nhiều năm được các chuyên gia nhân giống và lai tạo, cá bảy màu ngày càng khoác lên mình dáng vẻ lộng lẫy đến bất ngờ. Có lẽ tuổi thơ của bạn cũng được tô điểm bằng những sắc màu sặc sỡ này phải không:

Bầy cá guppy đủ màu sắc nhìn đẹp tuyệt! (Ảnh: Internet).
Bầy cá guppy đủ màu sắc nhìn đẹp tuyệt! (Ảnh: Internet).

Nhưng chưa hết đâu. Nếu đã mê mẩn trầm trồ trước bể cá xinh lung linh vừa rồi thì chắc chắn bạn sẽ không khỏi kinh ngạc ngất ngây với những chú cá đẹp tuyệt như dưới đây:

Cá bảy màu không chỉ có bảy màu đâu, cả hàng trăm dòng khác nhau nhé (Ảnh: Internet).
Cá bảy màu không chỉ có bảy màu đâu, cả hàng trăm dòng khác nhau nhé (Ảnh: Internet).

Đúng là nhìn “sướng cả mắt” phải không! Vậy chơi cá bảy màu có những gì thú vị? Mời bạn đọc tiếp nhé!

1. Vì sao cá bảy màu được ưa chuộng khắp nơi?

Để biết loài cá này được yêu thích đến mức nào, bạn hãy gõ từ khóa “cá bảy màu” lên thanh tìm kiếm của Google. Có tới hàng triệu kết quả được hiển thị trong chưa đầy nửa giây!

Cũng từ khóa đó tra trên YouTube bạn sẽ tìm được vô số video, từ hướng dẫn cách nuôi đến review những chú cá đẹp, độc, lạ. Và nếu tra bằng tiếng Anh với từ khóa “guppy” thì kết quả còn chóng mặt hơn nữa.

Cá bảy màu được rất nhiều người quan tâm và tạo thành cả một cộng đồng lớn (Ảnh: Internet).
Cá bảy màu được rất nhiều người quan tâm và tạo thành cả một cộng đồng lớn (Ảnh: Internet).

Vậy những yếu tố nào đã làm nên độ hot của loài cá “nhỏ mà có võ” này?

Dễ thấy nhất là màu sắc vô cùng đa dạng phong phú của chúng. Ngay cả tên gọi “bảy màu” cũng còn xa mới đếm hết “500 sắc thái” của loài cá này. Ví dụ, chỉ riêng màu xanh lam đã chia ra các dòng blue topaz, blue tanzanite, blue grass, half black blue…

Blue topaz được đặt tên theo loại đá quý topaz có màu xanh lam tươi sáng (Ảnh: Internet).
Blue topaz được đặt tên theo loại đá quý topaz có màu xanh lam tươi sáng (Ảnh: Internet).
Blue tanzanite cũng được đặt tên theo một loại đá quý, với màu xanh đậm hơn (Ảnh: Internet).
Blue tanzanite cũng được đặt tên theo một loại đá quý, với màu xanh đậm hơn (Ảnh: Internet).

Nếu là fan của sắc đỏ thì team của bạn đây: full red, red lace, red rose… Tha hồ lựa chọn nhé.

Đúng như tên gọi, full red có màu đỏ rực rỡ toàn thân, kể cả đôi mắt (Ảnh: Internet).
Đúng như tên gọi, full red có màu đỏ rực rỡ toàn thân, kể cả đôi mắt (Ảnh: Internet).
Red rose là dòng cá có đuôi đỏ và vây lưng dày xếp ly như cánh hoa hồng (Ảnh: Internet).
Red rose là dòng cá có đuôi đỏ và vây lưng dày xếp ly như cánh hoa hồng (Ảnh: Internet).

Còn nếu bạn yêu màu vàng thì sao? Dòng full gold lấp lánh ánh kim từng một thời làm mưa làm gió thị trường nay cũng có giá khá bình dân, học sinh sinh viên cũng dễ dàng chơi được.

Cá bảy màu full gold lấp lánh như thỏi vàng biết bơi (Ảnh: Internet).
Cá bảy màu full gold lấp lánh như thỏi vàng biết bơi (Ảnh: Internet).

