Thế giới cổ đại vẫn còn ẩn chứa rất nhiều thông tin thú vị mà chúng ta chưa biết hoặc nghĩ là mình đã biết nhưng thực ra lại không phải. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 10 quan niệm sai lầm về thế giới cổ đại mà phần lớn thế giới vẫn còn tin tưởng nào.
- 1. Khủng long trông giống loài bò sát
- 2. Người cổ đại theo chế độ ăn kiêng Paleo
- 3. Người Ai Cập viết bằng chữ tượng hình
- 4. Các kim tự tháp luôn có màu cát
- 5. Người Hy Lạp cổ đại mặc áo toga
- 6. Chiếc hộp Pandora
- 7. Võ sĩ giác đấu luôn chiến đấu đến chết
- 8. Võ sĩ giác đấu có cơ bụng hoàn hảo
- 9. Người La Mã có vệ sinh tuyệt vời
- 10. Chiều cao của con người trong quá khứ
1. Khủng long trông giống loài bò sát
Trong văn hóa đại chúng, khủng long trông giống loài bò sát khổng lồ với lớp da có vảy. nhưng những phát hiện cổ sinh vật học hiện đại cho thấy khủng long giống chim hơn là thằn lằn. Hầu hết chúng đều có lông vũ – thậm chí cả loài T-Rex nổi tiếng cũng vậy!
Điều này thực sự không có gì đáng ngạc nhiên vì loài chim tiến hóa từ khủng long. Vậy nên trên thực tế, khủng long sẽ trông giống như những con gà khổng lồ, có răng, có móng vuốt, không có cánh, cách di chuyển và thói quen giống chim. Khủng long cũng không gầm lên như trong phim mà có tiếng kêu na ná như chim bồ câu vậy.
2. Người cổ đại theo chế độ ăn kiêng Paleo
Gần đây, nhiều người hâm mộ lối sống lành mạnh có xu hướng cho rằng việc quay trở lại chế độ ăn của tổ tiên thời cổ đại – Paleo – sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn. Chế độ ăn kiêng Paleo phổ biến chỉ bao gồm những gì mà những người săn bắt và hái lượm thời cổ đại có thể có được: thịt, cá, rau xanh, trái cây và các loại hạt; không chứa sữa, ngũ cốc hoặc các loại đậu.
Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ ăn kiêng Paleo hiện đại có rất ít điểm chung với chế độ ăn của người thời đồ đá. Nó chứa quá nhiều thịt và cá trong khi con người thời xưa hiếm khi có được các thực phẩm này, trong khi đó thực vật – bao gồm các những loại rễ, hoa và thảo mộc mà ngày nay coi là không ăn được – lại không đủ. Bạn sẽ không thể tái tạo một chế độ ăn thực sự của thời đồ đá vì qua hàng thiên niên kỷ, thực vật đã thay đổi, các loại rau trái hiện tại hoàn toàn không giống với những loại rau trái mà tổ tiên chúng ta từng ăn.
3. Người Ai Cập viết bằng chữ tượng hình
Người Ai Cập đã sử dụng chữ tượng hình trong gần 4.000 năm nhưng không phải lúc nào họ cũng viết bằng loại chữ này. Theo các nhà nghiên cứu, những chữ viết phức tạp này chỉ được sử dụng trong những dịp đặc biệt vì người Ai Cập tin rằng chữ tượng hình có ma thuật, nếu điều gì đó được viết theo bằng chữ tượng hình thì nó sẽ trở thành sự thật.
Ngoài ra, loại chữ này rất khó và tốn rất nhiều thời gian viết nên người Ai Cập có chữ riêng dùng cho cuộc sống hàng ngày, được gọi là chữ viết theo cấp bậc và sau này là chữ của bình dân.
4. Các kim tự tháp luôn có màu cát
Dưới thời các pharaoh, các kim tự tháp đều có màu trắng như tuyết! Chúng được xây dựng từ đá vôi trắng, bề mặt bóng loáng của đá phản chiếu tia nắng mặt trời tốt đến mức rất chói mắt. Theo thời gian, bề mặt đá bị mài mòn không đồng đều và phủ đầy cát nên mới có màu sắc như hiện nay.
5. Người Hy Lạp cổ đại mặc áo toga
Mọi người hay tưởng tượng người Hy Lạp cổ đại là những vận động viên cơ bắp hoặc là những triết gia có bộ râu xám, thân hình lực lưỡng, chỉ mặc những tấm vải rộng che chắn cơ thể trần trụi – loại áo tên là toga.
Nhưng sự thật là người Hy Lạp không mặc áo toga. Chúng được phát minh bởi người Etruscans, sau đó người La Mã vay mượn ý tưởng và đặt cho nó cái tên hiện tại là toga. Người La Mã thường nhuộm toga bằng nhiều màu sắc khác nhau, có cả các hoa văn cho nền vải. Những bộ toga màu trắng thường được mặc bởi những người nộp đơn làm việc tại các cơ quan chính phủ.
Người Hy Lạp thích mặc quần áo bằng vải xếp nếp theo nhiều phong cách khác nhau, bao gồm cả chiton, peplos và heation, và họ không mặc chúng trực tiếp lên cơ thể mà mặc bên ngoài đồ lót – một loại khố tên là perizoma – hoặc các loại quần áo khác.
