Ngày 20/7/1969 là một cột mốc đáng nhớ nhất của con người. Đó là khoảnh khắc mà loài người lần đầu tiên đặt chân lên một thiên thể khác bên ngoài không gian vũ trụ – Mặt Trăng, mở ra kỷ nguyên khai phá vũ trụ của nhân loại. Thế nhưng vì sao sau 50 năm, vẫn chưa có phi hành gia nào quay trở lại mặt trăng? Có phải là do rào cản về khoa học công nghệ hay một lý do nào khác? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu lý do ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Quay trở lại Mặt Trăng như những năm 70 của thế kỷ trước
Quay về thời điểm 50 năm về trước, đó là khoảng thời gian mà Mỹ bắt đầu tiến hành kế hoạch Apollo đưa người lên Mặt Trăng của mình. Từ những năm 1968 cho tới 1972, Mỹ đã thực hiện tổng cộng 11 sứ mệnh Apollo. Trong đó có 6 sứ mệnh là được hoàn thành xuất sắc. “Gã khổng lồ” đã thành công đưa được 24 phi hành gia đặt chân lên mặt trăng sau đó quay trở về an toàn.
Khi ấy là thời điểm Chiến Tranh Lạnh đang diễn ra, Mỹ và Liên Xô chạy đua và cạnh tranh nhau về nhiều mặt. Đối với lĩnh vực hàng không vũ trụ, Mỹ có vẻ yếu thế hơn và đã nhiều lần bị vượt mặt. Đó cũng chính là một phần lý do và động lực khiến ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ chịu chi và quyết tạo một dấu ấn gì đó trong kế hoạch chinh phục không gian này.
Tại sao chúng ta vẫn chưa trở lại Mặt Trăng?
Tại sao không đưa con người quay lại Mặt Trăng có lẽ là một câu hỏi mà không ít người thắc mắc. Liệu có phải khoa học công nghệ là một rào cản hay không? Hay còn một vấn đề nào khác ẩn sau đó nữa?
Khoa học công nghệ không phải là rào cản đưa con người trở lại Mặt Trăng!
Trong sứ mệnh Apollo đưa con người lên cung trăng thì sự phát triển của khoa học công nghệ chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ để làm nên sự thành công này. Khoa học công nghệ không thể là một rào cản trong kế hoạch quay trở lại Mặt Trăng của con người.
Những chiếc điện thoại thông minh ngày nay dù là loại thấp nhất cũng có những thông số kỹ thuật gấp hàng triệu lần cỗ máy dùng để tính toán đưa con người lên Mặt Trăng. Mọi thông số từ bộ nhớ RAM, bộ nhớ trong, xung nhịp CPU cho tới số phép tính có thể thực hiện trong một giây… tất cả đều hơn hẳn AGC (Apollo Guidance Computer – chiếc máy tính hỗ trợ tính toán cho sứ mệnh Apollo).
Do vậy, khoa học công nghệ chắc chắn không thể là rào cản cho việc quay lại cung trăng của loài người được.
Kinh phí là lý do chính khiến cho việc quay trở lại Mặt Trăng gặp khó khăn
Đối với mọi vấn đề trong cuộc sống thì tiền luôn là một yếu tố đóng vai trò quan trọng. Trong sứ mệnh Apollo cũng vậy. Sau kế hoạch chinh phục “chị Hằng”, nước Mỹ đã ném đi theo đúng nghĩa đen 13 quả tên lửa Saturn V, với mỗi quả có kích cỡ như một toà nhà 36 tầng và nặng từ 2800 đến gần 3000 tấn. Giá của mỗi chiếc tên lửa “chỉ” dao động đâu đó khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ thời điểm bấy giờ.
Và tổng chi phí cho sứ mệnh Apollo từ năm 1961 đến năm 1972 đã tiêu tốn của người dân Mỹ 25,4 tỷ USD theo giá của những năm 1973 (tương đương với khoảng 160,8 tỷ USD thời điểm hiện tại).
Theo ông Jim Bridenstine, các chương trình khám phá Mặt Trăng quá dài hơi và tiêu tốn quá nhiều tiền. Thành ra, kinh phí hỗ trợ sứ mệnh mới chính là rào cản thực sự ngăn cản con người quay lại Mặt Trăng.
Không còn mục đích rõ ràng để quay trở lại Mặt Trăng
Thời điểm trước – khi mà Chiến Tranh Lạnh đang diễn ra, hai cường quốc Mỹ và Liên Xô không ngừng đố kỵ và đầu tư phát triển về mọi mặt, trong đó có cả sứ mệnh thám hiểm không gian của con người. Nhưng nay, Cold War đã chấm dứt và Liên Xô cũng không còn, các nước lớn đều mất đi lý do và động lực để tiếp tục “đốt tiền” vào những dự án như thế này.
Nếu trở lại Mặt Trăng với mục đích khám phá hay nghiên cứu về Mặt Trăng thì điều đó là không cần thiết bởi vì họ có thể tận dụng những thành tựu của Mỹ từ sứ mệnh Apollo.
Tin vui là trong một vài năm tới, Mỹ sẽ có kế hoạch đưa con người quay trở lại Mặt Trăng một lần nữa. Cùng với những con tàu có thể tái sử dụng của tập đoàn SpaceX, trong tương lai, việc du hành ngoài không gian có thể tiết kiệm được rất rất nhiều tiền. Đây sẽ là bước đệm để mở đầu kỷ nguyên khai phá các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời và vũ trụ.
Một số chủ đề khác có thể bạn quan tâm:
- Stephen Hawking – Ông hoàng vật lý, nhà thiên văn học đại tài của thế kỷ XXI
- Tunguska – Vụ nổ bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại
Các bạn nhớ theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những tin tức thú vị khác nhé!