Ngoài ra half black yellow, tuxedo gold hay yellow lace cũng là những dòng cá bảy màu sở hữu sắc vàng ấn tượng không kém.

Nửa thân sau màu đen và đuôi vàng - đó là half black yellow (Ảnh: Internet).
Nửa thân sau màu đen và đuôi vàng – đó là half black yellow (Ảnh: Internet).
Màu vàng của yellow lace được phân bố theo dạng lưới rất đẹp mắt (Ảnh: Internet).
Màu vàng của yellow lace được phân bố theo dạng lưới rất đẹp mắt (Ảnh: Internet).

Đến đây chắc bạn đã hơi “hoa mắt” rồi đúng không? Nhưng đó mới chỉ là về màu sắc. Một yếu tố nữa làm nên vẻ đẹp của cá bảy màu là dạng hoa văn trên thân và đuôi. Chẳng hạn như các họa tiết vằn vện giống da rắn:

Các dòng cá có hoa văn như thế này được gọi chung là snakeskin, tức da rắn (Ảnh: Internet).
Các dòng cá có hoa văn như thế này được gọi chung là snakeskin, tức da rắn (Ảnh: Internet).

Các dòng dưới đây lại nổi bật với vệt màu ánh kim dọc bên thân, từ đó có tên gọi là dòng metal (kim loại):

Đây là dòng blue grass metal, với đuôi chấm bi như thảm cỏ và vệt ánh kim dọc thân (Ảnh: Internet).
Đây là dòng blue grass metal, với đuôi chấm bi như thảm cỏ và vệt ánh kim dọc thân (Ảnh: Internet).

Và yếu tố thứ ba góp phần vào vẻ đẹp của cá bảy màu là hình dạng vây và đuôi. Phần đuôi được chia ra dạng delta (tam giác), half moon (bán nguyệt), round tail (hình tròn)…

Cá bảy màu có rất nhiều dạng đuôi khác nhau (Ảnh: Internet).
Cá bảy màu có rất nhiều dạng đuôi khác nhau (Ảnh: Internet).

Vây lưng cũng có nhiều dạng từ big dorsal (vây lưng lớn), half thumb (lớn hơn cả big dorsal), cho tới dạng shark fin (vây cá mập), fin C (dài và cong như chữ C)… Nói chung là muôn hình vạn trạng:

Tất cả những sắc màu và dáng vẻ lộng lẫy của cá bảy màu như bạn đã thấy đều là “công trình” của các nhà lai tạo cá cảnh nhiều năm kinh nghiệm trên khắp thế giới. Nổi tiếng nhất trong số này là các chuyên gia Thái Lan và Đài Loan.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến người Nhật với các dòng cá như red endler, tiger endler, Japan blue tail…

Red endler là dòng cá có đuôi kiếm màu đỏ do người Nhật lai tạo (Ảnh: Internet).
Red endler là dòng cá có đuôi kiếm màu đỏ do người Nhật lai tạo (Ảnh: Internet).
Dòng cá đuôi kiếm có hoa văn sọc này được gọi là tiger endler (Ảnh: Internet).
Dòng cá đuôi kiếm có hoa văn sọc này được gọi là tiger endler (Ảnh: Internet).
Lại là một dòng màu xanh nữa: Japan blue tail (Ảnh: Internet).
Lại là một dòng màu xanh nữa: Japan blue tail (Ảnh: Internet).

Đặc biệt, dòng cá đang gây sốt trong cộng đồng “nghiện” cá hiện nay là guppy koi. Sở dĩ có tên như vậy là vì chúng có thân mình màu trắng và đỉnh đầu đỏ tươi y như cá chép koi nổi tiếng của nước Nhật.

Guppy koi cũng đẹp chẳng kém cá chép koi đâu nhỉ (Ảnh: Internet).
Guppy koi cũng đẹp chẳng kém cá chép koi đâu nhỉ (Ảnh: Internet).