6. Chiếc hộp Pandora
Trong thần thoại Hy Lạp mà chúng ta biết, Pandora – người phụ nữ đầu tiên trên Trái Đất – đã tò mò và mở chiếc hộp cất giữ mọi rắc rối của thế giới do thần Zeus trao cho nàng. Kể từ đó, cụm từ “chiếc hộp của Pandora” đã trở thành danh từ chung và được rất nhiều người biết đến.
Nhưng trong huyền thoại thật sự của người Hy Lạp thì không có chiếc hộp nào cả. Thay vào đó, Zeus đưa cho Pandora một chiếc pithos – kiểu bình gốm lớn đựng dầu ô liu. Khi Erasmus ở Rotterdam dịch câu chuyện của Hesiod về Pandora sang tiếng Latin vào thế kỷ 16, ông đã nhầm lẫn từ pythos với một pyxis, vậy nên cụm từ “chiếc hộp của Pandora” thực ra là một lỗi dịch thuật.
7. Võ sĩ giác đấu luôn chiến đấu đến chết
Các đấu sĩ thực sự không chết nhiều như người ta thường tin vì cái chết của đấu sĩ trên đấu trường đồng nghĩa với việc mất đi khoản đầu tư rất lớn.
Trước các trận đấu, những người muốn tham gia đã thuê các đấu sĩ từ các huấn luyện viên và nếu võ sĩ chết, họ buộc phải trả gần 50 lần chi phí thuê tiền bồi thường. Việc huấn luyện và chuẩn bị cho một đấu sĩ cũng tiêu tốn một khoản tiền khá lớn của chủ nhân đấu dĩ đó. Vì vậy, họ sẽ được chăm sóc chu đáo và sau trận đấu, kẻ thua cuộc không bị kết liễu mà được điều trị vết thương.
Người ta tin rằng cứ 10 trận đấu thì mới có một trận kết thúc bằng sự chết chóc.
8. Võ sĩ giác đấu có cơ bụng hoàn hảo
Nhờ phim ảnh mà chúng ta thường tưởng tượng võ sĩ giác đấu là những vận động viên cơ bắp, đẹp trai, bán khỏa thân khi thi đấu. Thế nhưng, theo các nhà nhân chủng học đến từ đại học y Vienna khi nghiên cứu hài cốt của các chiến binh này, họ tiêu thụ ít protein động vật nhưng lại ăn nhiều các loại đậu và ngũ cốc giàu carbohydrate – có nghĩa là họ có một lớp mỡ khá dày dưới da chứ không phải là cơ bắp.
Chế độ ăn kiêng này giúp tạo ra chất béo và bảo vệ họ khỏi các chấn thương. Cuộc chiến của các võ sĩ giác đấu không phải lúc nào cũng kết thúc bằng cái chết nhưng chúng vẫn đẫm máu và tàn khốc. Một chiến binh có lớp mỡ dày sẽ có cơ hội tránh bị tổn thương nội tạng khi bị tấn công bằng kiếm hơn. Vì vậy, chắc chắn họ không phải là những chàng trai có thân hình hoàn hảo.
9. Người La Mã có vệ sinh tuyệt vời
Người La Mã có đường ống nước, cống rãnh, nhà tắm và cống dẫn nước nhưng vấn đề vệ sinh của người La Mã vẫn được đánh giá quá cao. Các nhà khảo cổ biết rằng người La Mã cổ đại thường phải chịu đựng hàng loạt ký sinh trùng đường ruột, bọ chét, chấy rận và các bệnh như kiết lỵ, thương hàn và dịch tả.
Người La Mã có phòng tắm hơi và nhà vệ sinh công cộng nhưng nước ở đây hiếm khi được thay và nhà vệ sinh thì bẩn. Để vệ sinh vùng kín, người ta sử dụng bọt biển gắn trên que và sau khi sử dụng xong thì chúng bị ném lại vào bể nước bẩn, chờ đợi vị khách tiếp theo.
Người La Mã còn súc miệng bằng nước tiểu – của cả người và động vật – để giữ răng sạch và sử dụng nó như một thành phần trong một số loại thuốc.
10. Chiều cao của con người trong quá khứ
Nhiều người có xu hướng lý tưởng hóa quá khứ và cho rằng hàng nghìn năm trước, Trái Đất là nơi sinh sống của những người khổng lồ cao lớn. Những người khác lại tin rằng con người rất lùn trong thời cổ đại. Thế nhưng, nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, loài người trên hành tinh này từng có chiều cao tương đương với chúng ta hiện nay.
Chiều cao trung bình của con người có thể dao động – cao hơn và thấp hơn – do những thay đổi trong điều kiện sống. Trong 150 năm qua, chiều cao trung bình của con người ở các nước phát triển đã tăng khoảng 10 cm. Trước đó, nó đã giảm dần từ khoảng 173.4 cm vào đầu thời Trung cổ xuống còn gần 167 cm vào thế kỷ 17-18.
Những biến động này gắn liền với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân. Vì vậy, chiều cao chỉ tăng trưởng khi điều kiện sống được cải thiện chứ không chỉ tăng theo thời gian.
Bạn có thể đọc thêm:
Các bạn thấy bài viết này như thế nào? Mình rất muốn biết ý kiến của các bạn.