Vậy là chúng ta đã điểm qua “sương sương” vài dòng cá bảy màu hiện có rồi. Đến đây câu hỏi tiếp theo của bạn chắc chắn sẽ là…

2. Nuôi cá guppy cần chuẩn bị những gì?

Điểm hấp dẫn của cá bảy màu là bất cứ ai cũng có thể “chơi” được. Không như các loại cá lớn cần có hồ rộng cùng hàng tá “đồ chơi” cao cấp, cá bảy màu có thể sống khỏe trong điều kiện khá khiêm tốn.

Cá bảy màu có thể được nuôi trong những hồ kính cỡ nhỏ (Ảnh: Internet).
Cá bảy màu có thể được nuôi trong những hồ kính cỡ nhỏ (Ảnh: Internet).

Ngay cả các bé lên năm cũng nuôi được loại cá này. Còn với học sinh sinh viên, bản tính năng động sáng tạo vốn có càng giúp bạn dễ dàng “chăn” một đàn cá guppy ngay tại nhà mình. Những thứ bạn cần là:

2.1. Vật dụng để nuôi cá

Hồ kính

Cá bảy màu thích nghi tốt với nhiều loại “nhà” khác nhau. Đẹp nhất tất nhiên là hồ kính, vật liệu trong suốt để bạn tha hồ ngắm nhìn những dải màu bơi lượn tung tăng.

Về nhà ngắm đàn cá trong hồ là mọi mệt mỏi đều bay hơi hết bạn nhỉ! (Ảnh: Internet).
Về nhà ngắm đàn cá trong hồ là mọi mệt mỏi đều bay hơi hết bạn nhỉ! (Ảnh: Internet).

Nếu không có hồ lớn như hình trên thì bạn có thể thả vài em guppy vào chiếc hồ nhỏ để bàn (có nơi gọi là cái cóng). Tròn tròn nhỏ nhỏ xinh xinh cũng đáng yêu quá chứ!

Những chiếc hồ nhỏ để bàn rất thích hợp nếu bạn không có nhiều không gian (Ảnh: Internet).
Những chiếc hồ nhỏ để bàn rất thích hợp nếu bạn không có nhiều không gian (Ảnh: Internet).

Hiện nay có rất nhiều mẫu hồ để bàn với đủ hình dạng và kích cỡ cho bạn lựa chọn. Những loại cao cấp còn tích hợp cả phụ kiện như đèn, máy lọc, sủi oxy… Cùng điểm qua vài chiếc hồ cực kỳ mãn nhãn này nhé:

Một mẫu hồ để bàn cực sáng tạo! (Ảnh: Internet).
Một mẫu hồ để bàn cực sáng tạo! (Ảnh: Internet).
Một chiếc hồ để bàn có đèn và máy lọc (Ảnh: Internet).
Một chiếc hồ để bàn có đèn và máy lọc (Ảnh: Internet).
Chiếc hồ này được làm bằng nhựa cao cấp và có cả máy sục oxi (Ảnh: Internet).
Chiếc hồ này được làm bằng nhựa cao cấp và có cả máy sục oxi (Ảnh: Internet).

Chậu hoặc khay nhựa

Không đẹp lung linh như hồ kính nhưng dụng cụ này phù hợp với những ai muốn cho cá sinh sản trong không gian nhỏ. Bạn có thể xếp chồng nhiều khay lên nhau hoặc đầu tư hẳn kệ sắt làm khung, mỗi khay nuôi một dòng cá riêng biệt để tránh lai tạp.

Khay nhựa ba tầng được nhiều người nuôi cá lựa chọn vì tiết kiệm diện tích (Ảnh: Internet).
Khay nhựa ba tầng được nhiều người nuôi cá lựa chọn vì tiết kiệm diện tích (Ảnh: Internet).

Cá bảy màu thuộc nhóm cá tầng mặt, chủ yếu sống và ăn ở phần gần mặt nước nên diện tích quan trọng hơn thể tích. Do đó bạn đừng lo khay không đủ độ sâu nhé, chỉ cần mực nước cao khoảng hai đốt ngón tay là quá ổn rồi.

Ưu điểm nữa của vật liệu nhựa là bạn có thể dễ dàng cọ rửa, thay nước thường xuyên mà không ngại bưng bê nặng nề. Quá tuyệt vời cho các bạn nhỏ hoặc những người nuôi số lượng lớn.

Thậm chí nếu khéo tay bạn có thể tự sáng tạo vài mẫu “hồ” từ chai nhựa trong như video dưới đây. Chỉ cần chút keo nến và óc sáng tạo không giới hạn, vừa độc lạ không đụng hàng, lại khoe tài với bạn bè đến chơi phải không nào!

Thùng xốp

Đây là loại vật dụng được dân chơi cá “nhà nghề” ưa chuộng nhất. Vì sao ư? Bởi thùng xốp có một đặc tính cực kỳ quan trọng với cá bảy màu, đó là cách nhiệt tốt.

Cá bảy màu khá nhạy cảm với nhiệt độ nước thay đổi đột ngột. Đặc biệt là ở những vùng khí hậu lạnh hoặc mùa mưa bão, nếu không giữ nhiệt tốt thì tình trạng cá “bơi ngửa” rất dễ xảy ra.

Thùng xốp giúp khắc phục vấn đề nhiệt độ cho cá bảy màu. Không chỉ bảo vệ đàn cá khỏi những lúc trái gió trở trời, thùng xốp còn “nhẹ tựa lông hồng” giúp bạn dễ dàng bưng bê qua lại (chẳng hạn như khi dọn vệ sinh hay sắp xếp đồ đạc trong nhà).

Và ưu điểm “siêu to khổng lồ” nữa của thùng xốp là… giá rẻ cực kỳ! Nếu hồ kính khiến bạn xót ví, còn khay nhựa ít nhất cũng vài chục nghìn, thì một thùng xốp cũ chỉ tốn của bạn cỡ một ly trà đá thôi.

Những tiệm bán trái cây, rau quả hay hải sản luôn có sẵn nhiều thùng xốp cũ để bạn mua lại. Còn nếu mua mới thì vật dụng này cũng rẻ hơn nhiều so với các loại khác cùng kích thước.

Hồ xi măng

Hồ thủy sinh ngoài trời là điểm nhấn cho sân vườn nhà bạn (Ảnh: Internet).
Hồ thủy sinh ngoài trời là điểm nhấn cho sân vườn nhà bạn (Ảnh: Internet).

Những nhà có sân vườn rộng, thích thiên nhiên thì còn gì tuyệt hơn một hồ thủy sinh cơ chứ. Nhìn đàn cá háo hức đớp mồi, màu xanh cỏ cây làm nền cho muôn sắc uốn lượn – bao mệt nhọc của cuộc sống như tan biến hết!

Tuy hơi cực mỗi lần thay nước và cũng không thể di chuyển đi được nhưng hồ xi măng dưới đất là môi trường gần với tự nhiên nhất cho cá bảy màu. Loại hồ này cũng giúp cá được vận động thoải mái và đẻ ra “con đàn cháu đống” nữa.

Hồ xi măng thế này cá bơi mới thích chứ! (Ảnh: Internet).
Hồ xi măng thế này cá bơi mới thích chứ! (Ảnh: Internet).

Vậy là bạn đã biết qua những loại “nhà” cho cá guppy rồi. Khi đã chọn được chỗ ở thì vấn đề tiếp theo là cái ăn đúng không!

2.2 Cá bảy màu ăn gì?

Thức ăn cho cá bảy màu cũng có đủ chủng loại từ bình dân đến cao cấp, tùy điều kiện kinh tế cũng như độ “nghiện” cá của bạn đến đâu.

Cám công nghiệp

Đây là loại thức ăn dễ kiếm và “dễ chơi” nhất cho những người mới bắt đầu đến với guppy. Tất cả các tiệm cá cảnh lớn nhỏ đều có cám công nghiệp đủ loại, nhưng theo kinh nghiệm của dân chơi lâu năm thì tốt nhất nên dùng cám Thái như loại này:

Cám Thái là loại thức ăn nuôi cá phổ biến (Ảnh: Internet).
Cám Thái là loại thức ăn nuôi cá phổ biến (Ảnh: Internet).

Cám Thái chứa đầy đủ các dưỡng chất giúp cá lớn nhanh, lên màu đẹp và khỏe mạnh, do đó được cộng đồng yêu cá rất ưa chuộng. Bên cạnh đó còn nhiều loại cám khác như Tomboy, Pandora, thậm chí cám viên cho các loại cá lớn cũng chẳng vấn đề gì.

Cám Pandora cũng được đánh giá cao trong giới chơi cá (Ảnh: Internet).
Cám Pandora cũng được đánh giá cao trong giới chơi cá (Ảnh: Internet).

Ưu điểm chung của cám công nghiệp là bạn không phải lo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm! Các loại mồi sống thường dễ nhiễm vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… nhưng cám thì vô hại. Chỉ cần cho ăn vừa phải, đừng cho dư làm dơ nước là được.

Bo bo

Không phải là hạt bo bo các cụ thời xưa ăn độn cơm chống đói đâu nhé. Đây là con bo bo, một loài phiêu sinh vật sống dưới nước mà cá cảnh nói chung và đặc biệt là guppy rất khoái khẩu.

Bo bo, hay còn gọi là rận nước, là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho cá (Ảnh: Internet).
Bo bo, hay còn gọi là rận nước, là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho cá (Ảnh: Internet).

Bo bo thường sống ngoài tự nhiên, trong các ao hồ kênh rạch nhiều chất hữu cơ. Nhiều tiệm cá cảnh cũng thu mua bo bo từ nông dân để bán lại, thậm chí có cả những người nuôi bo bo số lượng lớn cung cấp cho dân chơi cá cảnh nữa.

Vì là thực phẩm tươi sống nên hàm lượng dinh dưỡng của bo bo rất cao và được đánh giá là tốt hơn so với cám. Đồ tươi bao giờ chẳng “ngon” hơn đồ khô đóng hộp nhỉ! Nhiều người nuôi cá còn khẳng định bo bo là thức ăn giúp cá con lớn nhanh nhất.

Có nơi còn gọi bo bo là "con đỏ" do màu đỏ đặc trưng của chúng (Ảnh: Internet).
Có nơi còn gọi bo bo là “con đỏ” do màu đỏ đặc trưng của chúng (Ảnh: Internet).

Nhưng chính vì ăn những chất hữu cơ trong nước nên bo bo có thể mang theo mầm bệnh làm hại cá yêu của bạn. Do đó hãy mua từ những nơi có uy tín và lọc bo bo bằng nước sạch trước khi cho cá ăn nhé.

Trùn chỉ

Cũng giống như bo bo, trùn chỉ thường sống ngoài tự nhiên ở những nơi… không được sạch sẽ cho lắm. Do kích thước lớn hơn nên loại giun nước này phù hợp để “kích” cá lớn tăng trưởng mạnh.

Trùn chỉ là thức ăn khoái khẩu của các loại cá cảnh nói chung (Ảnh: Internet).
Trùn chỉ là thức ăn khoái khẩu của các loại cá cảnh nói chung (Ảnh: Internet).

Hình dạng lúc nhúc ngo ngoe khá ngộ của búi trùn chỉ chắc sẽ khiến nhiều người thích thú. Nhưng nếu bạn mắc chứng sợ những thứ như thế này thì chống chỉ định dùng nó nuôi cá nhé, ghê chết đi được!

Trùn chỉ dễ rửa hơn so với bo bo bởi kích thước lớn và có xu hướng bu lại thành cục. Nhưng dù vậy bạn vẫn nên tìm mua ở những tiệm đảm bảo vệ sinh, không là rước bệnh cho cá như chơi.

Lăng quăng

Lăng quăng là loại mồi sống dễ kiếm nhất cho cá bảy màu (Ảnh: Internet).
Lăng quăng là loại mồi sống dễ kiếm nhất cho cá bảy màu (Ảnh: Internet).

Chắc mọi người ai cũng từng nghe khẩu hiệu thả cá bảy màu để diệt lăng quăng đúng không. So với hai con ở trên thì lăng quăng tương đối sạch sẽ và dễ kiếm hơn hẳn, và cũng là mồi sống nên chất lượng hơn cám nhiều.

Ngày trước nhiều tiệm cá cảnh còn bán lăng quăng, nhưng về sau đã bị cấm vì sợ dịch bệnh cho người. Do đó bạn chỉ nên tìm lăng quăng tự nhiên thôi chứ đừng bao giờ nuôi cho cá ăn nhé, coi chừng bị gọi lên phường đấy.

Artemia

Chắc hầu hết các bạn mới làm quen với cá cảnh đều chưa biết tới con này đúng không? Nhưng nhà nào có nuôi tôm chắc đều biết: artemia là thức ăn hằng ngày của tôm non. Còn dân chơi cá “chuyên nghiệp” thì coi đây là bảo bối thần kỳ không thể thiếu để giúp cá khỏe đẹp.

Artemia phóng to nhìn dưới kính hiển vi (Ảnh: Internet).
Artemia phóng to nhìn dưới kính hiển vi (Ảnh: Internet).

Artemia là một loài giáp xác sống ở nước mặn, hình dạng gần giống tôm tép nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Ban đầu được dùng để nuôi tôm, sau này artemia đã lấn sân sang cá cảnh và ngày càng được ưa thích bởi hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp cá lớn nhanh và lên màu đẹp.

Người ta cho rằng loài chim hồng hạc có màu lông đỏ hồng lộng lẫy như vậy là nhờ ăn các phiêu sinh vật trong nước, trong đó có artemia. Bản thân artemia cũng có màu đỏ cam, nên tác dụng giúp cá cảnh lên màu cũng là có cơ sở.

Artemia thường được bán dưới dạng trứng đóng lon như thế này (Ảnh: Internet).
Artemia thường được bán dưới dạng trứng đóng lon như thế này (Ảnh: Internet).

Nếu bạn cho rằng loại thức ăn này quá cao cấp, phải nhập khẩu, không dễ gì kiếm được… thì xin thưa: thị xã Vĩnh Châu ở Sóc Trăng có nghề nuôi artemia được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới, hơn cả artemia của Mỹ và Thái Lan.

Chỉ cần gõ từ khóa artemia lên Google, bạn cũng dễ dàng tìm thấy nhiều nơi bán loại thức ăn này với nhiều mức giá và nguồn gốc khác nhau: từ Vĩnh Châu, Trung Quốc cho đến Mỹ.

Một lon trứng artemia có xuất xứ từ Mỹ (Ảnh: Internet).
Một lon trứng artemia có xuất xứ từ Mỹ (Ảnh: Internet).

Dù ngày càng phổ biến nhưng artemia vẫn là đồ ăn cao cấp nhất cho cá cảnh, do đó chi phí cũng “chát” hơn các loại khác. Nhưng tiền nào của nấy mà.

3. Những vấn đề khác khi nuôi cá bảy màu

Giải quyết được “ăn” và “ở” là xem như bạn đã nắm một nửa thành công rồi đấy. Tuy nhiên còn một số vấn đề mà tất cả những người nuôi cá guppy đều đôi lần phải đau đầu như:

3.1. Cá bảy màu có thể bị bệnh gì?

Nhiều người quen nuôi guppy tạp (những con cá lai tạp có giá trị rất thấp) khi chuyển sang những dòng cao cấp đều “vỡ mộng” vì cá dễ bệnh dễ chết. Tuy nhiên chỉ cần nắm vững vài quy tắc là bạn sẽ giải quyết nhanh gọn những chuyện này.

Cá bảy màu tuy dễ nuôi nhưng cũng có thể mắc một số bệnh (Ảnh: Internet).
Cá bảy màu tuy dễ nuôi nhưng cũng có thể mắc một số bệnh (Ảnh: Internet).

“Bộ ba huyền thoại” khi nói đến bệnh của cá bảy màu là nấm – túm – lắc. Nấm là khi xuất hiện những đốm hoặc mảng trắng trên vây, thân cá. Trường hợp nặng, nấm có thể ăn lan thành búi nhìn rất ghê.

Túm là hiện tượng vây và đuôi của cá không xòe rộng như bình thường mà bị túm lại, có khi chỉ còn như cây kim. Còn lắc là hiện tượng cá không còn bơi thẳng mà cứ lúc lắc qua lại hai bên giống lên cơn co giật, như video dưới đây:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lắc: cá bị lạnh – lắc, cá mới mua về bị stress – lắc, nước quá dơ làm cá bệnh – lắc, thậm chí nhiều trường hợp chẳng vì lý do gì cũng lắc.

Thường sau khi bị lắc, nếu không được chữa trị gì cá sẽ chuyển sang túm và bỏ ăn, cuối cùng… bơi ngửa. Do đó tốt nhất là nên phòng bệnh cho cá ngay từ đầu. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có cách phòng ngừa thích hợp. Một số điều cần đặc biệt lưu ý là:

  • Trước khi thả cá phải xử lý nước: nếu là nước máy phải xả ra, để ngoài trời khoảng 1- 2 ngày để bay hết clo, nếu có rong bèo thả vào càng tốt.

  • Nước mưa có nuôi cá được không? Tùy vào từng khu vực và thời điểm mà nước mưa có thể chứa các chất độc hại không tốt cho cá. Do đó tốt nhất là không nên dùng nước mưa nuôi cá.
  • Khi trời mưa lạnh nên che chắn cẩn thận, tốt nhất là nuôi bằng thùng xốp có nắp đậy, tránh cả nước mưa rơi vào nữa nhé.
  • Cá mới mua về phải để nơi yên tĩnh, hơi tối một chút, tránh đụng chạm nhiều làm cá bị stress. Ngoài ra phải biết thả cá đúng cách: pha loãng nước cũ và nước mới từ từ để tránh bị sốc nước. Video sau sẽ minh họa cho bạn:

  • Không cho ăn quá nhiều làm dơ nước, nước bị dơ là môi trường tuyệt vời cho nấm bệnh phát triển.
  • Nên thay nước khoảng một tuần một lần hoặc ngay khi thấy nước dơ, nhiều cặn đáy. Mỗi lần chỉ thay khoảng 20% nước để cá không bị sốc.

3.2. Cá bảy màu có nuôi chung với cá khác được không?

Cá neon là loại cá hiền lành có thể nuôi chung với guppy (Ảnh: Internet).
Cá neon là loại cá hiền lành có thể nuôi chung với guppy (Ảnh: Internet).

Cá bảy màu chỉ thích hợp nuôi chung với các loại cá nhỏ và hiền lành như neon, đuôi kiếm, sọc ngựa, trân châu… Cũng có thể thả chung vào hồ guppy các loại cá chuột, cá tỳ bà để chúng dọn dẹp thức ăn thừa sót lại dưới đáy.

Cá chuột cũng thích hợp để thả chung với cá bảy màu (Ảnh: Internet).
Cá chuột cũng thích hợp để thả chung với cá bảy màu (Ảnh: Internet).

Theo quy luật cá lớn nuốt cá bé thì không nên nuôi chung cá bảy màu với các “ông lớn” như cá chép, long nhãn nếu bạn không muốn bầy tí hon làm mồi cho lũ to xác ấy.

3.3. Cá bảy màu sinh sản như thế nào?

Chắc chắn đây là một fun fact cực kỳ thú vị mà chỉ những ai từng nuôi guppy mới biết: cá bảy màu đẻ con chứ không đẻ trứng!

Cá mà lại đẻ con, chuyện lạ mà có thật đấy! (Ảnh: Internet).
Cá mà lại đẻ con, chuyện lạ mà có thật đấy! (Ảnh: Internet).

Trái với quy luật thông thường trong thế giới động vật, cá bảy màu thụ tinh trong và đẻ ra cá con ngay, thay vì đẻ trứng rồi thụ tinh ngoài như hầu hết các loài cá khác. Thực tế thì điều này cũng đúng đối với một số họ hàng của guppy như cá đuôi kiếm, cá mún…

Nhờ đặc tính này của cá bảy màu mà – nếu may mắn – bạn có thể chộp được khoảnh khắc những chú cá con tí hon chui ra khỏi bụng mẹ cực kỳ đáng yêu như dưới đây:

3.4. Cá bảy màu có đắt không?

Hầu như tất cả những người mới chơi cá đều thắc mắc vấn đề này. Câu trả lời tùy thuộc vào từng dòng cá, và trong cùng một dòng lại tùy theo độ đẹp, độc, lạ của từng con cá nữa.

Giá trị của mỗi con cá phụ thuộc vào vẻ đẹp và độ độc lạ của nó (Ảnh: Internet).
Giá trị của mỗi con cá phụ thuộc vào vẻ đẹp và độ độc lạ của nó (Ảnh: Internet).

Nếu mới bắt đầu tập nuôi chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ ra quá nhiều “học phí” cho những chú cá quá sang chảnh phải không. Vậy thì lựa chọn phù hợp cho bạn là các dòng endler, được xem là vừa rẻ vừa dễ sống nhất.

Các dòng endler rất thích hợp cho người mới tập chơi (Ảnh: Internet).
Các dòng endler rất thích hợp cho người mới tập chơi (Ảnh: Internet).

Có kinh nghiệm hơn một chút, bạn có thể chơi dumbo red tail, blue tanzanite, full gold. Đây cũng là các dòng có giá phải chăng và “trâu nước” – sống khỏe dễ nuôi.

Gọi là dumbo vì dòng cá này có đôi "tai" to như chú voi Dumbo vậy (Ảnh: Internet).
Gọi là dumbo vì dòng cá này có đôi “tai” to như chú voi Dumbo vậy (Ảnh: Internet).

Những người “cứng tay” kha khá thâm niên nuôi cá có thể tăng độ khó bằng những dòng mắt đỏ như blue topaz, full red, koi. Đây được xem là những dòng cao cấp có giá hơi “chát” và cũng khó nuôi nhất hiện nay.

Cá bảy màu koi là dòng khó nuôi nên đừng chơi nếu chưa có kinh nghiệm nhé (Ảnh: Internet).
Cá bảy màu koi là dòng khó nuôi nên đừng chơi nếu chưa có kinh nghiệm nhé (Ảnh: Internet).

Và cuối cùng, có lẽ bạn đang thắc mắc cá bảy màu có thể đắt giá đến đâu? Như đã nói, dòng cá đang được săn đón nhiều nhất hiện nay là guppy koi, nên mời bạn xem video dưới đây để thấy một cặp cá “cực phẩm” của dòng này:

Tất nhiên đó cũng chưa phải là những con cá đắt nhất. Như trong video đã nói, có những cặp cá ở Việt Nam được mua với giá hơn 20 triệu đồng. Nói rộng ra trên thế giới thì con số này còn “khủng” hơn nhiều nữa!

Tổng kết

Nào, bạn đã thấy hừng hực khí thế bắt đầu “sự nghiệp” chơi cá bảy màu chưa? Từ những chú cá bình dân thuở nhỏ đến dòng siêu phẩm cấp cao là cả một hành trình dài nhưng đầy thú vị, chắc chắn sẽ đưa bạn từ bất ngờ này đến thú vị khác đấy.

Thú chơi cá bảy màu sẽ tiếp tục phát triển rất sôi nổi (Ảnh: Internet).
Thú chơi cá bảy màu sẽ tiếp tục phát triển rất sôi nổi (Ảnh: Internet).

Chơi cá guppy không chỉ là thú vui giải trí giết thời gian một cách lành mạnh mà còn giúp bạn nuôi dưỡng tâm hồn thanh thản, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Nói cho cùng, ai mà chẳng muốn có một tâm hồn đẹp phải không!

Mời bạn đọc tiếp những bài viết thú vị của BlogAnChoi:

Xem thêm

Mỹ Diệu là ai? Danh tính của "nàng mèo" được cộng đồng mạng gọi là "hệ tư tưởng"

Nếu bạn thường xuyên theo dõi các trang mạng xã hội như Facebook hay TikTok thì không khó để bắt gặp hình ảnh hay videos của chú mèo có cái tên thật "kiêu" - Mỹ Diệu. Mỹ Diệu nổi lên như một hiện tượng nhờ vào tướng ngồi làm nên thương hiệu, những pha đào cát có sức "công ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận